- 🏠 Home
- Lịch Sử
- Quân Sự
- Thịnh Thế Diên Ninh
- Chương 88: Trương Tám
Thịnh Thế Diên Ninh
Chương 88: Trương Tám
Sau một hồi hỏi đường, ba người cuối cùng đi đến được một xưởng thuyền nhỏ ở bên bờ, xưởng tàu này cũng chỉ có hai ụ tàu, một nhỏ dành để đóng tàu đánh cá, một ụ lớn để sửa chữa cho các tàu buôn bị hư hỏng do bão. Ở Vân Đồn không phải chỉ có một xưởng như thế này, nhưng đây chính là xưởng lớn nhất.
Đám người Nguyễn Vô Niệm đi vào bên trong xưởng gọi lớn.
- Cho hỏi đây có phải là xưởng của ông Trương Tám, từng làm trong Bách tác cục không?
Một thợ thuyền để mình trần, đầu quấn khăn, gương mặt đen nhẻm, mồ hôi nhễ nhại đi ra, nhìn Nguyễn Vô Niệm ăn mặt phú quý, hai người bên cạnh lại như tuỳ tùng không khỏi cẩn thận hỏi.
- Đây đúng là xưởng của thầy Tám, không biết cậu lớn cần gì?
Thầy Tám trước kia làm trong Bách tác cục cũng rất có tiếng, bọn hắn đóng tàu ở đây thỉnh thoảng lại có người của quan trên tới thuê để đóng mấy chiếc thuyền buôn, hắn đoán rằng vị thiếu niên ăn mặc sang trọng này cũng vậy. Nguyễn Vô Niệm nhìn thợ thuyền trên thân có nhiều hình săm, còn có những vết thương chai sạn, làn da rám đen vì nắng và nước mặn, hắn nói.
- Nhờ cậu chuyển lời đến thầy Tám, có người được sự nhờ vả của Lê Thụ đến gặp.
Thanh niên không ngờ đến Nguyễn Vô Niệm vậy mà nhờ hắn chuyển lời, thế nhưng nghe Nguyễn Vô Niệm nói giọng như không phải đùa giỡn, hơn nữa người kia báo danh tiếng có vẻ như rất quan trọng với thầy mình, hắn liền gật đầu nói.
- Xin cậu lớn chờ một chút, ta lập tức đi bẩm báo thầy.
Nói rồi hắn liền quay vào bên trong xưởng, Đỗ Quân Đao không hiểu nói.
- Vệ uý, chúng ta chỉ cần ở châu nha gọi hắn đến là được rồi, việc gì phải đi tìm người vất vả đến như thế?
Đỗ Quân Đao không hiểu, rõ ràng là quan thân, thế nhưng Nguyễn Vô Niệm lại luôn lựa chọn cách phiền phức như vậy, rõ ràng thân làm quan, có quyền lực, vì sao phải làm cách phức tạp như vậy.
Nguyễn Vô Niệm lúc này mới nhớ ra hình như hắn quên một việc, hắn huấn luyện vũ lực, thế lực, kỷ luật cho đám người Đỗ Quân Đao, thế nhưng về đạo đức thì lại chưa, hắn chỉ rõ cho bọn hắn thấy thế nào là một quân nhân, nhiệm vụ của quân nhân là như thế nào nhưng lại chưa dạy cho bọn hắn biết phải làm sao để trở thành một quân nhân chân chính.
Trong một xã hội có giai cấp như thế này, hắn không thể yêu cầu các binh sĩ có thể giống như những đội quân kỷ luật, hiện đại, thế nhưng hắn không thể để đám bọn chúng quên rằng bọn hắn xuất phát là từ dân chúng, nhiệm vụ là bảo vệ dân chúng chứ không phải là hạch sách, nhũng nhiễu. Nguyễn Vô Niệm nói.
- Quân Đao, ngươi là quân nhân, ta cũng là quân nhân, ta mang quan thân nhưng cũng là con người. Bệ hạ ban cho ta quyền lực là để bảo vệ dân chúng, bảo vệ công lý, bảo vệ đất nước, chứ không phải là để ta dùng quyền lực đó để sai bảo dân chúng, đó là điều không đúng. Vì trước khi làm quan thì ta đã làm dân.
Đỗ Quân Đao nghe xong trong lòng không khỏi khâm phục, hình tượng của Nguyễn Vô Niệm trong chớp mắt hiện lên thật vĩ đại, một thiếu niên trẻ tuổi, chức quan, tước vị lớn nhưng lại không quên gốc gác của mình, một lòng vì dân chúng, ở đời này thật hiếm thay.
- Nói thật hay, dù là quan đi chăng nữa ban đầu chẳng phải cũng là bắt đầu từ dân sao.
Lúc này từ bên trong xưởng thanh niên kia đi ra cùng với một lão thợ thuyền nhìn đúng ngoài bảy mươi tuổi, thế nhưng thân thể vẫn rất to cao, thậm chí lưng còn không bị còng, thân trên cởi trần, bên dưới mặc khố, đầu quấn khăn, gương mặt nhăn nheo nhưng rắn rỏi.
Đây chính là Trương Tám, chủ xưởng đóng tàu này. Trương Tám nghe nói có người Lê Thụ nhờ vả đến tìm lập tức bỏ hết mọi việc đi ra gặp, vừa vặn nghe được Nguyễn Vô Niệm nói câu này.
Lê Thụ năm xưa có ân với Trương Tám, khi hắn vẫn còn là một thanh niên thợ thuyền bị quân Minh bắt phục dịch, chính Lê Thụ là người cứu hắn, về sau mang ơn Lê Thụ Trương Tám mới đi vào Bách tác cục. Nhưng về sau hắn cảm thấy rất bất mãn với chế độ công tượng, sau khi hết tuổi binh dịch, dù Bách tác cục có ý muốn giữ lại, thế nhưng hắn vẫn quyết định rời đi, đến Vân Đồn mở xưởng dạy học trò.
Xưởng của hắn dù không quá lớn, chỉ có hai ụ tàu cùng ba mươi thợ bạn và thợ học việc, nhưng rất có tiếng ở Vân Đồn, thuyền buôn bị bão làm cho tổn thương đều vào xưởng của hắn để sửa, thuyền đánh cá, thuyền buôn cũng đến tìm hắn để đóng mới. Suốt mười năm có thể coi là làm ăn khấm khá, nhưng hắn vẫn chưa hề có một ngày nào quên ơn cứu mạng của Lê Thụ, vì vậy nghe đến có người của Lê Thụ đến, hắn lập tức ra đón. Nhìn thấy lại là một vị thiếu niên, hắn có đôi chút thất vọng, nhưng nghe đến vị thiếu niên nói ra câu nói kia, hắn không khỏi nổi lên tôn kính. Hắn rời đi Bách tác cục chẳng phải là vì chế độ công tượng bất công, vì quan trên hạch sách hay sao, bấy giờ thiếu niên nói rằng trước khi làm quan chính là dân, chính là hợp ý hắn. Trong lòng của Trương Tám không khỏi cho Nguyễn Vô Niệm một điểm cộng.
Nguyễn Vô Niệm nhìn thấy liền biết đây chính là người mà Lê Thụ muốn mình tìm, hắn không hề thấy từ trong ánh mắt của Trương Tám đối với quan lại có chút kinh sợ nào, thậm chí là có một chút chán ghét khi nghe đến từ đó. Nguyễn Vô Niệm lễ độ nói.
- Thầy Tám, ta là Nguyễn Vô Niệm, cháu nuôi của đô chỉ huy sứ Lê Thụ.
Nguyễn Vô Niệm cũng không ngại thấy sang bắt quàng làm họ, dù sao hắn với Lê Quát cũng kết nghĩa huynh đệ, vì vậy cũng không ngại nhận mình là cháu nuôi của Lê Thụ.
Quả nhiên Trương Tám vừa nghe nói thế lập tức đổi thái độ nhiệt tình nói.
- Hoá ra là cậu Niệm, mời cậu lớn vào trong nói chuyện.
Nguyễn Vô Niệm lập tức được Trương Tám dẫn vào bên trong xưởng. Đi vào trong mới thấy thật lớn, còn có cả một mái lợp bên trong để hai con thuyền đánh cá còn đang đóng dở. Xuung quanh đều là các loại gỗ là gỗ, thậm chí có vài loại Nguyễn Vô Niệm cũng không nhìn ra được cuối cùng nó là loại gỗ gì.
- Mời cậu lớn uống nước chè!
Đi vào trong một cái láng nhỏ che nắng, Trương Tám liền rót cho đám người Nguyễn Vô Niệm một ly nước chè. Người Việt ưa thích uống trà tươi hơn là trà khô, bình thường có nhiều người cũng trồng vài cây chè ở trong vườn nhà, có thể hái để uống hằng ngày hoặc là dùng như một vị thuốc, chỉ có quan lại mới ưa thích cách pha trà khô như phương Bắc.
Nguyễn Vô Niệm nhận lấy chén chè, hai bên nói chuyện với nhau cũng vô cùng khách sáo, chủ yếu là Trương Tám muốn biết tình hình của Lê Thụ như thế nào, lúc hắn rời khỏi Bách tác cục Lê Thụ vẫn là Thái uý phong quang, thế nhưng đột nhiên một ngày hắn nghe đến Lê Thụ bị nhốt vào chiếu ngục liền không khỏi thất vọng với chốn quan trường, hắn cho rằng ở chốn quan trường này quan tốt thì ít, đã vậy sống cũng không được lâu. Bây giờ nghe đến Lê Thụ được tha, còn được phong đô chỉ huy sứ hắn liền hô lớn “bệ hạ anh minh, ông trời có mắt”, Nguyễn Vô Niệm còn thấy được khoé mắt già nua rướm lệ, chứng tỏ tình nghĩa của Lê Thụ với Trương Tám rất lớn.
- Thầy Tám, nói dông dài chi bằng nói thật. Ta muốn nhờ thầy giúp ta đóng tàu đi biển.
Nguyễn Vô Niệm xem thời cơ đã chín liền mở miệng đề nghị nói. Trương Tám hơi dừng lại, hắn không vội đồng ý mà nói.
- Cậu lớn nếu như muốn đóng tàu đi biển, có thể đến Bách tác cục hoặc là mua lại những tàu cũ của thuỷ quân, hà cớ chi phải đến tìm lão làm gì.
Đương nhiên là Trương Tám cũng biết về việc mua bán tàu bè trong thuỷ quân diễn ra như thế nào, rõ ràng có những tàu vẫn còn tốt nhưng vẫn thải loại để đóng tàu mới. Nguyễn Vô Niệm cũng không giấu ý định mua tàu cũ của mình mà cười nói.
- Nếu như muốn đi mấy vùng biển gần như Chiêm Thành, Quảng Đông, quả thực ta có thể mua những chiếc tàu đó. Nhưng đó chỉ là tương lai gần trong một hai năm. Mong ước của ta là đi xa hơn nữa, đến Đông Doanh, Nam Dương, Thiên Trúc, thậm chí là xa hơn về phía Tây kìa.
Trương Tám hơi bất ngờ, hắn sống ở đời đến giờ đã bảy mươi năm, chưa từng nghe có ai nói với hắn về việc muốn đi biển xa. Người Việt lưu luyến quê cha đất tổ, rất ngại đi xa, phiêu lưu, vì vậy đi biển đối với bọn hắn đã là một điều xa xỉ chứ đừng nói đến là muốn đi đến Nam Dương, Đông Doanh các loại. Trương Tám nói.
- Quả thực với những tàu đó thì khó đi xa được. Cậu lớn có thể nhìn ra ngoài bến tàu kia. Muốn đi biển xa cậu lớn ít nhất phải sở hữu một con tàu như vậy, nếu không sóng gió sẽ đập vỡ tàu.
Trương Tám chỉ về phía bến Cái Làng, ở bên bến neo đậu đến hàng chục chiếc tàu hàng, dù đa số là tàu đáy phẳng, thế nhưng thân tàu to lớn, trọng tải lớn đến hàng trăm tấn, có thể chịu được sóng gió trên biển. Còn có một số tàu đến từ vùng Nam Dương còn có cả buồm để di chuyển bằng sức gió, sức chịu đựng còn tốt hơn. Trương Tám nói tiếp.
- Nếu cậu lớn muốn đóng thuyền lớn như người tàu thì phải chấp nhận bỏ ra số vốn lớn, một chiếc tàu lớn như vậy giá cả không dưới ngàn quan, chưa kể thời gian đóng cũng phải mất hai năm. Còn một phương án khác là đóng tàu kiểu người Chăm và Nam Dương, đóng tàu đáy nhọn, di chuyển bằng buồm, trọng tải nhỏ hơn nhưng sức chịu đựng sóng biển cũng rất tốt, không thua kém gì tàu của người tàu cả. Cậu… chọn cái nào?
main cực kỳ bá đạo, phong cách cơ bắp dùng lực phục người, tay xé hằng tinh
- 🏠 Home
- Lịch Sử
- Quân Sự
- Thịnh Thế Diên Ninh
- Chương 88: Trương Tám