Chương 40: Hồi chín (1)

Chiến tàn, anh hồn lai địa phủ

Vong Xuyên, bèo con cưỡi sóng cồn

Liễu Thăng y theo bản đồ của Quận, ruổi ngựa đi suốt một ngày trời. Đến đâu cũng gặp cảnh xóm thôn trơ trọi quạnh hiu, làng mạc tiêu điều xơ xác mà cậu chột dạ.

Liễu Tử Tiêm chợt ý thức được những gì mà thường dân hai nước phải trải qua một khi chiến tranh nổ ra. Chiến tranh, chiến hoả, đấu tướng, đấu mưu, chiến công hiển hách…v.v… tất cả những mĩ từ ấy chợt được tóm lại thành hai chữ “ bi ai ”, giống như cái thây ngoài sa trường gói trong tấm da ngựa.

[ Anh hùng… trước đây mình cứ nghĩ Quan Vũ, Tiết Nhân Quý…v.v… là những bậc anh hùng. Thế nhưng, ném thường dân vào vạc lửa là điều mà anh hùng làm ư? ]

Liễu Thăng thấy lòng rối như ai vò. Những gì cậu biết, cậu tin từ đó đến giờ như bị khung cảnh thảm thương trước mắt đập tan tành.

Có xuôi nam, cậu mới biết những người cậu vẫn cho là man di ấy cũng đáng yêu, đáng quý, đáng tôn trọng và khâm phục. Tạng Cẩu là một, Quận Gió cũng vậy.

Tâm phiền, ý loạn, Liễu Thăng cứ cho ngựa chậm rãi dộng vó lên mặt đường sỏi đá. Lộc cộc, lộc cộc. Liễu Thăng căng tai lên nghe, nghe kỹ lắm cũng chỉ bắt được tiếng vó ngựa vẳng lại từ xa thôi. Im lặng quá. Cái im lặng của cái chết chùm lên thôn xóm. Chẳng còn ai ở lại cả, hoặc đã chạy nạn, hoặc là đã chết nơi đầu đường xó chợ nào rồi. Những gian phòng trống vắng, khoảnh sân trước đìu hiu như in vào lòng cậu. Cái vắng vẻ của không gian phản chiếu thành cái trống rỗng của nhân tâm.

Liễu Thăng bắt đầu tự hỏi cái gì là đúng, là sai. Cậu bỗng dưng thấy muộn phiền quá. Một thứ tư tưởng mới chợt nhú lên trong lòng. Nó xung đột trực tiếp với niềm tin Đại Hán đã thâm căn cố đế trong cậu. Lần đầu tiên cậu tự hỏi lòng, nhân dân hai nước có gì khác nhau? Nguyên nhân là do đâu mà người Hán là thượng đẳng, còn các tộc khác chỉ đáng xếp sau, thậm chí bị miệt thị là man di mọi rợ suốt chừng đó năm ròng.

Không ai trả lời cả…

Chỉ có con ngựa thỉnh thoảng hí lên mấy tiếng. Thanh âm dội vào tai Liễu Thăng, xa gần gần xa.

Con ngựa bị Liễu Thăng thả cương, cứ đủng đỉnh đi. Có lúc nó xà vào bụi tre gặm mấy nhánh cỏ, cậu cũng chả buồn giật cương. Liễu Thăng lấy làm lạ. Tre nhiều quá. Chốn nào cũng có. Không như ở phương bắc tre mọc thành bụi, thành rừng. Ở chốn trời Nam này, tre mọc thành từng luỹ như tường thành vậy. Làng nào cũng có luỹ tre, xanh mát quanh năm.

Rì rào tiếng lá tre xô nhau, như đàn như hát.

Liễu Thăng bẻ lấy một cành tre đường kính cỡ hai ngón tay, vung thử mấy nhát. Thứ tre ngà xạm vàng vì lửa từ ngựa sắt Phù Đổng chắc và thẳng thớm, từng đốt dãn nhau đều tăm tắp. Cây thương nặng Liễu Thăng đã để lại doanh trại, bèn lấy luôn cây gậy tre này phòng thân.

Giữa đường, cậu ghìm ngựa lại buộc vào một hàng rào, sau đó xuống ngồi nghỉ dưới dàn bầu. Liễu Thăng thử luyện mấy chiêu bổng Bạch Đằng Giang, song chỉ được một lúc lại phải thôi.

Khi dậm mạnh chân xuống, một lực phản chấn tương đương được sinh ra. Ấy là nguyên lí cơ bản của Lôi Bộ - bộ pháp căn bản của Bạch Đằng Giang. Người luyện Lôi Bộ sẽ lợi dụng các bó cơ ở đùi, hông, vai để dẫn chấn lực này lên cánh tay hoặc cổ tay, từ đó tăng mạnh lực tấn công. Trong võ thuật hiện đại, Bát Cực quyền – quyền pháp được mệnh danh là băng hám đột quyết – cũng sử dụng bộ pháp tương tự.

Bạch Đằng Giang là bổng pháp mà các chiêu đều được đánh hất từ dưới lên, thành ra kình lực không thể hàm hậu bằng những loại bổng pháp vụt dọc, phạt ngang thông thường. Lôi Bộ là một cách để đền bù lại yếu thế về lực đánh của Bạch Đằng Giang. Liễu Thăng muốn luyện bổng, thế nhưng chân trái cậu vẫn chưa lành hẳn, thành thử cũng có phần lực bất tòng tâm.

Sắc trời muộn dần, mặt trời đậu lên ngọn tre, đỏ ửng lên một lần cuối cùng trước khi tắt hẳn. Nhác thấy tà dương đã muốn lặn, Liễu Thăng trèo lên mình ngựa, thúc cương…

Con ngựa chồm lên, lao vụt tới theo hướng ghi trên tấm bản đồ mà Quận Gió đã trao cho Liễu Thăng. Cậu cứ ra roi chạy, không hề biết rằng có mấy bóng người đang âm thầm bám theo mình. Chúng lẩn khuất giữa trong các xó tối, lặng lẽ trườn qua từng mảng bóng đen mà mái nhà tán cây dội xuống nền đất…

Quay trở lại với Khiếu Hoá Tăng và Tạng Cẩu. Ông sư ăn xin chậm rãi nâng cánh tay lên, thủ thế. Tay phải thu thành quyền, động tác khá là tiêu chuẩn. Nhưng hình dáng tay trái lại kì quặc. Năm ngón tay ông cong lại như hổ trảo của hổ hình quyền. Song khác với hổ trảo của võ Thiếu Lâm, các ngón tay trừ ngón cái lại đặt sát nhau.

Ông từ từ giương thẳng cánh tay phải, đầu nắm đấm dựa sát vào lớp vỏ cây sần sùi. Hông Khiếu Hoá Tăng trầm xuống thế trung bình tấn.

“ Đừng vì võ này phỏng theo hình con chó mà coi thường. Có thể nó không có danh xưng mĩ miều, cũng thiếu hẳn cái vẻ oai vệ hùng dũng như võ hổ, võ rồng của người Tàu. Song… một môn võ thắng ở tính thực chiến, chứ không phải cái mã bên ngoài.

Rồng thì chưa ai từng thấy, cái thần vận của nó cũng phải tưởng tượng ra. Hạc sống nơi núi cao, rắn bò trong hang thấp, hổ báo hùng cứ nơi rừng sâu núi thẳm. Tìm chúng nó đã khó, quan sát lại càng khó hơn. Trừ khi là bậc nhân tài khó gặp, bằng không sao lĩnh hội được cái hồn của chiêu thức tới tột cùng?

Võ chó thì lại khác. Chó là loài vật gần gụi, có thể thấy hàng ngày, lại sống cả đời với người. Tiền bối sáng tạo ra bộ võ này đã lĩnh hội thần vận của nó đến mức tột đỉnh cao thâm, lại kết hợp với tinh hoa của cha ông là các câu tục ngữ mà phả vào chiêu thức…

Chiêu thứ nhất: chó cậy gần nhà! ”

Khiếu Hoá Tăng hô lên một tiếng, vai trái nghiêng ra sau đẩy vai phải tiến lên. Đồng thời, các cơ bắp ở chân eo lưng và vai đồng thời co dãn, nội kình hùng hậu được khuếch đại mấy lần, tạo thành một cơn sóng thần.

Bốp!

Lá xoài rụng lả tả, một đấm gần sát không cần lấy đà của Khiếu Hoá Tăng cũng đủ làm thân cây rung chuyển dữ dội. Thủ pháp vận lực của Chó Cậy Gần Nhà gần tương tự với Nhất Thốn Quyền hiện đại.

“ Bé Chó, để ý này. Tay phải mô phỏng đầu chó, nơi có hàm răng. Tay trái lại giả chân chó, dùng để kiềm hãm cào xé. Chiêu thứ hai: Chó cắn áo rách! ”

Ông lui ra sau hai bước, bàn tay trái vung ra. Mục tiêu tấn công lần này là những cái lá xoài đang lả tả rơi xuống sân gạch như một cơn mưa.

Ngón tay, cạnh bàn tay, hổ khẩu, lưng bàn tay… có cảm giác như mọi vị trí của bàn tay trái đều dược dùng để tấn công vậy. Vừa đánh, ông vừa lí giải:

“ Đây vốn là chiêu lấy công làm thủ, lấy vòng đánh thẳng dùng ngắn chế dài. Cứ nhắm vào nhược điểm, yếu điểm của kẻ địch thì y tự khắc thấy bó tay bó chân. ”

“ Chiêu thứ ba: Chó Cùng Cắn Càn. Tinh tuý của chiêu này nằm ở chữ càn! Phát chiêu phải loạn xạ chẳng cần chương pháp, hung hãn điên cuồng như con chó bị dồn vào bước đường cùng. Khi ấy thì tay, chân, vai, gối đều phải dùng để công kích. Thế nhưng lúc sử chiêu không thể bị cuốn theo ý cảnh mà mất đi sự tỉnh táo, bằng không nếu gặp phải cao thủ sẽ bị bắt thóp ngay. Lúc ra chiêu lòng phải thanh tĩnh, tâm không được loạn mới là cảnh giới tột cùng của chữ Càn. ”



Miệng nói, chân bước, tay vung. Khiếu Hoá Tăng liên tục sử các chiêu đấm, chộp, quét chân, lên gối, thúc sườn… Động tác của ông đơn giản, dứt khoát, mạnh mẽ song cũng không thiếu đi tính tinh diệu và hiểm hóc. Lá xoài đang rơi hễ mà bị kình phong thổi trúng, là xoay tròn tít mù rồi bắn ngược lên cây. Tràng cảnh trông vừa kì quặc, vừa huyền diệu.

Tạng Cẩu chăm chú dõi theo từng động tác của Khiếu Hoá Tăng, mắt không rời khỏi ông dù chỉ một phần mười giây. Đến chớp mắt nó cũng thấy tiếc.

Khiếu Hoá Tăng chợt ngồi xuống, rồi lăn tròn một vòng. Hai chân ông mượn đà vung lên, cẳng chân như sắt quệt một đường mạnh qua không khí.

“ Đây là chiêu chó chui gầm chạn, dùng để né đòn hiểm của đối thủ và phản kích cùng một lúc. Tư thế hơi xấu, nhưng còn thực dụng hơn chiêu Vĩ Lư Đả Cổn của Tàu. ”

Nhà sư ăn mày co chân bật nhổm dậy, trở lại tư thế đứng thẳng.

“ Hai chiêu cuối cùng, một là Chó Ngáp Phải Ruồi. Cái thần vận của chiêu này chính nằm ở ý nghĩa của câu tục ngữ. Phán đoán cử động của địch thủ, công kích đánh gãy hắn giữa lúc đang thi triển chiêu thức.

Chiêu còn lại: Nhất Chó Sủa Dai, Nhì Người Nói Lặp. Đây là chiêu thức dùng nội lực khuyếch đại âm thanh, công kích đối thủ. Chiêu này cần phải có công lực cao minh mới dùng được, nên tạm thời chỉ dạy cho con cách vận khí thôi. ”

Khiếu Hoá Tăng xoa đầu Tạng Cẩu, dặn nó phải cố luyện cho thuần thục, chớ có mắc lại lỗi lúc trước. Nói đoạn, ông đủng đỉnh ra ngoài, khép cửa để yên cho nó lĩnh hội chiêu thức.