“Nghe nói là bán giày đúng không?”
“Giày gì mà mắc quá vậy?”
“Giày cháu tự làm sao? Con gái nhà thím nhỏ hơn cháu hai tuổi, tay nghề không thua kém gì cháu. Cháu dìu dắt nó với, tốt xấu gì cũng cùng thôn với nhau cả mà.”
“...”
Hàng xóm mồm năm miệng mười cứ như những người đơm đặt Văn Thanh là loại dơ dáy bẩn thỉu không phải họ vậy.
Ngoài mặt Văn Thanh không tỏ vẻ gì, cô chỉ quay đầu nhìn thím Vương một cái.
Thím Vương đang thò đầu ngóng chuyện bên này, thấy Văn Thanh nhìn mình thì vội vàng rụt đầu.
Văn Thanh quay đầu, cười nói: “Cháu không kiếm được mười hai đồng đâu.” Trừ đi phần trăm trích cho dì Tiếu thì quả thật cô không kiếm được mười hai đồng.
Hàng xóm đều không cho là đúng.
Thím Hứa cười nói: “Văn Thanh, cháu cứ nhận đi, tiền cháu kiếm được bọn thím cũng đâu có giành.”
“Đúng thế.”
“Chỉ hỏi cháu thử thôi mà.”
“...”
Văn Thanh không giận cũng chẳng hờn, cô bình tĩnh nói: “Cháu không kiếm được mười hai đồng thật, thím có thể tới tiệm may dì Tiếu hỏi dì Tiếu thử, bây giờ cháu đang làm thuê cho dì ấy.”
“Làm thuê?”
“Mười hai đồng đó là tiệm may dì Tiếu bán được sao?”
“Thì ra là thế.”
“Tôi biết ngay mà.” So với việc mới một chốc Văn Thanh đã kiếm được mười hai đồng, họ thật sự càng tin vào việc Văn Thanh chỉ làm thuê cho người ta hơn.
“Một tháng làm thuê bao nhiêu tiền?” thím Hứa lại hỏi.
“Mười đồng.” Văn Thanh thành thật trả lời.
“Bao ăn bao ở không?”
“Không bao.” Văn Thanh nói.
Mười đồng...
Thím Hứa chẹp miệng, những hàng xóm khác cũng chẹp miệng.
“Văn Thanh.” Ngay lúc này, Diêu Thế Linh trong thôn gọi cô: “Sao con còn chưa về?”
“Dạ, con về ngay đây.” Văn Thanh lên tiếng trả lời, nói mấy câu nữa với hàng xóm rồi liền đi về phía Diêu Thế Linh.
Thím Hứa vẫn chẹp miệng nói: “Một tháng chỉ có mười đồng, nửa năm sáu mươi đồng thôi.”
“Không bằng cắt cỏ nuôi bò nuôi dê nữa.”
“Đúng thế, người trong thành phố lương một tháng đã ba mươi đồng rồi.”
“Chỉ có mười đồng, không bao ăn cũng không bao ở, mỗi ngày còn phải ăn ở nhà mình. Tôi nghe nói đi làm thuê còn phải nhìn sắc mặt bà chủ, bà chủ không vui là đánh là mắng, còn trừ tiền lương nữa.”
“Chẳng thế còn gì, làm hư đồ còn phải bồi thường nữa, mười đồng đó đền không nổi.”
“Tôi đã nói mà, Văn Thanh bản lĩnh đâu ra mà một chốc đã kiếm được mười hai đồng.”
“...”
Giờ này Văn Thanh đã vào sân với Diêu Thế Linh.
Diêu Thế Linh quay đầu hỏi cô: “Thím Vương về liền đồn con kiếm được mười hai đồng, con nhanh làm rõ, tránh cho người khác ganh tị rồi kiếm chuyện.”
“Làm rõ cái gì?” Văn Thanh hỏi.
“Nói con không kiếm được nhiều tiền như vậy.”
Văn Thanh cười, cô móc mười một đồng năm hào sáu xu trong túi ra rồi đưa cho Diêu Thế Linh mười đồng, nói: “Con kiếm được chừng này.”
Diêu Thế Linh giật mình: “Tiền ở đâu thế này?”
“Con kiếm được đó.”
“Con kiếm thế nào?” Diêu Thế Linh hoàn toàn không tin: “Văn Thanh, con không làm chuyện xấu đấy chứ?”
Văn Thanh cười bất đắc dĩ, lịch sử đen tối của mình quá nhiều, kiếm tiền cũng bị mẹ nghi ngờ nữa: “Không có, mẹ, con bán giày được thật đấy. Không tin thì mai mẹ đi hỏi dì Tiếu xem.”
Diêu Thế Linh nửa tin nửa ngờ, bà lại ngó ngó ngoài sân, bà kéo Văn Thanh vào nhà chính, đóng cửa lại rồi nắm tay cô: “Văn Thanh, nói thật cho mẹ nghe, mười đồng này con lấy ở đâu ra? Nếu nó không trong sạch thì chúng ta đi trả lại, đừng học theo chú hai con trước khi ngồi tù, như thế không tốt đâu.”
Văn Thanh bị Diêu Thế Linh chọc tức cười, không còn cách nào, cô chỉ đành lấy hóa đơn trong túi ra đưa cho Diêu Thế Linh xem.
Diêu Thế Linh biết chữ, khi nhìn thấy hóa đơn, bà không dám tin hỏi: “Một đôi giày bán sáu đồng?”
Văn Thanh gật đầu: “Dạ, đôi này là khách đặt trước, đưa tiền rồi nên mới làm. Đôi giày thêu hoa con bán chiều nay, con đã đóng đế giày và thêu hoa trước đó. Hai ngày trước con làm thành giày vải rồi tới bày bán ở tiệm dì Tiếu, con nói sáu đồng, vị khách kia không trả giá đã mua ngay.”
“Vị khách kia thật giàu có.” Diêu Thế Linh vui vẻ không thôi, đồng thời cũng bắt đầu lo lắng: “Vậy thím Vương thấy rồi thì sao đây? Bọn họ ganh ghét thì thích kiếm chuyện lắm.”
“Mẹ, mẹ yên tâm, nếu thật muốn kiếm chuyện, chúng ta còn phải sợ bọn họ sao? Lượng Lượng và Bằng Bằng đều lớn cả rồi, hơn nữa, con cũng đã nói với họ rằng con làm thuê cho người khác, không kiếm được bao nhiêu tiền cả.”
“Vậy thì tốt, vậy thì từ ngày mai con đi từ đầu đông thôn tới đường lớn đi, đừng để bọn họ nhìn thấy.”
Văn Thanh cười đồng ý: “Dạ. Mẹ, mười đồng này mẹ giữ đi. Giữ trong nhà mua đồ ăn, thịt cá, Lượng Lượng và Bằng Bằng đều đang tuổi ăn tuổi lớn.”
“Con tự giữ đi.” Diêu Thế Linh từ chối: “Con cũng không còn nhỏ nữa, để dành sau này làm của hồi môn.”
Của hồi môn?
Ba chữ này đâm trúng chỗ đau của hai mẹ con, Diêu Thế Linh cầm hai tờ tiền giấy năm đồng màu vàng cũ kỹ.