Lấy đồng làm gương, có thể ngay ngắn áo mũ; lấy người làm gương, có thể sáng tỏ được mất; lấy sử làm gương; có thể hiểu biết hưng vong.
Câu danh ngôn lưu truyền thiên cổ đó của Đường Thái Tông, là ý nói rằng: Ông là hoàng đế chí cao vô thượng, cũng phải đọc làu sách sử.
Nhưng cũng lại chính là vị hoàng đế có một không ai ấy, lại mở ra tiền lệ can dự vào việc của sử quan. Trước kia dù vua chúa hoang da^ʍ vô đạo đến đâu, cũng không dám làm thế.
Dù đế vương thời xưa một tay che trời, nhưng sử quan trong quá trình phụng mệnh ghi chép lịch sử cung đình, vẫn có quyền độc lập nhất định. Đặc biệt là "Khởi cư chú" do sử quan ghi chép, để đảm bảo tính khách quan công chính, theo thông lệ, đến hoàng đế đương triều cũng không được xem, đó cũng là có ý nhắc nhở đế vương không được làm bậy. Nhưng Lý Thế Dân cố làm theo ý mình, luôn lo lắng trong lòng về chuyện ép cha, gϊếŧ anh em, những năm cuối đời mấy lần đòi xem "Khởi cư chú". Ban đầu các đại thần như Chử Toại Lương còn có thể từ chối ông, sau này không từ chối được nữa, mới sửa "Khởi cư chú" thành thực lục để cho ông xem.
Vì vậy sử quan đời Trinh Quán khi soạn "Cao Tổ thực lục" và "Thái Tông thực lục", cố ý phô bày công lao của Lý Thế Dân trong những năm Vũ Đức, xóa bỏ thành công của thái tử Lý Kiến Thành, hạ thấp vai trò của Cao Tổ. Sách còn miêu tả vụ khởi binh ở Tấn Dương thành kế hoạch tinh vi của Thái Tông, còn Cao Tổ thì ở vào thế hoàn toàn bị động; vụ biến Huyền Vũ Môn trở thành việc bất đắc dĩ.
Không sai, Lý Thế Dân quả đúng là một vị vua tốt hiếm có, biết nghe lời can gián, biết dùng người tài, mở ra thời kỳ thịnh thế nhà Đường. Nhưng không ai biết rằng, nếu thái tử Lý Kiến Thành lên ngôi vua, thì liệu có làm tốt hơn ông được hay không.
Được làm vua thua làm giặc, đó là quy tắc bất biến của lịch sử trăm ngàn năm nay.
Lý Kiến Thành chết dưới Huyền Vũ Môn, trở thành một vết nhơ trong lịch sử thời Sơ Đường, để người ta dễ dàng trát một lớp phấn dày lên, che đậy nó đi.
Lịch sử cũng giống như một cô gái nhỏ, xấu đẹp trong mắt mỗi người là khác nhau, thậm chí có thể tô điểm theo sở thích cá nhân.
Sửa chữa sách sử triều trước, là một việc lớn của vua triều mới. Cũng như cướp được con gái nhà người khác về, rồi có thể tự do bình phẩm. Nói cô nàng xinh tức là xinh, nói cô ta xấu tức là xấu.
Còn sau thời Sơ Đường, hoàng đế cũng có thể tùy tiện can thiệp vào việc của sử quan, vậy thì cô gái lịch sử ấy rốt cuộc là trông như thế nào, ta càng khó biết được.
Không thể nói rằng sử sách không đáng tin, nhưng cũng không thể hoàn toàn tin.
Bởi thế, vô số nhà văn đã tô vẽ cho cô nàng lịch sử.
Bởi thế mới có "Tam quốc diễn nghĩa" ca ngợi Lưu Bị chê bai Tào Tháo, mới có "Thủy hử" một trăm lẻ tám anh hùng Lương Sơn Bạc, mới có "Tây du ký" với bốn thầy trò Đường Tăng lấy kinh đánh quái, mới có "Hồng lâu mộng" với Đại Quan Viên.
Trong tứ đại danh tác kể trên, rất nhiều người đều có thể biết ba bộ sau có nhiều phần hư cấu khoa trương, nhưng còn "Tam quốc diễn nghĩa" thì bị rất nhiều người coi như sự thật lịch sử.
Nhưng, sự thật là, vũ khí của Lã Bố không phải Thiên Phương Họa kích, vũ khí của Quan Vũ không phải là Thanh Long Yển Nguyệt đao, mà đều là trường mâu, loại vũ khí phổ biến thời Tam Quốc. Không có chuyện "tam anh chiến Lã Bố", còn "ôn tửu trảm Hoa Hùng" là do Tôn Kiên làm, Đường Hoa Dung thả Tào Tháo là trách nhiệm của Lưu Bị, hơn nữa sự thật không phải là vì ông ta đại nghĩa nên tha Tào Tháo, chẳng qua ông ta đến muộn, Tào Tháo đã chạy thoát. Trong lịch sử Gia Cát Lượng không hề dụng binh như thần, mà giỏi công việc chính trị, dụng binh không phải sở trường. Ba lần chọc tức Chu Du hoàn toàn là bịa đặt, khi Chu Du bệnh nặng qua đời, Gia Cát Lượng vẫn còn đang làm hậu cần ở Linh Lăng, không hề gặp Chu Du. Còn Chu Du bị mang tiếng là bụng dạ hẹp hòi, thực ra lại được chính Lưu Bị khen là tấm lòng rộng lượng...
Mà không chỉ có "Tam quốc diễn nghĩa", một trăm lẻ tám anh hùng trong "Thủy hử" đều là hư cấu, còn Tống Giang thì lại là thật. Trong "Tây du ký" có Đường Huyền Trang là thật, còn "Hồng lâu mộng" thì là tác giả cảm thương thân mình mà viết nên.
Tiểu thuyết là tiểu thuyết, lịch sử là lịch sử, cho dù không có ai biết cô nàng lịch sử đã được mọi người tô son trát phấn kia, dưới lớp phấn dày có phải một gương mặt thanh tú xinh đẹp hay không, nhưng tôi vẫn mong mọi người thích cô ấy.
Còn việc mọi người thích tiếp tục tô son trát phấn lên mặt cô ấy, hay quyết tâm dùng nước gột rửa sạch son phấn đi, đó là tùy vào sở thích.
Tôi thích cổ vật, vì thế mới có "Á Xá", nhưng căn bản nhất là vì tôi thích cô nàng tên là Lịch Sử ấy.
Tôi thích tiếp tục trang điểm cho cô ấy, và cũng thích dùng dung dịch tẩy trang để rửa bớt đi những lớp phấn dày.
Vì thế nên trong "Á Xá" mới có một Tần Thủy Hoàng không phải là bạo chúa, một Hạng Vũ thích ở nhà làm ruộng, một Lan Lăng vương thực ra không biết đánh trận... Tuy rằng có những lúc trang điểm hơi quá đà, nhưng tôi vẫn cố gắng căn cứ vào mắt mũi của cô nàng lịch sử để phát huy, đại bộ phận những suy đoán đều là có căn cứ nhất định. Những nhận xét về Tần Thủy Hoàng, các bạn có thể tham khảo sách "Chân Tần Thủy Hoàng" của Trình Bộ tiên sinh, về chuyện tác giả "Hồng lâu mộng" là Tào Tuyết Cần hay Hồng Thăng, là do phái Hồng học Thổ Mặc Nhiệt đề xuất. Sau này sẽ còn có nhiều hơn những nghi vấn lịch sử, các bạn có thể chờ đợi.
Gương mặt mộc của cô nàng lịch sử ra sao, không còn ai có thể biết được nữa.
Cho dù là gã chủ tiệm sống hơn hai nghìn năm, những gì gã biết cũng chỉ là phiến diện và chủ quan, dù sao một mình gã cũng không thể tranh cãi được với cả thiên hạ, những gì gã có chỉ là một tiệm đồ cổ be bé mà thôi.
Vì vậy, lịch sử tương đối chính xác thì cần xem "Nhị Thập Tứ Sử". Đó là tên gọi chung của hai mươi tư bộ sử do các triều đại Trung Quốc cổ đại biên soạn, được các triều đại coi là sử sách chính thống, nên gọi là "chính sử". Sách giáo khoa lịch sử được dạy trong nhà trường, chính là được giản lược hóa từ "Nhị Thập Tứ Sử" mà thành.
Thực ra, đó cũng chỉ là một cô nàng lịch sử được miêu tả qua rất nhiều ngòi bút của sử quan. Có thể có người cảm thấy cô nàng không được vừa mắt, nhưng đại đa số đều cho rằng cô ấy rất đẹp, vậy thì gương mặt trang điểm này của cô nàng sẽ là bộ mặt chính thức mà thiên hạ công nhận. Rất nhiều người chỉ công nhận gương mặt hình dáng này của cô nàng lịch sử, nếu thay bằng gương mặt khác là không được.
Nói nhiều như vậy, thực ra chủ yếu tôi muốn nói là, mọi người nên phân định rõ lịch sử dùng để kể chuyện và lịch sử dùng để kiểm tra, đừng mang cô nàng lịch sử mà gã chủ tiệm vẽ ra để đùa với thầy giáo lịch sử... Họ sẽ ghét tôi mất...
Khi kiểm tra, càng không nên mang lịch sử trong Á Xá ra điền vào bài, thầy cô giáo không quen biết cô nàng lịch sử này, họ chỉ quen gương mặt chính thức mà thôi.
Tôi xin nhắc lại lần nữa: Các bạn nào muốn được điểm cao, nhất định phải ghi nhớ gương mặt chính thức của cô nàng lịch sử.
Tập hai của "Á Xá" đã xong, vẫn là mười hai câu chuyện, mười hai món đồ cổ.
Trong chớp mắt mà "Á Xá" đã đi cùng tôi được hai năm.
Nhìn chồng bản thảo xếp ngay ngắn, tôi bất chợt ngây người ra, vì sao lại nhanh thế? Đã hai năm trôi qua rồi.
Chưa từng có cuốn sách nào khiến tôi viết trong thời gian dài đến thế, mà lại bỏ ra nhiều công sức đến thế. Mỗi một câu chuyện đều cần tra cứu rất nhiều tư liệu, ngày xưa đi học tôi còn chẳng chăm chỉ đến vậy.
Hơn nữa xem ra tôi vẫn phải tiếp tục cố gắng nữa.
Bạn bè từng hỏi tôi, "Á Xá" sẽ có bao nhiêu câu chuyện?
Tôi cũng không biết phải trả lời ra sao.
Đồ cổ có rất nhiều loại, câu chuyện cũng có rất nhiều, tôi cũng không biết mình có thể viết "Á Xá" đến lúc nào, nhưng tôi thực sự rất muốn thử viết lịch sử của "Á Xá".
Phải, dã tâm của tôi rất lớn.
Tôi muốn viết hết những chuyện trong cuộc đời gã chủ tiệm, dùng góc nhìn của gã để trải bày ra một thứ lịch sử khác sách giáo khoa, một thứ lịch sử của riêng "Á Xá".
Trong lịch sử "Á Xá", Tần Thủy Hoàng không phải là bạo chúa, Chu Du là con gái, tác giả của "Hồng lâu mộng" không phải Tào Tuyết cần...
Có thể là đúng, có thể là sai, chẳng ai chứng minh được điều gì, chẳng ai có cách nào để chứng minh cả.
Tôi dồn nhiều công sức cho tập hai của "Á Xá", khác với tập một chỉ mô tả qua loa, trong này tôi đã thêm rất nhiều kiến thức lịch sử và đạo lý triết học, để dày đặc tính lịch sử hơn nữa.
Tôi mong rằng những gì mình viết ra có ích cho mọi người, chứ không chỉ có mỗi chuyện "nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản".
Tập ba "Á Xá" sẽ bắt đầu thách thức tới những đồ cổ của đế vương, Phù Tô trở thành "trùm cuối", thực ra điểm này tôi đã dự tính trước. Cả đời hắn được đào tạo để làm đế vương, thế mà chỉ trong chớp mắt đã vật đổi sao dời, giang sơn đổi chủ, ai là người chịu đựng nổi điều đó?
Tập ba sẽ càng thêm đặc sắc, tôi cũng muốn thử thách chính mình, viết truyện "Á Xá" có chiều sâu hơn một chút.
Mong mọi người luôn ủng hộ tôi, cùng tôi nhớ về những năm tháng mà gã chủ tiệm đã đi qua, cùng tôi chứng kiến những câu chuyện đồ cổ, cùng tôi nhìn những buồn vui tan hợp của các nhân vật lịch sử.
Mỗi một món đồ cổ trong Á Xá đều có câu chuyện của mình, rất nhiều năm nay không có ai nghe. Bởi vì, chúng đều không biết nói...
Ngày 29 tháng 3 năm 2012 Huyền Sắc