Chương 98: Cùng đón Tết Thượng Nguyên

Thẩm Thiều Quang cùng uống trà nói chuyện phiếm với Thiệu Kiệt ở hậu trạch phía sau quán rượu Thẩm Ký ở Đông Thị.

“Không ngờ rằng lại còn có người tới trộm sách ở chỗ chúng ta cơ đấy!” Thiệu Kiệt có phần không biết nên khóc hay nên cười.

Hắn kể lại chuyện vừa rồi với Thẩm Thiều Quang. Một sĩ tử tới ăn một bát bánh bột hành hoa, vì số tiền không đạt mức để được tặng sách nên hắn lén nhét một quyển sách trên giá vào tay áo, có lẽ vì là lần đầu tiên làm chuyện này, cho nên luống cuống hấp tấp, ra cửa đυ.ng phải người khác, quyển sách bị rơi ra, thế là lộ chuyện.

Vừa đúng lúc bị Thiệu Kiệt bắt gặp, người làm ăn đều thích dĩ hòa vi quý, Thiệu Kiệt dứt khoát tặng luôn quyển sách cho hắn: “Lang quân để ý tới sách của tệ quán cũng là vinh hạnh của tệ quán.”

Người sĩ tử kia lại càng xấu hổ hơn vì hành vi của mình, lại lần nữa xin lỗi vì chuyện trộm sách.

Thiệu Kiệt lại an ủi hắn: “Chẳng qua là cầm quyển sách về đọc mà thôi, có gì mà tính là trộm chứ? Sau này lang quân làm quan rồi, chuyện này sẽ thành một câu chuyện thú vị đấy.”

Thẩm Thiều Quang bật cười, không ngờ rằng Thiệu lang quân lại là tri kỷ của Khổng Ất Kỷ cơ đấy.

* Khổng Ất Kỷ là tên một truyện ngắn của Lỗ Tấn, đồng thời cũng là nhân vật chính trong truyện. Truyện kể về một quán rượu ở Lỗ trấn, ở đó có một ông Khổng Ất Kỷ ăn mặc như người có học nhưng lại lập dị và nghèo nàn, song lúc nào cũng tỏ ra nghiêm nghị, chính thái độ nghiêm nghị của ông trở thành trò cười cho mọi người. Ông Khổng thường mua nợ, và thường đến quán với những vết thương mà ai cũng biết là vì trộm sách, nhưng ông lại không chịu thừa nhận và tìm cớ để thoát khỏi cái danh ăn trộm. Rồi có một thời gian dài ông Khổng không tới quán, người ta nhớ tới ông vì những trận cười và vì món nợ lâu ngày. Một chiều nọ, ông Khổng trở lại quán với đôi chân què, phải lết bằng tay, nhưng lại vẫn cứ kiểu cách, vẫn khó chịu khi bị nói là ăn trộm sách. Uống xong bát rượu, ông lết đi ngay, để lại sau lưng là những tiếng cười. Kể từ sau lần đó không còn thấy Khổng Ất Kỷ nữa. [trích Wikipedia]

Thiệu Kiệt cũng cười, cảm giác mặc dù mình không có được cái đầu để đọc sách nhưng lại được tấm lòng tôn sùng người đọc sách.

Thẩm Thiều Quang nghĩ ngợi một chút, cười nói: “Hay là vậy đi, chỉ cần để lại thơ cho quán chúng ta thì đều sẽ tặng một quyển cả.” Chừa một lối cho những người đọc sách nghèo khó.

Từ sau hôm hoàng đế tới Đông Thị dạo một buổi và đề thơ thì tập thơ này được tiêu thụ rất nhanh, trước kia những người chẳng thích thú thơ từ văn chương hoặc là những khách quen đã được nhận một quyển rồi thì đều chẳng lấy nữa, nhưng bây giờ thứ này gần như trở thành món hàng xa xỉ để tặng bạn bè thân thích ra vẻ học thức, chẳng cần biết là có làm thơ hay không, có thích thơ hay không, trước kia đã nhận chưa, chỉ cần số tiền đạt mức thì đều nhận một quyển.

Đây còn là phiên bản chưa có “ngự thi” đấy, có thể tưởng tượng được là nếu thêm thơ của hoàng đế vào rồi in lần hai thì sẽ hút khách cỡ nào.

Thẩm Thiều Quang nói với Thiệu Kiệt chuyện in thêm, Thiệu Kiệt vỗ tay: “Ta cũng đang muốn nói với ngươi chuyện này, rất nên.”

Thẩm Thiều Quang tính toán kín kẽ: “Chọn những bài tốt nhất trong số những bài thơ từ mới nhận được gần đây rồi thêm vào luôn, lấy mốc là Tết Thượng Nguyên đi.” Nếu chỉ cho thêm thơ của hoàng đế thì quá lộ liễu, nhưng có thể lấy hoàng đế làm cột trụ.

Thiệu Kiệt chỉ chỉ Thẩm Thiều Quang: “Khôn khéo! Cẩn thận!”

Thẩm Thiều Quang cười ha ha, thế này là lại bắt đầu khen nhau rồi đấy à?

Thiệu Kiệt lại hậm hực: “Ngươi nói xem sao hôm đó ta lại không ở đây chứ? Nếu như ta có ở đây thì chuyện này đủ để ta kể mấy năm, có khi còn có thể viết vào gia phả nhà ta ấy chứ. Cho dù có kiếm được nhiều tiền hơn nữa thì cũng không vẻ vang bằng cái này.”

Thẩm Thiều Quang lại nói: “Muốn vẻ vang còn có cái vẻ vang hơn. Ví dụ đi, tập thơ của chúng ta được đám sĩ tử truyền đi càng lúc càng rộng, đàm luận học vấn mà không nói về lẩu thì đọc hết thi thư cũng đều uổng?”

Thiệu Kiệt quay đầu, phun hết trà trong miệng ra đất.

Thẩm Thiều Quang lại không cười: “Hoặc là ví dụ như, có thiên tai nhân họa thì chúng ta dựng lều phát cháo; biên cương bất ổn phải điều quân viễn chinh thì chúng ta quyên tiền quyên lương thảo; biết có thư viện nào đó thiếu tiền thiếu của thiếu đất thì chúng ta lấy danh nghĩa quán rượu hoặc thậm chí là danh nghĩa của lang quân, dựng “Thiệu lang đường”…”

Thiệu Kiệt không cười nữa, ngẫm nghĩ một lúc, chậm rãi gật đầu.

“Làm những chuyện lợi dân lợi nước chân chính thế này mới thật sự là vẻ vang, gia phả nhà lang quân có thể ghi lại những việc tốt đẹp này.” Thẩm Thiều Quang làm mặt nghiêm túc, sau đó khẽ ho một tiếng, nhấp một ngụm trà: “Đương nhiên, tiện thể kiếm được chút lợi từ danh tiếng “nghĩa thương” cũng là điều chúng ta nên được.”

Thiệu Kiệt cười ha ha, chỉ Thẩm Thiều Quang: “Gian trá, quá gian trá!”

Thẩm Thiều Quang cười to, tiếp nhận lời khen này của hắn.

Nàng không biết rằng sau này Thiệu Kiệt thật sự bước lên con đường công ích, cũng nhờ vậy mà được hoàng đế cất làm triều tán đại phu ngũ phẩm, phẩm cấp cao hơn chức viên ngoại của ông tổ trước kia không ít, Thiệu gia ở trong tay hắn càng ngày càng phát đạt, hắn cũng thật sự trở thành một người được ghi chép vào gia phả với nhiều điều đặc sắc.

Lúc Thẩm Thiều Quang và Thiệu Kiệt triển khai con đường nghĩa thương của mình thì Lâm Yến đang nói chuyện với Tống thị lang bộ Hình về một số điều còn dang dở trong vụ án mới giao lại cho bộ Hình mấy ngày trước.

Nói xong chuyện chính, hai người cùng nhau đi ra khỏi hoàng thành. Trời hơi âm u, gió bấc lạnh buốt, Tống thị lang cười nói: “Thời tiết thế này ăn lẩu là hợp nhất.”

Lâm Yến gật đầu.

Nhớ tới chuyện cùng nhau ăn cơm trước kia, Tống thị lang nửa oán giận nửa đùa giỡn: “Uổng ta trước kia còn khoe của lạ với ngươi, ai biết nhà ngươi mới là lão tổ của món lẩu!”

Hè năm ngoái, kẻ cướp trong quán rượu Thẩm Ký ở phường Sùng Hiền do Kinh Triệu và bộ Hình cùng thẩm vấn, chủ thẩm chính là Lâm Yến và Tống thị lang, Tống thị lang cũng nhờ đó mà biết chuyện của vị bằng hữu này của mình với bà chủ Thẩm Ký. Lại càng khéo hơn là cửa hàng kia chính là của hồi môn của nương tử nhà mình bán ra, mà hắn cũng đã từng gặp vị Thẩm cô nương này, loáng thoáng nhớ rằng đó là một nữ lang xinh đẹp thanh nhã, chả trách Lâm An Nhiên lại mê đắm như vậy, dốc hết lòng hết sức vì chuyện Thẩm gia…

Nhớ ra có vẻ như hắn khá là không thích món lẩu, lúc ăn chỉ nhúng chút cá thái lát, Tống thị lang hơi tò mò: “Ngươi kén ăn như vậy, Thẩm cô nương không chê sao?”

Lâm Yến mỉm cười đáp: “Không chê.”

Tống thị lang gật đầu, có thể thấy Thẩm cô nương là một người dịu dàng hiền lành.

Tống thị lang lại cười hỏi: “Chuyện mừng của An Nhiên cũng sắp sửa rồi nhỉ?”

Nụ cười của Lâm Yến lại càng ấm áp hơn: “Sắp rồi, chắc là khoảng đầu hạ.”

Lâm Yến lại thỉnh giáo người có kinh nghiệm là Tống thị lang một số chi tiết trong việc chuẩn bị hôn lễ thậm chí là cả thân nghênh, dáng vẻ rất nghiêm túc. Tống thị lang chậc chậc trong lòng, Lâm An Nhiên lúc nào cũng trầm tĩnh nghiêm túc mà cũng có ngày hôm nay…

“Nhìn An Nhiên cứ như thể chỉ hận không thể thân nghênh luôn ngày mai ấy…” Tống thị lang trêu ghẹo hắn.

Lâm Yến chỉ cười như ngầm thừa nhận.

Tống thị lang tỏ vẻ nhìn rõ hết, đều là nam nhân mà, có thể hiểu được.

Trước Tết Thượng Nguyên, cái cảm giác chỉ hận không thể thân nghênh luôn ngày mai của Lâm Yến lại càng mãnh liệt thêm.

Giữa thời gian thắp đèn sênh ca, nam nữ dạo đêm như Tết Thượng Nguyên, thời tiết lại không được tốt lắm, bầu trời âm u, gió cũng lạnh buốt.

Lâm Yến không phải ở lại gác, trước đó đã nói với Thẩm Thiều Quang là sẽ cùng nàng đi xem hoa đăng. Thực ra hắn cũng chẳng có hứng thú gì với việc xem hoa đăng, nhưng nghĩ là hình như các cô nương đều thích, A Tề lại thích chơi thích nghịch, cho nên không nỡ phá hỏng hứng thú của nàng.

Tới Thẩm trạch thì nàng đã sửa soạn xong, hai người cùng nhau đi ra ngoài.

Đèn treo ở cổng lớn Thẩm trạch đung đưa trong gió, Lâm Yến nương ánh đèn sửa sang lại mũ trùm đầu cho Thẩm Thiều Quang, lại siết chặt cổ áo choàng, nắm tay nàng giấu trong tay áo lông cừu của mình: “Đi thôi.”

Gió thổi khiến những giá đèn bên đường vang kẽo kẹt, đèn lắc lư, có cả những chiếc đèn giấy bị thổi rách, người xem đèn dù đã mặc kín mít nhưng vẫn rụt cổ nhíu mày – đúng là một cảnh Tết Thượng Nguyên rất khác.

Thẩm Thiều Quang bật cười, Lâm Yến cúi đầu nhìn nàng cười, mình cũng mỉm cười.

“Yến lang, bàn với chàng một chuyện, chúng ta về nhà châm đèn lên ngắm được không? Sao cứ phải ra đường mà chịu khổ thế này?”

Lâm Yến sờ sống mũi và khuôn mặt đã lạnh buốt của nàng.

“Chớ có sờ, có phải là ta đã chảy nước mũi rồi không?” Thẩm Thiều Quang cau mày.

Lâm Yến bật cười, dứt khoát cởi dây lưng, bọc nàng bên trong áo lông cừu của mình, ôm nàng đi về.

Lưu Thường và Chu Khuê đi theo phía sau cảm thấy chắc hẳn a lang nhà mình rất thích thời tiết thế này.

Trở lại trong phòng, Thẩm Thiều Quang cởi giày, ngồi lên sạp, dùng đệm da dê đắp lên chân, tỳ nữ A Thanh đưa lò sưởi tay cho nàng, lại dâng trà nóng lên. Bọn tỳ nữ và nô bộc cũng đều đã ra ngoài xem hoa đăng, chỉ còn vài người ở lại giữ nhà.

Lâm Yến ngồi đối diện nàng, cũng bưng trà nóng lên uống.

Thẩm Thiều Quang không có việc gì làm lại muốn trêu ghẹo một chút. Nàng xốc đệm da dê lên, cười nói: “Vừa rồi chàng chia cho ta nửa chiếc áo lông cừu, bây giờ ta có thể chia cho chàng nửa cái đệm…”

Lâm Yến khẽ ho một tiếng, cuối cùng cũng ngại ngùng nhận phần đáp lễ của nàng.

Thẩm Thiều Quang lại càng dũng cảm hơn, đảo mắt, nhỏ giọng lẩm bẩm: “Cũng đâu phải là “dữ tử đồng trạch*”…”

* Trích “Vô y 2” (Không có áo 2) từ “Kinh Thi”, nghĩa là: cùng mặc chung chiếc áo nhỏ. Áo nhỏ ở trong để lót mồ hôi, vì mặc sát da kề mồ hôi và đất bẩn trong người, nên gọi là “trạch” (trạch – hơi khí trong người).

Trạch, cũng chỉ nội y. Lâm Yến thật sự không biết phải nói sao với nàng, đang định nghiêm mặt lên thì nàng đã híp mắt bật cười.

“A Yến, chúng ta chơi đổ xúc xắc đi?” Thẩm Thiều Quang cầm viên xúc xắc mà đám tỳ nữ đặt trên sạp, cười hỏi.

Đương nhiên Lâm Yến không từ chối.

Hai người chọn cách chơi đơn giản nhất, so điểm số, ba ván thắng hai thì được tính là thắng, người thua thì hoặc là đọc một bài thơ hoặc là hát một khúc, hoặc là kể chuyện cười, chọn cái nào cũng được.

Thẩm Thiều Quang đánh bài lá rất tốt, nhưng khả năng đổ xúc xắc lại rất bình thường, Lâm Yến cũng không thạo khoản này, hai người hoàn toàn dựa vào may mắn.

Thế nhưng hôm nay vận may của Thẩm Thiều Quang kém quá thể, cứ thua mãi. Sau khi kể bốn năm câu chuyện, lại hát một khúc hát dân gian, Thẩm Thiều Quang thấy lại đổ ra “một” nữa thì giở tính chơi xấu: “Không chơi nữa! Không chơi nữa!”

Lâm Yến bật cười.

Thẩm Thiều Quang cảm thấy Lâm thiếu doãn từng này tuổi mà còn chưa cưới được nương tử cũng là có lý cả, nàng cũng thật là rộng lòng rộng lượng…

A Thanh bưng hai bát bánh trôi lên, giải vây cho Thẩm Thiều Quang.

Trong chiếc bát nho nhỏ chỉ có mấy viên bánh trôi, màu sắc khác nhau, ăn vào nhân bánh cũng không giống nhau. Bên trong vỏ kê vàng là đậu sa ngọt, bên trong vỏ bột nếp là thịt, bên trong vỏ bột mì trộn đậu xanh là mật hoa quế, bên trong vỏ thêm tía tô là nhân vừng đen.

Đêm đông thế này, ăn một bát bánh trôi ngọt lịm thơm lừng như vậy, lại ăn vài thìa canh, trong bụng hết sức ấm áp.

Thẩm Thiều Quang nghiêng người lên gối dựa, vừa ngắm nghía viên xúc xắc vừa cười nói với Lâm Yến mới rửa tay xong đi vào: “Vừa rồi ta nợ chàng một ván phải không?”

Lâm Yến cười gật đầu.

“Chơi đố đèn đi, cho hợp tình hợp cảnh.” Thẩm Thiều Quang hắng giọng: “Câu đố là hai viên bánh trôi thịt thành hôn.”

Lâm Yến cười nhíu mày một cái.

“Đoán không ra sao?” Thẩm Thiều Quang cười lưu manh, vẫy vẫy tay với hắn: “Ta nói cho chàng biết.”

Lâm Yến đi tới ngồi cạnh cái sạp mà nàng đang ngồi.

Thẩm Thiều Quang ngồi thẳng người dậy, khẽ cười nói: “Đáp án là… hai viên thịt viên.”*

* Câu đố này bắt nguồn từ câu đố về sủi cảo trong một tiểu phẩm ngắn rất nhiều năm trước – sủi cảo/bánh trôi cởϊ qυầи áo thì thành thịt viên. [tác giả]

Lâm Yến nhếch miệng, Thẩm Thiều Quang đã cười ha ha dựa vào gối dựa.

Nhìn nàng một lúc, Lâm Yến lấn người lại gần, đè trên người nàng, một tay vòng eo nàng, một tay đặt sau đầu nàng.

Nhìn khuôn mặt tuấn tú gần ngay trước mắt, Thẩm Thiều Quang hơi sững ra, nàng vốn dĩ chỉ đùa giỡn thôi mà.

“Ngoan, nhắm mắt lại.” Nói xong Lâm Yến đã đặt môi mình lên môi nàng.

Thẩm Thiều Quang ngoan ngoãn nhắm mắt lại, đặt tay lên cổ hắn.

Mãi một lúc lâu sau Lâm Yến mới thở hổn hển dừng lại, lại thêm một lát nữa mới ổn định tinh thần, nhìn cô nương xinh đẹp trong lòng mình, nghĩ tới mùa hè còn cách rất xa, trong lòng hết sức hối hận, thực ra lúc trước tìm viên ngoại lang Thẩm Phác thay mặt xử lý cho xong lục lễ cũng tốt mà, Lạc Dương gần như thế, như vậy thì đã có thể chọn một ngày lành trong mùa xuân rồi…