Chương 3: Trong núi vô tình gặp gỡ

Trong hậu điện Từ An tự, cách một cái bàn thấp, có hai người đang khoanh chân ngồi trên bồ đoàn, mặt mũi trầm tĩnh, ăn mặc thanh lịch.

Trong phòng thắp nến hương, sương mù lượn lờ, trước cửa sổ bày bồn tùng bách, tăng thêm vẻ tươi mát cho căn phòng.

“Đại sư, lần này tới đây, vẫn là vì bệnh khó chữa của thế tử. Một năm trước có cầu hương đốt trong tự, mấy tháng đầu dùng rất hiệu quả. Chỉ là tới cuối năm, dần dần có xu hướng ức chế không nổi. Hiện giờ thì hoàn toàn không có công dụng. Còn thỉnh đại sư chế hương mới, giải trừ chứng khó ngủ cho thế tử.”

Nói chuyện là văn sĩ trung niên kia, lúc này không còn chút cao cao tại thượng hơn người một bậc, bộ dạng cung cung kính kính đứng hầu một bên, trong lời nói là sự khẩn cầu.

“Nhanh như vậy đã không còn tác dụng?” Ấn đường phương trượng nhíu lại, ngón cái niết niết Phật châu trong tay, nhắm mắt, hồi lâu mới thở dài bùi ngùi, chậm rãi lắc đầu trong ánh mắt thất vọng của văn sĩ.

“Như vậy, lão nạp cũng bó tay bất lực.”

‘Vù’ một tiếng, lưỡi đao sắc bén phá không, đầu thương đã dừng trước ấn đường lão hòa thượng. Hành động vô lễ như vậy cũng không làm phương trượng kia lay động, chỉ nhắm mắt, từng câu từng chữ bắt đầu niệm kinh. Dáng vẻ nghiêm trang, hiển nhiên đã nhìn thấu sinh tử luân hồi.

“Chu Chuẩn.”

“Vâng.” Không cam lòng thu hồi cây thương, người tên Chu Chuẩn, diện mạo tuấn tú, nghe thế tử phân phó đành phải lui sang một bên.

“Dùng dược khác cũng vô dụng?” Người ngồi trên bồ đoàn còn lại hỏi, giọng nhẹ nhàng lại mềm mỏng. Dường như việc này không hề liên quan tới y, thập phần hờ hững.

Trên đầu nam tử chỉ có một cây trâm ngọc để vấn tóc, còn chưa đội mũ [1], tuổi chưa tới mười lăm. Tiếng nói khàn khàn đặc hữu của thiếu niên đang tuổi lớn, toàn thân lại lộ ra một cổ trầm tĩnh, hai mắt nhìn thẳng, không hề gợn sóng.

[1] Cổ đại 20 tuổi sẽ làm lễ đội mũ để biểu thị đã trưởng thành.

“Hương đốt tầm thường, không thể trị tận gốc chứng bệnh khó chữa của thế tử. Nếu tìm được biện pháp hữu dụng hoặc phụ trợ, cũng có thể thử một lần.”

“Biện pháp? Tìm ở nơi nào?” Hiển nhiên không có khí độ như thế tử nhà mình, Chu Chuẩn thấy lão hòa thượng nói chuyện, toàn là lời nói suông, thì trong mắt đã có hàn quang xẹt qua.

Niệm một câu ‘a di đà phật’, phương trượng thở dài, tiếc nuối lắc đầu. Nếu như biết được, ông đã sớm tha phương cầu thuốc, chỉ mong hồi báo lão quốc công năm đó có ân.

Nam tử ngồi xếp bằng trầm ngâm một lát, rồi nâng tay vẫy lui tâm phúc đằng sau.

“Hai người ra ngoài cửa trông coi. Đợi bổn thế tử nghe phương trượng giảng một khóa, liền hồi phủ.”

Bốn phía không còn người quấy rầy, chỉ dư lại tiếng tụng kinh của lão hòa thượng, theo tiếng chuông ngân nơi chùa cổ, tâm cũng dần dần tĩnh lại.

“Đại sư không hỏi nguyên do cơn ác mộng?”

Chắp tay trước ngực, phương trượng đại sư mặc một thân áo gai màu xám đậm, cả người lộ ra khí độ xuất trần.

“Mỗi người đều tự có duyên pháp. Thế tử chấp nhất [2] rồi.”

[2] gốc là một từ của Phật giáo, ý chỉ chăm chăm vẻ bề ngoài mà lệch mất bản chất vấn đề.

Lời nói này có hàm ý. Giống như chưa nói điều gì, nhưng từng chữ lại tựa như châu ngọc, giống như một lời đã nói hết.

Trong mắt nam tử chợt lóe lên tia sắc bén rồi biến mất, nhìn ông chăm chú, rồi mới nhắm mắt lại, từ bỏ hết thảy.

Lão hòa thượng không bị ảnh hưởng, gõ mõ đọc xong một chương, lại một chương kinh, lúc mở mắt, giống như hiểu rõ mà gật đầu, nhìn nam tử đối diện, trầm giọng nói: “Tâm thế tử, tĩnh rồi.”

Giữa phật đường, tịnh tâm chú lượn lờ vang vọng. “Hữu hình giả, sinh với vô hình, vô năng sinh hữu, có quy về vô. Này đây, phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng… [3]”

[3] Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng là một câu của Phật giáo, nghĩa "Bất cứ vật gì hễ có hình tướng đều là giả dối. Nếu thấy các tướng không phải hình tướng, như thế mới tạm gọi là thấy được Như Lai." Ý chỉ vạn vật có hình tướng đều là không chân thật, đến khi hiếu thấu sẽ đạt được giác ngộ.

Còn trước bảo điện Đại Hùng, Xuân Anh quyên tiền dầu mè đã trở lại, thấy Thất cô nương đang đứng giữa đình viện, không đi điện Quan âm xin quẻ sâm. “Tiểu thư, vì sao người không đi xin quẻ cùng Ngũ cô nương?”

Thất cô nương xua tay, không có hứng thú nói: “Thay vì bản thân phải lo lắng đề phòng, thì hóng xem trò vui không phải là tốt hơn sao?”

Vận mệnh bị người khác đoán giải, cho dù là tốt hay xấu, thì sau này cũng không an tâm được.

Nếu nói mệnh tốt, vậy sau này khi gặp điều không như ý, thì sẽ oán trách người khác, tăng thêm bất bình.

Còn nếu nói không tốt, chẳng cần chờ đến sau này, vừa bước ra khỏi sơn môn này thôi, chỉ sợ lòng đã không yên.

“Trước mặt phật tổ, nói lời hồ đồ gì đó!” Vừa dâng hương xong, Hứa thị nghe Thất cô nương nói lời không trang trọng như vậy, thì lập tức bắt người răn dạy nghiêm nghị.

“Vâng, vâng, thái thái nói đều đúng. Con đây, là trẻ nhỏ ăn nói không lựa lời, liền đi cấp Bồ Tát bồi tội.” Nói xong, mặt không biến sắc, tiến vào điện, cung cung kính kính vái ba vái.

Làm xong, xoay người trở lại, nghiêng đầu nhìn Hứa thị, thấy người đã nguôi giận, mới lộ ra chút tinh nghịch.

“Chỉ có lúc phạm sai, mới biết điều như vậy.” Duỗi tay chọc vào trán nữ nhi, cuối cùng Hứa thị cũng lộ ra gương mặt tươi cười.

Nữ nhi này của bà, cái gì cũng tốt, chính là tính tình hơi lạnh nhạt. Không giống Ngũ cô nương Khương Nhu tranh cường háo thắng, mà là quật cường từ trong xương cốt. Lại cũng không giống mấy cái thứ nữ vâng vâng dạ dạ, nhưng lại cực lực gạt người, tính toán nhỏ nhặt.

Xảy ra một màn này, việc xin sâm tự nhiên là từ bỏ. Xin sâm chú trọng thành tâm, miễn cưỡng sợ là không còn chuẩn nữa.

“Thái thái, ngài và thái thái đại phòng hãy dùng trà trong hậu viện, nghe đại sư giảng kinh. Chuyện tụng kinh niệm phật, tuổi tác quá nhỏ, thì thật sự nghe không hiểu. Dứt khoát cho phép con dẫn người đi sau núi, du ngoạn hang đá nổi danh thiên hạ của Từ An tự một phen. Trước bữa trưa con sẽ trở lại.”

Tìm được cơ hội để có thể một mình đi nơi thanh tịnh, Thất cô nương kéo cánh tay Hứa thị, lắc lắc, lại lắc lắc.

“Theo ý con đi, đừng có để mình bị chóng mặt đấy. Nhớ đừng đi quá xa, mang theo Thôi ma ma đi cùng.” Hôm nay Từ An tự không đón khách lạ. Trừ bỏ nữ quyến quận thủ phủ, cũng chỉ có mấy người không rõ thân phận kia. Có lẽ với thân phận của người kia, thì cũng sẽ không có hành động nào ảnh hưởng văn nhã. Nên Hứa thị cũng yên tâm thả người.

Từ An tự đất rộng mênh mông, có lịch sử lâu đời. Tinh túy trong tự lại là hang đá sau núi, “Ngàn Phật động”.

Thất cô nương đi một đoạn đường núi hiểm trở, nhưng chỉ khoảng non nửa khắc, đã thấy miệng hang được xây dọc theo núi.

“Không tô màu, tượng Phật càng có phong cách cổ xưa trang nghiêm.” Quan sát lần lượt từng tượng Phật một, Khương Viện đi đầu, để lại Thôi ma ma và Xuân Anh đang thành kính lễ bái. Chỉ có Lục Phù một tấc cũng không rời, trong mắt có chút bất lực. Bộ dáng Thất cô nương như vậy, nào phải tới dâng hương, rõ ràng là đi chơi mới chuẩn xác.

Đầu đàng kia của hành lang hẹp dài, đi xuống nữa là một tòa thạch đình giữa sườn núi. Bên trái thạch đình có một gốc cây lớn che trời. Cả thân cành vươn ra tạo bóng râm, bên còn lại thì trụi lủi, không có chiếc lá nào.

“Cô nương, cây này sinh trưởng thật cổ quái.” Lục Phù ngước mắt nhìn, nhấc tà váy chạy quanh một vòng.

“Chát.” Thôi ma ma xụ mặt giả bộ véo lỗ tai nàng một cái, “Từng hàng cây ngọn cỏ trong cổ tháp đều có linh tính, không được phép hồ ngôn loạn ngữ, liên lụy cô nương.”

Lục Phù ấm a ấm ức nói "Đã biết", rồi xoay người giúp đỡ Xuân Anh thu xếp trà bánh trên bàn.

Thất cô nương mỉm cười, không hổ là người thái thái đưa cho nàng, Thôi ma ma được mẫu thân dạy dỗ rất khá. Nói tới Thôi ma ma, cũng chỉ mới hơn hai mươi, là người hầu nhà mẹ đẻ Hứa thị ngàn chọn vạn tuyển rồi mới đưa tới.

Bưng trà lúa mạch lên nhấp, loại trà chuyên dùng chiêu đãi khách trong tự, ngồi nghỉ trong đình, đối diện là dãy núi xa xa, tầng tầng lớp lớp, xanh ngát bao la, cảnh đẹp ý vui. Đứng dậy đi đến chỗ dựa lan can, tấm lòng cũng rộng mở hơn.

“Thật là cảnh trí khó có được! Ta thấy núi xanh đẹp vô ngần, liệu núi xanh có thấy ta như vậy hay không [4].”

[4] Trích thơ của Tân Khí Tật

Thôi ma ma vui mừng phụ họa. Từ nhỏ nhìn cô nương lớn lên, coi nàng như khuê nữ mà yêu thương. Hài tử nhà mình luôn thấy tốt, do đó lời khen có chút quá sự thật.

“Cô nương, lại chờ vài năm nữa, cô nương tất sẽ là nhất đẳng tuyệt sắc trong quận, há có thể dùng "đẹp vô ngần’ là miêu tả được. Lại nghe thơ, thập phần không tồi, ngày sau cô nương có thể lại có chút tài danh.”

Khương Viện ngẩn ra, liền biết bà hiểu lầm. Bài thơ này cũng không phải khen ‘’đẹp vô ngần", mà là gửi gắm tình cảm núi sông.

“Thơ này không phải người như ta có thể làm ra được. Nghĩ tới là hợp với cảnh này, liền mượn tới dùng thôi.”

“Thôi ma ma ngài xem. Ngài khen ngợi như vậy, da mặt cô nương mỏng, làm sao không biết xấu hổ mà nhận đây?” Hạ nhân trong Đào Hoa Ổ đều biết, cô nương nhà mình từ nhỏ thích đọc sách ngâm thơ, làm câu đối đã tính là gì, chỉ nghĩ nàng đang khiêm tốn mà thôi.

Khương Viện cười mỉm, kệ các nàng trêu ghẹo.

Nàng không nghĩ tới danh lợi, càng sẽ không mượn thơ từ kiếp trước mà khoe khoang. Nàng đã làm sáng tỏ, tin hay không là chuyện của người ta.

Cuộc sống cứ trôi qua như vậy cũng tốt. Ấm áp yên lặng, cười cười nói nói. Thay đổi thời không, cũng không phải không thể sống tốt.

Thất cô nương Khương gia không biết, rừng trúc phía sau thạch đình có mấy người đang nghỉ chân ở đấy. Thấp thoáng sau cành lá, vừa lúc có thể nhìn thấy nha hoàn bà tử bên kia, mỗi lời nói cử động, đều thu vào đáy mắt.

Ánh mắt nam tử dừng trên người nàng, trầm tư thật lâu, không nói lời nào.