Nghe Nguyễn Vô Niệm nói xong Lê Bang Cơ cùng Lê Khang không khỏi suy nghĩ lợi hại trong đó, tuy lời của Nguyễn Vô Niệm nói rất hay, thế nhưng chế độ phong kiến nền tảng kinh tế luôn phải là nông nghiệp, nếu như bọn hắn làm điều gì đó ảnh hưởng tới kinh tế nông nghiệp thì đó là một tội lớn với xã tắc.
- Ây, chẳng lẽ huynh trưởng không thấy được đám thương nhân người Hoa kia đang dần dần xâm nhập vào nước ta để mở rộng giao thương hay sao. Bọn chúng sang đất nước ta buôn bán, lấy tiền, vàng bạc của nước ta đi về làm giàu cho Thiên triều, trong khi đó Đại Việt ta lại không thu lại được gì ngoài mấy đồng thuế tàu bè. Như vậy vì sao không để cho thương nhân Đại Việt ta kiếm tiền, làm giàu cho quốc khố đây.
Thực tế lúc này Nguyễn Vô Niệm đang cưỡng đoạt lý lẽ, nhưng cũng không phải là sai, giao thương có lợi cho cả hai bên, nhưng rõ ràng bên chủ động hơn trong việc giao thương sẽ có lợi hơn. Huống chi thương nhân người Hoa đáng sợ ở chỗ bọn hắn sau khi mở đầu giao thương sẽ dần dần bám trụ lại nước bản địa, dần dần khống chế lại các mạch kinh tế của quốc gia đó, đơn cử như Đại Việt về sau này ngoại thương cơ hồ đều là do người Hoa độc quyền, trong khi triều đình lại hạn chế dân gian đi ngoại thương, do đó của cải quốc gia không ngừng bị đám người Hoa này bòn rút đi.
Lê Bang Cơ lúc này cũng không ngờ một chính sách hạn chế thương nghiệp lại có khả năng dẫn đến những hệ luỵ lớn như vậy, nếu như nông nghiệp là căn bản của nền kinh tế thì quốc khố chính là cái bụng để cho triều đình có thể duy trì, nếu như tiền bạc, phú thuế đều bị thương nhân nước ngoài cướp đi thì quả thực đó chính là việc hệ trọng. Vì vậy Lê Bang Cơ không khỏi xem xét đề nghị của Nguyễn Vô Niệm khuyến khích kinh thương. Đương nhiên việc này cũng không phải hắn nói là được, còn có các triều thần cùng bàn bạc mới có thể đưa ra một chính sách đúng đắn.
- Hơn nữa khuyến thương không chỉ có lợi cho kinh tế, còn có cả quân sự nữa đây.
Nghe Nguyễn Vô Niệm nói Lê Bang Cơ liền vội hỏi.
- Lại còn có lợi như thế nào?
Nguyễn Vô Niệm giơ lên mấy ngón tay nói.
- Thứ nhất muốn đánh trận phải có tiền, có lương, quốc khố đầy kho chẳng phải là lợi thế hay sao. Thứ hai, đối với chinh phạt phương nam luôn phải cần tàu bè, thương nghiệp phát triển nhu cầu về thuyền bè sẽ rất lớn, thúc đẩy nghề đóng tàu phát triển. Khi đó triều đình chỉ cần hô một tiếng có hàng ngàn, hàng vạn tàu bè có sẵn, đánh một đòn quân địch không kịp trở tay.
Mở rộng bờ cõi về phía nam luôn là mong muốn của các vị vua Đại Việt, đặc biệt là triều Lê, nỗi nhục tiền triều 3 lần bị đánh vào Thăng Long vẫn luôn âm ỉ còn đó, hơn nữa đất Chăm bình thường tuy nói thần phục nhưng luôn nhăm nhe đánh cướp, từ Thái Hoà năm thứ 2 (1444) vua Chăm là Ma Ha Bí Cai (Maha Vijaya) nhiều lần đánh cướp các châu phía nam của Đại Việt, phải đến Thái Hoà năm thứ 4 (1446) Thái hậu Nguyễn Thị Anh mới sai Nhập nội đô đốc bình chương Lê Thụ, Lê Khả, Thiếu Phó Lê Khắc Phục dẫn 60 vạn đại quân tiến đánh bắt giữ Ma Ha Bí Cai thì mặt nam mới tạm xem là yên ổn.
Do đó không chỉ là muốn bình ổn biên giới phía nam, Lê Bang Cơ còn muốn diệt luôn cả vương triều Vijaya của Chiêm Thành để diệt trừ mối hoạ về sau, nhưng tiến vào phía nam đường xá xa xôi, cách trở nhiều núi đồi, do đó muốn đánh phía Nam luôn cần thuyền để tải lính, để đánh thuỷ quân Chăm. Lúc này Nguyễn Vô Niệm đưa ra cái lợi này quả thực là lương sách.
Nguyễn Vô Niệm lại nói tiếp.
- Hơn nữa khi đất nước hùng mạnh thì không cần phải e sợ ai nữa, thậm chí là… Thiên triều. Mộng thu hồi Lưỡng Quảng cũng không phải là không thể thành hiện thực.
Nghe đến thu hồi Lưỡng Quảng không hiểu sao máu của Lê Bang Cơ bỗng chốc sôi sục lên. Đại Việt xưng thần với Thiên triều cũng không có nghĩa là hoàn toàn thần phục. Các đời vua Việt ai lại không mong thu hồi lại đất Lưỡng Quảng Nam Việt ngày xưa, do đó các triều Việt đối ngoại xưng vương, đối nội xưng đế, chỉ cần Thiên triều lơ là hay suy yếu một chút liền đem quân sang thu hồi lại vài miếng đất, khi thế nước mạnh lại đưa sứ thần sang tận Thiên triều để “đòi đất”. Nếu ai có thể lấy lại được Lưỡng Quảng thì người đó quả thực có thể lưu danh thiên cổ.
- Ây, nhưng đó chỉ là điều lý tưởng thôi. Dù sao đệ cũng không thể thay đổi được các quyết sách của bệ hạ và triều đình.
Nguyễn Vô Niệm thở dài cắt đứt chuỗi YY của Lê Bang Cơ. Lê Bang Cơ không khỏi thở dài, Nguyễn Vô Niệm nói đúng, ý tưởng tuy rất tốt thế nhưng phải làm như thế nào thì lại khác nhau một trời một vực. Lê Khang bên kia cũng không khỏi suy nghĩ về những điều mà Nguyễn Vô Niệm nói, cân nhắc lợi hại ở trong đó. Hôm nay Nguyễn Vô Niệm thực sự làm thay đổi thế giới quan của hắn. Nguyễn Vô Niệm nói.
- Được rồi, không nói chuyện này nữa. Hiếm khi huynh trưởng đến thăm, đệ liền xuống bếp chuẩn bị mấy món ăn, mời cả Khang đại nhân dùng bữa.
Lê Bang Cơ nghe vậy liền cười lớn.
- Vậy thì tốt quá, xem ra ngu huynh hôm nay có lộc ăn rồi.
Bệ hạ đã đồng ý, Lê Khang cũng không có ý kiến. Nguyễn Vô Niệm đi xuống bếp, Lê Bang Cơ liền hạ lệnh cho Đào Biểu xuống bếp phụ một phen. Đào Biểu nhìn thấy bệ hạ xưng huynh gọi đệ với vị thiếu niên này liền rõ ràng Nguyễn Vô Niệm rất được hoàng đế yêu thích, tiền đồ tuyệt đối rộng mở sáng lạng, do đó hắn lập tức đon đả chạy đến, thái độ vô cùng nhiệt tình tích cực. Nếu có người trong cung thấy Nội quan thị hậu thân cận với hoàng đế lại khom mình cúi đầu với một thiếu niên như thế tuyệt đối sẽ phải rớt cái cằm xuống đất.
Lê Khang lại đi đến bên cạnh Nguyễn Trình đang dạy chữ cho Lê Hốt cùng với Tý hỏi.
- Vừa rồi ta nhìn ngươi dạy cho mấy đứa trẻ rất không tệ, đã từng đi thi hay chưa?
Nguyễn Trình theo Mạc Khoa buôn bán đã lâu, giỏi về nhìn người lập tức nhìn ra trên người Lê Khang ẩn chứa quan khí, nếu người khác biết Lê Khang là đại quan thì sẽ thường khom người xu nịnh, thế nhưng ông chủ đã dạy Nguyễn Trình làm người phải đứng thẳng, người quân tử thì phải luôn thản nhiên thư thái, Nguyễn Trình cũng đã có học, cũng biết làm người, hắn học theo tư thế không kiêu ngạo, không nịnh nọt của ông chủ mà đáp.
- Bẩm ông lớn, con mới chỉ học chữ được bốn năm, được ông chủ dạy cũng đã đọc xong tứ thư, hiện tại đang học ngũ kinh.
Nghe Nguyễn Trình nói Lê Khang không khỏi hơi giật mình, tứ thư và ngũ kinh là những tác phẩm kinh điển của nho giáo, ai học nho cũng đều phải trải qua mấy cuốn sách này, thế nhưng bốn năm trước mới bắt đầu học chữ, nhưng đã học xong tứ thư bắt đầu chuyển sang ngũ kinh thì thực sự không phải là bình thường. Lê Khang nhìn dáng vẻ ung dung tự tại của Nguyễn Trình không khỏi gật đầu, không biết tài học của kẻ này thế nào nhưng khí chất làm Lê Khang rất hài lòng. Hắn lại hỏi.
- Ngũ kinh đã học đến đâu rồi?
- Bẩm ông lớn, ta ngu dốt nên mới học xong Kinh Dịch.
Nghe Nguyễn Trình đáp Lê Khang liền nổi lên lòng muốn kiểm tra thử xem hắn có nói thực hay không, Lê Khang nghĩ một chút mới hỏi.
- Vậy ta hỏi ngươi thế nào là nhân?
Thế nào là nhân? Đây chính là câu hỏi các đệ tử hỏi Khổng Tử được viết trong Văn ngôn truyện, Kinh Dịch. Nguyễn Trình không cần suy nghĩ liền nói.
- Khổng Tử nói: “Năng hành ngũ giả ư thiên hạ vi nhân hỹ. Viết cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Cung tắc bất vũ, khoan tắc đắc chúng, tín tắc nhân nhiệm yên, mẫn tắc hữu công, huệ tắc túc dĩ sử nhân” (Có thể làm được 5 điều ở trong thiên hạ là nhân. Là cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Cung thì không khinh nhờn, khoan thì được lòng người, tín thì người ta tin cậy được, mẫn thì có công, huệ thì đủ khiến được người), hành động của con người phải hợp thiên lý chí công và bỏ hết cái tư tâm tư ý, đối với người cũng như đối với mình, lúc nào cũng kính cẩn và nhân ái, thì đó chính là nhân.
Câu nói trên Nguyễn Trình đáp từ Luận ngữ, giải nghĩa khiến cho Lê Khang không khỏi hài lòng, dù chưa trọn vẹn nhưng chứng tỏ Nguyễn Trình đọc sách cũng không phải là qua loa mà thực sự có khảo cứu. Không ngờ Nguyễn Trình lại nói tiếp.
- Ông chủ nói nhân là cái gốc lớn của sự sinh hoá trong trời đất. Thế gian nhờ đó mà đứng, vạn vật nhờ đó mà sinh, quốc gia nhờ đó mà còn, lễ nghĩa nhờ đó mà hiện ra. Đối với từng người thì nhân là cái hành xích để biết việc phải trái, điều hay dở. Ngôn luận, hành vi của người mà hợp với đạo làm người là hay là phải, trái với đạo làm người chính là dở là xấu. Do đó ông chủ luôn dạy bọn ta làm việc phải nhân nghĩa, giữ trọn chữ tín với người, làm người thì phải quân tử, không bao giờ dở thói tiểu nhân.
Nghe Nguyễn Trình lý giải như vậy Lê Khang không khỏi bất ngờ, càng ngạc nhiên chính là Nguyễn Vô Niệm, một thiếu niên mười lăm tuổi lại có thể lý giải ra những lời đó. Lê Khang không khỏi bắt đầu tin những lời Nguyễn Vô Niệm nói, nếu như quốc gia có càng nhiều người như Đoan Mộc Tứ thì sẽ thực sự phú cường.
Mười vạn năm trước, Kiếp tộc phủ xuống. Cổ Thiên Đình chỉ còn lưu lại di chỉ, Tây Phương Linh Sơn đã sớm đổ nát hoang tàn, Cổ Ma Uyên lùi về trong tĩnh mịch. Hoang Cổ Thánh Vực bị đánh vỡ tan tành, trở thành Tứ Hoang Nhất Hải.
Mười vạn năm sau, Đông Hoang Việt quốc, một gã Chân Nhân cao thủ tuổi già thọ cạn, bỗng nhiên tuyệt địa phùng sinh, quét ngang võ giới.
Mời đọc: