Chương 22: Trả nợ

Sau khi bàn bạc kỹ với ba Phong, Mỹ Phương quyết định sẽ đồng ý với lời đề nghị của Phó Tổng Tuyết Linh.

Theo tính toán của ba Phong, nếu vẫn giữ được mức ăn chia hoa hồng như hiện tại với công ty, cộng thêm KPI doanh số bán hàng tăng 15% mỗi năm thì Mỹ Phương có thể trả dứt cả gốc lẫn lãi trong khoảng ba năm rưỡi. Mà cái quan trọng là mỗi tháng thỏ con còn có thể dư ra một khoản để dành dụm cho việc đi học lại.

Hôm nay là ngày Thỏ con lên văn phòng chính để ký hợp đồng.

-0-

Phó Tổng dù bận rộn với mấy chuyến đi nước ngoài nhưng cũng đặc biệt dặn trợ lý đẹp trai ra mặt để phụ trách vụ trả nợ của Mỹ Phương.

Nhờ vào quan hệ rộng, Quốc Phương liên hệ với nhóm cho vay lãi suất cao và dàn xếp để đưa thỏ con đến xử lý khoản vay của gia đình.

Anh và vài người nữa trong công ty đưa ba con Minh Phương đến nhà nhóm kia để làm việc.

Sau khi kiểm tra lại đầy đủ các khoản thủ tục và giấy tờ, anh nói Mỹ Phương có thể chuyển tiền.

Ba Phong đau lòng ngồi nhìn con gái mình bấm số tiền 9 con số 0 trong điện thoại.

-0-

Hồi mấy chục năm trước, ba Phong từng tìm đến nhóm này để xoay tiền. Công việc làm ăn thuận lợi nên việc trả nợ cũng đều đặn. Dần dần hai bên cũng có một mối quan hệ cùng hưởng lợi.

Đến khi mẹ của Mỹ Phương mượn tiền để bài bạc đổ vỡ thì số nợ đã rất lớn. Làm ăn là làm ăn, con số gốc lẫn lãi trên giấy trắng mực đen vẫn phải trả đủ.

Kinh doanh khó khăn mùa Covid, ba Phong đã phải sang xưởng may mặc với giá rẻ bèo để trả nợ. Mấy căn nhà trong thành phố cũng phải bán đi. Quỹ du học của Mỹ Phương cũng bị đem ra trả nợ.

Chiếc xe sửa quần áo của ông cũng chỉ đủ trả lãi nhỏ giọt chứ không thể nào dứt phần nợ gốc được.

Nhìn Mỹ Phương thức đêm, tằn tiện chi tiêu mà ba Phong xót vô cùng. Khi hỏi thì con bé cứ luôn miệng nói “con ở ký túc xá, còn quần áo với ăn uống có người ta tài trợ rồi, ba khỏi lo”.

-0-

“Xong rồi đó”- Quốc Phương nhẹ nhàng nói với thỏ con lúc bước ra khỏi căn biệt thự.

Thỏ con vẫn còn hơi run nhưng vẫn nở nụ cười cảm ơn đàn anh cùng trường cấp 3.

“Cảm ơn mấy cậu”- Ba Phong bắt tay Quốc Phương.

“Dạ, không có gì đâu chú. Bây giờ tụi con đưa chú với em về”.

Tuyết Linh đã dặn kỹ phải đưa Mỹ Phương về nhà an toàn.

-0-

Căn nhà trọ tập thể nằm trong một con hẻm rất sâu nên xe hơi 7 chỗ của Nhất Đại Việt đậu ngoài đầu đường lớn. Quốc Phương và hai người anh em khác đưa ba con Mỹ Phương về tận nhà.

“Rồi, chiều nay gặp nhé”- Quốc Phương vẫy tay.

Chiều nay đội bóng nam nữ của Nhất Đại Việt sẽ ra sân tập buổi đầu tiên.

Thời cấp 3, Quốc Phương chơi bóng rổ nên không thi đấu. Anh chỉ thay mặt sếp mình đến giám sát buổi tập và hỗ trợ những gì cần thiết.

“Em cảm ơn anh”- Thỏ con tươi cười vẫy tay.

-0-

Lúc ba Phong tra chìa khóa mở cửa phòng trọ thì chú hàng xóm phòng kế bên thò đầu ra.

“Ai đó nhóc? Bạn trai hả?”

“Chú Tuân chọc con quàiii”- Thỏ con phồng má.

Chú Tuân là người đã đưa ba Mỹ Phương đi cấp cứu lần trước. 35 tuổi và sống cùng người mẹ cũng làm công nhân.

“Ầyyy... Con nói mà chú không nghe con”- Thỏ con cảm thán- “Chú giặt đồ xong phải ngâm nước xả rồi hẵng phơi nắng”.

“Chú biết rồi”.

“Phơi trong phòng nó có mùi á”.

Người tên Tuân cười hì hì rồi đóng cửa phòng lại.

-0-

Thỏ con nhanh chóng nấu cơm trưa cho hai ba con. Hôm nay nóng nên ăn canh gà nấu lá giang.

Biết được mẹ của chú Tuân hôm nay tăng ca nên người này thế nào cũng ăn qua loa, nên thỏ con nấu thêm một phần.

“Chú Tuân”- Thỏ con gọi cửa- “Ăn cơm nè”.

Người tên Tuân mở cửa, cười ngại ngùng.

“Cảm ơn con”.

“Chú á, tập nấu cơm đi”.

“Yên tâm mốt có vợ rồi thì vợ nấu”.

“Có luôn...”- Thỏ con trề môi.

“Thiệt, bữa chú đi coi mắt mà”.

“Rồi chú đang tưởng tượng coi làm đám cưới trên rừng hay dưới biển, đặt tên con đầu lòng là gì phải không?”.

Bị thỏ con nói trúng tim đen, Tuân bê mâm cơm vào nhà, đóng cửa lại.

Minh Phương vẫn chưa rep tin nhắn của mình.