Chương 2: Ngõ nhỏ chốn xưa

Một triệu đô la Mỹ đó, Phạm Hiểu Quyên cảm thấy thật nhiều, bà cho rằng cuối cùng mình cũng có thể hãnh diện rồi.

Có số tiền này, cả nhà sẽ có được một cuộc sống tốt.

Đến thủ đô cả nhà mới phát hiện ra, trong nước phát triển với tốc độ cực nhanh, cả thành phố toàn là nhà cao tầng, taxi đi trên đường vòng cao tốc ở quanh thủ đô mà bà không thể phân biệt được phương hướng.

Tìm người môi giới nghe ngóng một hồi mới biết ở thủ đô tấc đất tấc vàng, một triệu đô la Mỹ muốn mua ba căn nhà ở đây, còn phải đi qua vành đai 5, gần xuống phía nam mới mua được.

Như thế vẫn chưa hết.

Xin lỗi, bà có hộ khẩu thủ đô chưa? Nếu chưa thì phải nộp đủ năm năm tiền bảo hiểm xã hội hoặc là nộp thuế năm năm, nếu không thì ngay cả tư cách mua nhà cũng không có đâu.

Lúc đó Phạm Hiểu Quyên chỉ muốn hộc máu.

Năm ấy nhà bà chiếm một dãy nhà chính trong tứ hợp viện ở thủ đô, vị trí ngay bên cạnh Ung Hòa Cung vành đai 2.

Bà kéo chồng và con gái sang bên đó lượn lờ xem xét, xung quanh đều đã được cải tạo, nhưng vẫn để lại mấy con ngõ nhỏ, nơi họ ở năm đó vẫn còn được giữ lại nguyên vẹn.

Bà không nhịn được lên tiếng cảm khái:

"Nhìn chỗ ở trước kia của nhà chúng ta kìa, năm đó nếu không phải tôi đòi ra nước ngoài bằng được thì..."

Câu này không biết phải nói tiếp thế nào.

Con gái Hàn Tinh Thần từ nhỏ đã hiểu chuyện, lại an ủi bà:

"Không sao đâu mẹ ơi, con người có số mệnh, có lẽ nhà chúng ta không có số phát tài."

Hàn Giang - chồng bà - cũng nói: "Đúng đấy, năm đó người ra nước ngoài như chúng ta còn ít hay sao?"

Ra khỏi con ngõ kia, bà thoáng nhìn thấy chồng len lén lau nước mắt. Ông chồng lúc còn trẻ rất tuấn tú khôi ngô, chỉ vì lam lũ vất vả thời gian dài mà trở nên thô kệch xấu xí, cả người còng xuống.

Một người đàn ông cao một mét tám, mới hơn năm mươi mà nhìn vô cùng già nua.

Sụn đệm cột sống lồi ra, xương cổ lệch, bởi vì thường xuyên phải cầm chảo xào nấu cho nên gân cổ tay bị viêm, cứ đến những ngày mưa là ngay cả khăn mặt cũng vắt không nổi.

Còn con gái, lúc bé hoạt bát đáng yêu, sau khi ra nước ngoài, do không biết ngoại ngữ mà bị bạn học kỳ thị.

Sau đó cô bé dần dần không nói chuyện nữa, người hơn ba mươi tuổi mà chẳng dám đưa ra ý kiến gì, cái gì cũng nghe mẹ.