Mắt bà ấy lại đỏ lên, dì Tiếu cần tiền để chữa trị cho con. Bà ấy vô cùng biết ơn Văn Thanh, chỉ chờ đứa nhỏ chữa khỏi rồi nói sau. Dì Tiếu đưa tay ra nhận lấy tiền mà chẳng hề do dự: “Văn Thanh...”
“Dì Tiếu, không sao đâu. Đời người chẳng có thời điểm quan trọng nào là không vượt qua được. Cháu sẽ đợi dì ở tiệm may dì Tiếu.”
Bà ấy gật đầu lia lịa, nước mắt rơi lã chã.
Văn Thanh chẳng hề nhiều lời. Cô ở nơi này sẽ khiến cả nhà dì Tiếu thấy áp lực nên đã kéo Diêu Thế Linh rời khỏi bệnh viện.
Sau khi ra khỏi bệnh viện, Văn Thanh đi tới trước quầy bánh bao, bỏ hai hào tám xu ra mua ba cái bánh bao thịt lớn, hai bát sữa đậu nành ở trong vại sứ trắng. Hai mẹ con ăn trong lúc đợi xe.
“Văn Thanh.” Diêu Thế Linh vẫn có chút không dám tin.
Cô giải thích cho bà nghe vì sao bản phác thảo của mình lại trị giá sáu trăm đồng. Ví dụ như áo sơ mi trắng, quần ống loe, quần đạp gót thịnh hành lúc trước. Ban đầu không hề có những thứ này, sau đó có người nghĩ ra hình thức quần áo này và làm ra để bán, bán cho người trong cả nước. Người đó đã thu được hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn đồng. Chẳng phải số tiền này đều tới từ một ý tưởng sao?
Diêu Thế Linh hiểu ra: “Thế chẳng phải con lấy sáu trăm đồng là thiệt rồi sao?”
Văn Thanh cười: “Mẹ, con không hề thiệt. Chúng ta cứ đợi mà xem.”
Diêu Thế Linh thấy sự tự tin tràn đầy trên gương mặt non nớt của con gái, cũng vui mừng theo. Văn Thanh thật sự không phải Văn Thanh ương ngạnh trước đây nữa, bà ấy cảm thấy vô cùng hài lòng.
Văn Thanh ăn một cái bánh bao, Diêu Thế Linh ăn hai cái. Sau khi xuống xe, Văn Thanh chạy thẳng tới cửa hàng tạp hóa.
Diêu Thế Linh hỏi: “Văn Thanh tới cửa hàng tạp hóa làm gì đấy?”
“Con mua thuốc lá.” Văn Thanh đáp, cô nhìn chằm chằm thuốc lá trên kệ hàng của cửa hàng tạp hóa. Có thuốc lá Phi Mã, thuốc Lá dũng sĩ, thuốc lá sản xuất, Hồng Song Hỷ, Độ Giang, Đại Tiền Môn. Văn Thanh chỉ vào thuốc lá Đại Tiền Môn và nói: “Ông chủ, cho cháu lấy một bao thuốc lá Đại Tiền Môn.”
“Ba hào rưỡi.”
“Được, cháu lấy một bao thuốc và thêm một hộp diêm nữa.”
“Hai xu một hộp diêm.”
“Được.”
Sau khi ra khỏi cửa hàng tạp hóa, Diêu Thế Linh hỏi: “Văn Thanh, con mua những thứ này làm gì?”
“Con mua những thứ này để mua lại bò nhà chúng ta!”
Diêu Thế Linh khẽ run lên, Văn Thanh còn suy nghĩ chu đáo hơn bà. Sáng sớm, lúc Văn Thanh dắt bò ra ngoài, rất nhiều người trong thôn đã nhìn và nói xấu sau lưng. Nếu thực sự không còn bò thì không chừng những người đó sẽ chế giễu. Nhà họ Văn vốn đã nghèo, bây giờ còn chẳng có bò. Nhưng Văn Thanh muốn mở tiệm may cũng cần dùng tiền.
“Văn Thanh, chúng ta không dùng tiền này mua bò, con còn phải làm ăn.”
Văn Thanh cướp lời: “Mẹ, mẹ yên tâm đi. Con muốn làm ăn cũng không cần phải bán bò đi. Đi thôi, chúng ta đi mua bò về, nếu không Bằng Bằng sẽ khóc.”
Hai mẹ con tới chợ gia súc, nơi này vẫn náo nhiệt như trước.
“Có lẽ đã có người mua mất rồi.” Diêu Thế Linh nói.
“Không sao cả, tìm xem thế nào. Nếu chúng ta không tìm được thì tới nhà họ tìm.”
“Được.” Diêu Thế Linh cũng muốn mua bò về.
Hai người đi dạo một vòng quanh chợ nhưng không tìm được bò nhà mình. Vừa mới ra khỏi chợ thì hai mẹ con thấy bò nhà mình đang chở rất nhiều đồ đi về phía đường đất.
“Bác ơi, bác ơi!” Văn Thanh gọi từ đằng xa.
Người mua nhìn Văn Thanh một chút nói: “Ồ, cô bé! Sao lại gặp cháu ở đây rồi?”
Cô cười hì hì, liếc nhìn bò nhà mình, vội vã móc bao thuốc Đại Tiền Môn và diêm từ trong túi ra đưa cho người mua.
Người mua liếc nhìn Văn Thanh hỏi: “Cháu có ý gì?”
Văn Thanh nói: “Bác à, nói thật với bác là lúc sáng cháu bán bò là để chữa bệnh. Bây giờ, người đã thoát hiểm rồi nên muốn mua bò đem về.”
“Thế thì không được rồi, cháu bán cho bác rồi!” Lúc này, người mua nói.
“Bác, bác đừng kích động, đừng kích động!” Văn Thanh cười nói.
“Cháu sẽ không để bác lỗ vốn. Thuốc lá và diêm này là quà tạ lỗi của cháu. Cháu bán cho bác bốn trăm năm mươi lăm đồng, bây giờ sẽ mua lại với giá bốn trăm sáu mươi đồng. Bác lãi năm đồng, bác thấy sao?”
Người mua nhìn Văn Thanh với ánh mắt nghi ngờ.
Chợ vốn là nơi buôn đi bán lại, chân trước mua một, chân sau bán hai là chuyện bình thường. Nhìn mãi cũng quen mắt. Huống hồ, bò nhà Văn Thanh bán bốn trăm năm mươi lăm đồng đã là đắt rồi, một hai tiếng đồng hồ lãi được năm đồng, cộng với một bao thuốc lá.
Lúc này lại có người của chợ hùa theo.
“Bán đi, bán đi!”
“Ở đâu kiếm được năm đồng mà chẳng mấy tí công sức nào chứ? Không công kiếm được một món hời. Mất bốn trăm hai mươi đồng là kéo được một con bò ở chợ gia súc về cày ruộng rồi.”