Cuối tháng Mười hai, năm 2012, tại biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên vùng đồng bằng đất đỏ, mấy chục chiếc xe bọc thép hạng nặng nghiến mặt đường, bụi đất bị cuốn lên mù mịt như tấm mạng che chắn ánh mặt trời lúc ba giờ chiều, nhìn qua không khác gì viên ngọc bọc trong túi lụa.
Mấy thanh niên trẻ mặc đồng phục dân quân người Kurd* lặng lẽ nấp sau bụi cây. Đến khi những chiếc xe bọc thép đi qua rồi mất hút, họ mới lập tức chạy vọt đến một nơi cao và thoáng đãng hơn.
(*) Người Kurd là một dân tộc tại vùng Trung Đông, chủ yếu cư trú tại vùng đất kéo dài từ Đông và Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ (Bắc Kurdistan), Tây Iran (Đông Kurdistan), Bắc Iraq (Nam Kurdistan), và Bắc Syria (Tây Kurdistan hay Rojava).
Một thanh niên vừa chạy vừa bắn pháo sáng, luồng sáng xanh lao vọt đi như mũi tên, nhắm thẳng lên bầu trời xanh.
Những người sống ở vùng đất này không hề lạ lẫm với ánh sáng xanh ấy. Ánh sáng đó báo hiệu, người Syria, người Thổ Nhĩ Kỳ hay người Kurd trong vòng bán kính một trăm dặm sẽ không phải nghe thấy tiếng súng trong những ngày năm mới sắp tới.
Năm ngoái, nhiều nước phương Tây triển khai chiến dịch bao vây tấn công Syria. Chiến tranh ảnh hưởng đến khu tự trị của dân tộc Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ, nằm sát biên giới Syria. Sau nhiều nỗ lực của Liên Hiệp Quốc, gần đây, nhiều bên tham chiến đã ký hiệp định đình chiến mười lăm ngày.
Khi nhóm quân đồng minh cuối cùng rút lui, người dân ở vùng biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ chính thức chào đón những ngày bình yên ngắn ngủi.
Pháo sáng băng qua khu chợ trao đổi hàng hóa tại biên giới Syria và Kurdistan nhưng không ai phát hiện ra, người nào người nấy đều đang bận túi bụi.
Người đàn ông dân tộc Kurd đang cố gắng thuyết phục một bà thím người Thổ Nhĩ Kỳ trùm khăn hoa, muốn đổi con gà rừng vừa săn được để lấy chiếc vòng tay của bà ta. Nhưng thoạt nhìn đã thấy bà thím người Thổ Nhĩ Kỳ có tính toán khác. Trong khi trả giá với người đàn ông Kurdistan, mắt bà ta thỉnh thoảng vẫn liếc sang cậu thanh niên Syria đang cầm đôi giày Nike gần như mới toanh.
Anh chàng người Syria đứng trên mỏm đá, không ngừng đung đưa đôi giày Nike trên tay, hét to: "Quà của một phóng viên người Mĩ tặng, chưa đi quá hai lần, hai mươi đô la."
Hai mươi đô? Không ít người lắc đầu, e rằng có gom hết tiền mặt của cả cái chợ này cũng chẳng được đến năm mươi đô. Biên giới không lưu thông tiền mặt, hơn nữa đối với những người ở đây, hai mươi đô có thể tương đương với một gia tài nhỏ rồi.
Mặt trời ngả dần về phía Tây.
Người đàn ông Kurdistan hài lòng cầm chiếc vòng tay ra về. Cậu thanh niên Syria hạ giá đôi giày Nike từ hai mươi đô xuống còn mười lăm đô mà vẫn không có ai hỏi han. Anh chàng ủ rũ liếc nhìn mấy cô bé tầm mười tuổi đang ngồi cạnh chủ quầy hàng bán bình hoa.
Mấy cô bé túm tụm với nhau, không ngừng thì thào to nhỏ. Trong số đó, cô bé búi tóc củ tỏi trông nổi bật nhất. Phái nữ ở khu chợ này hoặc trùm khăn đội đầu, hoặc mặt mày nhem nhuốc, chỉ có cô bé này mặc chiếc áo bông gi-lê sáng màu, nhưng điểm hút mắt nhất chính là khuôn mặt Á Đông của cô.
Thật hiếm thấy một khuôn mặt Á Đông chưa trưởng thành xuất hiện ở một nơi như thế này. Nghĩ đi nghĩ lại, cô gái Á Đông ấy chắc hẳn là người nhà của thành viên tổ chức từ thiện vì cộng đồng dựng trại gần đây.
Suy đoán này nhanh chóng được xác thực. Sau một hồi khoa tay múa chân, cô bé búi củ tỏi phồng mang trợn má chạy vội về căn cứ của nhóm giám sát thuộc Liên Hợp Quốc.
Khoảng mười lăm phút sau, cô gái tóc củ tỏi ôm một hộp sắt xuất hiện, nhưng… nét mặt cô bé hơi kỳ quặc. Từ ánh mắt đến cử chỉ đều cho thấy cô bé không có tiền, nhưng vì không muốn mất mặt nên cô bé lén lấy một hộp kẹo từ trong nhà, khoe khoang của nả trước mặt những người bạn nhỏ của mình.
Không, không phải, đó không phải hộp kẹo, ít nhất bây giờ không còn nữa. Donna nhìn hộp sắt trong lòng mình.
Bây giờ, nó là hộp kẹo đựng thư.
Hơn nữa… Trong hộp không chứa thư bình thường.
Nghĩ đến danh tính và địa vị của người gửi thư trong hộp, Donna càng siết chặt chiếc hộp vào lòng.
Nếu sơ suất với chiếc hộp này, ví như bị cướp hoặc bất cẩn làm mất, hay dù chỉ để lại một dấu tay dính đất lên lá thư trắng tinh ấy thôi cũng đã là chuyện không thể chấp nhận nổi rồi. Đây là báu vật của mẹ, quý giá gấp trăm gấp ngàn lần hộp trang sức và số tiền trong ngân hàng.
Ý nghĩ này vừa lóe lên, bước chân Donna liền ngập ngừng, cô bé vô thức nhìn dáo dác xung quanh.
Đúng vậy, cô bé đã lén lấy chiếc hộp thư này từ trong nhà ra, nhưng không thể trách cô bé được. Bình thường mẹ thậm chí còn không muốn để cô bé nhìn bức thư trong hộp, đừng nói là cho phép cầm đến nơi hỗn loạn thế này.
Suy cho cùng là tại Sara, cô bé và đám bạn của mình không tin Donna.
Chuyện là thế này: Mấy tháng trước em trai Sara bị mảnh vỡ đạn lạc găm trúng đầu. Hiếm lắm mới có cơ hội lấy mảnh đạn ra, em trai Sara được Hội Chữ thập đỏ quốc tế sắp xếp đưa đến Istanbul phẫu thuật. Bác sĩ nói xác suất phẫu thuật thành công chưa đến năm mươi phần trăm. Nhưng nếu không phẫu thuật, em trai Sara chỉ sống cùng lắm được hai năm nữa thôi.
Trước mắt, chỉ còn một tuần nữa là đến thời điểm phẫu thuật.
Em trai Sara là fan cứng của cầu thủ Ibrahimovic, siêu sao đội tuyển quốc gia Thụy Điển. Cả nhà Sara bàn bạc trao đổi, quyết định mua cho em trai Sara chiếc áo thi đấu do Ibrahimovic tự tay ký tên.
Đối với một gia đình bình thường ở Kurdistan, xét về kinh tế hay quan hệ, đâu dễ dàng mua được áo đấu của cầu thủ nổi tiếng, có đủ tiền mua bộ đồ đá bóng chính hãng đã là tốt lắm rồi.
Áo cầu thủ có chữ ký của Ibrahimovic à? Người nhận lời lấy áo cho nhà Sara nói: "Các người đừng mơ mộng hão huyền nữa."
Phong độ chói sáng của Ibrahimovic gần đây khiến áo thi đấu có chữ ký của anh được đấu giá lên đến năm trăm đô trên mạng. Dù gia đình Sara có bán hết cả của nả trong nhà cũng chỉ gom được ba trăm đô, mà cũng chẳng có ai chịu đem chiếc áo từ thành phố lớn đến khu tự trị Kurdistan khói lửa này.
Càng sát ngày phẫu thuật của em trai Sara, nhà Sara càng đắm chìm trong tuyệt vọng.
Sara là người bạn đầu tiên của Donna, tiếng Kurd của Donna cũng một phần học được từ cô bé. Donna cho rằng mình phải có trách nhiệm giúp đỡ hai chị em nhà họ, bèn thổ lộ ý định của mình cho Sara, nào ngờ lại khiến cho Sara và mấy cô bạn hoài nghi.
Bực nhất là một nhóc bạn của Sara còn giễu cợt cô: "Cậu nói mẹ cậu là cô giáo của Nữ hoàng, thế thì mẹ tớ chính là dì họ của Thủ tướng Anh đến Kurdistan này làm dâu đấy."
Câu nói này chọc Donna tức điên lên.
Bây giờ, cái hộp trong lòng cô bé chính là thứ vũ khí lợi hại để chặn họng con nhóc chưa hiểu đời kia. Donna nóng lòng nghĩ đến dáng vẻ của chúng bạn khi thấy những lá thư này.
Nghĩ tới đây, Donna rảo bước.
Bây giờ mẹ đang xử lý giấy tờ trong phòng làm việc, cô chỉ cần trả cái hộp về chỗ cũ trước khi mẹ về đến nhà là được.
Chợ trao đổi hàng hóa dần thưa người, chủ quầy bán bình hoa trầm lặng hút thuốc, Sara vẫn mang vẻ mặt ủ rũ, mấy người bạn của Sara dồn mắt về phía ngực cô.
Liếc xéo bọn nhóc, Donna rút chiếc khăn tay từ túi áo bông ra trải xuống mặt đất, cẩn thận đặt chiếc hộp lên rồi cài nút áo bông thật chỉnh tề.
Ở Goran, phụ nữ từ mười sáu đến sáu mươi tuổi đều phải hành lễ khi gặp Nữ hoàng, còn nam giới phải bỏ mũ cúi chào.
Hành động của Donna khiến mấy người bạn của Sara giật mình, nhưng đám nhóc nhanh chóng tỏ vẻ xem thường.
Đúng là mấy đứa con gái khờ dại, đâu phải chỉ có hộp vàng lóng lánh mới có thể đựng thư của Nữ hoàng, Donna thầm mắng.
Tay cô bé phủ lên chiếc hộp, trước khi lấy thư trong hộp ra, cô bé phải nói cho rõ ràng.
"Tớ nghiêm túc tuyên bố một lần nữa. Trước khi mẹ gặp ba tớ, mẹ đã là cô giáo dạy tiếng Trung của Nữ hoàng trong mười năm." Donna nói.
Donna rất thích nghe câu chuyện về Nữ hoàng mà mẹ kể.
Câu chuyện mẹ hay kể nhất là: "Mẹ chứng kiến Thâm Tuyết từ lúc còn bé xíu trở thành một cô nhóc như con, chứng kiến Thâm Tuyết từ một cô nhóc trở thành thiếu nữ duyên dáng, yêu kiều. Vậy mà, Thâm Tuyết lại càng ngày càng trầm lặng ít nói."
Kể đến đây, mẹ lại thở dài.
"Sau đó thì sao ạ?"
"Sau đó… Mẹ gặp ba của con. Sự xuất hiện của ba con khiến mẹ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn. Rời đi cùng ba con, hay tiếp tục ở bên Thâm Tuyết? Cuối cùng, Thâm Tuyết đã quyết định giúp mẹ. Thâm Tuyết nói cô ấy đã trưởng thành, không cần cô giáo nữa."
"Sau đó thì sao?"
"Rồi mẹ rời Goran, rời xa Thâm Tuyết. Một năm sau, Donna đến với thế giới này. Năm Donna ra đời, Thâm Tuyết trở thành một trong những người được kế vị ngôi vị nữ hoàng."
"Sau đó thì sao mẹ?"
"Sau đó, lúc Donna sáu tuổi, Thâm Tuyết trở thành Nữ hoàng của Goran. Lúc Donna bảy tuổi, Thâm Tuyết kết hôn với Thủ tướng Goran, trở thành Phu nhân Thủ tướng."
Mỗi khi mẹ nói đến đây, Donna sẽ thầm gào thét. Hết cơn, cô lại lễ phép hỏi: "Mẹ, mẹ kể lại câu chuyện vừa rồi được không?"
Hiển nhiên, mẹ biết tỏng tâm tư của cô bé, nhưng vẫn kể lại theo nguyện vọng của Donna.
"Lúc Donna sáu tuổi, Thâm Tuyết trở thành Nữ hoàng Goran. Lúc Donna bảy tuổi, Thâm Tuyết kết hôn với thủ tướng Goran, trở thành Phu nhân Thủ tướng."
Cô bé lại thầm điên cuồng la hét.
Điều khiến Donna phấn khích không phải là ngôi vị Nữ hoàng Goran của Thâm Tuyết, mà là danh hiệu Phu nhân Thủ tướng. Sống trên đời, phải may mắn thế nào mới có thể trở thành Phu Nhân thủ tướng Goran chứ?
Donna đã thấy ảnh Thủ tướng Goran, đó là người có khuôn mặt điển trai nhất cô bé từng thấy.
Khôi ngô, trẻ trung, cao lớn, chỉ đứng thôi cũng chói lọi hơi cả vì sao trên trời, khiến người ta không thể dời mắt.
Nếu có người hỏi Donna có muốn gặp Thủ tướng Goran, muốn bắt tay Thủ tướng một lần không, câu trả lời chắc chắn là có.
Nhưng gặp Thủ tướng đâu phải chuyện dễ dàng. Nếu có thể, Donna nguyện dùng dùng hai trăm chín mươi đô để đổi lấy một cơ hội đi gặp Thủ tướng Goran.
Đừng xem thường hai trăm chín mươi đô này. Đây là toàn bộ tiền tích cóp của Donna, ba muốn vay cô mười đô cũng đừng hòng.
Ví von này đơn thuần chỉ để diễn tả tình yêu và sự sùng bái của cô bé dành cho ngài Thủ tướng mà thôi.
Chứng tỏ ngài Thủ tướng có sức quyến rũ đến thế nào.
Cô bé không nói quá chút nào, ngay cả mẹ cũng thừa nhận mà. Ngài Thủ tướng là người đàn ông đẹp trai nhất mà mẹ từng gặp.
Cô bé không nói chuyện xa vời nữa, bây giờ cô bé cần bàn về chuyện Nữ hoàng Goran.
Nữ hoàng Goran chính là Thâm Tuyết của mẹ.
Mẹ luôn nói: "Thâm Tuyết là một cô bé ngoan."
Bây giờ, Donna tám tuổi, cũng là năm thứ hai Thâm Tuyết trở thành Phu nhân Thủ tướng, mẹ cũng đã xa Thâm Tuyết được gần mười năm.
Kể từ khi mẹ rời xa Thâm Tuyết, cô thiếu nữ tĩnh lặng mẹ hay nhắc đến luôn viết thư cho mẹ vào những mốc thời điểm quan trọng trong cuộc đời mình.
"Kính gửi cô giáo, Thâm Tuyết kính thư."
Hộp sắt đựng năm lá thư Thâm Tuyết gửi cho mẹ. Trước khi đưa những bức thư này ra, Donna cho rằng mình cần phải kể về đất nước mang tên Goran ấy.
Giờ đây cô bé còn quá nhỏ, chưa thể hiểu hết mọi chuyện. Hơn nữa thời gian có hạn, cô bé chỉ có thể nói những điều mình hiểu biết rõ ràng, để xác nhận vài chuyện quan trọng về Goran.
Donna đặt tay lên hộp sắt, cất cao giọng hỏi: "Các cậu biết nước Goran không?"
Như cô đoán, mấy cô nhóc non nớt ngơ ngác nhìn nhau, đồng loạt lắc đầu.
Thôi kệ, ở nơi không có mạng Internet này, còn nhiều đứa trẻ thậm chí không có cơ hội chạm tay đến sách vở, cô không thể mong đợi quá nhiều.
"Đó là một quốc gia được hình thành từ đảo và núi lửa, phía Nam giáp châu Nam Cực, phía Bắc hướng về Tonga xa xôi. Diện tích lãnh thổ là 495.540 km2, dân số 6.670.000 người. Goran là quốc gia quân chủ lập hiến, hiện là một trong những thành viên của khối Thịnh vượng chung. Trong năm mươi năm qua, Goran đã được ghi danh vào bốn thiên đường di dân, cùng với Canada, Australia, New Zealand." Đây là kiến thức Donna có được từ Wikipedia.
Giới thiệu xong về thể chế quốc gia, cô bé nhắc đến nền kinh tế của Goran.
"Goran là một quốc gia vô cùng phồn thịnh, có bốn ngành công nghiệp lớn là cao su, ngọc trai, dầu hỏa và du lịch. Người giàu ở nước này chất đầy xì gà thượng hạng trong kho. Sở thích của họ là làm những chuyện trái khoáy, như là dùng tiền mệnh giá lớn đến trăm đô làm mồi châm lửa xì gà." Donna quay sang lải nhải lại một đoạn đọc được trên một tờ tạp chí của Mỹ hồi năm ngoái.
Mẹ cũng đã xác nhận nội dung mà tác giả bài báo viết. Mẹ còn nói, đối với giới siêu giàu ở Goran, dùng tiền mặt châm xì gà không phải là chuyện gì to tát.
Đứa ngốc tự nhận mình giỏi, tuyên bố mẹ mình là dì họ của thủ tướng Anh cười khì nói: "Tiền Zimbabwe chứ gì?"
Donna lườm con bé ngốc nghếch ấy một cái. Cô bé ghét nhất bị ngắt lời khi đang nói, may mà đáp án chính xác sẽ giáng cho con nhóc kia một cát tát đau điếng.
"Không, đô Mỹ." Một giọng nói vang lên xác nhận câu trả lời trước cả Donna.
Người trả lời thay Donna chính là chàng thanh niên Syria rao bán giày Nike. Không chỉ anh chàng Syria này, ngay cả chủ quầy bán bình hoa cũng tham gia vào câu chuyện.