Thị trấn ở gần nhà bọn họ tên là trấn Cửu Khúc vì trên thị trấn có một con sông nhỏ quanh co chín khúc, từ đấy mà thành tên.
Bây giờ thị trấn Cửu Khúc nhỏ hơn nhiều so với hồi Khương Lệ Vân còn sống ở kiếp trước.
Sáng hôm nào, trời còn chưa sáng là đã bắt đầu có nông dân ở gần đấy và cả một vài cư dân trong thị trấn bày đủ các sạp hàng khác nhau ở hai ven đường con phố lớn nhất, đây chính là chợ sớm.
Mấy sạp hàng này có người bán rau củ, cũng có người bán trứng gà, trứng vịt, thậm chí là cả gà vịt, còn có cả rong biển, măng, cá muối khô…
Hàng quán nhiều lắm nhưng so với sau này thì chủng loại sản phẩm được bày bán ở đây vẫn còn rất ít.
Ở phía sau mấy sạp hàng này là hàng thịt, hàng lương thực, hàng dầu, và cả tiệm cơm quốc doanh, đương nhiên cũng không thể thiếu bưu cục và hợp tác xã tiêu thụ rồi.
Lúc này, đường phố rất nhỏ, hàng quán lại bày ở hai bên đường khiến không gian cho người đi đường qua lại chỉ có hơn một mét, bọn họ đi ở giữa đường mà chen tới chen lui, người đạp xe đạp nhất định phải xuống dắt xe.
“Cái này bán thế nào đây?”
“Trứng vịt muối bao nhiêu tiền một quả?”
“Bán cho tôi một cân giao bạch.”
…
Tiếng chuông xe đạp vang lên, tiếng cò kè mặc cả của mọi người xen lẫn vào nhau, hình thành một cảnh tượng hỗn loạn.
Khương Lệ Vân nhìn mà lại cảm thấy rất gần gũi.
Kiếp trước cô cũng từng tới chỗ này bày sạp và kiếm được vài hào.
Thời điểm ấy cô vẫn chưa trải đời gì cả, đồ bày bán trông vô cùng bình thường cho nên cũng không kiếm được bao nhiêu tiền.
Nhưng kiếp này thì lại khác.
Khương Lệ Vân đặc biệt chú ý đến mấy cửa hàng và sạp hàng bán đồ ăn sáng kia.
Trên thị trấn có quán ăn sáng quốc doanh, thời buổi này người ra người vào chỗ ấy rất náo nhiệt, bên trong bán mì sợi, bánh bao, bánh quẩy và màn thầu.
Thập niên tám mươi, sau khi cho phép làm ăn kinh doanh còn có người tự mình làm bánh bao đem bán trong chợ sớm, bọn họ đặt bánh bao vào trong thùng xốp rồi phủ chăn bông lên, không ngừng rao hàng: “Bánh bao đây, bánh bao nhân thịt thơm ngon đây, một đồng ba cái!”
Nhìn khắp toàn bộ khu chợ sáng nhưng Khương Lệ Vân không thấy người nào bán sủi cảo chiên, đến ngay cả sủi cảo hoặc là bánh bao áp chảo còn không có thì thôi.
Trong lòng cô đã có tính toán!
Nhưng cô vẫn còn chuyện cần phải giải quyết, ví dụ như mua một cái chảo đáy bằng!
Có điều, trong thị trấn lại không bán loại chảo đáy bằng mà cô cần.
Khương Lệ Vân đi dạo từ đầu chợ đến cuối chợ rồi lại vòng từ cuối chợ lên đầu chợ.
Trong khoảng thời gian này, quán kẹo vẫn chưa mở cửa nhưng quầy thịt đã mở rồi, thái độ của người đàn ông bán thịt heo của quầy thịt quốc doanh không được tốt cho lắm, Khương Lệ Vân đứng một bên nhìn thấy ông ta không cho phép khách hàng lựa chọn, khách muốn mua một miếng bé thì ông ta lại cắt cho một miếng to.
Cũng may, ngoại trừ quầy thịt quốc doanh ra, bây giờ đã có tư nhân bán thịt heo rồi, thái độ của người kia còn rất tốt, thế cho nên mới được một đám đông người vây quanh.
Trong lúc nói chuyện với người khác, Khương Lệ Vân đã biết được giá của bột mì, thịt heo và cả dầu đậu nành nữa, dựa theo kinh nghiệm kiếp trước của cô đã tính ra được giá thành làm sủi cảo chiên.
Cô nghĩ đến làm sủi cảo chiên là bởi vì cô biết làm.
Kiếp trước sau khi ly hôn, cô bán phở, đậu ngũ hương, đậu phụ thối chiên, bánh củ cải ở trước cổng trường học.
Mấy thứ này đều là thức ăn xưa nay vốn có ở chỗ bọn họ, trên chợ sớm hôm nay cũng có người bán.