Mỗi khi đọc bức thư thứ ba Nữ hoàng gửi mẹ, Donna luôn cảm thấy rất khó chịu, đó là cảm giác bức bối mà bản thân cô cũng khó mà cắt nghĩa được. Rõ ràng, cô không sao hiểu được nội dung bức thư này.
Có lẽ, cảm xúc này có liên quan đến những câu chữ nghiêm túc trong bức thư của Nữ hoàng. Hơn nữa, dù Nữ hoàng đang không chỉ trích ai, nhưng rõ ràng cô ấy đang thầm trách móc.
Mặt khác, dù sao thì buông lời châm chọc người khác cũng là chuyện không tốt. Cô ấy là Nữ hoàng, mà người cô thầm trách lại chính là cha của mình.
Donna cất bức thư thứ ba đi.
Sara, mấy cô bạn, và cả chủ sạp bán bình hoa vẫn giữ nguyên một tư thế từ trước lúc cô bé đọc thư. Hiển nhiên, họ đã bị hấp dẫn bởi nội dung trong thư của Nữ hoàng rồi.
Tiếp đó là bức thư có con dấu Hoàng gia, đây là bức thư Thâm Tuyết viết cho mẹ sau khi lên ngôi Nữ hoàng, cũng là bức thư thứ tư cô ấy viết cho mẹ Donna.
Cô bé háo hức mở bức thư thứ tư ra. Nữ hoàng đã nhắc đến ngài Thủ tướng trong bức thư này.
Ngài Thủ tướng có tên Utah Tụng Hương.
Mở lá thư ra, ánh mặt trời trải lên trang giấy sắc xanh nhạt xiết bao dịu dàng êm ái, tựa như mối lương duyên của Nữ hoàng và ngài Thủ tướng.
Nữ hoàng viết lá thư này năm hai mươi bốn tuổi, khi đã trở thành vợ của một người đàn ông.
"Gửi cô kính mến:
Em sắp kết hôn với Tụng Hương rồi.
Em nghĩ kiểu gì cũng nhận ra mình sắp phải kết hôn với rất nhiều người, "Vị Thủ tướng trẻ tuổi của Goran", "Một trong những chính trị gia triển vọng nhất", "Đứa con xuất sắc nhất của gia tộc Utah", "Một trong năm mươi người có sức ảnh hưởng nhất thế giới", "Nhân vật thanh niên ưu tú tiêu biểu toàn cầu", "Hình mẫu lý tưởng của thanh thiếu niên"… Thưa cô, em thấy thật phiền phức. Em chỉ mong anh ấy là "cậu bạn đẹp trai của Thâm Tuyết" mà cô vẫn nói thôi.
Ôi, em lại nói linh tinh rồi. Chỉ với cô, em mới ăn nói linh tinh như vậy.
Cuối cùng, thưa cô, xin cô đừng chúc mừng em.
Người kết hôn với em là "Thủ tướng Goran" chứ không phải "cậu bạn đẹp trai của Thâm Tuyết."
Thâm Tuyết."
Nữ hoàng thông báo chuyện kết hôn của mình chỉ bằng vài câu chữ ngắn ngủi.
Cái tên "Tụng Hương" này chỉ xuất hiện một lần trong cả năm bức thư. Xem ra, Nữ hoàng không thích ngài Thủ tướng cho lắm.
Donna tin rằng, khi đã thích ai thì sẽ luôn miệng nhắc đến tên người đó cả ngày. Như cô vậy, lúc nào cũng huyên thuyên về ba mẹ mình.
Thủ tướng thích Nữ hoàng, nhưng Nữ hoàng lại không thích Thủ tướng, đây là kết luận Donna tự đúc kết.
Cô lưu luyến dời mắt khỏi hai chữ "Tụng Hương" viết bằng mực nước trên trang giấy.
Lá thư thứ tư được đặt nguyên vẹn vào hộp.
Chỉ còn bức thư cuối cùng.
Ngày tháng đóng dấu bưu điện trên bức thư cuối cùng là cách đây hai tháng, một năm sau lá thư thứ tư.
Nội dung lá thư thứ năm của Nữ hoàng ngắn đến thảm thương.
"Gửi cô giáo kính mến:
Em có thể yêu rất nhiều việc, rất nhiều vật trên đời này. Em yêu thảm cỏ xanh biếc, cây ngô, cây mận, hạt thóc chín vàng, yêu từ ngọn núi đến đại dương, em yêu hết thảy. Nhưng ánh mắt em không thể chỉ chăm chú dõi theo một áng mây trôi lững lờ trên bầu trời xanh thẳm. Em có thể yêu rất nhiều người, kể cả người yêu em, kể cả người ghét em, nhưng em không thể yêu một người.
Không, không phải là không có khả năng; mà là không thể, và sẽ không bao giờ.
Cô ơi, em sẽ không yêu người đó đâu.
Thâm Tuyết."
Bức thư thứ năm dài không quá một phần ba trang giấy. Và Donna hoàn toàn không hiểu, Nữ hoàng muốn bày tỏ điều gì từ bức thư này.
Điều khiến Donna hậm hực là chẳng lẽ Nữ hoàng không thể nhắc một chút đến ngài Thủ tướng sao? Dù sao Thủ tướng cũng là chồng của cô ấy mà.
Quả nhiên, Nữ hoàng không thích ngài Thủ tướng, Donna thở dài đặt thư về vị trí cũ.
Tin chắc rằng mình không xếp sai thứ tự, Donna đóng chiếc hộp lại.
Cô bé ngồi thẳng người lên hỏi: "Bây giờ mọi người đã tin tớ rồi chứ?"
Mấy đứa nhóc ngơ ngác nhìn nhau, đồng loạt đưa mắt về phía chủ sạp bán bình hoa, người lớn biết nhiều hơn.
Sau một hồi suy nghĩ, chủ sạp bán bình hoa quăng cho Donna một câu: Lấy thư của Nữ hoàng ra để chứng minh chuyện gì?
Hơ! Người nào người nấy đều ngốc cả. Donna thề đây sẽ là lần cuối cùng cô bé giúp đám nhà quê này.
"Mẹ tớ có mối quan hệ thân thiết với Nữ hoàng. Mẹ tớ mà gọi điện cho Nữ hoàng, thì cần gì phải lo không lấy được áo đấu có chữ ký của Ibrahimovich nữa." Cô bé vỗ vỗ hộp thiếc, nói rành rọt từng chữ.
Thì ra là vậy. Chủ sạp bán bình hoa chợt hiểu ra, giơ ngón tay cái với Donna.
Lúc này Sara cũng hiểu rõ vấn đề, nhao nhao muốn báo tin tốt này cho em trai. Con nhóc khờ khạo tự nhận là có hiểu biết phủi quần đứng dậy, hét một tiếng "Donna" như dở hơi.
Sao? Vẫn chưa tin à? Donna vung vẩy chiếc hộp trong tay như thị uy.
Nhưng ngay sau đó, chiếc hộp đã bị lấy mất.
Đây là thư của Nữ hoàng đấy, rốt cuộc kẻ nào không có mắt… Khi liếc thấy đôi giày màu nâu nhạt xuất hiện trước mặt mình, Donna vội vã bịt tai lại.
Donna quá quen thuộc với chủ nhân đôi giày màu nâu nhạt đó rồi.
Cô bịt tai, giọng nói trở nên đáng thương: "Mẹ."
Đúng là xui xẻo. Bình thường mẹ toàn về muộn, hiếm hoi lắm mới về sớm, thế mà đúng lần này cô lại bị bắt quả tang. Nếu cô bé làm sai thì sẽ bị mẹ véo tai. Mong lần này mẹ nghĩ đến mặt mũi của cô bé mà không véo tai cô trước mặt mọi người.
Mẹ không véo tai, thay vào đó là xách cổ áo của cô bé lên.
Cứ như vậy, mẹ một tay ôm hộp, một tay xách cổ cô bé, vừa nhấc vừa lôi về ký túc xá. Tiếng chủ sạp bán bình hoa vọng lại từ đằng xa: "Thưa bà, đừng khó khăn với cô bé quá, cô bé là một đứa trẻ ngoan."
Đúng vậy, cô làm chuyện này chỉ vì giúp đỡ gia đình Sara thôi. Đáng giận là Sara vẫn đờ đẫn đứng đó, còn không mau đuổi theo đi, Donna ra hiệu với Sara.
Hai người quay về ký túc xá chưa được mười phút, mặt trời đã bị ngọn núi đằng xa nuốt trọn.
Ở cái xứ quỷ quái này, mặt trời vừa lặn là lập tức bầu không khí xung quanh sẽ trở nên vô cùng tĩnh mịch.
Mẹ đang nấu cơm. Donna nhiều lần muốn giúp nhưng đều bị ánh mắt của mẹ ép phải cất hai tay vào túi quần.
Mẹ đã khóa hộp đựng thư của Nữ hoàng vào két sắt, Donna cũng đã xin lỗi vì hành vi của mình rồi. Sau khi xin lỗi, cô bé kể cho mẹ nghe chuyện em trai của Sara.
Mẹ hay mềm lòng, Donna vốn tưởng kể chuyện em trai Sara xong, mẹ sẽ mở két sắt, lấy chiếc điện thoại di động ba để lại cho mẹ ra.
Nào ngờ, nghe chuyện em trai Sara rồi mà vẻ mặt của mẹ vẫn nặng nề.
"Mẹ!" Cô bé giậm chân, thấy mẹ vẫn không đáp lại liền dứt khoát nói, "Mẹ, mẹ không có tí ti lòng trắc ẩn nào cả. Mẹ là người lòng dạ sắt đá, bây giờ mẹ giúp những người này đều là đang làm bộ làm tịch mà thôi. Mẹ, mẹ là người ích kỷ, con quá thất vọng vì mẹ."
Dứt lời, nước mắt cô trào khỏi khóe mi.
Chỉ cần một cuộc điện thoại thôi là đã có thể giúp được em trai Sara, còn chuyện gì đơn giản hơn được nữa.
Mẹ đặt đồ nấu ăn xuống, nhìn thẳng vào cô bé.
Donna không chịu yếu thế, cũng dùng ánh mắt đáp trả lại mẹ.
Một lát sau.
Mẹ cô bé thở dài, cúi người xuống nói khẽ: "Donna nói đúng, mẹ là người ích kỷ, cho nên mẹ mới không xứng đáng để gọi điện cho Thâm Tuyết."
Không, không phải. Con chỉ vừa nói vớ vẩn thôi. Không đợi Donna cất lời, mẹ đã nhẹ nhàng đặt tay lêи đỉиɦ đầu cô bé: "Hồi Thâm Tuyết còn nhỏ như con, mẹ đã hứa với Thâm Tuyết sẽ ở bên cô bé cả đời, nhưng cuối cùng… mẹ vẫn rời xa cô bé. Mẹ đã chứng kiến Thâm Tuyết trưởng thành, mẹ biết cô bé nói ‘Thưa cô, em trưởng thành rồi’ là dối lòng mình đến thế nào, nhưng mẹ vẫn làm như không hay không biết."
"Mẹ còn biết, khi đó Thâm Tuyết mong đợi mẹ có thể nói gì đó, ví dụ như: ‘Thâm Tuyết, cô đã hứa với em rằng sẽ ở bên em cả đời’. Nhưng mẹ không lên tiếng, nếu mẹ biết mẹ Thâm Tuyết sẽ rời xa con bé sớm như vậy, thì khi đó chắc chắn mẹ sẽ lựa chọn ở lại bên Thâm Tuyết."
Mẹ Donna rưng rưng nước mắt.
"Bây giờ không còn ai ở bên cạnh Thâm Tuyết nữa rồi." Nước mắt tuôn rơi từ khóe mắt mẹ.
"Không đâu mẹ, Thâm Tuyết vẫn còn ngài Thủ tướng mà." Donna nói.
Nhìn Donna, mẹ mỉm cười. Nụ cười ấy không giống nụ cười bình thường của mẹ, dường như nó có cùng ý nghĩa như cái thở dài ban nãy của mẹ.
Mẹ quay lưng đi, khi quay lại, khóe mắt đã đỏ hoe.
Có lẽ, chuyện cô bé nói đã làm mẹ khó xử. Donna nghĩ, hay là…
Lúc này, cánh cửa ký túc xá bị đẩy ra.
Nhìn Sara đứng ngoài cửa, nghĩ đến em trai Sara, Donna quyết định cố gắng lần cuối cùng.
Cô bé Sara đến trước mặt mẹ, để mẹ thấy những vết phồng rộp lớn nhỏ trên tay Sara. Để mua áo thi đấu có chữ ký của cầu thủ Ibrahimovic, ngày nào Sara cũng phải đi xa xách nước, chỉ để nhận được vài xu lẻ.
Cuối cùng, mẹ mở két sắt ra.
Donna vui vẻ, liên tục nháy mắt với Sara. Vậy mà con bé ngốc kia vẫn chưa hiểu ra, cô đành phải kể cho con bé biết trong két sắt có một chiếc điện thoại di động.
Vẫn chưa hiểu sao? Ngốc vậy.
"Lát nữa mẹ tớ sẽ dùng điện thoại di động gọi cho Nữ hoàng. Trang thiết bị liên lạc ở đây không tốt, Nữ hoàng lại ở xa, phải dùng điện thoại di động mới được." Donna kéo tai Sara nói nhỏ.
Mẹ Donna bực mình lườm cô bé.
Donna thầm cười khì, mẹ cầm điện thoại di động rồi kìa.
Mẹ mở cửa ký túc xá, Donna lặng lẽ lôi Sara đi theo. Cô bé muốn chứng kiến thời khắc thần thánh khi mẹ nói chuyện với Nữ hoàng.
Mẹ tìm một vị trí thoáng đãng, kiểm tra nhiều lần rồi bắt đầu kết nối điện thoại.
Sợ mẹ giận, Donna không dám đến quá gần. Cô bé nấp sau tường ký túc xá, dỏng tai chờ điện thoại kết nối.
Cuối cùng, cô bé nghe thấy giọng nói ngập ngừng của mẹ giữa tiếng gió, "Làm ơn kết nối cuộc gọi của tôi đến phòng làm việc của Nữ hoàng, xin thông báo người gọi là Tô Linh."
Tô Linh là tên của mẹ. Mẹ được đưa đến cô nhi viện từ năm lên một, bảy tuổi thì được nhà họ Tô đón đi, về sau mới có tên họ.
Sau khoảng năm phút, Donna nghe tiếng mẹ gọi "Thâm Tuyết".
Chứng tỏ mẹ liên lạc được với Nữ hoàng rồi. Chỉ cần nghĩ đến người ở đầu bên kia điện thoại là Nữ hoàng Goran, Donna phấn khích đến nỗi tim đập thình thịch.
Tiếc rằng, hình như mẹ nhận ra hai đứa đang nghe lén nên đã đi xa hơn, Donna không thể nghe được mẹ nói gì với Nữ hoàng.
Sau khi chắc chắn sẽ có cơ hội được nhận áo đấu với chữ ký của Ibrahimovich, Sara hân hoan rời đi.
Màn đêm buông xuống.
Chén rượu trống rỗng đặt trên chiếc bàn tôn, chai rượu bên cạnh cũng đã chạm đáy. Trên bàn ngoài mấy món nhắm, chỉ còn chiếc hộp đặt thư của Nữ hoàng.
Cứ hai chén rượu, mẹ lại đọc thư của Nữ hoàng một lần, bây giờ mẹ đang ngẩn ngơ nhìn chiếc hộp.
Biết mình không đúng, bây giờ Donna thậm chí không dám thở lớn tiếng. Cô bé ngồi im đối diện mẹ, còn mẹ nhìn chiếc hộp, Donna vẫn nhìn mẹ, mí mắt cứ thế nặng dần. Bỗng nhiên, tiếng "Donna" buồn bã cất lên.
"Dạ, mẹ." Cô bé vội vàng mở to hai mắt.
Mẹ đưa tay búng trán cô bé, không hề nhẹ tay chút nào, làm Donna đau đớn bưng lấy cái trán.
Tiếng "nhóc con" bật ra, cùng với hương rượu thoang thoảng.
"Sao thế ạ?" Donna rất ghét bị gọi là nhóc con. Cô bé đã tám tuổi rồi, nhiều người còn nói cô bé thông minh lanh lợi kìa.
"Nhóc con, con thấy mình đã trưởng thành rồi sao?" Mẹ nheo mắt.
"Đương nhiên." Donna ưỡn ngực.
"Như thế nào?"
"Như thế nào à." Donna nói mạch lạc, "Ví dụ như, con biết công việc mà ba và mẹ đang có ý nghĩa lớn lao đối với nhân loại, đối với cả thế giới."
Mẹ cô bé nhếch khóe môi, nói rằng, mẹ rất hài lòng với câu trả lời đó.
Quả nhiên.
Mẹ hỏi cô bé: "Như vậy, Donna đã trưởng thành muốn biết gì từ mẹ nào?"
Donna cũng hài lòng với câu hỏi này.
Cô rất muốn biết ý nghĩa ẩn sau năm bức thư Nữ hoàng gửi, nhưng trước khi hỏi, Donna phải hỏi mẹ một câu khác.
"Mẹ, ngoài chuyện của Sara, mẹ nói chuyện gì với Nữ hoàng vậy?"
Mẹ và Nữ hoàng trò chuyện phải hơn mười lăm phút, chắc chắn trong khoang thời gian này không chỉ nhắc đến chuyện Sara. Donna muốn biết, Nữ hoàng có kể cho mẹ nghe về cuộc sống hôn nhân giữa cô ấy và ngài Thủ tướng không. Được kết hôn với người ưu tú như ngài Thủ tướng, sinh sống cùng người xuất sắc như ngài Thủ tướng, liệu Nữ hoàng có hạnh phúc không?