- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Cổ Đại
- Thiếp Định Chàng Rồi Quyết Chẳng Buông
- Chương 39
Thiếp Định Chàng Rồi Quyết Chẳng Buông
Chương 39
Theo lý thuyết, đánh cờ hòa là chuyện vô cùng hiếm. Nhưng trước mắt, hai người thực đã rơi vào vòng tuần hoàn chết mãi không thể phân thắng bại.
Nguyên Tứ Nhàn chỉ nhủ do mình thả hồn không tập trung nên làm hỏng chuyện chứ nào biết mục đích Lục Thời Khanh vốn dĩ là cờ hòa. Dù sao chủ đạo cờ hòa thực khó hơn để nàng thắng.
Y đẩy bàn cờ, cau mày:
– Chờ đến đêm rồi nói sau.
Dường như y không có ý định chơi thêm ván nữa.
Nguyên Tứ Nhàn nghĩ thấy cũng đúng. Vịt chết mạnh miệng như Lục Thời Khanh, đói cũng phải nói một đằng nghĩ một nẻo, nhường nàng rõ ràng như vậy, sao còn có lần sau được, cho nên cũng không tiện yêu cầu nhiều.
Cơn mưa xối xả này không kéo dài, chờ hai người kết thúc ván cờ, nó đã tạnh, xe ngựa rẽ theo con đường đã chọn sẵn trước đó, chạy về hướng một gò đất cao bằng phẳng có thể phòng ngừa lũ lụt.
Đợi đến nơi, mọi thứ đã bố trí xong xuôi, Thập Thúy đưa thức ăn chuẩn bị sẵn cho Nguyên Tứ Nhàn và Lục Thời Khanh, sau đó cùng Tào Ám, Triệu Thuật thu xếp cho các tiểu lại đi theo.
Bốn phía không nơi che chắn, mọi người đều lấy áo tơi miễn cưỡng tránh mưa, chỉ mong buổi tối trời trong thì tốt, nhưng không ngờ đến giờ sắp ngủ, trời lại tí tách nổi cơn mưa nhỏ.
Mưa phùn dễ gây ướt áo, tình hình thế này tuy không tới mức rước lấy nguy hiểm nhưng rất dễ bị cảm lạnh.
Nguyên Tứ Nhàn nhìn ra bên ngoài, ngại giở lại trò cũ dùng sách lược lấy lùi để tiến để đuổi Lục Thời Khanh ra ngoài.
Vừa nãy nhân lúc trời ráo, nàng đã thử nghiệm rất nhiều chuyện, chẳng hạn nghĩ cách dọn đồ đạc trong chiếc xe ngựa kia qua đây, để y ngủ trong xe nàng, còn nàng chen chúc ở xe sau, nhưng sau khi đo đạc, nàng nhận thấy xe sau thực không đủ rộng, nằm co ro trong đó cả đêm còn không thoải mái bằng ra ngoài hứng gió.
Lục Thời Khanh luôn chưa mở miệng quyết định, ở trong xe ngựa của nàng bận bịu xem mấy công văn quan trọng từ Trường An gửi tới. Nguyên Tứ Nhàn biết chừng biết mực, không quấy rầy y xử lý công vụ, nhưng cơn buồn ngủ ập đến, nàng không thể không chủ động hỏi:
– Lục thị lang, “nói sau” của ngài có kết quả chưa?
Y khựng tay cầm giấy, ngước mắt nhìn nàng, dường như phải suy nghĩ mới nhớ ra chuyện này, nhàn nhạt nói:
– Cô nghỉ ngơi đi, ta xem công văn, tiện thể đợi mưa tạnh.
Ý đại khái là chuẩn bị lát nữa ra bên ngoài tạm bợ.
Nguyên Tứ Nhàn sáng đèn cũng có thể ngủ, nhưng suy cho cùng không phải lòng dạ sắt đá, nhớ lại chuyện y nhường cờ thì càng áy náy, ngập ngừng nói:
– Ta đợi ngài có chỗ ngủ rồi mới nghỉ.
Nói xong nàng tiếp tục chống mí mắt chịu đựng ngồi bên cạnh, đầu gật như gà mổ thóc, chốc chốc lại gật xuống, chờ va mạnh vào không khí mới tỉnh rồi dụi dụi mắt tiếp tục chống chọi.
Mấy hành động hôm nay của Lục Thời Khanh không gì ngoài lợi dụng thiên thời địa lợi nhân hòa, với ý đồ đánh thức “lương tâm” ngủ say từ lâu của cô nàng này, nhưng thấy nàng thật sự trúng kế, y lại chợt có vài phần không nỡ, đặc biệt là nhìn dáng vẻ nàng cố chống đỡ như vầy, y mềm lòng, kế sách gì cũng không còn nữa.
Hồi lâu, cuối cùng y khép văn thư trong tay, ngẩng đầu cau mày nói:
– Cô ngủ đi.
Nguyên Tứ Nhàn ngoài mặt khoát tay từ chối nhưng trong lòng thầm vui vẻ. Nàng buồn ngủ là thật, xúc động cũng là thật, nhưng hình tượng “gà mổ thóc” là giả.
Nàng nhìn mây trên trời, dự tính cơn mưa này ít nhất cũng kéo dài hơn nửa đêm, suy xét một phen, nàng cho ra quyết định, bảo Lục Thời Khanh ngủ trong xe ngựa mình. Nhưng trước đó, nàng phải để y sinh đủ lòng thương xót với nàng, bằng không muộn chút cô nam quả nữ ở nơi chật chội thế này, lỡ y làm loạn thì sao.
Thấy nàng kiên trì như vậy, Lục Thời Khanh thở dài, nhổm dậy vén rèm:
– Ta đi ra ngoài.
Ngày sau còn dài, không vội đêm nay.
Nguyên Tứ Nhàn kêu “nè”, nắm ống tay áo y:
– Lục thị lang.
Y quay đầu, cụp mắt, nhìn móng tay màu xanh nhạt của nàng nắm chặt hoa văn trên tay áo mình, hô hấp hơi ngừng lại. Nàng đúng là có thói quen nắm tay áo y, nhưng lần này khác với trước đây.
Lục Thời Khanh khẽ ngước mắt nhìn nàng. Trong tình huống này, động tác này có ý nghĩa gì, nàng rốt cuộc có biết không?
Đương nhiên nàng biết, nàng nhanh chóng nói:
– Ngài qua đêm trong xe ngựa với ta đi.
Lục Thời Khanh hơi cau mày, không lên tiếng. Y cảm thấy nàng còn có câu sau, im lặng chốc lát quả nhiên nghe nàng nói tiếp:
– Có điều ngài cũng biết, huynh và cha ta rất dữ, trước mắt Thập Thúy cũng ở bên ngoài, chuyện này nếu để họ biết, ta sợ ngài về kinh sẽ bị đánh gãy chân, cho nên xin ngài chịu khó một chút…
Ừ, e là y sẽ bị người Nguyên gia đánh gãy chân, vả lại còn là chân thứ ba…
Lục Thời Khanh ra dáng rửa tai lắng nghe.
Nguyên Tứ Nhàn ngập ngừng nói:
– Ta lấy dây thừng trói ngài lại, như vậy về cũng tiện ăn nói với người nhà.
Nha đầu này còn rất biết chơi.
Lục Thời Khanh giật giật khóe môi, dường như không mấy tán thành:
– Khỏi, ta ngủ bên ngoài.
Nàng bĩu môi:
– Nếu ngài bệnh, ta sẽ áy náy… để bồi thường tổn thất cho ngài, ngài ngủ trên giường, ta ngủ ở dưới, ta bảo đảm, ngoại trừ cha và a huynh, ta tuyệt đối không đi rêu rao chuyện này khiến ngài mất mặt.
Nàng suy tính xem như thấu đáo, y quay lại ngồi xuống lần nữa, hỏi:
– Cô xác định?
Nguyên Tứ Nhàn gật đầu.
Lục Thời Khanh bị một sợi dây vải trói hai tay, ngủ trên giường của nàng. Đương nhiên, chăn đệm thay bằng đồ của y. Lúc nãy xe ngựa bị hỏng, Tào Ám đã kịp thời cứu được những thứ kia.
Nguyên Tứ Nhàn trải chăn đệm của mình ở dưới, sau khi tắt đèn thì để nguyên y phục nằm xuống.
Không còn ánh nến, trong xe ngựa hoàn toàn yên tĩnh, tiếng mưa rơi róc rách bên ngoài nghe rõ rệt, từng tiếng sột soạt vang vọng lướt qua tai Nguyên Tứ Nhàn khiến lòng nàng ngứa ngáy.
Lúc nãy nàng trói tay Lục Thời Khanh tương đối hoàn mỹ, dùng cách trói khó cởi mà cha dạy, vốn nghĩ vạn sự thỏa đáng, cuối cùng có thể ngủ, nhưng không ngờ cơn buồn ngủ ban đầu giờ lại không còn bóng dáng.
Nàng lấy làm lạ, rõ ràng lần trước đối mặt với y ở trạm dịch, nàng không hề lo lắng, sao lần này lại căng thẳng thế nhỉ.
Có lẽ do biết tâm ý của y chăng? Nàng nghĩ.
Nguyên Tứ Nhàn mãi không ngủ được, lăn qua lăn lại, nghĩ tới nghĩ lui, hồi lâu, nghe tiếng Lục Thời Khanh thở dài, nàng như được đại xá, hỏi:
– Lục thị lang, ngài ngủ rồi à?
Giọng nhàn nhạt của Lục Thời Khanh vang lên:
– Ngủ rồi.
– …
– Sao ngài lại nói dối?
Y đáp:
– Cô hà tất biết rõ còn hỏi? Cô động đậy mãi không yên, bảo ta ngủ thế nào?
Trong xe ngựa không đủ ấm, Nguyên Tứ Nhàn lạnh rùng mình, hắt xì, quấn kín mít như kén nhộng, chỉ ló đầu ra cười hì hì:
– Vậy chúng ta nói chuyện phiếm một lát nhé.
Nói cái quỷ nàng á. Lục Thời Khanh cũng hối hận mình nhất thời ngứa ngáy, ở lại nơi này qua đêm. Trời mới biết nàng cứ cử động sột soạt lung tung là sự dày vò thế nào với y.
Thấy y không đáp, Nguyên Tứ Nhàn tự nói:
– Lục thị lang, ngài từng đi Giang Châu bao giờ chưa?
Vấn đề này khiến y dời đi sự chú ý. Hai người hiện đang ở Kỳ Châu tiếp giáp với Giang Châu thuộc Giang Nam tây đạo. Sở dĩ nàng hỏi câu này, e là tức cảnh sinh tình, nhớ tới “Từ Thiện” chứ gì.
Hứ, ngủ chung với y trong xe ngựa mà nhớ nhung nam nhân khác. Lục Thời Khanh thầm cười nhạo trong bụng nhưng ngoài miệng bình tĩnh nói:
– Từng đi một lần.
– Đi hồi nào?
Nàng truy hỏi.
– Mùa xuân năm ngoái, khi cô theo Điền Nam vương vào kinh thụ phong.
Nguyên Tứ Nhàn sững sờ:
– Ngày ta vào cung làm lễ nhận sắc phong, ngài không có ở Trường An?
– Không.
Vậy thì lạ thật. Nếu trước đó Lục Thời Khanh chưa từng gặp nàng, thế lần sơ ngộ ở đình Lộc, sao y vừa nhìn liền nhận ra nàng? Nàng vừa định hỏi thì y giành nói trước:
– Cô hỏi cái này làm gì?
Nguyên Tứ Nhàn hơi chột dạ, đáp bừa:
– Ờm, nghe nói vào mùa này cua ở hồ Phàn Dương ăn ngon lắm.
Ngon thì tìm “Từ Thiện” câu cho mà ăn.
Lục Thời Khanh chế nhạo trong lòng, nhưng ngoài mặt vẫn im lặng.
Nguyên Tứ Nhàn thấy y không nói nữa bèn đổi đề tài:
– Đúng rồi, lúc nãy ta thấy công văn triều đình đưa tới có nói về chuyện tu sửa đê sông Hoài, các triều thần đối với việc này mỗi người mỗi ý, có vài người cực lực phản đối. Thiên tai hồng thủy Hoài Nam khó tránh dính dáng tới việc đê sông Hoài xuống cấp, đương nhiên nên tiếp thu bài học mà lo tu sửa, tại sao mấy người đó lại phản đối? Ta không hiểu.
Trong những người phản đối tu sửa đê có lục hoàng tử, nàng vòng tới vòng lui, nói thẳng ra vẫn có ý quan tâm Từ Thiện. Dẫu sao mỗi lời nói hành động của Trịnh Trạc đều do ông mưu tính sau lưng.
Lục Thời Khanh không thoải mái nhưng lần đầu tiên đáp lại nàng:
– Họ không phải phản đối tu sửa mà là muốn tạm hoãn. Theo tình hình trước mắt, củng cố đê điều đúng là chính sách trị thủy ích nước lợi dân nhưng tuyệt đối không phải việc mà Đại Chu hiện tại có năng lực hoàn thành. Cô biết cả nước bây giờ có bao nhiêu tham quan ô lại không?
…
– Tu sửa đê sông Hoài, ít cũng phải trưng dụng mấy vạn tráng đinh, nhưng tiền lương do bên trên phát xuống sẽ bị quan lại địa phương dọc đường cắt xén, đến tay dân e còn chẳng đủ ăn. Lâu dần, đê sửa chưa xong mà tiếng dân oán thán đã vang trời. Huống hồ, trước đó việc trưng dụng tráng đinh thế nào cũng là một phiền toái.
…
– Quan lại địa phương vì thành tích nên phối hợp lao dịch (1), đương nhiên mặc kệ nguyện vọng nhân dân, đi khắp nơi bắt bớ, không chịu nghe sẽ dùng vũ lực khống chế, chuyện như vậy dù triều đình phái đi mười khâm sai cũng chưa chắc quản được. Đê dài ngàn dặm bị hủy bởi tổ kiến, đến lúc đó, không chỉ bách tính dọc sông Hoài chịu khổ mà kẻ có tâm cũng có thể lợi dụng điểm này đả kích nền thống trị của Đại Chu. Cô nói xem, tạm hoãn tu sửa đê điều, tìm phương pháp cứu trợ thiên tai là thích hợp, hay khiến cả Đại Chu rơi vào khói lửa chiến tranh trong tương lai không xa là thích hợp?
(1) Lao dịch: cưỡng ép lao động hoặc lao động nặng nhọc với tiền lương còm cõi, thậm chí là không lương.
Cuối cùng, y kết luận:
– Muốn trị thủy, trước phải trị tham. Những lời phản đối này cũng không sai.
Nguyên Tứ Nhàn á khẩu. Một là cảm khái về cái nhìn đúng đắn của Trịnh Trạc và Từ Thiện, hai là bất ngờ vì Lục Thời Khanh trông có vẻ vô cùng hờ hững với dân sinh thế mà cũng có ý nghĩ như vậy.
Thấy nàng nhất thời không nói nên lời, khóe môi Lục Thời Khanh hơi cong lên.
Nguyên Tứ Nhàn nảy sinh tâm tư không tên với “Từ Thiện”, kỳ thực y đại khái có thể hiểu. Ngoại hình “Từ Thiện” hiển nhiên không có ưu thế, điều ở ông hấp dẫn nàng nhất chẳng qua là tấm lòng. Có câu “gần vua như gần cọp”, nhằm tránh thánh nhân nảy sinh nghi ngờ đối với nhiều hành động dụng tâm chân chính của mình nên lúc làm Lục Thời Khanh, y không thể không che giấu tâm tư bản thân, có lẽ đã để lại cho nàng ấn tượng hẹp hòi nhỏ mọn.
Bởi vậy tối nay y mới kiên nhẫn cùng nàng thao thao bất tuyệt một phen, ý đồ thắp cho mình chút ánh sáng “Từ Thiện”, uốn nắn lại suy nghĩ của nàng.
Nguyên Tứ Nhàn trầm mặc hồi lâu, khẽ “ừ” một tiếng, chớp chớp mắt:
– Ngài nói đúng.
Đại Chu tương lai có thể có một vị đế sư như vậy chắc là sẽ rạng rỡ nhỉ. Lần đầu tiên nàng thật lòng thật dạ nghĩ thế.
- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Cổ Đại
- Thiếp Định Chàng Rồi Quyết Chẳng Buông
- Chương 39