Có một bệnh nhân tâm thần cả ngày không làm gì, chỉ mặc bộ áo mưa màu đen, giương ô hoa ngồi xổm ở một góc tăm tối ẩm ướt trong vườn, cứ ngồi xổm như vậy, cả ngày không động đậy. Khi bị bắt đứng dậy anh ta cũng không giãy, nhưng nếu có cơ hội sẽ lại mặc đồ giương ô chui vào góc cũ ngồi xổm, rất kiên trì, cố chấp. Nhiều chuyên gia và bác sĩ thần kinh đã đến gặp anh ta, lằng nhằng mấy ngày liền nhưng đến một câu trả lời cũng không có. Thế là mọi người bỏ cuộc, kết luận rằng bệnh nhân không còn cách nào cứu chữa. Một hôm có chuyên gia tâm lý đến, ông ta không hỏi gì, chỉ mặc đồ y hệt bệnh nhân, cầm ô hoa ngồi xổm cùng anh ta, ngày nào cũng vậy. Sau một tuần, cuối cùng bệnh nhân đó cũng chủ động mở miệng, anh ta nhè nhẹ khều chuyên gia tâm lý, thì thầm hỏi: “Anh cũng là nấm à?”
Đó là một câu chuyện cười tôi đã nghe từ rất lâu. Có buồn cười không?
Tôi thì không thấy buồn cười.
Những chuyện tương tự như vậy tôi đều đã từng làm. Tất nhiên tôi không phải chuyên gia tâm lý, cũng không chắc sẽ chữa khỏi cho bệnh nhân, nhưng tôi cần được cô ấy công nhận thì mới có thể hiểu thế giới quan của cô ấy.
Cô ấy từng là một giáo viên giỏi, về sau đột nhiên thay đổi. Mỗi ngày ngoại trừ lúc ăn, ngủ, đi vệ sinh, cô ấy đều ngồi xổm trước đá hay hoa cỏ, tỉ mỉ nghiên cứu, thậm chí có lúc còn nằm thì thầm nói chuyện với bất cứ thứ gì trước mặt cô ấy lúc đó, có thể là hòn đá, cái cây, hoặc chẳng gì cả, nhưng cô ấy vẫn kiên trì, suốt mấy năm không nói chuyện với ai, chỉ một mình một thế giới. Chồng con cô ấy đều lo đến phát điên mà cô ấy chẳng hề quan tâm.
Sau nhiều lần nói chuyện thất bại, bên cạnh cô ấy xuất hiện thêm một người hành động y hệt, đó là tôi.
Có điều tôi không giống cô ấy, tôi chỉ giả vờ, tay nắm chặt bút ghi âm sẵn sàng bật bất cứ lúc nào.
Mười mấy ngày đó quả thật rất gian nan. Những lúc không có việc bận, tôi lại chạy đến giả vờ nghiên cứu hoa cỏ, hòn đá. Nếu cứ tiếp diễn thế này, tôi đoán tôi cũng sẽ sớm nhập viện.
Sau nửa tháng, cô ấy bắt đầu chú ý đến tôi, thậm chí còn như thể vừa mới phát hiện ra.
Cô: “Anh đang làm gì vậy?”
Tôi giả vờ như cũng vừa phát hiện ra cô ấy: “A? Sao phải nói với cô? Thế cô đang làm gì?”
Cô ấy không ngờ tôi hỏi ngược lại nên sững ra một lúc: “Rốt cuộc anh đang làm gì?”
Tôi: “Tôi không nói cho cô biết.” Nói xong tôi tiếp tục giả vờ hứng thú ngắm nghía ngọn cỏ đã héo trước mặt.
Cô ấy khều khều tôi, cũng nhìn ngọn cỏ đó.
Tôi giả vờ thần bí che lại không cho xem.
Cô ấy ngẩng đầu nhìn tôi: “Cái này tôi xem rồi, chẳng có gì đặc biệt cả, đàng kia nhiều lắm.”
Tôi: “Cô không hiểu gì cả, cái này không giống.”
Cô ấy tò mò hỏi tôi: “Không giống như nào?”
Tôi: “Tôi không nói cô biết!”
Cô: “Nếu anh nói tôi biết không giống như thế nào, tôi sẽ nói cho anh nghe những điều tôi biết.”
Tôi giả vờ ngây thơ nhìn cô ấy. Tôi cảm thấy biểu hiện lúc đó của mình không khác gì một thằng ngốc.
Tôi: “Thật chứ? Nhưng những gì cô biết chưa chắc hay hơn những điều tôi biết.”
Biểu cảm trên gương mặt cô ấy như thể đang nín cười nhìn một đứa con nít: “Anh sẽ không thiệt đâu, điều tôi biết là một bí mật lớn, chắc chắn hay hơn anh! Thế nào?”
Tôi biết cô ấy đã kiên định hơn, thái độ nói chuyện với tôi như thể đang nịnh nọt, tôi cần cho cô ấy cảm giác ưu việt.
Tôi: “Nói lời phải giữ lời?”
Cô: “Giữ lời, anh nói trước đi.”
Tôi mở tay ra: “Cô xem, đầu ngọn có một con sâu, ngọn cỏ này héo là do sâu ăn.”
Cô ấy nhìn tôi vẻ không tán thành: “Cái này thì có gì chứ, điều anh biết chả là gì cả.”
Tôi không chịu thua phản bác lại: “Vậy cái cô biết cũng chả có gì hay cả!”
Cô ấy cười: “Điều tôi biết rất đặc biệt, chưa ai phát hiện ra cả!”
Tôi giả vờ không hứng thú, cúi đầu tiếp tục ngắm ngọn cỏ và cả con sâu không hề tồn tại (toát mô hôi).
Cô ấy nói một cách khoe khoang: “Cái đó của anh quá thấp cấp, không tính là sinh mệnh cao cấp.”
Tôi: “Sinh mệnh cao cấp là gì?”
Cô ấy cười thần bí: “Nghe tôi nói đi, anh sẽ giật mình đó!”
Tôi bán tin bán nghi nhìn cô ấy.
Cô ấy kéo tôi ngồi xuống đất: “Anh biết chúng ta là con người chứ?”
Tôi: ...
Cô: “Ban đầu tôi cũng không cảm thấy gì, sau đó tôi phát hiện ra con người chưa đủ cao cấp. Anh biết rất nhiều nhà khoa học đều đang tìm kiếm tinh cầu giống trái đất không? Bởi vì sao? Để tìm sinh vật tương tự con người.”
Tôi: “Cái này tôi biết từ lâu rồi!”
Cô ấy cười: “Anh đừng vội, nghe tôi nói đã. Ban đầu tôi không hiểu, vì sao họ muốn tìm sinh vật giống con người? Có thể sinh vật trên tinh cầu đó đều là người máy, cũng có thể sinh mệnh của họ được tạo thành từ silicon... Anh biết sinh mệnh con người cơ bản được tạo thành từ nguyên tố gì không?”
Tôi: “Carbon chứ sao, cái này ai chẳng biết!”
Cô: “Ý? Anh biết cũng nhiều đấy... Ban đầu tôi nghĩ, các nhà khoa học kia thật là ngốc, phải giống các sinh vật trên trái đất mới là sinh vật sao? Thật là ngốc. Có điều, về sau tôi hiểu ra, các nhà khoa học không ngốc. Nếu người ngoài hành tinh ở trên tinh cầu kia không giống con người, không hít thở oxy, không ăn các hợp chất carbohydrate, mà họ hít axit sulfuric, ăn nhựa cũng có thể sống, thì chúng ta rất khó giao tiếp với họ. Vì vậy, các nhà khoa học không ngốc, họ tìm môi trường giống trái đất, mọi người đều hít khí oxy, đều uống nước ăn rau bắp cải, như vậy mới có điểm chung, hình thái sinh mệnh cơ bản tương đồng mới có khả năng giao tiếp với nhau, đúng không?”
Tôi khinh thường nhìn cô ấy: “Đây là phát hiện của cô?”
Cô ấy kiên nhẫn giải thích: “Đó không phải phát hiện của tôi, tôi suy nghĩ sâu hơn. Nếu sinh mệnh đã có nhiều hình thức như vậy, có thể một số đồ vật bên cạnh chúng ta cũng có sinh mệnh, chỉ là chúng ta không biết mà thôi. Vì vậy tôi bắt đầu nghiên cứu chúng, tôi nghĩ tôi có thể tìm thấy hình thức sinh mệnh mới trên trái đất.”
Tôi: “Vậy cô đã phát hiện ra sinh mệnh nào rồi?”
Cô ấy cười thần bí: “Kiến, biết chứ? Đó là hình thức không giống chúng ta!”
Tôi: “Phì! Trẻ con cũng biết kiến là côn trùng!”
Cô: “Nhưng, mọi người đều không biết, thật ra kiến là tế bào.”
Tôi: “Hả? Tế bào gì cơ?”
Cô: “Thế nào, anh không biết đúng không? Tôi nói cho anh biết, thật ra kiến là một loại tế bào sinh mệnh, tôi đặt tên là sinh mệnh lỏng lẻo. Kiến chúa chính là đại não, kiến lính là tổ chức phòng vệ của cơ thể, kiến thợ đều là tế bào, cũng là miệng, là tay, dùng để tìm thức ăn, truyền tin, duy trì đại não. Kiến chúa làm đại não phải kiêm thêm cơ quan sinh sản. Lúc kiến thợ tập trung vận chuyển thực chất chính là máu đang vận chuyển chất dinh dưỡng, kiến thợ kiêm rất nhiều công năng, còn phải dạy dỗ các tế bào mới sinh - chính là kiến con. Sự truyền đạt tín hiệu giữa kiến với nhau dựa vào vật chất hoá học, đúng không? Con người cũng vậy, anh không cần chỉ huy tế bào của anh, giữa các tế bào tự thân giải quyết! Anh hiểu không? Thực tế kiến là một loại hình thức sinh mệnh khác, chứ không đơn giản chỉ là côn trùng. Anh đã từng nuôi kiến chưa? Chưa nuôi đúng không? Anh nuôi mấy con kiến, sau vài ngày chúng sẽ chết, dù mỗi ngày đều được cho ăn chúng cũng chết, bởi mất đi sự chỉ huy của đại não. Anh phải nuôi rất nhiều con thì chúng mới sống được, giống như lấy một mảnh mô người để nuôi dưỡng vậy, có điều chúng dễ sống hơn mô người. Khi nhìn kiến, chúng ta chỉ thấy chúng đang bò, thật ra chúng ta vẫn chưa thấy hết mọi vấn đề! Con kiến chỉ là tế bào. Cả đàn kiến mới có sinh mệnh hoàn chỉnh! Sinh mệnh lỏng lẻo!”
Tôi cảm thấy rất thần kỳ, nhưng tôi muốn biết nhiều hơn: “Chỉ có vậy thôi sao?”
Cô: “Không, hòn đá rất có thể cũng có sinh mệnh, chỉ là hình thái không giống. Chúng ta thường nghĩ, sinh mệnh có mắt, mũi, tay, chân, thật ra hòn đá là một loại sinh mệnh khác. Nhìn thì tưởng không cử động, nhưng thực chất chúng cũng biết cử động đấy, chỉ là quá chậm, chúng ta không cảm nhận được mà thôi. Chuyển động của chúng dạng bị động, gió thổi, nước xô, động vật ném đi. Nhưng hòn đá không muốn chuyển động, vì chuyển động linh tinh chúng sẽ chết.”
Tôi: “Hòn đá làm sao mà chết được?”
Cô: “Bị mài mòn hết thì sẽ chết.”
Tôi: “Cô cần chứng minh hòn đá có sinh mệnh trước thì sau đó mới chứng minh được hòn đá có thể chết chứ?”
Cô: “Khi hòn đá bị mài mòn, vụn rơi xuống có thể là đất, cát, trái đất được tạo thành từ đó, đúng không? Các chất dinh dưỡng trong đất giúp trồng lương thực, trồng rau, động vật và con người ăn chúng, kể cả ăn thịt cũng vậy, chỉ khác nhau về mặt hình thức! Con người chết đi sau khi được chôn cất sẽ mục rữa hóa thành tro bụi, trở lại làm các chất dinh dưỡng trong lòng đất, cát và đất chứa thành phần dinh dưỡng đó kết tinh lại với nhau thành đá, hòn đá chính là sinh mệnh.”
Tôi: “Sao lại thành sinh mệnh?”
Cô ấy nghiêm khắc nhìn tôi: “Đại não là thịt, tại sao lại có tư duy?”
Tôi ngây người.
Cô ấy cười đắc ý: “Không biết đúng không? Kết tinh lại với nhau chính là sinh mệnh! Con người là vậy, sinh mệnh lỏng lẻo tạo thành từ kiến cũng vậy, hòn đá cũng vậy, cát và đất kết tinh lại với nhau sẽ có tư duy, đó chính là sinh mệnh! Hòn đá không nghe hiểu được chúng ta nói chuyện, cũng không cho rằng chúng ta có sinh mệnh. Theo cách nhìn của chúng, động tác của chúng ta quá nhanh, sinh ra quá nhanh, chết đi quá nhanh. Anh lấy đá để xây nhà, hòn đá còn chưa cảm nhận được sự thay đổi cơ. Vài trăm năm sau nhà có thể đã sập từ lâu, các hòn đá xây nhà lại trở thành hòn đá bình thường, vì vài trăm năm đối với hòn đá chả là gì cả. Với cách nhìn của hòn đá, dù chúng ta có đứng yên cả đời, chúng cũng không nhìn thấy chúng ta, vì dòng đời chúng ta quá ngắn!”
Tôi há hốc mồm.
Cô ấy bình thản nhìn tôi: “Thế nào? Anh thấy không ổn rồi đúng không? Việc tôi cần làm bây giờ là tìm cách giao tiếp với hòn đá. Nghiên cứu xong vấn đề này, tôi sẽ tìm hiểu tiếp xem có sinh vật nào cũng giống hòn đá đang nhìn loài người không. Có thể nó ở ngay trước mắt chúng ta mà chúng ta không nhận ra.” Nói xong cô ấy cười đắc ý rồi lại ngồi xổm xuống trước một hòn đá ngắm nhìn tỉ mỉ.
Tôi không giả vờ nghiên cứu ngọn cỏ nữa, đứng dậy nhẹ nhàng rời đi, sợ làm phiền cô ấy. Khoảng hơn một tháng sau tôi luôn để ý đến các hòn đá bên đường.
Sinh mệnh lâu dài của hòn đá dưới góc nhìn của con người dường như không có điểm kết thúc.