Chương 2
Diệp Thiên cũng không biết cô đã đi theo mình bao lâu.
Có lẽ là từ lâu lắm rồi, từ lúc anh bắt đầu nhận ra thì cô đã đi theo anh được mấy năm rồi. Mấy năm này, anh chìm trong thế giới của mình, không quan tâm đến bất cứ gì, đương nhiên cũng không quan tâm đến bóng dáng nhỏ bé vẫn hay theo đuôi mình. Dù cô là khán giả duy nhất xem anh chơi bóng rổ, hay là người duy nhất thưởng thức các bức tranh anh vẽ, cô thường xuyên tìm cách xuất hiện trong tầm mắt anh, nhưng đôi mắt kia chưa in bóng cô lên đó lần nào.
Cho đến một năm, giáo viên chủ nhiệm đột nhiên thông báo lớp có thêm một học sinh mới, là học sinh vượt lớp, lúc đó anh mới nhận ra cô.
Anh nhận ra cô vì đôi mắt, đôi mắt to vẫn không thay đổi gì kể từ lần đầu họ gặp nhau năm cô bốn tuổi. Cô ngượng ngùng đứng trước lớp, mắt vẫn dán chặt vào anh làm anh khẽ nhíu mày. Cô giới thiệu mình năm nay mười sáu tuổi, nhỏ hơn bọn họ một tuổi. Cả lớp ồ lên, bọn con trai huýt sáo liên tục, vì cô thật sự rất xinh xắn trong bộ váy đồng phục của trường cấp ba Z. Nhưng anh không quan tâm, chỉ úp mặt xuống bàn ngủ, ngay cả khi cô đến ngồi cạnh mình anh cũng không nhận ra.
Trái ngược với suy nghĩ của mọi người, học sinh vượt lớp hẳn là học giỏi lắm, vượt lớp lận cơ mà, nhưng cô thì không. Cô chật vật chạy theo tiến độ của thầy giáo, bị kêu lên bảng làm bài thì toàn giải sai be bét, các môn xã hội cô cũng không tiếp thu nhanh được, nhất là môn Văn, đến nỗi giáo viên dạy Văn phải che mặt chạy ra hành lang khóc nức nở vì cảm thấy thất bại trong việc giáo dục cô. Đám học sinh trong lớp từ vui mừng, đến ngỡ ngàng, đến thất vọng, và bây giờ thì chết lặng luôn rồi.
Điều kì diệu gì đã đưa cô vượt lớp lên lớp 11 này thế? Sao không ngoan ngoãn mà học lớp 10 của cô đi.
Trần Lạc Y cắn môi, đầu cúi gằm xuống bàn, sau khi bị khiển trách một trận trước lớp. Từ một tháng nay, cô luôn là đối tượng thân thiết được gọi lên bảng thường xuyên của các thầy cô. Dường như bao nỗi bực dọc trong ngày của họ chỉ có thể trút hết lên người cô mới thành nhẹ nhõm được. Thành tích lớp 11A xuống dốc không phanh, vì các học sinh đã có tấm bia tên Trần Lạc Y đỡ đạn rồi, họ không cần phải lo bị gọi lên bảng trả bài nữa. Trần Lạc Y luôn luôn sẽ đứng mũi chịu sào trước tiên, sau đó bị mắng đến hết thời gian trả bài.
Tình trạng này không thể tiếp tục được, lớp 11A là lớp điểm, các thầy cô giáo vào phòng hiệu trưởng làm ầm lên, nhưng hiệu trưởng gạt phăng hết mọi đề nghị. Lý do duy nhất: Trần Lạc Y không thể chuyển lớp được.
Trừ khi tên kia chuyển đi theo luôn.
Hiệu trưởng sầu não, không ai ở trong căn phòng này hiểu nỗi khổ của ông. Cô bé Trần Lạc Y kia sao có thể học vượt lớp? Đương nhiên là nhờ ông. Nhưng ông vì sao phải giúp cô? Đương nhiên là do ba cô mở miệng nhờ chứ sao nữa.
Nhưng Trần Lạc Y là bé ngoan tiêu chuẩn, cô không muốn tiết lộ thân phận của mình, nên các thầy cô giáo mới có thể “làm càn” với cô mỗi ngày như vậy, thậm chí còn ý kiến lên cả hiệu trưởng. Hiện giờ ông chỉ ước có thể công khai thân phận của cô ra, để đám giáo viên này biết cô không thể chọc, để lỗ tai ông được yên tĩnh!
Đúng vậy, cô không thể chuyển lớp, cô cố gắng vượt lớp là để được học cùng anh. Dù anh ngày ngày không để tâm đến cô. Dù một tuần anh chỉ đi học có hai buổi. Dù lúc đi học anh chỉ toàn úp mặt ngủ o o, nhưng cô không hề thấy phiền lòng. Ngược lại, niềm vui có thể ngày mai lên lớp sẽ được gặp anh đã trở thành động lực để cô đi học mỗi ngày, ăn mắng mỗi ngày mà không bị trầm cảm.
Hết cách rồi, ai bảo hai nhà là hàng xóm mà không bao giờ qua lại với nhau chứ, cho dù lĩnh vực làm ăn của họ không liên quan đến nhau, không phải cạnh tranh thương trường. Đó là bệnh của người giàu, bệnh xa cách. Người ta càng giàu, thì người ta càng thu mình, và chỉ giao tiếp với tiền thôi. Những mối quan hệ không mang lại tiền bạc thì không cần phải móc nối.
Nhưng Trần Lạc Y thấy may mắn, may mắn vì mình là con gái nhà họ Trần, là con gái của tổng giám đốc tập đoàn Trần thị. Nhờ vậy cô mới có thể nhờ ba sử dụng “chút chút” quyền lực để cô học vượt lớp. Sau đó lại dùng thêm “nhiều nhiều” quyền lực nữa lấy về một mối thông gia với Diệp thị.
Cô và Diệp Thiên đính hôn.
Hai tháng sau khi cô chuyển vào lớp 11A, Diệp Thiên đã nghỉ học hẳn. Anh lên thẳng đại học vì không muốn tiêu tốn thời gian ở đây nữa. Anh phải trưởng thành thật nhanh, tách ra khỏi tập đoàn của gia đình càng sớm càng tốt. Thế là Trần Lạc Y mất đi động lực đến trường mỗi ngày. Nhưng bằng một cách nào đó, cô cũng đã xiêu vẹo đi qua được cấp 3, thuận lợi nhảy lên đại học, tiếp tục bám đuôi theo Diệp Thiên. Ước gì cô có cái đầu thông minh hơn, cô cũng sẽ nhảy lớp lên đại học cùng anh luôn rồi, đáng tiếc là không có.
Nhưng bất hạnh thay cho Trần Lạc Y, cô vừa học được nửa học kì của năm nhất thì Diệp Thiên đã lấy bằng tốt nghiệp, chính thức ra trường.
Dù cô có khóc ướt gối cũng chẳng được gì, cô phải nghĩ ra cách khác để bám đuôi anh.
Tuy Diệp Thiên căm ghét ba anh, căm ghét tập đoàn, nhưng anh vẫn đồng ý đính hôn với Trần Lạc Y, trở thành vị hôn phu của cô. Vì anh đã hứa với ba anh một chuyện.
“Nể công ba đã sinh con ra trên đời này, con có thể bỏ qua mọi chuyện, không đối nghịch, cũng không trả thù ba.
Con cũng có thể đồng ý với ba một việc, chỉ duy nhất một việc.
Còn lại, giữa hai ta không có gì cả. Ba đừng mong sẽ có chút tình cảm cha-con nào. Ba cũng không được xen vào cuộc đời của con. Tập đoàn con cũng không cần, để nó lại cho đứa ‘em trai’ kia đi.”
Hai năm sau khi anh tốt nghiệp, công ty Diệp S ra đời.
Từ một công ty nhỏ, dần dần mở rộng ra các lĩnh vực, các công ty con mọc lên. Sau đó, thị trường nước A không còn thỏa mãn được dã tâm của Diệp S nữa, anh muốn mở rộng nó ra thế giới.
Anh phải ra nước ngoài.
Chuyến này có lẽ phải mất mấy năm. Dù anh đã có vị hôn thê cũng không thể hoãn được. Chuyện cưới xin không quan trọng, sau khi đã ổn định sự nghiệp, anh có thể tiến hành nó sau.
Những năm này, Trần Lạc Y vẫn kiên trì bền bỉ theo đuôi anh. Cô làm thư ký cho anh, nhưng sau khi đánh mất hai hợp đồng lớn, lỗ lã khoảng vài tỷ thì cô đã chuyển chức thành “thư ký bù nhìn”, công việc của cô chỉ gói gọn trong khoản pha cà phê, đặt cơm trưa, đấm bóp mát xa, luẩn quẩn loanh quanh anh trong phạm vi hai mét. Bất kể là anh đi đâu, đi họp, đi xã giao, dự tiệc, cô luôn sẽ ở gần đó để lo dọn “hậu sự” cho anh: đỡ anh về nhà khi say rượu, lái xe, nấu canh giã rượu, lau mặt, thay quần áo…
Nên lúc anh quyết định ra nước ngoài, anh cứ ngỡ cô cũng sẽ đi theo, thậm chí anh còn đặt luôn hai vé máy bay ngồi kế nhau rồi. Cho cô đi theo cũng không phiền gì, dù sao cô cũng hiểu anh hơn hẳn những người khác.
Nhưng anh hoàn toàn sửng sốt khi cô nói sẽ không đi cùng.
Lúc đó, mắt cô ngấn nước, hệt như đôi mắt bé gái bốn tuổi bị bỏ rơi năm nào. Cô cắn môi, níu chặt vạt áo, sau đó khó khăn nói cô sẽ không đi. Cô ở lại chờ anh quay về.
Thật vô nghĩa, anh cũng không cần cô đi theo. Bớt đi một người pha cà phê hoàn toàn không ảnh hưởng gì cả.
Ngày tiễn anh lên máy bay, không biết vì sao cô có cảm giác cô đã vuột mất anh rồi. Mà thực ra, cô chưa từng nắm giữ được anh, dù chỉ một giây. Bao nhiêu năm nay, anh đi, cô theo sau, chưa từng thay đổi.
Và cũng sẽ không thay đổi dù là thêm bao nhiêu năm về sau nữa