- 🏠 Home
- Hiện Đại
- Nguyên Sang
- Thiên Tài Bên Trái, Kẻ Điên Bên Phải
- Chương 3: Con sâu bốn chiều
Thiên Tài Bên Trái, Kẻ Điên Bên Phải
Chương 3: Con sâu bốn chiều
Cậu: “Xin chào.”
Tôi: “Xin chào.”
Cậu ấy trầm tĩnh hiếm thấy so với những người cùng tuổi, ít nhiều còn mang vẻ bất cần đời, nhưng đôi mắt lại toát lên khát vọng, khát vọng được giao lưu.
Nếu thống kê các bệnh nhân tôi từng tiếp xúc và sắp xếp theo mức độ mang đến đau khổ cho tôi, người này xứng đáng đứng trong top 5 dù cậu ấy chỉ là một thiếu niên 17 tuổi.
Sau bảy lần tiếp xúc thất bại, tôi quyết định dành ra hơn 2 tuần để chạy khắp nơi – từ lên thư viện đến bái kiến các học giả vật lý và sinh học, thậm chí còn đi nghe các buổi thuyết giảng về vật lý mà bình thường luôn khiến tôi ngủ gật. Tôi dành thời gian xem các sách về vật lý lượng tử căn bản. Tôi bắt buộc phải làm vậy, nếu không sẽ không thể giao lưu được với cậu ta, vì nghe không hiểu.
Sau quá trình đọc sách, nhồi nhét kiến thức khổ sở, tôi lại ngồi trước mặt cậu ta một lần nữa.
Cậu ta vẫn còn vị thành niên nên mỗi lần gặp mặt đều có bố hoặc mẹ ngồi ở xa phía sau, họ phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến cuộc nói chuyện của chúng tôi, bao gồm cả việc không gây ra tiếng ồn.
Ngồi phía sau tôi là người trợ giúp tôi dẫn đến: một giáo sư vật lý lượng tử trẻ tuổi.
Trước ánh mắt của cậu thiếu niên, tôi ân nút bật bút ghi âm.
Cậu: “Sao anh không dẫn Giáo sư Trần đến?”
Tôi: “Giáo sư Trần tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe nên không đến được.”
Giáo sư Trần là một học giả vật lý – một cứu binh tôi từng đưa đến nhưng hiệu quả không như tôi mong muốn.
Cậu: “Ồ, những cuốn sách tôi nói anh đã đọc chưa?”
Tôi: “Tôi không có nhiều thời gian như cậu nên không đọc được mấy, những cũng đã chăm chỉ đọc một số cuốn.”
Cậu: “Ồ…. Vậy anh có thể lý giải được sinh học bốn chiều tôi từng nói rồi?”
Tôi cố gắng tìm kiếm trong đại não: “Ừm… chưa lý giải được hoàn toàn, chiều thứ tư là thời gian đúng không?”
Cậu: “Đúng.” Có thể thấy sự hứng thú của cậu ấy tăng lên đôi chút.
Tôi: “Chúng ta sống trong sinh học ba chiều gồm chiều dài, chiều rộng, chiều cao vật lý, đồng thời cũng trải qua trục thời gian…”
Cậu ấy thiếu kiên nhẫn ngắt lời tôi: “Ba chiều vật lý là dài, rộng, cao sao? Ba chiều vật lý là độ dài, nhiệt độ, số lượng! Không phải dài, rộng, cao! Độ dài trong đó đã bao gồm dài, rộng, cao!!!”
Cậu ấy nói không sai, tôi cố gắng để trí nhớ và cảm xúc hồi phục về trạng thái bình thường, không ngờ bản thân lại có chút căng thẳng.
Cậu: “Hay anh về đọc sách tiếp đi.” Cậu ta đuổi tôi đi không khách sáo.
Tôi: “Thật ra trí nhớ của tôi không tốt, tôi cũng mới tiếp xúc những thứ này, nhưng thực sự tôi đã đọc rồi. tôi công nhận lúc nghe các bài giảng đó tôi đã ngủ gật, nhưng tôi vẫn cố gắng đi nghe rất nhiều, còn ghi chép lại nữa.” Vừa nói tôi vừa đặt trước mặt cậu ấy tất cả những ghi chép của tôi về vật lý trong thời gian qua.
Lúc này thành thật là cách hiệu quả nhất, cảm xúc của cậu ấy hòa hoãn lại rất nhiều.
Cậu: “Được rồi, tôi biết anh rất muốn hiểu những gì tôi nói, tôi cũng không muốn làm khó anh, tôi sẽ cố gắng nói với anh bằng phương thức anh có thể hiểu.”
Tôi: “Cảm ơn.”
Cậu: “Thật ra chúng ta đều là sinh vật bốn chiều, ngoài không gian, chúng ta còn tồn tại trên trục thời gian, chỉ là bắt buộc phải tuân theo quy luật của dòng thời gian…. Điều này anh hiểu chứ?”
Tôi: “Hiểu…”
Giáo sư vật lý lượng tử nhỏ tiếng nhắc tôi: “Chính là quan hệ nhân quả.”
Cậu: “Đúng, chính là quan hệ nhân quả. Cần ấn công tắc mới có thể bắt đầu ghi âm, nếu không có người ấn sẽ không thể bắt đầu ghi âm. Vì vậy có thể nói, chúng ta không phải sinh vật bốn chiều tuyệt đối, chúng ta chỉ đưa vào theo dòng thời gian, không thể đi ngược lại, nhưng nó thì không như vậy.”
Tôi: “Nó là sinh vật bốn chiều tuyệt đối cậu từng nói sao?”
Cậu: “Ừm, nó là sinh vật thực sự tồn tại trong sinh học bốn chiều, bốn chiều đối với nó cũng giống như chúng ta sống trong không gian ba chiều vậy. Như vậy tức là, một phần thân thể của nó không phải kết cấu ba chiều, mà là phi vật chất.”
Tôi: “Cái này tôi không hiểu.”
Cậu ấy cười: “Anh thử tưởng tượng đi, nếu chia thời gian thành từng đoạn, trong mỗi đoạn thời gian con người chỉ có thể nhìn thấy một phần của nó, chứ không phải toàn bộ. Có hiểu không?”
Tôi choáng váng ngẩn mặt ra.
Giáo sư vật lý lượng tử: “Cậu muốn nói đến giả thuyết sinh vật tuyệt đối trong thế giới sinh vật sao?”
Cậu: “Ừm… chắc không phải, sinh vật tuyệt đối có thể tồn tại trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào, vượt qua giới hạn hoàn cảnh, nhưng giới hạn sinh vật bốn chiều còn lớn hơn như vậy, có thể không liên quan đến nhân quả.”
Giáo sư vật lý lượng tử: “Có đặc tính của lực học lượng tử?”
Cậu: “Chính là như vậy.”
Tôi: “Những điều này có nghĩa là sao? Tôi nghe không hiểu.” Mấy bài giảng nhập môn phần này tôi đều vừa bắt đầu đã ngủ.
Giáo sư vật lý lượng tử: “Để nói rõ vấn đề này thì thực sụ rất khó, nói đơn giản kiểu vô trách nhiệm thì, hai đơn vị hạt không liên quan đến nhau, có thể cách xa nhau hàng vạn dặm nhưng lại tác động đến nhau…. Tôi đoán là anh nghe vẫn không hiểu.”
Tôi nhớ mang máng khi nói chuyện với một học giả vật lý lượng tử nào đó cũng tùng nghe qua, nhưng lúc này não bộ tôi vô cùng hỗn loạn. Tôi có một dự cảm chẳng lành: Lần nói chuyện này nhiều khả năng sẽ thất bại.
Cậu thiếu niên tiếp tục chủ đề: “Nói đơn giản nhất là, anh ở đây, nhưng không cần bất cứ thiết bị phụ trợ nào vẫn có thể điều khiển một cái bút vẽ tranh ở nhà, hoàn toàn dựa vào ý muốn của anh để vẽ, giống như máy tính truyền dữ liệu vậy, gửi một vật thể ba chiều đến mộ người khác ở nơi xa.”
Tôi: “Bằng cách nào vậy?”
Giáo sư vật lý lượng tử: “Không rõ, đây là đặc tính của lực học lượng tử, cũng là vấn đề các trung tâʍ ѵậŧ lý lượng tử đỉnh cao toàn cầu đang nghiên cứu. Sao cậu lại biết được?” Câu sau là nói với cậu thiếu niên.
Cậu: “Sinh vật bốn chiều bảo với tôi, cả đọc trong sách nữa.”
Tôi: “Sinh vật bốn chiều mà cậu nói ở đâu?”
Cậu: “Tôi đã nói rồi, một phần kết cấu của nó mang tính phi vật chất, chỉ có thể cảm nhận được.”
Tôi: “Cậu nói vậy nghĩa là nó tìm đến cậu, nói với cậu những điều này đồng thời bảo cậu nên đọc những cuốn sách nào?”
Cậu: “Sách do tôi tự tìm đọc, vì tôi không thể lý giải được cảm giác nó mang đến cho tôi.”
Những cuốn sách cậu kể tên tôi đã từng thấy, một số thậm chí còn là tạp chí học thuật tiếng Anh. Một học sinh cáp 3 cả ngày ôm từ điển chuyên ngành chỉ để đọc hiểu các luận văn được đăng trên tạp chí chuyên ngành.
Tôi: “Nhưng sao cậu chứng thực được cảm giác của cậu là chính xác, đúng hơn là làm sao cậu chứng minh được có ai đó mang đến cho cậu cảm giác đó?”
Cậu ấy lạnh lùng nhìn tôi: “Lùi lại hơn một trăm năm trước, nếu anh nói với một học giả vật lý hàng đầu thời đó rằng, anh chỉ cần cầm một vật không to bằng bàn tay, không dày bằng cuốn sách là có thể nói chuyện với một người ỏ nơi xa, nhờ vệ tinh bay quanh địa cầu và một cái thẻ bé bằng móng tay nằm trong vật đó; anh có thể ngồi trước một màn hình nhỏ bé nói chuyện với người lạ cách xa hàng ngàn dặm mà không cần dùng bất cứ sợi dây liên kết nào; anh xem một trận bóng ở bên kia địa cầu chỉ nhờ ấn điều khiển tivi; người đó sẽ nghĩ thế nào? Ông ta sẽ nghĩ anh bị điên! Bởi chúng vượt quá phạm trù của bất ngành khoa học nào thời đó, được liệt vào dạng những điều bất hợp lý, đúng không?”
Tôi: “Nhưng thứ cậu nói là cảm giác.”
Cậu: “Đó chỉ là một từ. Trước khi phát hiện lượng tử, không ai bết nên gọi lượng tử là gì, đa số gọi là năng lượng hay gì đó. Tư duy của anh vẫn là thế giới vật chất quen thuộc, thế giới ba chiều. Điều tôi muốn nói với anh là bốn chiều, không thể dùng cái khung của ba chiều để miêu tả được, tôi nghĩ chúng ta khồn nên tiếp tục nói chuyện với nhau.” Cậu ấy một lần nữa ám chỉ tôi nên cút đi.
Giáo sư vật lý lượng tử: “Cậu có thể cho tôi biết sinh vật bốn chiều đó còn nói với cậu những gì nữa không?”
“Là sinh vật bốn chiều tuyệt đối.” Cậu ta sửa lại một cách thiếu kiên nhẫn.
Giáo sư vật lý lượng tử: “Đúng, nó còn cho cậu những cảm giác gì?”
Cậu: “Cách nhìn nhận của nó đối với tôi.”
Tôi: “Như thế nào?”
Cậu ấy nghiêm túc quay sang tôi: “Đúng hơn là chúng ta, cách nhìn nhận của nó đối với chúng ta. Chúng ta đối với nó không phải là hình dạng như hiện nay, vì con mắt của nó đã vượt qua cả thời gian. Theo cách nhìn của nó, chúng ta chỉ như những con sâu đang bò.”
Tôi không nhịn được nữa, quay đầu lại đối mặt nhìn giáo sư vật lý lượng tử.
Cậu: “Anh có thể tưởng tượng, nhìn vượt qua thời gian, chúng ta là một quái vật sâu bọ rất dài rất dài, từ trên giường trườn xuống những con đường, kéo đến trường học, kéo đến công ty, kéo đến chợ, kéo đến nhiều nơi. Vì các động tác của chúng ta ở mỗi đoạn thời gian không giống nhau, nên khi nhìn vượt qua thừi gian, chúng ta đều là những con sâu dài. Bắt đầu từ một đoạn thời gian nào đó đến một đoạn thời gian nào đó thì kết thúc.”
Tôi và giáo sư vật lý lượng tử đều sững người nghe cậu ấy nói.
Cậu: “Sinh vật bốn chiều tuyệt đối có thể nhìn thấy trước cái chết của chúng ta, rồi mới nhìn thấy chúng ta được sinh ra, không có nhân quả trước sau. Thật ra điều này tôi đã có thể lý giải từ lâu: thời gian không trôi đi, thứ trôi đi là chúng ta.”’
Sau khi cậu ấy chậm rãi nói từng câu từng chữ, chúng tôi hỏi gì cậu ấy cũng không trả lười nữa.
Lần nói chuyện đó cơ bản đã kết thúc thất bại.
Không lâu sau, cậu thiếu niên đồng ý làm một bài kiểm tra vật lý lượng tử được chuẩn bị riêng cho cậu ấy nhưng kết quả rất tệ. Không biết vì sao, sau khi nghe kết quả đó tôi có chút thất vọng. Nếu cậu ấy thực sự là một thiên tài, cậu ấy cũng chỉ có thể là thiên tài ở tương lai trăm năm sau, thậm chí xa hơn nữa, chứ không thuộc về thời đại của chúng ta. Ý tôi là đoạn thời gian? Có thể vậy.
Đến giờ tôi vẫn rất muốn biết, cái gọi là sinh vật bốn chiều tuyệt đối có hình dạng thế nào. Nó có đáng sợ không? Có lẽ mãi mãi tôi sẽ không thể biết được, cho dù nos có thật.
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến một câu Goethe* từng nói: “Chân lý thuộc về con người, sai lầm thuộc về thời đại.”
*Johann Wolfgang von Goethe (1749 – 1832) được coi là một trong những vĩ nhân trong nền văn chương thế giới. Ông là nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà văn khoa học, họa sĩ của Đức. Do đó ông là một trong số ít những người được xem là nhà thông thái.
- 🏠 Home
- Hiện Đại
- Nguyên Sang
- Thiên Tài Bên Trái, Kẻ Điên Bên Phải
- Chương 3: Con sâu bốn chiều