Kinh tế trì trệ và tin tức không lưu thông, chỉ cần có hàng hóa là có thể kiếm tiền.
Nếu chờ thêm vài năm nữa, mạng lưới tin tức được củng cố, cơ hội kiếm tiền sẽ không nhiều thế nữa!
Đời sau có rất nhiều người kêu than rằng mình sinh ra không đúng thời đại, nếu là người được sinh ra vào đầu thập niên chín mươi đi bày quán bán vỉa hè ở Thâm Quyến, nói không chừng bây giờ đã trở thành triệu phú nắm trong tay vài chục triệu đồng rồi, đúng là sinh không gặp thời.
Thật ra suy nghĩ như vậy rất không công bằng, trong bối cảnh xã hội lúc đó, rất hiếm người đủ can đảm buông ‘bát sắt’ trên tay, để mạo hiểm đi xa quê hương làm ăn buôn bán.
Thêm nữa thời điểm đó cũng không có nhiều điều kiện thuận lợi như đời sau.
Khi ấy nhiều người xuôi nam để vào nhà xưởng làm công, một tháng nắm được vài trăm đồng trên tay đã là yên tâm lắm rồi! Không cần phải chịu mạo hiểm khi làm buôn bán, đây mới là lựa chọn của đại đa số người.
Nếu cả cụ ông ngồi bên đường cũng nhìn ra đây là cơ hội, thì nó sẽ không còn là cơ hội nữa.
Vậy nên điều quan trọng nhất là phải chiếm trước thời cơ.
Tốt xấu gì Lâm Khâm cũng là người của vài chục năm sau, cô hiểu rõ sự biến chuyển của thời đại này, nên trong lòng cũng khá vững vàng.
Mấy chục năm sau "Lục Tĩnh Nhiên" bị phán tù chung thân, không còn cơ hội để làm lại cuộc đời, người tới thăm cô ấy cũng rất ít.
Nhưng trong đó có một bà cụ.
Ông ngoại Lục Tĩnh Nhiên ngoại trừ em trai, còn có một người em gái lấy chồng xa là Tống Ngọc Phương.
Thời đại này phổ biến trọng nam khinh nữ, Tống Ngọc Phương phải lấy chồng xa cũng là vì nhà trai cho sính lễ nhiều, vì giao thông không thuận tiện, nên rất nhiều người lấy chồng xa cả đời khó có cơ hội gặp lại người thân.
Lúc anh cả chết, Tống Ngọc Phương có gọi điện thoại về. Khi bà ấy biết chuyện anh hai làm thì tức giận vô cùng, nhưng thân là con gái lấy chồng xa, bà ấy muốn quản chuyện này cũng chỉ là lòng có dư mà lực không đủ.
Khi đó Tống Ngọc Phương còn gửi kèm hai mươi đồng.
Bản thân bà ấy cũng có gia đình phải lo, nên đây là sự giúp đỡ lớn nhất bà ấy có thể làm được, thêm nữa bà ấy còn lưu lại số điện thoại.
Hai mươi đồng đó cũng không tới được tay hai mẹ con Lục Tĩnh Nhiên, vì vài chục năm sau lúc bà cụ đi thăm tù nhắc tới chuyện này, Lục Tĩnh Nhiên mặc áo tù chỉ ngơ ngác nhìn bà ấy.
Lục Tĩnh Nhiên thời thiếu niên rất căm thù người nhà họ Tống, nên cô ấy càng không tin tưởng người bà mình chưa từng gặp mặt này, cô ấy cũng chưa từng gọi tới dãy số đó.
Lâm Khâm tìm sổ ghi số điện thoại trong ngăn kéo, lật tới trang ghi số của bà cụ.
Cô không có ý định sẽ sống nương nhờ vào người khác, vì dù sao bà ấy còn có một gia đình phải chăm lo.
Lâm Khâm đã quen dựa vào bản thân, cô sẽ không đặt hy vọng vào người khác, nếu cô có ý tưởng này dù chỉ là một chút, thì cô đã không thể rời khỏi viện phúc lợi mà trở thành một luật sư nổi tiếng được.
Trong lòng Lâm Khâm đã có kế hoạch riêng, cách huyện Ninh hơn ngàn dặm có thành phố Hà, trong thành phố Hà có một khu chợ bán lá trà rất nổi tiếng.
Trong chợ có trà Bích Loa Xuân là nổi tiếng nhất, giá một cân trà ngon còn quý hơn giá một chiếc xe đạp!
Nhiều năm sau tại thành phố Hà ra đời một người buôn trà trứ danh, người đó dựa vào việc bao núi trồng trà, thu mua trà xanh và chế tạo trà ngon mà gây dựng sự nghiệp, tài sản hơn trăm triệu.