Chương 8: Bức thư thứ tám
Borgeby Gard, Fladie, Thụy Điển,
Ngày 12, tháng 8, năm 1904.
Tôi lại muốn trò chuyện cùng ông chốc lát, ông Kappus thân mến, mặc dù những điều tôi muốn nói hầu như chẳng giúp được ai, và chẳng ích lợi gì. Ông gặp nhiều chuyện buồn đã qua, và ông bảo rằng cả sự qua đi ấy cũng nặng nề và bực dọc. Nhưng, xin ông ngẫm lại xem, chính ra những buồn đau ấy đã chẳng xuyên thẳng qua con người ông đó sao? Phải chăng bao thứ nơi ông đã biến đổi, ông đã khác đi ở đâu đó, ở một góc nào đó trong con người mình ngay giữa lúc buồn? Chỉ những nỗi buồn đem ra để át người đời là nguy hiểm và tồi tệ; chúng chỉ tạm lui như những căn bệnh được chữa chạy qua loa và điên rồ, ngơi đi một chốc để rồi lại bùng lên khủng khϊếp hơn; và tích tụ trong nội tâm thành vật sống, là vật sống bị bỏ qua, bị khinh bỉ, phí phạm và có thể chết người. Nếu đủ khả năng nhìn xa hơn tầm hiểu biết của mình và vượt ra ngoài những thành tựu của tổ tiên đôi chút, có lẽ chúng ta sẽ dành cho nỗi buồn nhiều tin cậy hơn là niềm vui. Bởi lẽ buồn là những khoảnh khắc cho một cái gì mới mẻ chợt bước vào ta, một cái gì chưa biết; những cảm xúc của chúng ta bỗng rụt rè bối rối im hơi, mọi thứ trong ta lùi lại, yên tĩnh dâng lên, và chính giữa là cái mới, cái chưa ai biết, lặng im đứng đó.
Tôi cho rằng hầu hết nỗi buồn của chúng ta là những khoảnh khắc căng nhưng ta lại tưởng đấy là tê liệt, sở dĩ như vậy vì ta không còn nghe ra những cảm xúc lạ lẫm của mình. Vì ta đơn độc với cái mới lạ vừa bước vào nơi ta; vì bỗng chốc bao nhiêu cái đã thuộc và đã quen bị nẫng đi bằng hết; vì ta đang giữa bước quá độ không thể dừng chân. Cho nên nỗi buồn cũng qua đi: cái mới trong ta, cái vừa nhập cuộc, tiến thẳng vào tim ta, đến căn buồng sâu kín nhất trong tim và lập tức thôi không còn đó, - bởi nó đã vào trong máu. Và ta không hay biết nó là cái gì. Ta dễ tưởng chẳng có cái gì xảy ra, nhưng kỳ thực ta đã đổi khác, như căn nhà đổi khác khi một người khách lạ bước vào. Ta chẳng biết người đó là ai và có lẽ sẽ chẳng bao giờ biết, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy là tương lai cũng lẻn vào ta theo cách đó, để hoá thân thành ta, rất lâu trước khi nó thực sự là tương lai. Khi buồn, sở dĩ rất cần phải cô đơn và nhạy bén, vì: cái khoảnh khắc dường như vô sự và bất động khi tương lai lẻn vào ta chính ra lại gần gũi đời sống hơn nhiều so với thời điểm khác kia, thời điểm ồn ào và ngẫu nhiên, khi nó, tương lai, như từ bên ngoài ập đến. Buồn càng âm thầm bao nhiêu, càng nhẫn nại và cởi mở bao nhiêu thì cái mới thấm vào ta càng sâu, càng chắc bấy nhiêu, ta càng chiếm được nó, và nó càng trở thành số phận của ta, và một ngày nào đó sau này khi nó "diễn ra" (nghĩa là từ trong ta bước ra, đến với người khác), sâu trong thâm tâm ta sẽ thấy nó và ta thật gắn bó và gần gũi. Và điều đó là cần thiết. Cần thiết là, chúng ta không gặp phải điều gì xa lạ, mà chỉ gặp thứ gì từ lâu đã thuộc về ta -và sự phát triển của chúng ta sẽ tiến dần tới chỗ đó. Người ta đã phải đảo hoán cách nghĩ về rất nhiều khái niệm thuộc chuyển động, rồi dần dần người ta cũng sẽ vỡ lẽ ra rằng, cái mà chúng ta gọi là số phận là thứ từ trong con người bước ra chứ không phải từ ngoài bước vào. Chỉ vì rất nhiều người đã không ngấm hết số phận khi nó còn cư trú trong họ, và không chuyển hóa nó vào trong mình, nên lúc nó bước ra họ không biết đấy là cái gì; họ thấy nó lạ mặt, nên lúng túng kinh hoàng mà dứt khoát cho rằng nó vừa mới ập vào người họ, vì họ quả quyết là trước đó chưa từng bắt gặp một cái gì tương tự trong mình. Người ta đã từng nhầm lẫn rất lâu về chuyển động của mặt trời, và vẫn tiếp tục nhầm lẫn về chuyển động của cái sẽ đến. Tương lai, thưa ông Kappus, đứng yên tại chỗ, còn chúng ta thì chuyển động trong không gian vô cùng.
Như thế, hỏi làm sao không gian truân?
Và lại nói về sự cô đơn, càng ngày ta càng thấy rõ, đó quả thực không phải là thứ cho ta chọn lấy hay bỏ đi được. Chúng ta cô đơn. Chỉ có thể tự huyễn hoặc và làm như không có chuyện đó mà thôi. Nhưng thừa nhận, rằng chúng ta cô đơn, và thậm chí lấy đó làm tiền đề thì tốt hơn biết bao. Như thế đương nhiên là ta chóng mặt, bởi ta bị tước sạch mọi điểm dừng quen thuộc cho con mắt, gần thì chẳng còn gì mà xa thì chao ôi xa tít tắp. Ai vừa bước khỏi nhà mà lập tức bị đưa lên chót vót trên đỉnh núi, không được chuẩn bị và chuyển tiếp dần dần, chắc cũng cảm thấy điều tương tự: một sự bất an tuyệt đối, một sự bỏ mình vào chốn vô danh, như thể sẽ bị tiêu diệt. Hắn tưởng mình sẽ ngã, hay sẽ bị liệng vào khoảng không, hoặc nổ tung thành ngàn mảnh: bộ não hắn chắc phải gồng sức bịa ra điều gì đó để lấy lại hồn vía và minh mẫn trở lại. Khi người ta cô đơn, mọi khoảng cách, mọi kích thước đều biến đổi như vậy; nhiều biến đổi trong số đó diễn ra đột ngột, và những ảo giác khác thường, những cảm giác lạ lùng, dường như vượt ra ngoài mọi khả năng chịu đựng, bỗng xuất hiện như với người đứng trên đỉnh núi. Nhưng chúng ta cũng cần phải trải qua điều đó. Phải coi đời mình là rộng, rộng hết mức; trong đó phải đủ chỗ cho mọi thứ, kể cả thứ không chịu nổi. Xét cho cùng, đấy là chỗ dũng cảm duy nhất mà chúng ta phải có: dũng cảm đương đầu với cái lạ lùng nhất, cái kỳ bí nhất, cái không thể giải thích nhất. Ðời sống đã tổn thất bao nhiêu vì cái hèn của người đời theo nghĩa đó; những sự kiện được mệnh danh là "hiện tượng", cái được gọi là "thế giới quỷ thần", cái chết, tất cả những thứ thân thích với ta đó bị cơ chế phòng thủ ngày nay gạt phăng ra khỏi đời sống, đến nỗi các giác quan có thể lĩnh hội chúng đã bị héo mòn. Khỏi cần nhắc đến Thượng Ðế. Nhưng nỗi sợ trước những điều không thể giải thích đâu chỉ làm nghèo cuộc đời của mỗi cá nhân, mà quan hệ giữa người với người qua đó cũng bị hạn chế, như thể bị nhấc ra khỏi dòng chảy của những khả năng vô tận, đặt lên một chỗ hoang vu trên bờ, chỗ không xảy ra điều gì hết. Bởi lẽ chẳng riêng gì sự lười biếng đẩy quan hệ của người đời tới nông nỗi cứ lặp đi lặp lại nguyên xi và đơn điệu hết chỗ nói, đấy là nỗi sợ trước một sự kiện mới, không thể lường trước và người ta e mình không kham nổi. Nhưng chỉ có ai sẵn lòng chấp nhận mọi sự, ai không loại trừ cả điều thách đố nhất, mới trải qua quan hệ với người khác như một thể sống động và tận dụng hết kiếp sống của riêng mình. Bởi lẽ ta hình dung mỗi kiếp người như một căn phòng có thể to hay nhỏ, nhưng thực ra phần lớn chỉ biết có một góc phòng, một bậu cửa sổ, một vệt nơi họ đi đi lại lại. Như thế họ cảm thấy tương đối an toàn. Vậy mà nhân bản hơn nhiều là sự bất an đầy nguy hiểm đã thôi thúc những tù nhân trong truyện của Poe sờ soạng xem mặt mũi cái nhà tù khủng khϊếp của họ ra sao, để mà quen với nỗi kinh hoàng khôn tả nơi đày ải. Nhưng chúng ta không là tù nhân. Bẫy và thòng lọng không rình rập quanh ta, và chẳng có gì hù dọa hay hành hạ ta. Ta được đẩy vào đời sống là môi trường thích hợp với ta nhất, và hơn thế, qua hàng ngàn năm thích nghi ta đã giống đời sống này đến mức chỉ cần nín thở, khéo đổi màu, là hầu như không khác gì mọi vật xung quanh. Chúng ta chẳng có lý do gì mà ngờ vực thế giới này, vì nó không chống lại ta. Nó lắm kinh hoàng ư, thì đấy là những kinh hoàng của chúng ta; nó nhiều vực thẳm ư, thì những vực thẳm ấy thuộc về chúng ta, còn những hiểm nguy thì chúng ta phải cố mà yêu lấy. Và nếu ta thu xếp đời mình theo chỉ dẫn của nguyên tắc là phải bám vào cái khó, thì điều còn rất đỗi xa lạ bây giờ rồi sẽ thành rất đỗi tin cậy và thân thiết. Ta làm sao quên được cái huyền thoại trong những huyền thoại xưa ở buổi sơ khai của mỗi dân tộc, huyền thoại về con rồng phút chót bỗng hoá thành nàng công chúa; có lẽ tất cả những con rồng của cuộc đời ta đều là những nàng công chúa chỉ mong một lần được thấy chúng ta tuấn tú và dũng cảm. Có lẽ mọi cái đáng sợ, xét cho cùng, là cái bất lực đang mong được ta cứu giúp.
Ông Kappus thân mến, ông đừng hoảng sợ khi một nỗi buồn, đồ sộ chưa từng thấy, lừng lững hiện ra trước mặt, khi một nỗi bồn chồn như áng sáng và bóng mây lướt trên tay và trên mọi hành động của ông. Ông nên nghĩ rằng như thế chính là có một sự kiện nào đó diễn ra nơi mình, rằng đời sống không bỏ quên ông, rằng nó nắm ông trong tay và sẽ không để ông rơi ngã. Cớ sao ông lại muốn loại trừ một lo âu nào đó, một nỗi đau nào đó, một phiền muộn nào đó ra khỏi cuộc đời, ông đâu biết những trạng thái ấy làm được gì cho mình kia chứ? Sao ông phải theo đuổi mãi câu hỏi, rằng mọi thứ từ đâu mà ra và sẽ đi về đâu? Ông biết đó, ông đang ở giai đoạn chuyển tiếp và không muốn gì hơn là tự biến đổi. Những đoạn trước của ông nếu có gì bệnh tật thì ông hãy nhớ rằng, bệnh chính là phương tiện để giải phóng một cơ thể khỏi những ngoại tố; ta chỉ cần giúp cho cơ thể ốm, cho cơ thể mắc trọn căn bệnh và được phát bệnh, vì đấy là tiến bộ của nó. Trong con người ông bây giờ, ông Kappus thân mến, có biết bao điều diễn ra; ông phải kiên nhẫn như một con bệnh và vững tin như người khỏi bệnh; vì có thể ông là cả hai. Và hơn thế: ông còn là thầy thuốc có nhiệm vụ trông coi chính mình. Nhưng bệnh nào cũng thế, có những ngày thầy thuốc chẳng biết làm gì hơn ngoài chờ đợi. Và đấy là điều trước tiên ông nên làm trong lúc này, nếu ông thực sự là thầy thuốc của chính mình.
Xin ông đừng quan sát bản thân quá mức. Ðừng vội vàng kết luận từ điều gì xảy ra với mình; cứ để im cho nó xảy ra. Nếu không, ông dễ đi đến chỗ nhìn nhận quá khứ của mình, là thứ đương nhiên góp phần vào mọi chuyện bây giờ ông gặp phải, bằng cái nhìn trách cứ (nghĩa là cái nhìn đạo đức). Những lầm lạc, mong ước và khát vọng của thời niên thiếu còn lại trong ông không phải để ông nhớ đến và kết tội. Hoàn cảnh khác thường của một tuổi thơ cô đơn và bất lực thật nặng nề, phức tạp, bị bao điều tác động và đồng thời tách khỏi mọi tương quan thực của đời sống, cho nên nếu có chăng một thói xấu đặt chân vào đó, ta cũng không thể đơn giản gọi đó là thói xấu. Nhìn chung phải hết sức thận trọng với cách định danh. Biết bao trường hợp là cái tên của tội ác làm tan nát một kiếp người chứ không phải chính bản thân hành vi tội ác, hành vi cá nhân và vô danh, có lẽ là một tất yếu của cuộc đời này và dễ dàng được cuộc đời dung thứ. Và sở dĩ ông có cảm tưởng sức lực bỏ ra là lớn, vì ông đánh giá quá cao chiến thắng; không phải nó là thứ "lớn lao" mà ông tưởng mình giành được, mặc dù cảm giác của ông là đúng; lớn lao là ở chỗ: có một cái gì chân và thực đã ở sẵn trong ông, cho ông dùng để thay thế sự huyễn hoặc kia. Nếu không, chiến thắng của ông chẳng qua là một phản ứng đạo đức mà thôi, không có ý nghĩa sâu xa gì, còn đằng này, nó trở thành một đoạn đời ông, ông Kappus thân mến, cuộc đời mà tôi nghĩ đến với bao lời cầu chúc. Ông còn nhớ cuộc đời ấy ngay từ thuở ấu thơ đã khao khát vươn tới những điều lớn lao như thế nào không? Bây giờ tôi thấy nó tạm biệt những điều lớn lao để khao khát những điều còn lớn lao hơn nữa. Vì thế nó không ngớt gian truân, nhưng cũng vì thế mà nó không ngừng lớn.
Và điều cuối cùng tôi muốn nói là: ông đừng cho rằng kẻ đang tìm cách an ủi ông đây sống dễ dàng gì với những lời giản dị và thầm lặng đôi khi đã làm ông đau. Ðời hắn buồn và vất vả, và tụt lại sau đời ông nhiều. Nhưng nếu không như vậy, hắn đã chẳng tìm ra nổi những lời kia.
Thân ái,
Rainer Maria Rilke