Thời Xa Vắng

Chưa có ai đánh giá truyện này!
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Thời xa vắng là một tiểu thuyết tiêu biểu trong đời viết văn của nhà văn Lê Lựu. tác phẩm ôm chứa một dung lượng lớn chặng đường lịch sử 30 năm oai hùng của dân tộc, từ buổi lập nước đến lúc giải phón …
Xem Thêm

Chương 11
Thiếu tướng Đỗ Mạnh hiện là chính uỷ quân đoàn đóng quân vùng ngoại vi Hà Nội. Việc qua lại Thủ Đô đối với ông gần như là thường xuyên. Qua Hà ông trở thành người bạn thân quen của Hương. ”Nay mới gặp nhưng chú đã biết và rất quý cháu từ mấy chục năm trước“. Lần đầu tiên gặp Hương ở chỗ Hiểu ông đã nói thế. Nhân ngày chủ nhật Họ bàn nhau cả ”hội“ về thăm thằng cháu ruột đang làm bí thư huyện uỷ huyện của Hà. Từ ngày Sài lấy vợ đến giờ ông chỉ đến thăm anh một lần cùng thằng cháu trước khi nó về nhận công tác ở huyện này nhưng chuyện gì của Sài ông cũng biết. Đến lúc ăn cơm ”chiêu đãi“ của cháu xong ngồi uống nướ ông mới như là chợt nhớ ra hỏi chuyện mọi người chuyện gia đình, vợ con Sài. Cả Hà, Hiểu và Tính đều có cách nói hờ hững và những nhận định giống nhau về sai lầm của Sài, về sự chán ngán của mọi người, không ai muốn quan tâm đến nó. Ông chép miệng: ”Mọi việc đã thế rồi, nó tính sai thì phải chịu hậu quả. Chúng mình có đứa em, đứa cháu dâu tốt cũng quý, mà không thì cơm nó nó ăn, việc mình mình làm có ảnh hưởng gì lắm đâu. Chính qua thực tế ấy cậu ta sẽ nhận ra mọi điều thôi. Tôi đề nghị anh Hà với các anh đừng ai xa cách, hắt hủi nó. Là thằng biết nghĩ, nó cũng khổ nhiều đấy“. Chỉ có thế rồi lại ăn kẹo uống nước, hút thuốc và nói những chuyện khác. Nhưng đấy là công việc chính của các ông trong chuyến đi này. Bằng sự tinh nhạy của mình ông biết hàng năm nay cả Hà và Tính đều bất bình với cháu, với em mình. Ông nảy ra ý định rủ mọi người đi chơi cốt để làm cho mọi ngừơi thân thiết của Sài đừng ai quay lưng lại sự đơn độc của cậu ta. Cái công việc cốt yếu ấy lại được xem như là vô tình, không hề quan trọng gì. Đấy là thói quen từ xưa tới giờ. Ông biết những câu nói ”bâng quơ“ ở bàn trà sau bữa cơm sẽ được cả Hà, Tính và Hiểu lưu ý. Riêng với Hương, ông quý cái tình cảm tốt đẹp của cô dành cho những người thân thiết của Sài. Song, Hương lại thấy mình không thể được như thế. Sài lấy vợ, Hương buồn rầu lẩn tránh. Phẫn nộ với anh, cô xa lánh luôn cả bạn bè và gia đình anh. Bẵng đi hàng năm, chỉ biết hàng chục lần Sài đã phải bỏ nhà đi lang thang cô mới lại đến thăm Hiểu, chú Hà và về quê thăm Tính. Như thế để làm gì? Và, tại sao? Cô không biết. Cô thầm cảm ơn Thiếu tướng đã quan tâm đến Sài làm cho mọi ngừơi gần lại với anh. Cô cũng cảm thấy mơ hồ là như thế mọi người sẽ gần lại với cô hơn. Khi hai anh em đạp xe trở về nhà, Hương đã kể cho anh Tính nghe bao nhiêu chuyện về tình cảnh khốn khổ của Sài trong mấy năm qua. Anh dặn Hương thật thà như giao việc cho một đứa em gái. ”ở trên ấy có điều kiện em động viên săn sóc nó hộ anh“. Hương ”vâng“ nhưng cô biết lúc này mình làm sao có thể làm được việc đó. Có những khi đi làm về cô đạp xe vòng quanh cơ quan Sài, đến khi nhìn thấy anh cô lại nhanh chóng vượt lên tránh sang đường khác. Tuy vậy, cô vẫn tìm cách để chăm lo cho Sài. Cô đan cho anh đôi găng tay, cái áo len cộc tay màu ghi, cái mũ len tím, đôi tất màu nước biển và bàn cạo râu của Nga do thằng con lớn của cô học ở bên ấy gửi về. Rồi thuốc bổ, thuốc kháng sinh, và đôi khi cho cả tiền để anh mua thuốc lào. Tất cả những thứ đó cô giao cho anh Hiểu và bắt anh phải giấu mọi người, kể cả Sài. Cô làm như thế hoàn toàn không hề mảy may có một ý nghĩ tranh chia giành giật nào. ở tuổi cô không còn cái háo hức liều lĩnh của tuổi hai mươi nữa. Chỉ vì thương Sài quá. Và thú thật, có cả tình yêu nữa. Một tình yêu của những kỷ niệm đã qua. Ngày nay không bao giờ cô cho phép mình được bộc lộ hoặc chấp nhận nó. Lắm khi cô rất thèm có cách gì đó đến với Châu, trở thành một ngừơi chị của Châu để khuyên bảo cô ta thương yêu, trân trọng sự đau khổ và tấm lòng thành thật của Sài để cô ta đừng làm khổ anh ấy. Nhưng mình là ai ? Liệu có giải thích được khi vỡ lở rằng mình vốn là người yêu cũ của anh ấy không? Lắm lúc cô lại thấy kệ nó, cứ để như thế mới đáng cái tội của Sài. Ai bảo thấy con gái trẻ, đẹp là lao vào như con thiêu thân, để phải cưới chạy như chạy tang. Cô lại bực tức với chính mình. Tại sao cứ phải lo nghĩ dằn vặt đến những chuyện ấy? Để đem lại cái gì? Có lần đem các thứ đến đưa anh Hiểu để gửi cho Sài, lúc quay ra lại thấy vô lý, thấy mình làm việc đó là hấp tấp, vô nghĩa. Nhưng lại không dám quay lại bảo anh Hiểu hãy cứ để đấy. Rồi cuộc sống của họ sẽ ra sao khi Châu đẻ thêm đứa con nữa. Có thể có thêm đứa con, Châu sẽ thương sự vất vả của chồng và tủôi tác lớn hơn sẽ chấp nhận cuộc sống ổn định để vợ chồng con cái, vui vẻ đầm ấm! Đến lúc Sài được yên ổn, hạnh phúc, thì tình cảm của mình sẽ như thế nào? Tự nhiên Hương dùng cả hai bàn tay tát mạnh vao hai má mình rồi ôm lấy mặt, không dám nghĩ tiếp một điều gì sẽ xảy ra!

Châu không đi phá thai như lời Nghĩa nói với Sài. Cô bắn tin để doạ Sài hay vì gia đình ngăn cản? Hoặc vì một lý do nào khác! Sài không hề quan tâm. Chỉ có điều anh bắt đầu chờn với người vợ được xem là ngừoi ”Có trước, có sau“. Một con người đã nói ra được những lời độc ác cũng dám liều lĩnh làm nên tội ác. Biết vậy anh im lặng. Châu cùng mẹ, chị gái rồi chị dâu và cả Nghĩa trở lại nhà sau khi Nghĩa hốt hoảng nói đến bệnh tình của bé Thuỳ. Vứt xe đạp ở bờ tường, chạy lao vào nhà, cô muốn oà khóc vì thương con, vì căm giận chồng, vì cả nỗi hoảng hốt. Thấy bà cụ hàng xóm đang ôm con mình, cô lấy ngay vẻ bình tĩnh: ”Bà ơi, con ơn bà lắm! Bà cho con xin cháu. Trời ơi, không ngờ mấy ngày nay con bị ốm, chắc có bố trông coi ở nhà!“- ”Trẻ con đứa nào cũng phải qua cái đận này. Mấy ngày nay bố nó cũng vất vả. Chị cứ ủ vào cho cháu nó ”nở đều“. Châu cúi xuống nhìn con đã teo tóp lại tới mức không thể ngờ tới. Nước mắt cô ứa ra rào cả xuống chiếc tã bông cuốn cho con. Trong cơn mê man thằng bé mơ thấy mẹ nó đang ôm nó trong lòng nhưng lại gỡ tay nó ra, sẽ sàng đặt nó xuống giường, chạy lao ra cửa. Nó hoảng hốt chạy theo: ”ới mẹ ơi, mẹ ơi đợi con, đợi con“- ”Mẹ đây, mẹ đây“. Châu nắm lấy tay con ghì nó chặt lại: ”Con ơi, Thuỳ ơi, mẹ đây. Tỉnh lại đi con, tỉnh lại con, mẹ đây mà. Mẹ Châu về với con đây mà“. Thằng bé đã nhận ra tiếng mẹ, nó động đậy bàn tay bé xíu như cái tai con thỏ con lần sờ tìm bàn tay mẹ. Nhận đúng là mẹ nó rồi, nó khum bàn tay như thể nắm lấy ngón tay giữ mẹ lại, không cho mẹ chạy đi. Nhưng tay nó không nắm được nữa. Nó tủi thân, nước mắt rào qua lớp dỉ đã kéo thành màng trên vòm mắt. Châu vội vàng lấy khăn lau nước mắt và lớp dỉ đã mềm rữa. Thằng bé cố lắm mới lại mở được mắt. Những lớp mụn lấm tấm như kê đã mọc đều trong mắt nó. Đôi môi bong rộp của bé hơi ánh lên tươi tắn, như muốn biểu lộ hết nỗi sung sướиɠ vô cùng của nó. Người mẹ đã nhận ngay ra dấu hiệu tốt lành ấy, nó như sự ban thưởng lớn lao không có gì sánh nổi. Châu cúi sát mặt con. ”Con mẹ giỏi lắm. Có thương mẹ hông?“ Nó cố gắng gật đầu- ”Mẹ thương Thuỳ của mẹ dũng cảm lắm. Con ngoan cố chịu đau cho chóng khỏi mẹ đưa Thùy đi bà nhé“. Nó phấn chấn gắng gượng gật đầu. Đứng chống tay voà thành giường ngóng đợi niềm vui của hai mẹ con là bà ngoại, là bác, là cô và các anh, các chị trong khu tập thề. Bà cụ già trong khu nhà lại phải ”chỉ huy“ đám ngừơi ấy ”giải tán“ và dặn Châu những điều cần thiết phải kiêng cữ cho con rồi bà mới cười cười yên lòng trở về nhà mình. Sài pha nước mời mẹ vợ và mọi ngừơi cùng uống xong anh theo sự điều khiển của chị gái Châu đạp xe đi mua rau để chị nấu cơm hộ. Người chị ý tứ và thương hại cả hai em đã lôi hết quần áo, xoong nồi trong tủ và trong chạn sau hàng tháng trời không được ai nhìn ngó tới. Căn phòng và bếp được ”tân trang“ lại đâu vào đấy. Chị như người đại diện cho niềm kiêu hãnh luôn luôn của Châu về nề nếp của gia đình mình. Còn chú cháu của Sài lại là hiện thân của sự toạ tệch, luộm thuộm nhiều lúc Châu bắt ”quả tang“ một trong những việc làm mang dấu vết ấy khiến anh không thể cãi lại. Khốn nỗi, cái bệnh sĩ diện hão làm cho anh ta không dám thú nhận nghiêm túc với chính mình để nghiêm túc sửa đổi. ở trong nhà không làm cho nhau vui được cô phải tìm kiếm sự đồng cảm ở bên ngoài. Đó là lẽ thường gì mà khó hiểu. Cái lập luận vững chắc trong cô được hình thành khi sống với Sài. Cô tin đến muôn đời, anh và những người xung quanh không thể tìm đến cái ý nghĩ sâu xa ấy. Dọn dẹp, nấu cơm ăn xong, chị gái lên bế cháu để ”vợ chồng mời bà đi ăn cơm rồi bà ở lại với cháu một đêm“. Câu nào chị cũng nhắc đến ”vợ chồng“, ”các em“, ”hai đứa“, ”cô cậu“. Mãi hơn chín giờ đêm chị mới trở về nhà để ăn cơm chiều. Dù đã yên lòng vợ chồng ”cô cậu“ có vẻ hoà hợp với nhau chị vẫn phải kéo em gái ra đường dặn dò: ”Chín bỏ làm mười“, giữ gìn êm thấm đừng để xung quanh cười chê“. Dù chị không dặn Châu cũng biết trong những ngày tới không có cách nào khác là phải vui vẻ nói với nhau mà ngừoi điều khiển cái tình cảm ấy là cô. Sáng hôm sau nhân bà cụ về Châu bắt đầu sai chồng câu đầu tiên có dùng chữ ”em“: ”Đưa cụ về, nhân tiện đến cơ quan em xin nghỉ tiếp để trông con“. Giá như trước đây được câu đó Sài đã hý hửng, hấp tấp làm theo mệnh lệnh của cô. Bây giờ anh chỉ thủng thẳng ”ừ được“. Đủng đỉnh lấy điếu cày xuống bếp hút thuốc để tránh khỏi làm sặc con rồi mới thong thả dắt xe đi. Cách sống hơi ”ngang“ của anh làm Châu vừa bực vừa có phần nể sợ, dè chừng. Tuỳ. Anh không quan tâm lắm đến thái độ của cô. Anh đã nhất quyết sống như thế. Chỉ có tình thương yêu, nhất quyết không còn sợ. Sợ cái gì mất cái đó. Anh biết thế nên cứ sống hết lòng với vợ con. Cái gì làm được không tiếc. Cái gì không làm được không cố mãi lên để chứng tỏ cho vợ biết mình có năng lực. ”Chỉ có thế“ cô muốn chấp nhận hay phản đối đều được hết. Con chạy đi chơi và ăn ”giả bữa“ rất khỏe anh mới ”hoàn hồn“, được ngủ thẳng cánh một đêm từ sáu giờ tối đến tám giờ sáng hôm sau. Vợ gọi dậy trông con để cô đi làm đầu, anh mới biết mình đã được ngủ một giấc khoan khoái đến thế. Được mấy ngày rảnh rang đã tưởng có thời gian ”hả hơi“. Năm ngày sau khi con khỏe vợ đau quằn quại phải mang đi cấp cứu. Ngỡ động thai hoặc đau ruột, gan gì đấy, không ngờ cô đã trở dạ đẻ. Mới có thai được bảy tháng rưỡi đã đẻ. Gần bốn năm trời lấy nhau, bằng đồng lương của hai ngừơi phải nuôi vợ đẻ, con ốm và sắm sửa. Đấy là nhà, giường tủ, anh Tính và bạn bè đã giúp bây giờ còn ”mang nợ“. Lần trước gia đình và bạn bè còn hỗ trợ, đến lần này một mình phải cáng đáng mà chưa hề chuẩn bị được tí gì. May còn toàn bộ tã lót, quần áo của thằng nhớn. Nhưng chạy ăn lúc này đâu phải là chuyện dễ dàng. Mấy trăm bạc vay trong dịp nuôi con ốm Sài đã phải xin khất lại. Những người chủ đều thương tình, không những cho anh khất mà còn thương tình, không những cho anh khất mà mỗi người còn cho mượn thêm dăm ba chục. Ngoài số tiền lương, tiền mượn Sài bí mật nhờ người bán bộ quân phục ốt pho được phát trước khi ra khỏi quân đội. Đôi giày đen và cái chăn dù vật kỷ niệm cuối cùng ở chiến trường cũng bán. Được hơn một nghìn. Anh dồn tất cả sức lực gắng gượng, nuôi vợ, nuôi con trong nỗi âm thầm đau đớn. Đứa con được bảy tháng rưỡi bệnh viện phải nuôi trong l*иg kính. Vợ khóc tấm tức mỗi lần lên nhìn con bao bọc bởi lớp da đen tai tái. Có người độc mồm bảo trông như con chó con bị thui. Anh an ủi vợ: ”Thôi, đằng nào cũng là con mình, không may con thế sau này mình càng thương nó“. Chẳng ngờ mấy ngày sau cả gia đình nhà vợ đều đổ tại Sài đã mang bệnh sốt rét từ Trường Sơn, mang cái tai hoạ của chất độc hoá học từ rừng rú về bắt con cháu họ phải chịu hậu quả. Sài cắn răng im lặng trước cái nhìn của vợ mà anh biết cô đã nhìn anh, kẻ thủ phạm gieo rắc tội lỗi lên ngừơi cô, lên danh dự của gia đình cô. Ngoài các cháu, các bà cụ ở khu tập thể đỡ đần một vài việc và những người thân của Châu thỉnh thoảng đến bệnh viện thăm, cho cô chục trứng, hộp sữa ra... hầu như cả hai bên gia đình không ai giúp việc gì trong hàng đống công việc. Làm khai sinh, nhập hộ khẩu, làm tem phiếu, đi xếp hàng, giặt giũ, nấu ăn cho vợ, đun sữa cho con bé, tắm rửa cơm nước cho con lớn, đưa đón nó đi về nhà trẻ... suốt ngày quần quật sấp ngửa, vất vả đến đứt hơi, đêm về hai mắt cứ chong chong, đầu óc buốt giật, không sao chợp mắt được. Có những đêm trằn trọc vật vã anh ngồi dậy muốn vác xe đạp đến đấm cửa những ngừoi anh em chú bác nhà Châu mà thét vào mặt họ: ”Không có những thằng sốt rét, đội bom, đội đạn ở chiến trường hàng chục năm trời, làm sao các người được phè phỡn rong chơi ”gá“ mình vào các cơ quan nhà nước để lấy lương và ăn cắp, để móc ngoặc và ăn đút lót. Ti vi, tủ lạnh, xa lông và hàng trăm thứ khác nứt nở đầy nhà mà vẫn ngoạc mồm kêu to nhất về sự thiếu thốn khó khăn và những bậy bạ của xã hội“. Nhưng nói điều đó ra lúc này họ sẽ mỉm cười ”Ai bảo mày dại mà kêu. Kể công lao không được quái gì đâu, chỉ tổ người ta chê cười. Chỉ có thằng hâm mới lên án ngừơi khác làm ăn không chính đáng: Châu cũng đã có lần thách thức và dễu: ”Này, cái dũng sĩ của anh mà đổi được mớ rau muống khỏi phải xếp hàng thì cũng giá trị lắm rồi, đừng sĩ diện hão với danh từ sang trọng ấy. Có ngày chết đói đấy!“. Chao ơi, những con ngừơi ấy đang được coi là ”tân tiến“, ”thức thời“ được nhiều kẻ khác chầm vập thèm muốn? Còn nói được gì với ai nữa! Đành phải nuốt vào lòng mình nỗi bất lực để mà im lặng, để trở thành con người biết điều. Lớp da ngoài của con dần dần bong rộp như bóc được lớp vỏ màu đen để hiện ra một lớp da khác cùng trắng dần lên như mọi đứa trẻ bình thường khác. Cái ấn tượng về một di chứng bệnh hoạn do Sài gây nên cũng bong dần đi theo lớp da màu đen của đứa trẻ. ít hôm sau lại có chuyện khác. Sài đi đong gạo, rồi lại phải xếp hàng mua đường. Chỉ mang một bao tải, không ngờ lại có cả mì trắng. Anh đổ gạo xuống dưới buộc chẽn ở giữa rồi đổ mì vào ngăn trên. Do vội vàng phải đi sang bách hoá xếp hàng tiếp, anh không kiếm được dây chắc buộc ở miệng. Để tải lên sau chỗ ngồi, phần gạo nằm trên gác ba ga còn phần mì thõng xuống. Đi giữa đường dây đứt, mì đổ toá ra. Anh ngồi bốc mì, gặp Nghĩa. Cô ta lại kêu lên hoảng hốt và ngồi xuống giúp anh. Cô còn nhận đưa anh ra cửa hàng quen nhờ mua đường khỏi phải xếp hàng. Vừa đi cô vừa than vãn thương cảnh long đong vất vả của anh.

- Em thấy anh tội nghiệp ghê lắm cơ. Phải nói, em rất thương anh nhưng... Vẫn giọng chân thành: - em nói chuyện này cấm anh được nói lại với chị Châu nhé.

- Sao lại...

- Em rất tin ở anh nhưng cứ phải dặn thế để anh chú ý. Em hỏi nhé- Sài gật đầu khuyến khích- Có phải tại anh hắt hủi nhiều quá khiến chị Châu phải đẻ non không?

- Châu nói thế

- Không, em biết.

- Em biết kể cũng tài đấy.

- Vì thế em mới phải hỏi anh.

- Thế em có tin là anh như thế không!

- Thì không tin. Thấy khu nhà em nói ầm lên em mới bảo để lúc nào hỏi anh mà.

- Chuyện ầm lên ở chỗ em?

- Cấm anh không được nói là em nói đấy.

Sài hơi nhăn mặt lại như cố dìm một nỗi đau khác muốn trồi lên. Anh gật đầu như một lời thề phải giữ kín tất cả mọi chuyện. Nghĩa đã nói với anh. Cho đến mãi sau này chuyện đó thành câu hỏi chính thức của nhiều bạn bè thân thiết và gia đình ở quê. Sài đều im lặng không hề hé răng nói nửa lời thanh minh. Chỉ có riêng ngày hôm nay, sau khi chia tay Nghĩa đạp xe về nhà đầu óc quay cuồng như chong chóng, anh mới thấy mắt hoa lên, tay lái chệch choạng thế nào, chiếc xe đạp tự nhiên đổ. Anh ngã chúi đầu xuống bên đường. Không rõ vì đau đột ngột hay tủi thân phận mình quá nước mắt anh ứa ra, vội vàng giơ cánh tay áo lên gạt nước mắt. May mà đoạn đường vắng chưa có người đi đến nhìn rõ mặt anh. Nhưng còn biết kêu ai, trách ai khi mình đã phẫn nộ với tất cả mọi sự dị nghị, can ngăn của tất cả mọi người.

Chuẩn bị cho con ra viện cô hỏi anh:

- ý mẹ và các anh chị định mẹ con em về với cụ một thời gian để tiện các bác, các cô chạy đi chạy lại giúp và nhỡ khi có chuyện gì đỡ lo. Anh thấy thế nào.

Giá như trước đây anh đã sốt sắng: ”ừ tốt quá. Nhờ cụ, nhờ các bác đỡ cho anh ít ngày“. Nhưng bây giờ anh hỏi lại:

- Vợ chồng con cái mỗi người một nơi... Đang lúc em và con ốm yếu anh lại...

Bằng lời nói đánh lừa ý nghĩ trong lòng mình của một anh nhà quê lại làm cho một cô gái sành sỏi của Hà nội cảm động. Có lẽ lần đầu tiên Châu mới được nghe những lời nói của chồng quan tâm đến cô âu yếm như thế. Cô thành thật:

- Cứ nhờ bà, nhờ các bác để bố cũng đỡ vất vả một chút.

- Như thế có tiện không?

- Việc gì mà không tiện.

- Tuỳ em. Nếu em thấy thuận lợi cứ đến bà ít hôm. Có điều là cho cu Thuỳ xuống nữa thì khổ bà, mà để nó ở nhà cậu ta không chịu, hay là anh cho con về quê ít ngày.

- Cũng được. Nhưng anh phải để ý ao chuôm đấy, em sợ lắm.

- Không bao giờ em tin anh ngần này tuổi đầu có thể trông được con.

- Anh hay quên, nhỡ ra... Mà nước nôi tắm rửa cẩn thận không lại ghẻ lở hắc lào ra đấy.

Sài hơi khó chịu

- Thôi không bàn nữa. Cứ thế. Nếu em xuống bà, anh cho con đi ít ngày nó phóng khoáng ra.

Cốt thoát khỏi cái không khí ngột ngạt tù túng ít ngày, song lại không muốn phiền ai ở quên, ngay đến anh chị Tính như cha mẹ sống lại Sài vẫn không thể cứ quấy quả phiền nhiễu mãi. Anh chị cũng đang túng. Hơn nữa, bằng cử chỉ, lời nói khi anh Tính đến thăm, Sài đã thấm thía nỗi nhục nhã của kẻ ăn xin, ăn mượn. Anh đã tự nhủ lòng mình: Cái thế còn chạy vạy được, phải cố. Nhờ vả ngừơi khác để mang nợ biết bao giờ trả được. Dù họ cho không thì cũng có cách họ bắt mình phải trả. Không trả được, suốt đời phải chịu ơn và mang tiếng xấu.

Anh đã từng lên án những người ở quê nhưng chính anh lại giống họ: Rất khó thay đổi, nhưng khi đã thay đổi thị chạy luôn từ cực này sang cực khác. Để không phải nhờ vả ai, anh đã giấu vợ mua chục cân phiếu gạo và dự trù trả tiền ăn ở bất cứ nhà ai nếu đến ăn cơm nhà họ. Đến khi vợ bảo mang dăm cân gạo đi anh đã nói xẵng:

- Mang củi về rừng để làm gì?

- Cứ mang theo, ở nhà quê đang túng.

- Dù có chết đói ngay ngày mai cũng không ai người ta làm thế.

Đúng là nhà quê đang đói. Mỗi ngày gia đình phong lưu nhất mới giữ được ngày hai bữa: bữa sáng rong riềng non tèo tẽo và bữa chiều cháo nấu lẫn với su hào, bắp cải, rau cải và khoai lang. Những gia đình khác thực ra chỉ có một trong hai bữa như thế nhưng họ chia đôi để cũng có hai bữa ăn trong ngày. Đang vất vả chạy ăn vợ chồng Tính cũng đã chuẩn bị được đôi gà hai chục trứng, mươi cân gạo quê. Vợ giục giã mang cho em từ mươi lăm ngày trước, Tính vẫn chần chừ chưa tìm ra lý do để giải thích tại sao lại chậm trễ. May quá, bố con Sài về. Nghe em kể sơ qua mọi chuyện anh cười dễ dãi:

- Được rồi, anh chị đã chuẩn bị các thứ cho Châu, Sài chịu khó ngồi xe máy cháu nó lai lên rồi lại lai về.

Không hiểu tại sao anh đã trở lại tình yêu thương mình như hồi chưa lấy Châu. Song, vẫn thấy chờn chợn, Sài gạt đi:

- Thôi ở nhà mọi thứ có đủ cả rồi.

- Chuyện! Đây là trách nhiệm của anh chị, chả nhẽ nhà mình không có ai.

Để rồi em lại nghe những lời ca thán vì chú mà tôi kiệt quệ, con cái nheo nhóc!

Vợ Tính thấy hai anh em im lặng vẻ khó khăn, chị lấy hai ngón tay gon cốt trầu ở hai khoé môi lại, nói. Bao giờ chị nói cũng đơn giản nhưng không thể phản đối:

- Đừng ngại chú ạ. Anh chị không như ngừơi khác giúp ai một tý bằng cái móng tay, ngồi kể công hết năm này, tháng khác. Chị vẫn bảo anh chú, sức mình lo được cho em đến đâu cũng không tiếc. Không lo được nó cũng không bắt vạ mình. Tôi không đồng ý với bố nó khi bốc đồng lên thì chả tiếc gì nhưng có lúc lại đi nhắc lại chuyện cũ. Như thế, có khác gì mình đòi nợ. Tôi xin bố nó và chú từ nay anh em nhà mình có gì không nên không phải bảo nhau, còn đồng tiền bát gạo xong đâu bỏ đấy, không khi nào được đả động đến như kiểu anh chị em con cháu nhà khác.

Cả hai anh em đều sượng sùng. May có cu Thuỳ hớt hải chạy về mách bố: ”Anh gì, nhà bác gì lại bảo bố Thuỳ không phải tên là Sài bố ạ“.

Những ngày ở quê hoàn toàn khác hẳn với sự chuẩn bị của anh. Ai cũng quý mến vồ vập. Những ngừơi mà cả mấy chục năm nay hoạ hoằn mới về quê dù đi xe đạp, xe máy hay đi bộ anh cũng không tường mặt ai, không nghe rõ tiếng một người nào, anh chỉ lướt qua sự cặm cụi lam lũ của họ ở hai bên đường. Bây giờ gặp ai cũng là họ hàng thân thiết: Độ này thím ấy có khoẻ không? Sao cậu không đưa mợ và cháu bé về. Giời ơi dạo này trông em chị rạc đi như một ông lão, chị không nhận ra cứ tưởng lão hàng tre ở chợ Bái. Anh trai không biết em đâu. Em là Được con gái đầu của cô Thơ em ruột cụ đồ nhà mình đây mà. Eo ơi, trông anh già hơn cả anh Tính. Có nhẽ già như ông Hà chứ không ít. ở Hà Nội làm việc trí óc của người ta, không già lại thế nào. Ai cũng mời mọc, hẹn hò. Một cô bé chừng mười bảy tuổi rất xinh gái đứng lặng nhìn mọi ngừơi đang quây quần ríu rít quanh người Sài nói cười hơ hớ. Cuối cùng nó níu tay anh: ”Tối nay chú ra nhà cháu nhớ?“- ”Mày là con nhà ai?“. Mọi ngừơi cùng cười oà ra. Trời ơi, con nhà anh cả đấy. Con bé cũng cười. Ngày thím sinh em Thuỳ cháu cũng ra nhà đấy thôi. Tất cả lại cười thú vị về sự nhầm lẫn không thể nào ngờ tới của ông chú ruột quý tử lại đãng trí đến thế. Thằng con vợ cũ được anh xin vào trường văn hoá quân đội cũng nghỉ mùa.Nó làm được mọi trò, mọi việc cho thằng em thoả chí thì thôi. Cu Thuỳ thích chơi với anh hơn là đi với bố, Sài dặn con: ”Không được rời em nửa bước nghe không“. Một lời của anh là một mệnh lệnh vô cùng thiêng liêng hệ trọng đối với nó. Anh tin là không bao giờ nó làm sai. Chỉ cho con theo đến các gia đình quanh xóm, rồi để nó chơi với anh, Sài theo Tính đi hết họ hàng nội ngoại, các gia đình cán bộ cũ và mới, ở thôn nhà và các thôn khác. Ngày nào cũng đi. Mỗi nhà chỉ dăm mười phút, đi cả hàng tuần lễ vẫn chưa hết lượt. Bằng những cử chỉ rất chủ động, những lời nói xô bồ, phóng khoáng, gặp ai Sài cũng nói năng hoạt bát. Già hay trẻ, lầm lì hay ngang ngược anh cũng làm thân ngay được. Đến nhà ai cũng được khen: Anh Sài vui tính đến thế. Người ấy đi đến đâu mà chả được quý mến. Ông em có vẻ hoạt bát nhanh nhẹn hơn ông anh. Người có học hành đi nhiều cũng có khác. Cái gì cũng biết, chuyện gì cũng nói được.

Hàng tuần lễ đến nhà nào cũng như về nhà mình. Hoặc là bạn bè của bố mẹ hoặc bạn của anh chị, hoặc họ hàng, cháu chắt, hoặc chả hề quen biết gì với anh nhưng ai cũng thành thật tốt bụng. Bà con mình tốt quá. Chịu thương chịu khó lam lũ cực nhọc quá. Cứ ở phố xá gặp và nghe không ít những kẻ đài các và giàu sang, kẻ du côn và trộm cắp, phe phẩy, ăn nói và tìm cách lẩn tránh trách nhiệm và nghĩa vụ với xã hội thì tưởng chủ nghĩa xã hội mất đến nơi rồi. Về đến quê, thấy yên tâm hẳn, tin ngay là chủ nghĩa xã hội còn, nhất định sẽ vượt qua được những thử thách quyết liệt để đi lên vững chắc. Những người nông dân tốt bụng thế, chịu khó thế, bảo gì cũng nghe, ăn gì cũng được, mặc gì cũng xong, khổ mấy cũng chịu, khó bao nhiêu cũng làm. Nơi nào có gì làng này có đấy, có khi còn sớm sủa hơn các nơi khác. Nghĩa là từ tổ đổi công lên hợp tác thấp, hợp tác cao, từ xóm hợp nhất thành thôn rồi lên cấp cao toàn xã, rồi khoán trắng khoán đen đến năm ba khâu quản... Đủ tất tật mọi thứ, nhưng những con người tốt cực kỳ ấy tại sao mấy chục năm qua vẫn khổ sở đói khát chưa từng gặp bất cứ ở đâu. Không biết nó ở nguyên nhân cao xa nào? Không biết. Nhưng bằng con mắt thường của người bình thường cũng đã nhận ra được khối điều. Hơn hai chục năm nay thay hàng chục ông chủ nhiệm và quản trị mà cái kẻng treo ở chỗ cổng nhà tổng Lợi ngày xưa làm hiệu lệnh đi làm cỏ và đi họp cho cả sáu đội sản xuất vẫn không thay và không chuyển nó đến chỗ trung tâm. Nó bằng non nửa thanh tà vẹt du kích phá đường lấy về từ cuối năm bốn chín. Vứt vạ vật mãi đến khi có tổ đổi công đem về treo lên làm kẻng. Đến bây giờ nó đã bục ở giữa, phía dưới giập, phía trêи ɾỉ hết lớp này tở ra lại đến lớp khác. Mỗi lần gõ vào nó chỉ cạch... ạch... ạc mà vẫn cứ đều đặn ngày năm lần phó chủ nhiệm phụ trách sản xuất sai con ra đánh kẻng giờ làm, giờ nghỉ, giờ họp. Và cái giờ giấc đi làm không biết ai quy định từ khi Sài mới đi bộ đội đến giờ vẫn đúng như thế. Bất chấp mùa nào. Bất chấp thứ hoa màu gì. Bất chấp thời tiết ra sao. Sáng bảy giờ đánh kẻng. Tám rưỡi đủ người. Chiều hai giờ đánh kẻng. Ba rưỡi hoặc hơn mới í ới gọi nhau. Chiều nào Sài cũng lang thang đi khắp cánh đồng. Nhìn đến khoảng nào anh cũng phì cười. Nó vừa lộn xộn, tuỳ tiện vừa máy móc: Chỗ cao thì trồng lúa. Chỗ thấp trồng khoai lang, ở dưới đầm lầy thì có mương dẫn nước.Trên cánh đồng bãi rộng mênh mông trồng lúa thì không có lấy một cái rạch. Cần nước thì phải chạy ngược chạy xuôi, mổ gà lợn lạy lục trên huyện, thuê trong, thuê ngoài các loại máy về bơm. Chỉ tính tiền công thì đã quá tiền thóc thu được. Đấy là chưa kể lợn gà và gạo, rượu, phải ”xân xiu“ ở các khoản khác. Công một lao động chính của các đội cấy lúa là nửa lạng thóc. Cũng là do đã ”bắn“ một số khoản sang chỗ khác mới được thế.

Còn ở phía bãi bồi sông dài gần mười ki-lô-mét chạy dọc phía ngoài xã, có chỗ rộng gần một ki-lô-mét, chỗ hẹp nhất cũng hơn năm trăm mét thôi thì đủ thứ tuỳ tiện. Xoan và xà cừ, phi lao và chuối, lạc đậu, vừng, ngô, lúa lốc, sắn và khoai lang, dong riềng và sắn dây, bí ngô và su su, dưa gang, dưa đỏ, dưa lê, dưa chuột, su hào thuốc lá, hành và mía. Ngừơi ta bảo với Sài đấy là đất khoán. Mùa nào thức ấy, ai muốn trồng gì thì trồng rồi quy ra ngô nộp cho hợp tác. Sài nhìn thấy việc gì, nghe thấy chuyện gì, đến chỗ nào cũng thấy ngứa mắt, thấy bực bội, thấy ao ước, thèm khát một cung cách, một sự thay đổi. Nhưng góp ý với ai? Sẽ đi tới đâu? Đã bao nhiêu cơ quan, chuyên viên đến đây chắc họ cũng đã góp ý, chỉ thị, đã có hàng loạt những nghị quyết và biện pháp! Người đi làm cũng như người ở nhà, người đi Tây cũng như người đi buôn, cũng quần loe áo chẽ, hon đa các loại, rađiô, cát sét các loại, đám cưới cũng đài loa. Có đám cũng có cả Micrôfôn, không cần dây để ”kính thưa hội hôn“... Nghĩa là cũng có những thứ tiên tiến, những con ngừơi mới mẻ, nhưng vì sao mấy chục năm qua vẩn luẩn quẩn, vẫn tù túng, vẫn không thoát khỏi đói nghèo. Có nên nhân danh một đứa con của làng xã, một người cộng sản phát biểu thẳng thắn những suy nghĩ của mình không???.

Tiến, bí thư huyện uỷ xuống xe định bước vào phòng, nghe tiếng gọi, anh quay lại. Ngớ ra vài giây nhìn ngừơi đang cười đi về phía mình:

- Ô anh Sài! Về khi nào? Chết chửa, độ này trông già quá, tôi không nhận ra nữa.

Không phải từ hôm cùng chú đến thăm Sài và nhìn vào tình cảm của ông, Tiến mới quý mến anh. Năm Sáu Ba Tiến là cậu học sinh lớp tám đến thăm chú trong dịp hè đã nghe chuyện học hành của Sài và mấy lần xuống bếp trung đoàn bộ lấy cơm của cậu đã tìm cách ”xem mặt“ anh. Hôm đến nhà, Tiến nhận ngay ra Sài nhưng phần đi cùng chú, phần biết Sài không để ý đến mình anh vẫn làm ra vẻ chưa quen. Kéo Sài vào phòng vừa pha nước, đưa thuốc mời anh Tiến vừa kể về cái kỷ niệm ấy. Rồi đi Liên Xô học ngành cơ khí, rồi về nước được điều vào công tác ỏ một huyện thuộc khu Bốn, hai năm sau vào Đảng. Rồi trúng thường vụ. Đảng ủy làm trưởng trạm máy kéo sau được điều làm phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp. Rồi trở lại Liên Xô, học nghiên cứu hai năm sau về công tác ở Bộ Nông nghiệp, sau đó được điều xuống tỉnh làm phó ty nông nghiệp Tiến đã ”khai lý lịch“ theo những câu hỏi ”sau đó“ của Sài.

- Anh về từ hôm nào? Sao hôm nay mới vào đây. Gần một tháng nay tôi phải nằm dưới xã cũng không gặp anh Tính. Mấy lần lên Hà Nội nhưng lần nào cũng cập rập, không sao vào anh được

Tiến báo văn phòng làm ”cái gì“ để anh tiếp khách. Sài từ chối vì anh đã chuẩn bị chiều nay hai bố con về Hà Nội.

- Xong! Anh cứ chuẩn bị đi. Sáng mai sáu giờ tôi qua đón anh. Cũng may tôi về Hà Nội ngày mai nếu không anh cũng chẳng tìm được tôi ở chỗ nào

Sau những ”thủ tục“ ấy Sài mới hỏi Tiến:

- Anh xuống Hạ Vị luôn không?

- Thú thực với anh hơn hai năm về đây mới xuống đó được ba lần.

- Anh thấy tình hình ở đây thế nào?

- Chính tôi cũng đang đau đầu về nó. Một vùng đồng đất màu mỡ nhất huyện mà lại nghèo đói, lạc hậu nhất. Hàng chục năm nay nó không có sản phẩm gì đóng góp cho Nhà nước ngoài mấy tấn lợn, dăm trăm con gà, vài chục tạ chuối tiêu, mươi lăm tạ đậu xanh, ít lạc, ít đậu nành... - với nó là to, nhưng chỉ đủ làm ”gia vị“ cho các cuộc liên hoan, có ra tấm ra món gì đâu. Ngoài các thứ đó ra năm nào huyện cũng phải cứu tế, phải bán hàng trăm tấn gạo mà đói vẫn hoàn đói.

- Nhưng nó lại vào loại xã trung bình khá của huyện?

- ấy nó khó thế đấy. Những ”thằng“ Dại, Thuần, ”thằng“ Bình Mễ sản lượng bao giờ cũng tăng, nộp và bán nghĩa vụ cho Nhà nước, năm nào cũng vượt đời sống nông dân cao vào loại nhất nhì trong tỉnh, nhưng nghĩa vụ quân sự không năm nào là không vất vả mà vẫn không đạt. Dân công đắp đê, đào sông, đắp đập, làm đường những ”thằng“ ấy cũng thay nhau bét huyện. Nhiều lần Hạ Vị làm xong suất của mình rồi còn đi làm thuê cho các xã kia. Mấy năm gần đây, anh nào nhận phần các công trình đều gạ thuê Hạ Vị. Được cùng làm một khu với dân ”Phường thổ“ thì hoàn toàn yên tâm. Nghĩa vụ quân sự nó nhất. Nghĩa vụ dân công nó nhất. Đóng góp tre, rào kẻ đê, làm trường cấp ba, bệnh viện, họp hành... cái gì nó cũng có. Cứ đi thi và làm tổng kết, báo cáo thì bao giờ nó cũng nhất. Chỉ mỗi tội đói. Kể ra mà huyện không bán cũng không chết. Nhưng ai nỡ nhẫn tâm. Thú thật với anh tôi đi chưa được nhiều nhưng những nơi tôi đã đến không thấy ở đâu đầu tắt mặt tối, lam lũ như làng anh. Có nhà hàng năm không biết đến hạt gạo, trừ ngày tết, lúc ốm đau. Gạo cứu tế họ toàn phải để phòng xa chứ đâu dám ăn.

- Theo anh thì do cái gì?

Ngẫm nghĩ một chút Tiến tiếp:

- Mấy năm nay tôi cũng đặt câu hỏi đó. Đến bây giờ vẫn chưa được kết luận chính thức ở thường vụ. Riêng tôi, nguyên nhân chủ yếu vẫn là đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã. Nói đúng ra nếu chỉ có được một người chủ trì biết cách làm ăn và dám chịu trách nhiệm thì nó cũng khác đi.

- Chả nhẽ mấy chục năm nay cả xã không có được người nào như anh nói.

- Tôi không rõ lắm. Nhưng tôi tin là có. Có người như thế lại phải có người của cấp trên dám tin. Dám giao trách nhiệm, dám nhìn thẳng vào thực chất của xã. Không vì sĩ diện, không vì thành tích các mặt khác, dám phá bỏ một nề nếp, một thói quen, tìm ra một cung cách phù hợp nhất, đúng với nó nhất. Tôi cho là khi ở xã có ngừơi như thế thì huyện lại không ủng hộ, hoặc không ưa, hoặc không nhìn ra, hoặc vì trăm thứ khác ràng buộc, người nọ nhìn người kia, cơ quan này sợ cơ quan khác, sợ không đúng quy cách của tỉnh. Khi huyện thèm một người như thế thì lại kiếm không ra. Những người kỳ cựu nhất của xã có kinh nghiệm, hiểu biết thì bản thân họ vốn ”tròn“ hoặc ”bị gọt tròn“ cho vừa huyện, vừa tỉnh.

- Tệ tham ô ăn cắp trong ban quản trị có là nguyên nhân chính khiến bà con làm được miếng nào bị ăn hết miếng ấy?

- Không, chuyện ấy có. Nhưng không phải là quyết định. Nó làm ra mười, cứ cho là nó đã ăn cắp bảy đi, thì người làm cũng còn được ba. Đằng này, không làm được cái gì mà lại ăn cắp, ăn chặn, mới khổ dân chúng. Nói thế không có nghĩa là mình dung túng bọn ăn cắp. Trong hai năm qua tôi đã giải tán hai chi bộ vì tội đó. Mình có đủ công an, toà án, kỉêm sát, chính quyền, hàng chục cơ quan của huyện, có pháp lý, luật lệ, có nghiệp vụ, có quần chúng ủng hộ, đầy đủ sức mạnh để bóp chết cái tệ nạn ấy sợ gì. Khổ nỗi những nơi như ở Hạ Vị không có người để mà bấu víu, phất nó đứng dậy.

- Bí thư Hạ Vị tận tình tốt bụng và cũng mới mẻ đấy chứ.

- Anh ấy là ngừơi rất tốt. Nhưng thiếu ”cái đầu“ cũng không ra của được. Ngày xưa các cụ bảo ”một ngừơi lo bằng một kho người làm“.

- Huyện đầu tư cán bộ và ”vực“ nó.

- Đã làm nhiều rồi chứ. Nhưng dựng dậy xong mình về huyện nó lại ”ngã“. Với lại huyện đâu chỉ có một xã đẻ mà làm thay mọi việc.

Đã định gặp bí thư cốt để ”kêu“ hộ nỗi thống khổ của dân chúng Hạ Vị, nhưng không ngờ Tiến đã biết mọi chuyện ngóc ngách còn hơn mình. Thành ra Sài chỉ đóng vai ”tìm hiểu“. Hai người nói chuyện với nhau đến khi chánh văn phòng mời sang nhà khách ăn cơm, Tiến mới nhận ra mình vẫn mặc bộ quần áo lao động màu xanh, hằn trắng từng vệt mồ hôi muối. Anh bảo đợi cho anh dội qua mấy gầu nước nhưng vẫn không quên hỏi Sài:

- Anh thấy có cách gì gỡ cho ”thằng“ Hạ Vị?

Tiến ngồi xuống rót nước, cử chỉ như bảo Sài ”ta cứ bình tĩnh trao đổi với nhau đã“. Sài thận trọng:

- Bé đi học, lớn đi bộ đội, người ở quê cũng coi như người thiên hạ, tôi hiểu không thật chắc lắm. Chỉ có một điều tôi cứ tự hỏi và ước ao: Tại sao không chuyên canh một loại cây trồng nào đó vừa thích hợp với đồng đất, vừa có giá trị thu hoạch cao mà tôi tin là không thể nơi nào cũng cho năng suất cao bằng nó.

Tiến nhổm hẳn người vươn hai tay nắm lấy bàn tay Sài:

- Rồi. Rồi! Từ hôm đầu tiên về huyện đi qua Hạ Vị cho đến nay tôi vẫn phẫn uất về sự nham nhở trên cánh đồng của nó. Anh rời tay Sài ngồi xuống buồn rầu: - Chả nhẽ tôi lại xuống làm chủ nhiệm ở đây. Còn nói thì các anh cũ ở đây bảo là nói với nó nhiều rồi và cũng có làm rồi đấy.

Cả hai người đều còn băn khoăng về cái làng Hạ Vị khốn khổ, chánh văn phòng đi qua cửa, Tiến như giật mình đứng dậy:

- Có dịp nào tôi với anh bàn thêm. Ta quan tâm đến nó vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm.

Khi ăn cơm và uống nước Tiến mới có dịp hỏi thăm Châu và tình hình cháu thứ hai. Lúc anh ra về, Tiến gửi cho cháu hai hộp sữa và cho cu Thuỳ gói kẹo của người bạn vừa ở nước ngoài về. Buổi gặp này cùng với những ngày ở làng đã gây cho Sài một tâm trạng vừa gần gũi, yêu thương vừa day dứt bực bõ, với làng quê, nơi đã sinh và nuôi lớn mình. Vừa không thể nào dứt nó. Vừa thấy nó với mình tách biệt khó có thể chấp nhận. Anh đạp xe về đến chợ Bái thì nghe tiếng gọi dù mấy năm không gặp nhau anh vẫn nhận ra tiếng Hương và anh trở nên luống cuống. Những thứ gì Hương gửi, anh Hiểu đều nói là của người này, người kia nhưng Sài đều biết đó là của ai. Anh thầm cảm ơn Hương. Đã biết Hương không bao giờ thích màu mè khách sáo, anh vẫn múôn có dịp nào gặp để nói câu gì đó, không biết là sẽ nói gì, nhưng bằng mọi cách phải chứng tỏ để Hương biết là tất cả những thứ Hương gửi cho đều rất quý rất có tác dụng giúp Sài vượt qua những ngày rét buốt. Cả hai đều không biết nhau về quê. Hương đã ở nhà được hai ngày, cũng chưa đến được anh Tính. Hương đi về nhà mình để Sài dắt xe theo. Đến đoạn vắng ngừơi, anh đi gần lại hỏi:

- Lấy tiền đâu mà sắm sửa cho anh lắm thứ thế.

Hương giãy nảy lên:

- Này này ông ơi, cẩn thận đấy. ở nhà đã ai biết chưa?

- Làm sao mà biết được kia chứ. Nhiều lúc em cứ lo quá không cần thiết.

- Không thể cứ tô tô như anh để mà tan nát hết à.

- Cẩn thận được như anh đã có mấy người!

- Phải cẩn thận lắm mới thế.

Sài hơi lặng đi. Hương biết mình lỡ lời nhưng cô không cần chữa lại. Về đến nhà cô bắt Sài kể đầu đuôi vì sao để đến nỗi tiều tuỵ như thế này.

- Mọi chuyện xảy ra ở gia đình anh chắc em biết!

- Chưa.

- Anh Hiểu, anh Tính không nói gì?

- Không bao giờ em đi hỏi như thế.

Quả là Hương không hề hỏi các anh ấy. Nhưng chuyện gì xảy ra ở nhà Sài , Hương đều biết cả. Cô muốn anh kể, vừa như là kiểm tra tình cảm của anh với vợ, vừa kiểm tra lòng thành thật đối với cô. Phần khác, cô muốn bắt anh làm một cuộc ”thú tội“ về những sai lầm do trước đây không nghe lời cô. Sài kể thành thật về mối quan hệ của vợ chồng anh. Hương thở dài khuyên anh đằng nào cũng lỡ, nên vì những đứa con mà nhường nhịn bỏ qua cho nhau. Sài bảo:

- Cũng phải thế thôi, bằng cách nào khác được.

Cô lại phải cố nén môt hơi thở dài rất buồn rầu. Và, đến lúc ra về, trong nhà chỉ có hai người Sài nắm lấy tay cô, cô giật phắt, mạt cau lại khó chịu.

- Anh rất buồn cười, không còn ra thế nào nữa

Có lẽ từ khi yêu Hương đến giờ, đây là lần đầu tiên Sài cảm thấy xấu hổi cho đến ba năm sau khi gặp lại Hương ở quê Sài vẫn thấy mình sượng sùng, không dám nhìn vào khuôn mặt cô đang nóng bừng bừng trong cái đêm trăng khuyết của ngày 26 ta.

Thêm Bình Luận