Thương Mấy Cũng Là Người Dưng

Chưa có ai đánh giá truyện này!
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
"Thương mấy cũng là người dưng" là cuốn sách thứ năm của Anh Khang. Đến nay cuốn sách đã tiêu thụ được hơn 100.000 bản. Cả cuốn sách giống như là những chặng đường lớn lên cùng thế hệ trẻ 8x, 9x. tron …
Xem Thêm

Chương 23: Tình cảm cũng là một khϊếp nạn
Trong kinh Phật có một từ rất hay để chỉ về sự mê mờ trong suy nghĩ của chúng ta - là từ "chấp niệm". Vì Phật giáo quan niệm "nhân sinh như mộng" nên trong cõi đời như giấc mơ mỏng này, thì "chấp niệm" là một kiểu mơ tưởng, si mê đến cố chấp. Còn tâm lý học phương Tây gọi đây là "bóng ma tâm lý" của mỗi người - một rào cản suy nghĩ mà chúng ta luôn bị ám ảnh, đè nặng.

Nói một cách đơn giản, chữ "chấp niệm" được dịch sang tiếng Anh là "stubbornness" - nghĩa là sự cứng đầu.

Và bởi vì là cứng đầu, nên những ai càng cố chấp tin tưởng vào suy nghĩ lẫn suy diễn của bản thân, thì họ lại càng dễ rơi vào chấp nhất sân si.

Chấp niệm tình cảm cũng từ đó mà thành.

Đôi lúc cứ ngỡ rằng được yêu, rốt cục chỉ là tự mình đeo mang. Đôi lúc cứ ngỡ mình đã từ bỏ, rốt cục chỉ là đang chối từ sự thật. Tình cảm là chuyện càng nhìn thấu rõ thì lại càng khiến bản thân đau lòng. Chính vì đau lòng, nên mới tìm cách né tránh, tự vin vào những nguyên cớ vô thưởng vô phạt để trấn an lòng mình nghĩ khác. Cuối cùng, bản thân cứ khăng khăng lạc giữa mê mờ của những ảo tưởng yêu thương. Tự mình dùng dằng. Tự mình cố gắng. Trong khi người ta đã bỏ đi chẳng đoái hoài hay màng tới chuyện cũ duyên xưa.

Ngày xưa vì cố chấp nên cứ nghĩ, nếu mà cảm thấy đau lòng quá thì đợi mai hẵng nói chia tay. Dây dưa được lúc nào thì dây dưa. Trì hoãn đến khi nào thì trì hoãn. Có điều, tỉnh ngộ rồi mới biết, thời khắc định đoạt cho một cuộc chia xa không phải là do mình tự quyết, càng không phải được tính từ lúc một trong hai buông lời chia tay. Chia tay đã chính thức bắt đầu kể từ khi người trong cuộc xem nhau như một gánh nặng, như một chấp niệm trong lòng cần phải gột bỏ.

Nhưng dễ gì để một người thấy được chấp niệm trong lòng mình. Vì bản ngã sẽ luôn tự cho mình đúng, và nhất là người ta chỉ tin những gì mà họ - muốn - tin.

Tự dưng nhớ trong

Tây Du Ký,

Ngô Thừa Ân đã dụ ngôn về sự cố chấp của lòng người qua đoạn "Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh". Câu chuyện mâu thuẫn giữa hai thầy trò Tôn Ngộ Không và Đường Tam Tạng khi một người cứ đánh gϊếŧ thẳng tay, một người ra sức ngăn cản, đã gói ghém đầy đủ thông điệp: Mỗi lòng người một lý lẽ cố chấp, mỗi mắt người có cách nhìn khác nhau. Không phải vì Tề Thiên Đại Thánh có Hỏa Nhãn Kim Tinh nên nhìn thấy rõ chân tướng Bạch Cốt Tinh giả dạng, còn Đường Huyền Trang là người trần mắt thịt nên dễ dàng bị che mờ không phân biệt được yêu ma hay chúng sinh. Mà ngược lại, bản thân hai thầy trò đều có những chấp niệm chưa thể sáng tỏ, cho nên phải trải qua kiếp nạn "ba lần đánh Bạch Cốt Tinh giả dạng người thường" để làm rõ lòng, sạch tâm. Chúng ta chỉ có thể làm đúng khi đã sai đủ, cũng như chỉ có thể sáng mắt tỏ dạ khi đi đến tận cùng sự cố chấp của mình.

Giống như chuyện anh và em. Cũng là một thứ kiếp nạn. Cũng là một dạng chấp niệm.

Nhưng dẫu vậy, anh tin vào nợ duyên nhân quả, nên sẽ chấp nhận trả đầy đủ kiếp nạn, như Đường Tam Tạng trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh. Để được trải qua chín lần chín tám mươi mốt kiếp nạn. Để được yêu đi yêu lại thêm em tám mươi mốt lần.

Và cũng để trả đủ nợ nần tiền kiếp đã gây ra, lấy buồn đau làm lời, lấy tuyệt vọng làm lãi, mong không còn thiếu lại em chút gì. Vì nếu còn có kiếp sau, anh sẽ được đường đường chính chính yêu em - yêu như đúng nghĩa tình yêu, chứ không phải trả nợ trả nần, bù trừ tai kiếp.

___________________________

Lúc còn mù quáng, cứ nghĩ rằng đó là tình yêu. Đến khi tỉnh ngộ, mới biết thực chất chỉ là kiếp nạn.

Yêu em, xem như là kiếp nạn của đời anh.

Thêm Bình Luận