Chương 5: Đấu trí cùng gia đình cực phẩm nhị bá

Đến gần cửa, đám trẻ nhìn thấy một bà lão chừng năm mươi tuổi đang cho gà ăn trong sân. Thấy mấy huynh muội bọn họ, bà cười hỏi: “Vi tỷ nhi, Thú ca nhi, lâu rồi không gặp các cháu, trưởng thôn gia gia còn muốn đi tìm các cháu đấy. Đã ăn cơm chưa? Vào nhà bà ăn một chút nhé?”

“Cảm ơn bà bà, không cần đâu ạ. Cháu tìm trưởng thôn gia gia có việc, ông có nhà không ạ?” Tử Thụ trả lời.

Thấy Tử Thụ lễ phép như thế, bà lão tươi cười rạng rỡ, nói: “Thụ ca nhi lễ phép quá, được đi học đúng là tốt. Trưởng thôn gia gia của cháu đang ở trong phòng ấy.” Tiếp đó, bà gọi to: “Ông nó, Thụ ca nhi tìm ông này.”

Một lát sau, giọng nói của ông lão vọng ra từ nhà chính: “Thụ ca nhi tìm ta có việc gì sao? Vào đi.”

“Đi đi, ông ấy ở trong đó.” Lão bà bà nói.

Vào phòng, Tử La thấy một ông lão chừng năm mươi tuổi ngồi trên đầu giường. Mặc dù đã có tuổi nhưng tinh thần ông rất tốt, vẻ mặt toát lên nét khôn ngoan nhưng không khiến người ta phản cảm.

Đám trẻ cung kính chào hỏi trưởng thôn xong, Tử Thọ bắt đầu nói: “Trưởng thôn gia gia, không dám dối người, hôm nay Tử Thụ đến là có việc muốn nhờ người giúp đỡ.”

“Chuyện gì? Chỉ cần trưởng thôn gia gia làm được, nhất định sẽ giúp một tay.”

“Trưởng thôn gia gia, mẹ cháu mới mất, cháu là con trưởng, nhất định phải chèo chống gia đình này. Tục ngữ có cầu, huynh trưởng như cha, cho nên Tử Thụ có nghĩa vụ phải bảo vệ các em. Vì thế hôm nay Tử Thụ cả gan có chuyện muốn nhờ.”

Trưởng thôn thấy vẻ kiên định trên khuôn mặt Tử Thụ, sau khi nghe cậu bé trình bày, ông cũng phải nhìn thằng nhóc với cặp mắt khác xưa. Ông nghĩ thầm, thằng bé có tính cách kiên định như vậy, nếu được đi học tiếp, tương lai nhất định không phải kẻ tầm thường, đáng tiếc... Ông hỏi tiếp: “Có chuyện gì cứ nói, nếu ông có thể giúp thì nhất định sẽ giúp.” Giọng nói càng thêm thân thiết.

“Nửa tháng trước, mẹ cháu bất hạnh qua đời, mấy huynh muội chúng cháu còn nhỏ nên cháu mới đưa hai lượng bạc cuối cùng trong nhà cho Nhị bá, phiền ông ấy lo hậu sự cho mẹ. Cũng may là có mọi người trợ giúp, mẹ cháu mới được yên nghỉ. Nhưng sau đó, Nhị bá lại nói, hậu sự của mẹ cháu là do ông ấy bỏ tiền ra làm, nên lấy của nhà chúng cháu rất nhiều thứ, cả lương thực của bọn cháu nữa. Bấy giờ, nhà chúng cháu đã hết đồ ăn ba bốn ngày rồi, cháu không thể để các em cháu chết đói theo cháu được.”

“Thôn trưởng gia gia, nếu người có thể lấy lại công bằng cho chúng cháu, giúp chúng cháu lấy lại đổ của mình, chúng cháu nhất định sẽ vô cùng cảm kích ân đức của người.” Thấy thế, Tử Hiên cơ trí đáp.

Tử La thấy vậy thì vội tỏ ra vẻ đáng thương, đương nhiên một phần là giả bộ, nhưng phần khác lại là vì thật sự cảm thấy bị thương cho huynh muội nhà này, có người thân như vậy thì cũng đủ khổ rồi: “Trưởng thôn gia gia, Tử La, Tiểu Lục và cả ca ca tỷ tỷ đều đói lắm.” Nói xong thì Tử La òa khóc. Tiểu Lục thấy Tam tỷ khóc cũng vội vàng khóc theo.

Thấy tiểu đệ tiểu muội khóc, Tử Thụ bèn quỳ xuống. Tử Vi, Tử Đào, Tử Hiên thấy vậy cũng quỳ theo: “Xin trưởng thôn gia gia giúp chúng cháu một tay. Sau này Tử Thụ nhất định sẽ nhớ kỹ đại ân đại đức của người!” Tử Thụ nói.

Trưởng thôn nghe vậy cũng không khỏi đau lòng.

“Mấy đứa mau đứng dậy đi.” Nói rồi, ông đỡ mấy đứa trẻ dậy: “Nào có cái lý ấy, Đổng Nhị Lang kia còn tự nhận là người đọc sách cơ đấy, không ngờ lại làm ra chuyện thế này. Yên tâm, trưởng thôn gia gia sẽ đến tìm Nhị bá của các cháu tính sổ, xem hắn có dám không biết xấu hổ lấy đồ của các cháu hay không.”

“Đổng Nhị Lang, người ra đây cho ta.” Trưởng thôn đến trước sân nhà Đổng gia hố to.

Đổng gia trước mặt là một Tứ hợp viện lợp ngói, được Đổng Tam Lang, cũng chính là cha của huynh đệ Tử La bỏ tiền ra làm.

Cha của Tử La có bốn anh chị em, lớn nhất là đại cô đã gả sang trấn bên, mấy năm rồi không về. Thứ hai là đại bá, nhưng từ lúc mới sinh sức khỏe của ông đã không được tốt, mười mấy tuổi thì mất. Người thứ ba là Nhị bá. Bà nội hơn ba mươi tuổi mới có một đứa con trai, bởi vì con trai trước chết non nên bà rất cưng chiều đứa con này. Không những thế Nhị bá còn được cái miệng ngọt, thế là dù sau đó bà có thêm cho họ, bà nội vẫn thiên vị đứa con này hơn một chút.

Từ nhỏ, hai ông bà đã cho Nhị bá đi học, hy vọng sau này ông sẽ khiến họ nở mày nở mặt, thế mà Nhị bá của họ đọc sách đến hơn hai mươi tuổi cũng chỉ là một đồng sinh*. Đến khi họ phát hiện Nhị bá không thể đọc sách thành tài thì đứa con này đã trở thành một kẻ hết ăn lại nằm, vai không thể khiêng, tay không thể xách rồi.

* Đồng sinh: Cách người thời Minh Thanh gọi học trò chưa thi tú tài hoặc chưa đậu kỳ thi tú tài.

Hai vợ chồng già sợ rằng sau khi mình tạ thế, đứa con này cũng không thể tự nuôi sống bản thân, cho nên mười năm trước chia nhà, họ quyết định cho Nhị bá phần lớn tài sản, kể cả căn nhà ngói này, mặc dù nó là do một tay Đổng Tam Lang săn gấu lấy tiền xây dựng. Về sau, lúc hai ông bà qua đời, thói quen hết ăn lại nằm của vị Nhị bá này vẫn không thể sửa đổi.

“Trưởng thôn, ngọn gió nào đưa ngài tới đây thế?” Đổng Hoàng thị, cũng chính là Nhị bá nương của họ, mở cửa thấy trưởng thôn thì đon đả hỏi han.

Tử La đánh giá Nhị bá mẫu, trông bà khoảng tầm bốn mươi tuổi, béo núc ních, người mặc tơ lụa, đầu cài trâm vàng, mặt trắng bệch, mắt tam giác khiến người đối diện không ưa nổi.

“Đừng nói nhiều, gọi phu quân người ra đây”

“Thúc thúc, thúc tìm ta có chuyện gì vậy?” Đổng Nhị Lang nghe thấy tiếng trưởng thôn ngoài cửa thì đi ra, vừa lúc trông thấy mấy huynh muội Tử La: “Hừm, sao đám nhãi ranh này lại tới đây? Không thấy ta đang tiếp đãi trưởng thôn à, không rảnh quản mấy đứa? Cái đám nghèo kiết xác này, cút ngay cho ta!”