Chương 3

Tác giả: Sở Chấp | Chuyển ngữ: Bunbun

————

Chương 3: Chú thỏ sợ hãi

Lưng Lan Trạch đầy mồ hôi lạnh, em nghiêng đầu liếc ra đằng sau một cái, tranh vẽ quỷ thần ở cửa cứ như Tu La địa ngục, cánh cửa thì như lối đi dẫn thẳng vào địa ngục.

Thị vệ canh gác ngoài cửa đều mặc áo bào cá chuồn, toàn bộ số thị vệ đều nghe theo Tiêu Cảnh Đình sai khiến, được gọi là tai mắt hoàng đế, trên giám sát sáu bộ dưới đốc thúc toàn quốc.

Hành lang dài dằng dặc chỉ thắp một ngọn đèn, thị vệ bước đi không phát ra tiếng, hai bên vọng lại mỗi tiếng bước chân của Lan Trạch.

Lan Trạch đi theo sau thị vệ, em muốn mở miệng hỏi giờ đang đi đâu, hướng đang bước đi là hậu viện.

Vòng qua núi giả cùng rừng hòe, đường mòn khá tối, dòng nước đổ xuống lạnh lẽo như suối trăng băng giá.

Từ đằng xa, Lan Trạch trông thấy được hoa văn cá chuồn trên gấm đan xen ở vùng rìa tăm tối phía kia.

Em không nhịn được ngó mấy lần nữa, thấy trong phạm vi tầm nhìn có người đang quỳ đằng sau núi giả, lưỡi đao sắc bén đón ánh trăng chém xuống, máu bắn lên vách đá im phăng phắc.

Thoáng cái đầu của người đang quỳ dưới đất rơi bịch xuống, vết máu loang ra mặt đất lát đá xanh hòa với bóng đêm, Cẩm y vệ cứ như ác quỷ đang cầm đao.

Lan Trạch giương mắt nhìn theo cái đầu lăn lông lốc, đôi con ngươi kia như nhìn thẳng vào em, suýt thì em khϊếp hãi kêu lên thành tiếng, vội bịt miệng mình lại.

Do em tạo ra tiếng động khe khẽ, thị vệ trước mắt quay đầu lại nhìn lướt một cái.

Tim em cứ đập liên tục thình thịch thình thịch, lòng bàn tay ứa mồ hôi lạnh, em vội vàng dời mắt đi không nhìn nữa.

Ban đầu họng gặp vấn đề, giờ đã khá hơn nên em kêu ra thành tiếng thật, em đã lén thấy Cẩm y vệ xử lí người, liệu kẻ tiếp theo bỏ mạng có phải em không.

Lan Trạch không dám nghĩ nhiều, em sợ, em dịch lại gần thị vệ theo bản năng, nhắm mắt theo đuôi thị vệ.

"Bây giờ anh... đang dẫn tôi đi đâu thế?" Lan Trạch vẫn không kìm nổi phải hỏi, luôn luôn đưa mắt cảnh giác các Cẩm y vệ phía sau, phát hiện ra các thị vệ này đã biến mất thần không biết quỷ không hay.

Cứ như bóng ma sống trong đêm tối vậy.

Thị vệ trả lời em: "Đến hậu viện, cậu ở tạm đây, nghe theo đốc chủ sắp xếp."

Trong lúc trả lời em thì hai người đã đến nơi.

Đây là hậu viện, xây rất nhiều lầu gác đỏ son hai tầng, thị vệ canh gác bên ngoài, có một số người hầu nữa.

Thị vệ: "Chốc nữa sẽ có người mang đồ sang, ở trong hậu viện không được tùy ý ra ngoài, nếu cậu có việc gì thì báo cho thị vệ trực."

Nói xong thị vệ dừng tầm mắt ở mặt em giây lát, ngay sau đó thu ánh mắt lại.

Lan Trạch được dẫn vào hậu viện, em không vào lầu son mà đến chỗ ở của người làm.

Người làm đi trên đường trông thấy em đều chỉ liếc vội một lượt, ánh mắt một số người kinh ngạc, một số người thì trông hơi bất ngờ.

Lan Trạch sờ lên mặt mình, em được đãi ngộ tốt hơn người làm bình thường một chút, có một khoảnh sân riêng.

Nếu là Từ Xuân Trì thật thì chắc đã làm ầm lên rồi, đại thiếu gia còn lâu mới chịu ở chung với người hầu.

Lan Trạch không phải đại thiếu gia thật, nay em đang mạo danh thế chỗ, ban đầu em cũng sống trong con ngõ chật hẹp tối mù, bây giờ thích ứng rất nhanh.

Trong phòng có gương đồng, dĩ nhiên em đã chú ý đến ánh mắt của các thị vệ binh sĩ, cả người làm nữa.

Em bắt đầu tỉ mỉ quan sát trong gương, em đã nhìn gương mặt này suốt mười bảy năm, không phát hiện ra điểm gì đặc biệt hết.

Lần đầu tiên em gặp Tạ Cảnh Đình là mấy hôm trước, em nhìn chằm chằm vào bản thân trong gương, mình đang trợn to mắt một tí, như này trông hơi ngu si, thế là sau đó em híp mắt lại.

Như thế nhìn mắt sẽ hẹp dài hơn chút xíu, tiếp tục nhênh nhếch lên tí nữa, lộ ra thái độ lạnh nhạt, như này... như này.

Lan Trạch nhìn mình trong gương, không biết có phải ảo giác không nữa, đúng là như này hơi hơi giông giống Tạ Cảnh Đình thật.

Chẳng trách người làm trên đường nhìn em kiểu thế, đúng, em không thể trông thấy mặt mình, nếu em đứng cạnh Tạ Cảnh Đình chắc là so sánh với nhau còn rõ ràng hơn.

Khuôn mặt em có phần tương tự với Tạ Cảnh Đình.

Lan Trạch ngộ ra việc này, lập tức thấy hơi căng thẳng, nếu em là Tạ Cảnh Đình em sẽ không ưa người trông giống mình.

Tạ Cảnh Đình vừa mới tha mạng em là vì em tự nhận thông tuệ hơn người. Trên thực tế em chỉ mới học văn Tam tự kinh, không biết ngâm thơ tác phú, còn vụng về hơn người khác nữa, may giày vải cũng không đẹp, ngoài việc biết chọn lựa ít dược liệu ra thì cả người không được cái điểm nào hết.

Ngày đầu tiên vào phủ đốc chủ, em nằm trên giường trăn trở trằn trọc, cứ nhắm mắt lại là toàn thấy Tạ Cảnh Đình.

Cẩm y vệ phía sau Tạ Cảnh Đình cầm đao cong trong tay, một đường trắng lóa chiếu xuống, đầu em lìa khỏi cổ.

Lan Trạch lo âu sợ hãi đến tận nửa đêm, cuối cùng chạm phải khóa bạc lạnh băng, lòng em dịu dần lại... Bất luận thế nào, em cũng phải sống tiếp.

Em mơ màng thϊếp đi.

Ba ngày liền em chỉ ở trong hậu viện, việc em lo lắng không hề xảy ra.

Không có thị vệ đến bắt em đi, Tạ Cảnh Đình cũng không sai người sang gọi em, em chỉ cần ở lại hậu viện làm một số công việc của người hầu, ngoài mấy người làm hỏi thăm em thì không ai để ý đến em cả.

Lan Trạch yên tâm hơn chút xíu, hai hôm nay em đi nghe ngóng tình hình. Khu hậu viện này được Tạ Cảnh Đình xây chuyên để sắp xếp nữ tử cùng luyến đồng đưa tặng.

Tạ Cảnh Đình sẽ trả về phần lớn, một số không muốn đi thì ở lại, ví dụ như Trương Nguyên Xuân đang ở trong lầu son.

Trương Nguyên Xuân là con vợ lẽ nhà học sĩ Trương, năm ấy học cùng với Tạ Cảnh Đình một kỳ ở Quốc tử giám, nghe nói tự nguyện đến phủ đốc chủ, lâu nay vẫn ở trong hậu viện, rảnh rỗi thì ghé sang săn sóc Tạ Cảnh Đình.

Ngoài ra còn một vài mỹ nhân dung mạo như hoa, Lan Trạch chưa tiếp xúc với con gái mấy, trông thấy nữ tử xinh đẹp là tự động đỏ mặt.

Tiếc rằng các mỹ nhân này đều sống trong hậu viện, có mỗi sắc đẹp mà chẳng có đất diễn.

Chưa được cho phép thì người trong hậu viện không thể bước ra ngoài nửa bước, bao gồm Lan Trạch.

Cơ mà Lan Trạch phát hiện ra một cái lỗ chó chui, em lẳng lặng ghi nhớ, biết đâu hôm nào bỏ chạy dùng được thì sao.

Em ước mong sao Tạ Cảnh Đình không bao giờ nhớ ra em nữa, em chỉ khấp khởi được đến ngày thứ ba.

Ngày thứ ba, thị vệ mang giấy bút mực nghiên đến cho em.

"Đốc chủ dặn dò, chắc Lan Trạch công tử đã quen dần với cuộc sống ở đây rồi, chỗ này là đề thi của Quốc tử giám, làm xong tiểu công tử nộp cho thuộc hạ là được."

Lan Trạch nhận lấy bài tập từ tay thị vệ, em chỉ đọc được có mấy chữ trong ấy thôi, bắt em viết văn nữa thì đúng là mơ mộng hão huyền.

Em nhàn nhã được ba hôm, cái gì phải đến thì vẫn đến, em nhìn thị vệ, lòng bàn tay chớm đổ mồ hôi, hỏi: "Đốc chủ có giao hạn thời gian không ạ?"

Thị vệ trả lời: "Đốc chủ bảo, cho tiểu công tử thời gian nhiều nhất là một hôm."

Nhiều nhất là một hôm, cho em một tháng em cũng chả viết nổi ý.

Thị vệ truyền đạt xong đi mất, Lan Trạch sốt ruột như kiến bò trên chảo, em giở đề bài ra, em biết nhiều chữ trong đề phết, nhưng nối lại với nhau thì đọc chả hiểu gì.

Em cũng không đi ra khỏi hậu viện được, chẳng lẽ em phải trả lại đề thi còn nguyên niêm phong cho Tạ Cảnh Đình ư?

Lan Trạch đã dự đoán được kết cục của mình, đến lúc đấy Tạ Cảnh Đình nhận ra em là hàng giả, càng không cần thiết phải giữ em lại.

Ai sẽ giữ đồ bỏ đi giả mạo ở phủ mình cơ chứ.

Em mở cửa sổ ra, thị vệ đang canh gác bên ngoài, ban ngày mọi thứ ở đây trông rõ mồn một, em mà bị thị vệ tóm, người làm trong hậu viện tùy tiện ra ngoài đều sẽ bị phạt.

Buổi tối, Lan Trạch đã ngồi trước bàn cả chiều, đề thi trên bàn của em không hề suy suyển.

Em cũng tự viết vài chữ lên giấy rồi, chữ em non nớt như trẻ con, nhiều nét viết sai quy cách ríu vào với nhau nguệch ngoạc xiêu vẹo, xấu vô cùng tận.

Tuy nghịch ngợm nhưng Từ Xuân Trì là học sinh của danh sư, viết chữ rất ổn.

Em đến đây tổng cộng chưa được ba hôm, không thể chết ở đây được.

Ấn tượng của Lan Trạch về Tạ Cảnh Đình không thể gọi là tệ, nhưng em không thể cứ thế ngu ngốc giao mạng mình vào tay Tạ Cảnh Đình.

Thế là đêm hôm em len lén giắt theo đề thi rời phòng, tranh thủ lúc thị vệ không chú ý để chui ra ngoài qua lỗ chó.

Mặt em bám đầy bụi, em nhìn tay áo mình, liếc một lượt trái phải, xác định không thị vệ nào phát hiện ra.

Sau khi em đi ra, ở cách vách, hai thị vệ đứng trước cái lỗ chó nhìn nhau một cái xong ai nấy biến mất tại chỗ.

"Ra ngoài rồi à?" Tạ Cảnh Đình ngồi bên cửa sổ, mặt mũi có vẻ suy ngẫm, sai phái: "Đi theo xem nó định đi đâu."

"Nếu ra khỏi thành thì không cần giữ mạng nữa."

Tạ Cảnh Đình ở đây mới nhận được tin chưa tới nửa khắc đồng hồ, vừa dặn dò thị vệ xong thì đã có người bên ngoài đến báo cáo.

"Đốc chủ, người về rồi ạ."

Lan Trạch không có mấy đồng trong người, em ước lượng trình độ của Từ Xuân Trì, dù được xem là thông minh tới mức nào thì em cũng không thể mời nổi người có khả năng khiến Tạ Cảnh Đình phải tán thưởng đi làm bài hộ em được.

Với cả em tiếc tiền, vốn dĩ em đã nghèo rớt mùng tơi rồi, sau khi lo liệu tang lễ cho mẹ thì chẳng còn lại là bao, lúc ở Từ phủ không có lương tháng, giờ em còn sống đã xem như kì tích rồi ấy.

Cuối cùng em bỏ ra năm văn tiền nhờ tú tài thi rớt bán tranh chữ viết bài làm giúp em.

Tú tài này là tú tài âu sầu, cả con người ngập tràn cảm giác không cam lòng trước sự đời bất công, nhưng chữ viết thì đẹp.

Lan Trạch căng thẳng ngồi cạnh theo dõi, chỉ sợ tú tài mất hứng cái hất luôn đề bài của em đi.

Em ngồi cạnh muốn đề xuất ít ý kiến, tiếc là đọc cũng không hiểu lắm nên chỉ có thể giương mắt dõi theo tú tài viết xong.

Sau đó đếm đủ năm văn trong túi tiền màu vàng nhạt của mình đưa cho tú tài.

Túi này hồi xưa mẹ may cho em, mặt túi có con thỏ nhỏ, em tuổi thỏ, con thỏ mẹ thêu siêu đáng yêu.

Tú tài vẫn cứ thở vắn than dài: "Văn chương của ta... chỉ đáng giá năm văn tiền."

Lan Trạch đau xót năm văn tiền của mình, em an ủi nhạt thếch: "Ít nhất cũng còn đáng tiền."

Không như em, phải bỏ tiền ra nhờ tú tài rớt bảng viết hộ nữa.

Lan Trạch cầm theo bài thi đã khô quay về, trên đường về vẫn tương đối lo lắng, mãi đến lúc thuận lợi chui vào lại ổ chó, dọc đường không hề chạm mặt thị vệ.

Em quay về khoảnh sân của mình xong mới yên tâm.

Rồi cửa phòng em bị gõ vang, giọng thị vệ bên ngoài lạnh tanh, "Lan Trạch công tử, đốc chủ muốn gặp cậu."

Trong chính điện, Lan Trạch quỳ dưới đất, sống lưng em thẳng đờ, em căng thẳng để ý động tĩnh của Tạ Cảnh Đình ngồi ở vị trí chính giữa cách đó không xa.

Bài làm của em được đặt trên bàn Tạ Cảnh Đình, theo lời bẩm báo của thị vệ, vừa nãy thiếu niên đang quỳ dưới đất rời phủ xong nhanh chóng quay lại.

Rời phủ đi tìm người viết văn hộ em.

Y ngước mắt lên một ít, ánh mắt bình lặng dừng lại ở thiếu niên đang quỳ. Có vẻ thiếu niên phát hiện được tầm mắt y, cả người cứng ngắc, đầu hơi cúi thấp xuống, chỉ có thể trông thấy gò má tinh xảo cùng một phần cổ trắng nõn.