Edit: Cháo
Thứ Hai luôn là ngày bận rộn, sau khi Trần Bách đi, Chu Nguyên chưa ăn được mấy miếng cơm trưa đã bắt đầu vùi đầu vào làm việc. Người đến khám bệnh rất đông, dạng người gì cũng có, nhưng mục đích đến đây thì rất đơn giản, đều là để tìm cách được sống.
Chu Nguyên cảm thấy, hình như càng ở thành phố này lâu, thì người bị bệnh ngày càng nhiều vậy.
Bận rộn cả một ngày, vất vả lắm mới đến lúc tan việc, Chu Nguyên duỗi người, mở xem di động, đúng lúc nhận được tin nhắn của Tưởng Niệm Như.
“Vườn hoa Mân Cảnh có một quán ăn gia truyền được khen lắm, đã đặt chỗ ngồi rồi đấy bác sĩ Chu ạ.”
Chu Nguyên cười một tiếng, vừa đứng lên thì cảm thấy eo mỏi lưng đau.
Dạo này thiếu vận động quá rồi, Chu Nguyên tự oán tự trách, anh trả lời: Lúc sắp tan làm bị mấy bác sĩ thực tập quấn lấy nên mệt lắm rồi, lần sau bù lại cho đại tiểu thư nhé.
Tin nhắn được trả lời rất nhanh, kèm theo một bức ảnh.
Cô gái trong hình mày cong lá liễu, mắt to răng trắng, nở nụ cười xinh đẹp tựa một đóa hoa.
Tưởng Niệm Như nói: Tức lắm đấy nhen, nhưng vẫn phải giữ vững nụ cười.
Chu Nguyên bị chọc cười, nhấn nút định gửi một trái tim, nhưng nghĩ một chút lại xóa bỏ, trả lời lại: Mai gặp.
Trên đường về Chu Nguyên đi ngang qua một con đường, lúc dừng đèn đỏ, thành phố vồn vã được thả chậm lại một khoảng thời gian ngắn.
Cách cửa kính xe, anh nhìn dòng người qua lại ở con đường bên kia mà xuất thần.
Đèn xanh, Chu Nguyên chuyển tay lái, rẽ xe sang một hướng khác.
Chu Nguyên xách túi quà, đi thăm thầy hướng dẫn hồi Đại học đã lâu không gặp, vị giáo sư ngành Y đức cao vọng trọng vui mừng tiếp đón anh.
Thầy trò hai người đã không gặp nhau một khoảng thời gian khá dài nên cực kỳ hào hứng, trò chuyện được một lúc, hai người uống chút rượu.
Uống được một nửa, trong cơn ngà say, Chu Nguyên đột nhiên nhắc đến Trần Bách với thầy.
Anh miêu tả đơn giản lại tình huống của Trần Bách, nói: “Đã có kết quả kiểm tra rồi, tình trạng không tốt chút nào. Em đã kê vài loại thuốc, bảo cậu ấy ba ngày sau tới tái khám, đáng lẽ nên đề nghị nhập viện.”
“Bệnh van tim tiến triển đã khá nặng rồi, chỉ dựa vào thuốc không thể giải quyết được vấn đề.” Thầy hướng dẫn suy nghĩ một chút, nói, “Ngày mai chuyển kết quả kiểm tra cho tôi xem một chút.”
Chu Nguyên rất cảm kích, mời ông mấy ly liên tiếp.
Thầy hướng dẫn vui vẻ: “Chu Nguyên, em là học sinh xuất sắc nhất trong mấy khóa mà tôi bồi dưỡng, em phải có lòng tin vào bản thân chứ. Vừa bước vào xã hội, chịu khổ chịu khó mệt mỏi chút không sao cả, đều là kinh nghiệm cuộc đời.”
“Em hiểu ạ.” Chu Nguyên hạ tầm mắt, khiêm tốn nghe lời khuyên.
Thầy hướng dẫn lại nói về Trần Bách: “Với tình trạng của cậu này, nếu thân thể chịu được thì nên đề nghị làm phẫu thuật. Đương nhiên có người nhà bên cạnh và động viên cũng rất quan trọng, là sự ủng hộ về mặt tinh thần với cậu ấy.”
Thầy hướng dẫn hỏi: “Điều kiện gia đình của cậu ấy thế nào?”
“Hình như gia đình không có ai.” Chu Nguyên nói, “Có lẽ rất khó để chịu được chi phí phẫu thuật.”
Thầy hướng dẫn chau mày: “Mai cho tôi xem bệnh án trước đã, nếu như bệnh nặng, điều kiện gia đình lại không tốt, vậy tình cảnh phía trước có lẽ không mấy lạc quan.”
“Em biết rồi ạ.” Chu Nguyên nhấp một ngụm rượu, rượu vào bụng khiến nhiệt độ và cảm xúc như bùng lên, hai mắt đỏ ửng.
Anh ậm ờ nói, giống như đang độc thoại: “Em chỉ vọng tưởng một chút, có thể chỉ dựa vào thuốc để duy trì, rồi từ từ điều dưỡng cho tốt lên.”
“Hão huyền.” Thầy hướng dẫn nhìn anh, hỏi, “Em đây là đồng cảm với cậu ấy?”
Chu Nguyên gật đầu, đèn treo sáng chói phản chiếu vào ly rượu trong tay, giống như múc lấy ánh trăng.
Thầy hướng dẫn châm rượu, cụng ly với anh.
Rượu hơi văng ra, thầy hướng dẫn nói: “Chuyện kiểu này, gặp nhiều sau sẽ quen, quen rồi thì không còn thấy đồng cảm nữa.”
“Đấy không phải là lòng dạ sắt đá, mà là tình thế cho phép.”
Chu Nguyên nhìn thầy, cảm thấy đây giống như lời mà Trần Bách sẽ nói ra.
Không hiểu sao lại nhớ tới thiếu niên kia, gầy đến phát hoảng, môi tím tái thấy rõ vẻ bệnh tật, trong mắt luôn lộ ra vẻ mệt mỏi và khinh thường.
Tiếc thật đấy. Men say xộc lên, Chu Nguyên lắc đầu nghĩ, mới có 19 tuổi thôi.