Chương 33: Nam kim phục sinh (3)

Tổ phụ Quách gia nhỏ giọng giải thích cho nàng một hồi, nói rằng lời này ý nói đến việc vàng của miền nam sau khi đến vùng đất Hán Trung của bọn họ thì mới phát sáng lấp lánh.

Đây cũng là chuyện mà rất nhiều người trong triều đều thích lấy ra chế giễu, bởi vì người vùng Giang Nam có khẩu âm địa phương rất rõ rệt, cho dù chỉ là lúc nói chuyện bình thường cũng đều sẽ mang theo chút mềm mại ngọt ngào. Chỉ cần vừa mở miệng một cái là mọi người đều biết bọn họ là người phương nào.

Một trong những "Nam kim" ở đầu câu nói này vừa khéo lại là người đứng ra chủ trì mời khách ngày hôm nay - Hạ Tri Chương.

Hạ Tri Chương là người Ngô Việt chính gốc, những năm gần đây rất được săn đón ở kinh thành.

Thế nhưng thực ra Hạ Tri Chương lại chỉ là kẻ bị người ta tiện thể đính kèm vào mà thôi, lời này chủ yếu vẫn là nhằm vào một vị thiếu niên mới nổi danh gần đây tại Trường An.

Vị thiếu niên đó tên là Cố Huống, người Tô Châu.

Năm nay cậu ta mới mười bốn mười lăm tuổi nhưng lại có tài nghệ thơ phú hết sức giỏi giang, lại cộng thêm tuổi trẻ tràn trề khí thế, trời sinh đã có một loại khí chất kiêu ngạo kiểu "Chư vị đang ngồi đây đều là rác rưởi", vì vậy tuy tuổi còn nhỏ nhưng đã làm mất lòng vô số người.

Lần này Cố Huống nghe được tin Hạ Tri Chương mời Công Tôn Đại Nương tới biểu diễn múa kiếm nên đã đặc biệt mang theo tập thơ tới cửa bái kiến vị lão tiền bối có cùng xuất thân từ vùng Giang Nam là Hạ Tri Chương này, cậu ta vậy mà lại miễn cưỡng bày ra một chút phong thái của người hậu bối trong giới văn đàn.

Trước đó Hạ Tri Chương đã nói ngay từ đầu rằng buổi tiệc rượu tết Trùng Cửu lần này sẽ dựa vào tài thơ văn để vào nhập tiệc, nếu như bài thơ tết Trùng Cửu mà Cố Huống lấy ra thật sự không tệ thì đương nhiên là hắn sẽ hào phóng mà mời cậu ta tới.

Trùng hợp làm sao, trong những người đang ngồi ở đây vừa khéo lại có người đã từng bị Cố Huống viết thơ mỉa mai châm chọc. Thấy Hạ Tri Chương lại có thể mời tên tiểu tử miệng còn hôi sữa, tính nết thì kiêu căng ngạo mạn kia tới đây, người này không nhịn được mà nhắc đến câu bông đùa "Nam kim phục sinh Trung thổ" ngay trước mặt mọi người.

Đến nỗi rốt cuộc câu nói này là khen ngợi Cố Hướng là "vàng" hay là chê bai Cố Hướng là người phía nam, vậy thì hoàn toàn phải xem những người nghe thấy hiểu như thế nào rồi.

Với tư cách là "Nam kim" nổi tiếng nhất trong những người ngồi đây, Hạ Tri Chương nghe được lời chế giễu này thì không chỉ không tức giận mà còn sai người đem bút và mực tới đề bút viết ra một bài thơ để cho mọi người truyền tay nhau đọc.

Tam Nương vẫn là lần đầu tiên được chứng kiến loại tụ tập văn nhân tao nhã hở ra là phải hầu hạ bút mực này, vậy nên nàng không nhịn được mà hướng mắt trông mong, xem xem lúc nào bài thơ kia mới truyền tới chỗ mình bên này.

Có lẽ là vì trên gương mặt Tam Nương đã viết đầy hai chữ "trông mong" nên lão già Chung Thiệu Kinh - người quanh năm lấy việc kiếm chuyện trong yến tiệc làm vui này bèn cười cười vẫy tay về phía nàng: "Tới đây tới đây, tiểu tài nữ đến chỗ lão phu này, đảm bảo là ngươi lập tức nhìn thấy thơ của lão Hạ."

Trong vô số người đang ngồi đây cũng chỉ có ông ấy mới có đủ tư cách kêu Hạ Tri Chương một tiếng "lão Hạ".