*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Qua tiết đông chí rồi, chẳng mấy ngày sau đó đã là mồng tám tháng chạp. Thời này còn chưa thịnh hành phong tục cả nước ăn cháo như ở thời hiện đại, chỉ có các chùa miếu “nấu dược thực” mang tặng cho các hộ gia đình tín Phật thân thiết*.
* Phong tục ngày mồng tám tháng chạp thời Đường có đối chiếu tư liệu cũng có viết bừa. [tác giả]Am Quang Minh có mấy đệ tử đứng ở cửa đại điện phát dược thực cho các Phật tử, cũng có các đệ tử phụ trách mang cháo tới các hộ gia đình quyền quý.
Bởi vì mối quan hệ của Thẩm Thiều Quang với am Quang Minh nên lúc Tịnh Thanh ra tới cửa phường còn đặc biệt xuống xe đưa cho nàng một bát. Thẩm Thiều Quang cười nhận lấy, hỏi han mấy câu, thấy Tịnh Thanh có vẻ vội vã, biết là nàng ta còn phải chạy tới rất nhiều nhà khác nữa nên lấy tiền áp giỏ đặt vào trong giỏ đựng hũ cháo rồi đích thân tiễn nàng ta đi.
Tịnh Thanh hơi ngại: “Chúng ta thế này, ngươi cần gì phải khách khí? Bình thường ngươi tặng bọn ta đâu ít thứ tốt, hôm nay chẳng qua là để ngươi cũng nếm thử một chút dược thực trong am thôi mà.”
Thẩm Thiều Quang cười đáp: “Ở đây bọn ta cũng hầm một ít cháo bát bảo, cùng loại với dược thực của các ngươi, lát nữa sẽ đưa tới trong am, ngươi đi về cũng nếm thử chút, xem so với dược thực của các ngươi thế nào.”
Tịnh Thanh mỉm cười: “Thế này đúng là phải nếm thử thật.”
Hai người đứng cạnh cửa chào nhau xong, Thẩm Thiều Quang nhìn theo Tịnh Thanh lên xe đi xa.
Đúng như đã nói, Thẩm Thiều Quang đích thân xách một hũ cháo đưa tới am Quang Minh.
Cháo bát bảo này đương nhiên là được nấu dựa theo tập tục thời hiện đại. Kiếp trước, Thẩm Thiều Quang cũng giống như đại đa số người trẻ tuổi, chẳng hề coi trọng mấy ngày lễ truyền thống thế này, bây giờ tha hương nơi đất khách lại vô cùng nhớ nhung.
Cũng giống như một người bạn học trước đây của Thẩm Thiều Quang, lúc ở trong nước thì cứ ham đồ ngoại, tới lúc ra nước ngoài thật rồi thì lại bày trò lái xe từ New York tới Washington, giữa đường vừa đi vừa rống mấy bài ca yêu nước.
Lúc cô nàng video call với Thẩm Thiều Quang kể lại chuyện này, Thẩm Thiều Quang còn cười nhạo cô nàng, hỏi là kho âm nhạc của cậu cũng lắm hàng trữ vậy sao, không phải là hát đi hát lại một bài đấy chứ?
Người bạn học kia cười ha ha: “Mấu chốt là bày tỏ tình yêu tha thiết của tôi đối với Tổ quốc, cậu có hiểu không hả?”
Thẩm Thiều Quang cũng yêu tha thiết kiếp trước, bây giờ tự mình làm chủ một gia đình rồi, bất cứ ngày lễ ngày tết nào cũng phải đón đầy đủ theo kiểu kiếp trước.
Thời này hoa quả rau dưa không phong phú như ở thời hiện đại, nhưng lương thực ngũ cốc thì gần như đều đã có đủ. Gạo, ngô, kê, bo bo, đậu đỏ đều có, trong cháo cũng không thể thiếu hạt sen, hạt phỉ, hạt thông, hạt óc chó, hạt dẻ, và thứ quan trọng nhất là táo đỏ.
Có người nói cách nấu món táo đỏ này kĩ càng nhất chính là lột vỏ bỏ hạt, chờ cháo chín thì thêm vào, vỏ táo cũng không vứt đi mà dùng để đun nước, sao đó dùng nước này để hầm cháo, tạo ra mùi thơm của táo.
Thẩm Thiều Quang chưa từng ăn món cháo mồng tám tháng chạp nào nấu công phu như vậy. Cháo mà nàng ăn từ xưa tới giờ đều là bỏ nguyên cả quả táo vào nấu, cho nên lúc ăn cháo thỉnh thoảng sẽ le ra một hạt táo, thỉnh thoảng còn có một ít vỏ táo dính trên lưỡi.
Bây giờ tự mình nấu, Thẩm Thiều Quang cân nhắc, mang táo đi ngâm nước rồi lột hạt, sau đó thì giã nhuyễn nó ra, dùng vợt để gạn bỏ cặn vụn từ vỏ táo, mặc dù hơi thô bạo nhưng như vậy có thể xử lý vấn đề sót hạt sót vỏ.
Món cháo bát bảo này được Viên Giác sư thái khen ngợi rất nhiều.
Phía trên mặt bát cháo bày các loại hạt thơm ngon nào hạt thông, hạt phỉ, đủ loại kiểu dáng, cả một đám hạt nho nhỏ trông rất đẹp mắt. Cầm thìa khuấy một khuấy, ăn một ngụm, hạt gạo mềm nhuyễn mà các loại hạt lại giòn tan, vừa để ý đến cảm nhận của đầu lưỡi lại cũng để ý tới hàm răng, thật đúng là một món cháo ngon khác thường.
Viên Giác sư thái cười nói: “Sang năm dược thực của bọn ta cũng phải đổi thành kiểu này mới được.”
Thẩm Thiều Quang sinh ra ảo giác “cháu nội quay ngược thời gian trở về dạy ông nội” của những người xuyên không, có thể nào món cháo mồng tám tháng chạp được biến đổi từ dược thực vào thời điểm này hay không? Nhưng mà dù sao đây cũng chỉ là một cái am nhỏ, lại cũng chỉ là một món ăn đơn giản, không cần nghĩ quá nghiêm trọng.
Món cháo mồng tám tháng chạp này không chỉ mang tặng hàng xóm và am Quang Minh mà còn phân cho các thực khách, trong đó có một vị xưng là thái phu nhân trong nhà cực kỳ thích ăn cháo muốn mua một hũ. Trước kia thì không biết, nhưng bây giờ thì đã biết đây là người của phủ Lâm thiếu doãn. Thẩm Thiều Quang cũng tặng cho hắn một hũ.
Nào ngờ hũ cháo này lại cho Thẩm Thiều Quang cơ hội trở về “nhà cũ” một chuyến.
Mặc dù thời này còn chưa có câu
“qua mồng tám tháng chạp chính là năm mới” nhưng mà trên thực tế thì cả ngàn năm qua, mọi người đều sống theo kiểu này. Qua mồng tám tháng chạp thì làm cái gì cũng nhanh cũng vội hơn, mùi vị năm mới cũng càng ngày càng nồng đậm.
Trong quán trữ sẵn nhiều đồ ăn có thể để lâu như đồ muối, gạo, rượu, rau cải trắng để đề phòng mấy ngày tới hàng thịt, hàng gạo sẽ tăng giá dịp cuối năm. Không cần chờ tới hai mươi ba tháng chạp mới quét dọn nhà cửa, cả trong quán lẫn hậu trạch đều đã tổng vệ sinh chờ đón năm mới.
Y phục mới để đón tết cho Thẩm Thiều Quang và mấy người A Viên cũng đều đã thuê người may xong – kỹ năng thêu thùa may vá của Thẩm Thiều Quang chỉ thường thường, A Viên thì lại càng không biết may vá gì, cho nên chuyện may y phục mới chỉ có thể mời thợ may chuyên nghiệp.
Có lẽ cuối năm người làm quan bận làm tổng kết báo cáo, người buôn bán phải kiểm kê sổ sách đòi nợ – hoặc là trốn nợ, số người tới quán uống rượu khá ít, thế là Thẩm Thiều Quang có cơ hội cùng mấy người Vu Tam, A Viên, A Xương thong thả chuẩn bị đón năm mới, thỉnh thoảng cũng nhận một đơn hàng làm bánh ngọt.
Từ sau hôm Thất Tịch món bánh hoa tạo nên danh tiếng vang dội, cứ đến mỗi lần lễ tiết, cần tặng lễ hay là cúng tế thì đều có có người tới mua bánh hoa, dạo trước nhân tiết đông chí còn làm một ít, đủ để Thẩm Thiều Quang kiếm lời một khoản nho nhỏ.
Đương nhiên đông chí không thể nào so được với năm mới, qua mồng mười tháng chạp thì người ta đã bắt đầu đi tặng lễ, nhiều người biết tiếng bánh hoa Thẩm Ký, muốn đặt vài ba hộp.
Trưa hôm đó, Thẩm Thiều Quang đang trang trí bánh quy xốp thì thấy người nô bộc trong phủ Lâm thiếu doãn đi tới, cười cười nói với Thẩm Thiều Quang: “Có một lời thỉnh cầu muốn phiền cô nương.”
Thẩm Thiều Quang mời hắn cứ nói.
“Hôm đó thái phu nhân nhà ta ăn được cháo của quý quán, cảm thấy rất ngon, hôm nay nhớ tới, bảo nhà bếp làm theo nhưng làm sao cũng không ra được mùi vị đó. Không biết quý quán có thể hầm giúp một bát cháo hay không, nhà ta sẽ chi trả toàn bộ chi phí.”
Nấu cháo bát bảo là một việc hao công tốn của, Thẩm Thiều Quang đang định giải thích với người nô bộc đó thì hắn lại thấp giọng nói: “Bữa trưa hôm nay thái phu nhân không ăn được chút nào.”
Cho nên lại còn muốn lấy nhanh?
Thẩm Thiều Quang nghĩ ngợi suy tính: “Món cháo bát bảo hạt sen đó không thể làm nhanh được, nhưng có một món cháo ngọt khác có thể mau hơn một chút, mùi vị cũng rất được, lại thích hợp cho các vị phu nhân đã có tuổi.” Món cháo mà Thẩm Thiều Quang đang nói chính là chè óc chó.
Ở Thẩm Ký, từ ngọc tiêm diện tới bánh ngọt, rồi thì lẩu lẫn cả thịt và rau, tất cả đều rất hợp khẩu vị của thái phu nhân, người nô bộc kia khá tin tưởng Thẩm Thiều Quang, mà mấu chốt là cũng không có biện pháp nào khác nữa: “Vậy phải làm phiền cô nương rồi. Bao giờ thì có thể tới lấy?”
Nói là cần ít thời gian hơn món cháo bát bảo nhưng mà cũng là chuyện tốn công sức, bởi vì liên quan tới một người đã có tuổi, lại còn phải nể tình số tiền boa của Lâm thiếu doãn, cho nên Thẩm Thiều Quang nhận đơn hàng này.
Bây giờ nghe xong lời của người nô bộc này, nàng lại đột nhiên có ý nghĩ khác: “Thời gian khó mà tính toán được, nhưng chắc chắn sẽ không muộn hơn bữa chiều. Khách nhân cũng không cần phải tự tới lấy, tới lúc đó bọn ta đưa tới là được.”
Đương nhiên người nô bộc kia bằng lòng ngay, lập tức cười nói: “Vậy phải nhờ cả vào cô nương rồi.”
Người nô bộc kia đi rồi, Thẩm Thiều Quang giao lại việc trang trí món bánh quy xốp cho Vu Tam, nàng tự đi bóc hạt óc chó, bỏ hạt táo, ngâm gạo, chuẩn bị làm chè óc chó.
Vu Tam không hiểu tại sao Thẩm Thiều Quang lại nhận đơn hàng là một bát cháo, nhưng mà ngẫm nghĩ một lát, một bát cháo như vậy có thể bán ngang giá một nồi bánh, cô nương từ chối mới lạ ấy…
Điều Thẩm Thiều Quang nghĩ tới lại là chuyện nhà cũ. Từ lúc tới phường này, nàng còn chưa từng bước chân vào đó, căn “nhà” đó chỉ còn là bóng dáng trong trí nhớ, trong giấc mơ.
Mặc dù Thẩm Thiều Quang cũng không thể nói rõ được là rốt cuộc nơi đó có thể tính là nhà của mình hay không, cũng như không biết vợ chồng Thẩm Khiêm và Thẩm Chất Văn – thiếu niên có nhũ danh là A Chương – có thể tính là phụ mẫu và huynh trưởng của mình hay không, nhưng Thẩm Thiều Quang vẫn muốn quay lại thăm nơi đó, nhất là sau lần A Viên tới đó về kể lại kiến trúc trong đó.
Thẩm Thiều Quang vừa hồi tưởng chuyện cũ vừa ném nhân hạt óc chó đã bóc xong vào trong nước sôi nóng, nhân hạt óc chó được chần nước nóng xong sẽ rất dễ lột lớp màng mỏng đắng nghét bên ngoài. Thực ra bỏ vào lò vi sóng để làm nóng cũng được, chỉ là thời này còn chưa có lò vi sóng thôi.
Nếu đổi lại là thời mà trong bếp đủ loại đồ điện thì làm món chè óc chó rất đơn giản, nhưng hiện giờ thì chỉ có thể làm “thuần thủ công” mà thôi.
Làm cháo bát bảo phải lọt vỏ lột hạt táo đỏ, làm chè óc chó cũng cần. Nhưng bây giờ Thẩm Thiều Quang không có táo đã ngâm nước, lại chỉ làm một bát cháo nhỏ nên không cần dùng tới cách thức thô bạo như vậy, chỉ lấy một con dao nhỏ gọt vỏ từng quả táo đỏ.
Trong quán yên ắng, Vu Tam hoàn thành món bánh quy xốp, quay đầu lại thấy Thẩm Thiều Quang mang tạp dề ngồi xếp bằng trước bàn ăn gọt táo đỏ, A Viên thì nhặt hạt đậu ở cách nàng không xa, ở trong phòng bếp phía sau, A Xương đang vừa coi lửa vừa ngủ gật, đầu gục lên gục xuống. Vu Tam cười một cái, đi vào bếp xem lửa, cũng không đánh thức A Xương.
Lột xong vỏ hạt óc chó, táo đỏ cũng đã xử lý xong, bỏ chung với gạo ngâm rồi cùng nhau giã nhuyễn, sau đó nấu lên là được.
Chẳng mấy chốc sau, bên lò đã tràn ngập mùi táo thơm ngọt.
A Viên đi tới, khụt khịt ngửi: “Thơm quá.”
Thẩm Thiều Quang cười, trong quán có mùi bánh gạo, có mùi thịt, thế mà nàng ta cũng có thể ngửi ra được mùi chè thanh đạm này.
Thấy thời gian nấu cũng đã đủ, Thẩm Thiều Quang thêm một chút đường, sau đó múc ra một hũ sứ trắng, đậy nắp lại, bọc lại bằng một tấm đệm nhỏ màu trắng, bỏ vào trong hộp đựng thức ăn.
“Để ta đưa tới cho?” A Viên hỏi.
Thẩm Thiều Quang chỉ chỉ bát cháo còn dư ra: “Ngươi đi chia với A Xương mà ăn đi.”
A Viên cười híp mắt gật đầu.
Vu Tam liếc nàng một cái: “Ngươi cứ chiều bọn họ đi.”
Thẩm Thiều Quang chớp mắt mấy cái, con nít không phải là nên chiều chuộng một chút sao?
Chẳng thèm để ý tới công chúa Vu Tam nữa, Thẩm Thiều Quang xách hộp đựng thức ăn đi ra khỏi quán.
Chắc là người nô bộc kia đã đánh tiếng với người gác cổng, Thẩm Thiều Quang vừa chào hỏi, người gác cổng đã để cho nàng đi vào.
Thẩm Thiều Quang được nô bộc trong Lâm trạch dẫn đi qua cổng phụ, tới tiền sảnh, đi xuyên qua hàng lang, vòng qua tiền đình, sau đó tới hậu trạch.
Cả đoạn đường, Thẩm Thiều Quang đều so sánh đối chiếu với hình ảnh trong trí nhớ của mình, phần lớn đều trùng khớp, cũng có đôi chỗ khác.
Đám trúc trước sân đã lớn hơn nhiều so với những gì nàng còn nhớ, cây hải đường đã lớn, nhưng hoa cỏ điêu khắc trên hành lang vẫn hệt như trước đây.
Thẩm Thiều Quang ngước mắt lên, nhìn thấy Lâm thiếu doãn ở cuối hành lang, hắn mặc một cái áo khoác màu trắng, hệt như cảnh tượng trăng thanh gió mát.
* Cách nấu cháo mồng tám tháng chạp và cả cách lột vỏ táo đỏ tham chiếu theo tác phẩm “Cuối năm giá rét nhớ ngày mồng tám tháng chạp” của Đường Lỗ Tôn; cách chế biến chè óc chó tham chiếu theo tác phẩm của Lương Thực Thu. [tác giả]* Tiết Lạp bát, tức mồng tám tháng chạp, vốn là một ngày lễ lớn của Phật giáo, là ngày Phật tổ Thích Ca Mâu Ni đắc đạo, về sau trở thành ngày lễ truyền thống lưu hành trong dân gian, chủ yếu là ở miền bắc Trung Quốc, với phong tục ăn cháo. Cháo ngày mồng tám tháng chạp là một loại cháo được chế biến từ nhiều loại ngũ cốc và nguyên liệu khác nhau, còn có các tên khác như “cháo thất bảo ngũ vị”, “cháo Phật”. Ở miền bắc Trung Quốc có câu nói
“Nhóc con nhóc con chớ có thèm, qua mồng tám tháng chạp là tới năm mới”, qua ngày này, người ta bắt đầu chuẩn bị các món đồ muối đón năm mới.