Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Thất Hiệp Ngũ Nghĩa

Chương 093: Người Hiệp Sĩ Dầu Khổ Tâm Vẫn Chuộng Nghĩa Kẻ Tiểu Nhân Hễ Đắc Chí Thời Tuyệt Tình

« Chương TrướcChương Tiếp »
Ngại Hổ đi với Mạnh Kiệt và Trương Lập về xóm Lục Ạp Na. Sử Vân lật đật chạy ra hỏi thăm sự thể. Trương Lập bèn thuật lại mọi việc, rồi nói luôn tới ý Sa Long khuyên anh em thuyền chài nên về Ngọa Hổ Câu lánh nạn. Sử Vân nghe nói cả mừng, chạy đi cho anh em trong xóm hay. Ai nấy cũng bằng lòng, nên đồng lòng gom góp đồ tế nhuyễn của riêng tây, đùm đề vợ con tựu lại nhà Trương Lập. Trương Lập cũng đã chuẩn bị xong xuôi rồi, Ngại Hổ bèn mang gói hành lý xách tề mi côn đi trước, Trương Lập và cả bọn đi theo, Mạnh Kiệt và Sử Vân đi tập hậu. Về đến cửa ngõ thời thấy Sa Long chạy ra tiếp rước và nói: "Xin các ngài cảm phiền ở chật hẹp vài hôm, bây giờ đàn ông thì vào mấy phòng mé tây, còn đàn bà thì vào nhà sau có con gái tôi liệu lý, đợi cất nhà xong rồi sẽ chia nhau mà ở". Mọi người đều cúi đầu tạ ơn, đem hành lý vào trong cất dẹp. Còn Sa Long, Trương Lập, Ngại Hổ, Mạnh Kiệt, Tiêu Xích và Sử Vân cùng đi tới nhà khách. Ngại Hổ bèn hỏi: "Chẳng hay thầy, cha nuôi và chú tôi đâu rồi?". Sa Long đáp: "Cháu đến trễ một chút, ba người đã đi lên Tương Dương từ hai hôm trước". Ngại Hổ nghe nói giậm chân mà rằng: "Phải tôi không ham ăn hốc uống, thời đâu có nhỡ việc". Nói đoạn, thuật luôn chuyện gặp Tưởng Bình và lạc nhau lại cho Sa Long nghe. Trang đinh đã bày tiệc rượu, Sa Long mời cả thảy ngồi vào ăn uống chuyện vãn.

Ăn uống xong, Sa Long cho gọi các thợ săn tới dặn rằng: "Sáng ngày các ngươi đi vào núi, xem xét tình thế Lam Kiêu, có động tĩnh gì thì mau về báo lại" Các thợ săn vâng lời. Một ngày, hai ngày, không thấy Lam Kiêu động tĩnh gì, bọn thợ săn bèn về thưa rằng: "Việc bắt người đó là tại đầu lĩnh Ác Diêu Minh, chớ Lam Kiêu không hay biết gì cả. Đến như việc thuyền chài ở Lục Ạp Na trốn đi, Ác Diêu Minh bẩm cho Lam Kiêu hay, mà Lam Kiêu cũng không để ý tới", Sa Long nghe chuyện như vậy, không thèm để ý phòng bị.

Ngại Hổ ở nhà Sa Long mấy ngày, rồi xin đi lên Tương Dương. Sa Long cầm lại không được, bèn bày tiệc tiễn hành. Ngại Hổ mở gói lấy tờ ấn phiếu của Bao Công cấp cho Tưởng Bình ra, trao cho Sa Long và dặn rằng: "Ấn phiếu này nguyên của chú Tưởng tôi, nhưng không may lạc nhau, tôi phải giữ đây. Vậy nay tôi lên Tương Dương xin gửi cho chú Sa, chú Tưởng có tới xin trao lại giùm". Sa Long tiếp lấy bảo người đem vào cho Phụng Tiên cất, rồi cùng vào tiệc. Hôm sau Ngại Hổ từ giã lên đường.

Bây giờ nói lại Tưởng Bình đưa Lôi Chấn về nhà, ông liền may áo quần cho và tặng thêm hai chục lượng bạc. Tưởng Bình nhận rồi từ giã ra đi. Ngày nọ dọc đường trời gần tối mà lại mưa, chung quanh không có tiệm buôn, mà xóm giềng nhà cửa cũng không. Cực chẳng đã phải dầm mưa đi một đỗi, chợt thấy có tòa miếu hư bèn chui vào, thời chỗ nào cũng dột, duy có sau bàn thần hơi kín bèn đi lại đó, phủi bụi rồi nằm nghỉ. Đến hết canh một mưa tạnh trăng trong, Tưởng Bình muốn ngồi dậy xem tượng thần đề tên gì, bỗng nghe có tiếng đi tới và người nói chuyện. Tưởng Bình bèn rình nghe, một người nói rằng: "Đại ca kiếm có mối rồi, nên sai tôi lại đây tìm chứ". Người kia hỏi: "Có mối thế nào, khá không?". Người nọ nói: "Có Lý tiên sinh tên là Bình Sơn ở Huyền Nguyệt quan mượn thuyền lên Cửu Tiên Kiều. Đại ca bèn tới nhận chở. Tiên sinh lại cậy mướn một người theo hầu, đại ca cũng nhận luôn". Người kia nói: "Đại ca ôm đồm quá, chịu mối thuyền thời đủ, còn nhận mướn người hầu làm chi?". Người nọ nói: "Chú chưa rõ? Đại ca có tính rồi, để tôi giả làm người theo hầu, còn chú thời cùng đại ca giả làm bạn chèo. Vì vậy đại ca sai đi kiếm chú đây. Chú nghĩ có sướиɠ không? Chú nhắm coi Lý tiên sinh có thoát khỏi tay bọn mình không?". Rồi cười nói dắt nhau đi ra khỏi miếu.

Đó là ông Nhị và Vương Tam, còn người mà chúng nó kêu là Đại ca, là ông Đại. Từ khi mưu hại chủ tớ Mẫu Đơn, kế dữ không thành, tới trốn tại đây, song cũng cứ giữ miếng cũ mãi. Tưởng Bình nghe chúng nó bàn bạc, bỗng động lòng nghĩa hiệp, bèn chờ trời rạng sáng, đi thẳng qua Huyền Nguyệt quan ra mắt Lý Bình Sơn. Tưởng Bình bèn nói với Lý Bình Sơn rằng: "Tiểu đệ nghe tôn huynh mướn thuyền qua Cửu Tiên Kiều có việc, nên tiểu đệ tới đây xin tôn huynh vui lòng cho tháp tùng lên huyện Tương Âm, được đỡ chút tiền lộ phí cho tiểu đệ mà tôn huynh cũng khỏi mướn bạn hầu". Lý Bình Sơn nghe nói cả mừng bèn sửa soạn hành lý. Tưởng Bình cũng phục sức thu xếp giùm cho.

Hôm sau ông Đại đem thuyền tới, hai người đem hành lý xuống, anh em ông Đại nhổ sào quay thuyền ra đi. Đi được một đỗi thật xa, ông Đại bỗng la rằng: "Trời sắp có gió to, mau kiếm chỗ đậu núp". Tưởng Bình thấy nó giở trò cũ bèn chui ra khỏi mui xem trời, quả nhiên một lát gió thổi ầm ầm sóng đánh cuồn cuộn. Thuyền liền đậu lại chỗ rất khuất gió và vắng vẻ, bỗng nghe có tiếng chiêng đánh mấy chiếc thuyền quan đi ngang qua, bị gió cũng vào núp đó. Lý Bình Sơn ló đầu ra mui, nhìn qua thuyền quan một hồi, thấy có người ló mặt ra bèn hỏi rằng: "Có phải Kim lão gia đó không?". Người bên thuyền quan nghe kêu, dòm lại rồi hỏi: "Có phải Lý tiên sinh đó không?". Lý Bình Sơn đáp phải, rồi hỏi: "Vậy lão gia đi đâu đó?". Người bên thuyền đáp: "Lão gia vâng chỉ nhận chức Tương Dương Thái thú, tiên sinh chưa hay hay sao?". Lý Bình Sơn nói: "Vậy phiền ngài bẩm với lão gia nói tôi xin ra mắt". Người nọ liền sai thủy thủ bắc đòn mỏng cho Lý Bình Sơn sang.

Nguyên vị quan ấy là Thượng thư Kim Huy, từ khi mưu phản của Tương Dương Vương bại lộ, thời Thiên tử thương tới Kim Huy. Lại được Bao Công mật tấu, xin trừ vây cánh của Tương Dương Vương, nên Thiên tử phong cho Kim Huy là Tương Dương Thái thú được giữ mặt ngoài. Người nói chuyện với Lý Bình Sơn đó là chủ quản Kim Phúc Lộc. Tưởng Bình thấy Lý Bình Sơn qua thuyền quan, thời ngồi ngoài mũi thuyền ngắm cảnh, kế thấy Lý Bình Sơn trở lại, hất mặt coi tự đắc lắm, đi vào khoang, Tưởng Bình cũng chui vào hỏi rằng: "Ông quan đó tôn huynh có quen biết sao?". Lý Bình Sơn nói: "Sao lại không biết, đó là bạn thân của ta". Tưởng Bình hỏi: "Vậy tôn danh quý tính của ngài đó là gì?". Lý Bình Sơn nói: "Nguyên Binh bộ thượng thư tên Kim Huy, nay giáng làm Thái thú Tương Dương, nên ông mời ta ra đó cho có bạn. Ta nói cho chú biết trước, sáng ta sẽ đem hành lý qua thuyền quan, còn chú cứ việc đi qua huyện Tương âm một mình!". Tưởng Bình hỏi: "Còn tiền mướn thuyền thời sao?". Lý Bình Sơn nói: "Thời chú đi chú trả chớ sao?". Lý Bình Sơn nói: "Tôn huynh phải chịu một nửa, chớ tôi có mướn đâu? Nếu tôi không đi, thử coi ai phải trả?". Lý Bình Sơn nói: "Không biết, chú đi thời chú phải trả, đừng nói tới tôi". Tưởng Bình nghe nói cả giận, nghĩ thầm rằng: "Thật là tiểu nhân, mới chút đắc ý đã tuyệt tình, nếu ta không vì nghĩa mà theo, thì đâu có còn mạng". Nghĩ tới đó bỗng nghe có tiếng đi qua đòn mỏng, Lý Bình Sơn liền bước ra. Tưởng Bình nép vào khoang cửa thấy Bình Sơn dắt đứa tiểu đồng lại kề bên vách khoang.
« Chương TrướcChương Tiếp »