Chương 21: Cuộc chiến tranh trong bụng

Khi tôi còn trẻ, có lần ốm phải vào viện. Hồi đó ở bệnh viện không có bác sĩ, chỉ có các nhân viên vệ sinh xuất thân công nông binh – tất cả bác sĩ đều đến các đội sản xuất để bần nông trung nông lớp dưới giáo dục lại. Nhân tiện nói, các nhân viên vệ sinh mặc

blouse

trắng không gọi bác sĩ thì gọi thế nào. Ngày đầu tôi vào viện, bác sĩ đến phòng khám, xem giấy xét nghiệm của tôi, lấy ống nghe rà soát trên dưới một hồi rồi cuối cùng cũng mở miệng nói: Anh bị bệnh gì? Thì ra anh ta không đọc được giấy xét nghiệm. Kỳ thực cũng chẳng cần giấy xét nghiệm cũng biết được bệnh của tôi: Khắp người tôi có màu như nước trà để qua đêm, tôi đang bị bệnh hoàng đản. Tôi nói, theo tôi chắc là viêm gan. Chuyện này xảy ra đã hơn hai mươi năm, hồi đó còn chưa nghe đến viêm gan B, C, D, E, chỉ có mỗi loại viêm gan truyền nhiễm. Nghe nói viêm gan vốn không có ở Trung Quốc, chỉ ba năm đói kém, ăn chà là Iraq mới sinh ra bệnh này. Tôi không ăn chà là cũng bị bệnh. Bác sĩ hỏi tôi phải làm sao, tôi bảo cho tôi ít vitamin – bệnh của tôi chữa như thế đó. Nói thật lòng, nằm viện chả có ích gì cho bệnh của tôi. Nhưng tôi thấy nằm viện vẫn hơn, ở đội lây bệnh cho người ta.

Ở bệnh viện chẳng có gì giải trí, chỉ có xem bác sĩ mổ. Toàn là mổ ruột thừa – phải nói rằng họ cũng chẳng biết mổ gì khác. Tôi nói xem mổ không phải là nói khoác, ở đây thường mất điện, nếu có thì điện áp cũng chập chờn, phòng mổ bốn phía là kính, buổi chiều có nắng chiếu sáng tốt nhất, đó là thời gian mổ – bệnh nhân của cả viện đứng ngoài xem, đánh cược với nhau mấy giờ đồng hồ thì tìm thấy ruột thừa. Về sau tôi nói chuyện này với mấy bạn học y, họ không tin, họ bảo mổ ruột thừa làm gì đến mấy tiếng? Bạn tin thì tin, không tin thì thôi, tôi xem mổ mấy lần, chưa lần nào dưới một giờ tìm thấy ruột thừa. Những người mổ nói ruột thừa của người rất khó tìm – trong số họ có vài người xuất thân làm hộ lý thú y của bộ đội, từng tham gia mổ ngựa, ruột thừa của ngựa to lắm, của lừa cũng không nhỏ, đều to hơn của người. Đối với cơ thể người vốn nhỏ hơn lừa ngựa thì ruột thừa vẫn quá nhỏ. Khi nói chuyện gẫu tôi bảo họ: Các anh không quen thuộc nội tạng của người thì đừng mổ nữa. Bạn đoán xem họ bảo sao? “Càng không hiểu càng phải mổ – học chiến tranh trong chiến tranh!”. Bây giờ các bạn trẻ có thể không biết, nửa sau của câu đó là lời Mao Chủ tịch. Ruột người ta không giống chiến tranh, nhưng bây giờ cũng chẳng ai nói nữa, có chuyện tôi cảm thấy rất rợn người: Mỗi lần mổ họ đều cho người chưa biết gì cầm dao, làm vậy để mọi người đều có cơ hội học tập chiến tranh, cho nên không tìm thấy ruột thừa. Chọc dao và chỗ nào, vết mổ dài bao nhiêu là tùy ý thích người mổ. Nhưng tôi phải khen họ một câu: vết mổ có khi lệch sang trái có khi lệch sang phải, lại có vết đúng giữa, nhưng tất cả đều đúng bụng, đó là điều đáng quý.

Ở bệnh viện tôi gặp một anh bị viêm ruột thừa, bác sĩ khuyên mổ. Tôi khuyên chớ có mổ – vạn nhất phải mổ thì để tôi mổ cho. Tuy tôi chưa học y nhưng đã từng sửa ngon lành chiếc đồng hồ báo thức, cũng từng sửa máy điện thoại quay tay. Chỉ qua hai việc đó cũng đủ hơn các bác sĩ bệnh viện này rồi. Nhưng anh ta vẫn để người khác mổ, chủ yếu là vì người khác muốn học chiến tranh trong chiến tranh, làm sao từ chối được. Cũng là điều bất hạnh của anh, sau khi mở bụng, ba giờ đồng hồ không tìm thấy ruột thừa, người mổ chính cuống lên lôi hết ruột gan anh ra và bới lung tung. Hồi nhỏ nhà tôi ở cạnh cửa hàng cơm, từ sáng sớm ông đầu bếp đã bê bộ lòng lợn ra rửa, cảnh bây giờ y hệt thế. Trời mỗi lúc một tối, những người khác cũng vào cuộc, ra sức tìm bới. Anh bạn tôi cũng sốt ruột, ném tấm vải che bụng đi và tìm giúp. Cuối cùng trước khi mặt trời lặn đã tìm được ruột thừa, cắt xong thì trời vừa tối, chỉ chậm một chút thì lòng ruột bày ra đó suốt đêm. Trước kia tôi thích ăn lòng lợn, từ hôm xem lần mổ đó tôi ngán luôn.

Ba mươi năm trôi qua, tôi bỗng nhớ lại chuyện xem người ta mổ ở bệnh viện, cảm thấy con người lúc đó ngớ nga ngớ ngẩn, điên điên làm sao. Nhưng ai mà biết được, qua ba mươi năm nữa, quay lại nhìn việc và người bây giờ lại thấy có một số người điên. Từ đó thấy rằng lý trí người ta ba mươi năm lại nhảy vọt về chất – nhưng tôi hoài nghi, hiểu như thế có đúng không. Lý trí có thể nhảy vọt như vậy thì có nghĩa lúc đó người ta không có lý trí. Lấy ngay chuyện ba mươi năm trước, người cầm dao, đôi bàn tay đen đúa bới tung lòng ruột người ta lên, tuy rằng anh ta nói là học tập chiến tranh, nhưng tôi không tin rằng anh ta không biết là mình đang làm bậy. Từ đó rút ra một kết luận: Tất cả mọi việc nhăng cuội trên đời này đều có một nguyên nhân hoàn cảnh xã hội, nhưng không phải là chủ yếu. Điều chủ yếu là: người làm chuyện đó đã mượn gió bẻ măng, tức là họ biết thừa là mình đang làm bậy nhưng cứ làm vì làm bậy cũng rất khoái.

Ta lại có thể suy luận tiếp: Bất kể xã hội thế nào, cá nhân phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình – nhưng là một tác giả tạp văn, viết suy luận ra thì có vẻ lộ liễu quá, cho nên dừng lại. Chuyện nằm viện tôi chưa viết hết đâu: Tôi ở đó, bệnh viêm gan vẫn thế, sắc mặt ngày càng vàng vọt, anh bạn tôi được mổ nhưng vết mổ không chịu liền da, người càng ngày càng gầy. Về sau chúng tôi kết bạn và về Bắc Kinh khám chữa. Tôi đến đó chữa thì khỏi bệnh, còn bạn tôi thì lại vào viện và lại mổ lần nữa. Bác sĩ Bắc Kinh nói lần mổ trước cắt ruột thừa rồi nhưng không khâu, ruột dính vào vết mổ tạo thành lỗ rò, các chất trong ruột đùn ra theo vết mổ cho nên không liền được. Bác sĩ bảo đùn ra ngoài là vô cùng may mắn, đùn vào trong bụng thì tiêu đời rồi. Bạn tôi chẳng thấy may mắn ở đâu, chỉ nói: Tiên sư nó, thảo nào ăn không thấy no, thì ra rơi vãi mất cả. Anh bạn này có một tính cách thật phóng khoáng, nếu không thì đã chẳng đem ruột gan mình ra cho người ta học chiến tranh.