Mất một thời gian dài tiếp xúc với nữ bệnh nhân này, chúng tôi mới có thể thực sự ngồi xuống nói chuyện với nhau, bởi cả ngày cô ấy chỉ sống trong khủng hoảng, không tin tưởng bất cứ ai - người nhà, bạn trai, bạn thân, bác sĩ, chuyên gia tâm lý, tất cả đều không tin.
Cơn khủng hoảng của cô ấy xuất phát từ những giấc mơ.
Cô ấy rất an toàn, không hề gây ra bất cứ uy hϊếp nào. (Kết luận này do chính tôi đúc rút sau khi quan sát cô ấy hết lần này đến lần khác. Tôi không tin báo cáo của những người khác. Sự an toàn của bản thân tốt nhất vẫn nên do mình tự quan sát rồi kết luận mới đáng tin.) Vì vậy lần đó tôi mang đầy đủ cả bút ghi âm, giấy viết, bút chì.
Tôi: “Hôm qua cô có ngủ mơ không?”
Cô: “Tôi không ngủ.”
Gương mặt cô ấy không thể gọi là mệt mỏi, nó trắng bệch, suy sụp do cảnh giác và mất ngủ thời gian dài – có chút dấu hiệu của chứng hysteria*.
*Hay còn gọi là chứng cuồng loạn, một trạng thái của tâm thức, biểu hiện của sự kích động thái quá, không thể điều khiển được các cảm xúc. Những người bị hysteria thường mất tự chủ do một nỗi sợ hãi gây ra bởi nhiều sự kiện trong quá khứ có liên quan đến một số mâu thuẫn nghiêm trọng, bệnh thường xuất hiện sau một chấn thương tâm lý ở những người nhân cách yếu.
Tôi: “Cô sợ ngủ mơ?” Tôi có chút hối hận vì hôm nay đã đến nên quyết định sẽ nói chuyện cẩn thận.
Cô: “Ừm.”
Tôi: “Hôm kia thì sao? Có ngủ không?”
Cô: “Có.”
Tôi: “Ngủ có ngon không?”
Cô: “Không.”
Tôi: “Có mơ không?”
Cô: “Có.”
Tôi: “Có thể kể cho tôi biết cô đã mơ thấy gì không?”
Cô: “Vẫn tiếp tục những chuyện kia.”
Lần đầu tiên ghi chép lại những mô tả của cô về giấc mơ, tôi thừa nhận mình có chút ngạc nhiên, cô ấy ghi nhớ gần như toàn bộ các giấc mơ từ nhỏ đến lớn. Theo lời cố ấy kể, những giấc mơ đều có tính liên kết, nghĩa là cuộc sống của cô ấy trong giấc mơ cũng giống hiện thực, liên kết cùng dòng chảy thời gian và quan hệ nhân quả. Ban đầu, vấn đề của cô ấy là thường xuyên lẫn lộn giữa các sự việc trong giấc mơ và hiện thực, về sau cô ấy chấp nhận việc sống hai thế giới - cuộc sống hiện thực và cuộc sống trong mơ. Nhưng giờ vấn đề đã trở nên nghiêm trọng hơn, giấc mơ của cô ấy ngày càng kinh dị, đáng sợ nhất là chúng vẫn có tính liên kết. Cứ thử tưởng tượng mà xem, một bộ phim kinh dị mãi không có kết thúc.
Tôi: “Cô biết đấy, tôi đến để giúp cô, cô có thể kể cho tôi nghe những sự việc đã xảy ra trong một tháng nay không?” Tôi muốn nói đến những chuyện trong giấc mơ.
Cô ấy cắn môi, do dự một lúc mới gật đầu.
Tôi: “Tốt. Vậy đã xảy ra chuyện gì?”
Cô: “Còn nhớ Ngài Bóng không? Tôi phát hiện ra ông ta không đến để giúp tôi.”
Câu nói này khiến tôi rất kinh ngạc.
Ngoại trừ cô ấy ra, Ngài Bóng là con người duy nhất tồn tại trong giấc mơ của cô ấy, hình dáng và trang phục không rõ ràng mà chỉ xuất hiện mơ hồ. Ngài Bóng thường xuyên cứu cô ấy. Ban đầu tôi tưởng rằng Ngài Bóng là sự nuôi dưỡng tình cảm xuất phát từ lòng ái mộ của bệnh nhân đối với một đối tượng nam giới nào đó trong hiện thực. Nhưng sau nhiều lần các chuyên gia thôi miên cô ấy, tôi mới phát hiện ra không phải như vậy, Ngài Bóng thực sự chỉ là nhân vật trong mơ.
Tôi: “Ngài Bóng ... không phải người cứu cô sao?”
Cô: “Không phải.”
Tôi: “Đã xảy ra chuyện gì vậy?”
Cô: “Ông ta bắt đầu kéo tôi nhảy lầu.”
Tôi khẽ thở ra một hơi: “Để cứu cô thoát hiểm phải không? Trước đây cũng từng vậy mà?”
Cô: “Không phải, tôi đã phát hiện ra mục đích thực sự của ông ta.”
Tôi: “Mục đích gì?”
Cô: “Ông ta muốn tôi vào ông ta cùng chết.”
Tôi cố gắng kiềm chế phản ứng của bản thân dùng chút chiêu trò – lặp lại câu nói sau cùng của cô ấy: “Cùng chết?”
Cô: “Đúng.”
Tôi không hỏi tiếp, chờ đợi.
Cô: “Tôi từng kể với anh rồi đấy, một năm trước, ông ta đã kéo tôi nhảy lầu, nhưng lần nào cũng vậy, cứ vừa nhảy là tôi tỉnh giấc. Một năm trở lại đây càng ngày tôi càng tỉnh muộn hơn.
Tôi: “Cô muốn nói là...”
Cô ấy cố gắng lấy đủ dũng khí, hít một hơi thật sâu: “Mỗi lần ông ta kéo tôi nhảy xuống đều ở cùng một tòa nhà, ban đầu tôi không để ý, về sau mới phát hiện ra một phòng ở tầng giữa của tòa nhà đó có cái đèn chùm rất to. Hồi đầu tôi vừa nhảy đã tỉnh giấc, về sau mỗi lần nhảy lại xuống thấp hơn mấy tầng rồi mới tỉnh.”
Tôi: “Ý cô là từ khi chú ý đến cái đèn chùm, cô mới nhận ra mỗi lần mình đều tỉnh dậy sau khi đã xuống thêm mấy tầng của cùng một tòa nhà?”
Cô: “Ừm.”
Tôi: “Đều là tòa nhà hơn 40 tầng cô từng kể sao?”
Cô: “Lần nào cũng vậy.”
Tôi: “Căn phòng có đèn chùm ở tầng mấy?”
Cô: “Tầng 35.”
Tôi: “Lần nào cũng nhìn thấy cái cửa sổ đó à?”
Cô: “Không phải cùng một cửa sổ, nhưng các phòng của tòa nhà đó có rất nhiều cửa sổ, vì vậy mỗi lần nhảy xuống, tôi đều để ý tầng 35, tôi có nhìn thấy cái đèn chùm to đó từ nhiều góc độ.”
Tôi: “Bây giờ đến tầng mấy mới tỉnh?”
Cô: “Sắp xuống đến một nửa tòa nhà rồi.”
Tôi: “...”
Cô: “Tôi có thể nhìn thấy mặt đất càng ngày càng gần tôi, ông ta nắm tay tôi, cười bên tai tôi.”
Tôi có chút đứng ngồi không yên: “Không phải lần nào cũng mơ thấy nhảy lầu đúng không?”
Cô: “Không phải.”
Tôi: “Vậy ông ta còn cứu cô không?”
Cô ấy sợ hãi nhìn tôi: “Ông ta là quái vật, ông ta biết hết tất cả các con đường, tất cả các cánh cửa, cửa ra lẫn cửa vào. Khi ông ta nắm tay tôi, tôi không cách nào thoát ra được, chỉ biết chạy theo ông ta, không thể hét, không thể nói, cứ thế chạy đến tầng thượng của tòa nhà rồi cùng ông ta nhảy xuống.”
Nếu không phải đã từng điều tra kỹ các đối tượng nam giới xung quanh cô ấy, thậm chí còn mấy lần thôi miên, tôi sẽ nghĩ cô ấy từng bị đàn ông ngược đãi trước đây. Nếu vậy mọi việc lại đơn giản. Nói thật, tôi đã rất mong sự việc chỉ đơn giản như thế.
Tôi: “Bây giờ cô vẫn chưa nhìn rõ Ngài Bóng sao?”
Cô: “Khoảnh khắc nhảy lầu tôi có thể nhìn thấy rõ hơn chút.”
Tôi thầm nghĩ có quen ai cao thủ phác họa chân dung không.
Tôi: “Mặt mũi ông ta thế nào?”
Cô ấy lại trả lời lần nữa với vẻ khủng hoảng: “Đó không phải mặt người... không phải mặt người... không phải...”
Tình hình không ổn, cô ấy phát bệnh rồi, tôi nhanh chóng cắt ngang cuộc nói chuyện: “Cô muốn uống nước không?”
Cô nhìn tôi sững một lúc lâu mới tỉnh: “Không cần.”
Không lâu sau lần nói chuyện đó, cô ấy nhập viện. Bác sĩ rất quan tâm chú ý quan sát giấc ngủ của cô ấy, kết quả báo cáo thực sự đáng ngạc nhiên: đa phần các giấc ngủ cô ấy đều không mơ, giấc ngủ mơ thực sư diễn ra không quá hai phút. Trong lúc đó, cơ thể cô ấy bắt đầu co giật, ra mồ hôi, nhiệt độ tăng cao, rồi cô ấy giật mình tỉnh giấc. Gần như lần nào cũng vậy.
Lần cuối cùng nói chuyện với cô ấy, tôi lại hỏi về hình dáng của người đó.
Cô ấy kiềm chế nỗi sợ hãi mãnh liệt nói với tôi: “Ngũ quan của Ngài Bóng không ngừng biến đổi, phảng phất khuôn mặt của rất nhiều người, thay đổi rất nhanh trên cùng một khuôn mặt.”