Chương 2

Có một lần, Phí Nghê còn bới được một cuốn sách của Shakespeare trong đống đồ đồng nát đó. Đọc sách là thú vui duy nhất của cô, kể cả khi trong sách chẳng có ngôi lầu vàng(***) nào. Vậy mà danh sách đề cử đại học công nông binh(****) vẫn chẳng có phần của cô, cho dù thi cử từ nhỏ tới lớn cô chưa từng xếp thứ nhì. Mỗi lần trời hửng sáng, cô lại phải tất bật đến xưởng may may một đống mũ giống nhau từ ngày này qua tháng khác. Có đôi khi cô vẫn nghĩ, thà rằng cô xuống nông thôn cắm đội còn hơn, ít nhất nông thôn rộng lớn, sẽ không phải chịu cảnh chật chội như thế này.

(***) Lầu vàng: Hình ảnh ẩn dụ trong bài thơ “Lệ học thiên” của hoàng đế Tống Chân Tông: “An cư bất dụng giá cao lâu, thư trung tự hữu hoàng kim ốc” (an cư không phải xây nhà cao, trong sách sẵn có lầu vàng).

(****) Công nông binh: công nhân, nông dân, bộ đội – những thành phần được hưởng nhiều đặc quyền trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Sinh viên công nông binh là những người được tuyển vào đại học nhờ nền tảng giai cấp của cha mẹ chứ không phải nhờ trình độ học vấn.

Văn thơ cổ động vẫn nói, trời cao đất rộng, thỏa chí tung hoành.

Song đấy chỉ là suy nghĩ vẩn vơ mà thôi, cô nghe nói người nông thôn cũng không thích các thanh niên trí thức đến quê họ tranh đoạt miếng ăn với họ. Anh cả của cô đi cắm đội, ngay cả ăn no mặc ấm cũng là vấn đề to tát. Anh đi suốt bảy năm ròng, vẫn chưa có cơ may nào để được trở lại thành phố. Thỉnh thoảng viết thư cho anh, cô vẫn khuyên anh nỗ lực, tranh thủ lấy một suất đề cử công nông binh để được vào học đại học.

Những khi không phải đi làm, ngoài việc đọc sách, Phí Nghê đều đạp máy may giúp mọi người may quần áo. Với số tiền và phiếu vải đổi được, cô may cho mẹ và chị gái mỗi người một chiếc áo sơmi từ sợi tổng hợp, mua hai đôi tất nylon cho cha, còn may cho anh cả một chiếc váy liền áo để mang tặng con gái bí thư chi bộ của thôn, tăng thêm cơ hội được đề cử học đại học. Dầu gội đầu, kem dưỡng da và xà phòng thơm, cô đều giữ lại để anh trai mang đi biếu, còn bản thân mình dùng xà phòng thường gội đầu.

Lãnh đạo xưởng may mũ nói chuyện với cô, bảo cô có khả năng được điều đến làm trong văn phòng của xưởng. Chuyện sau đó quả thực không thể tin nổi. Người được điều đến văn phòng làm là con gái của trưởng phòng tài vụ, một cô nàng vẫn hay viết “nước trong” thành “nước chong”. Một thời gian sau, con gái trưởng phòng tài vụ được đề cử vào đại học. Phí Nghê tiếp tục may mũ trong xưởng may mũ.

Từ sau khi hủy bỏ thi đại học, có rất nhiều thành phần nửa mù chữ trình độ văn hóa dậm chân ở bậc tiểu học vẫn được vào học đại học. Mỗi lần nghĩ đến chuyện này, Phí Nghê lại thấy căm giận. Thế nhưng nếu được làm bạn học cùng những con người nửa mù chữ ấy, cô vẫn sẽ rất vui lòng.



Chỉ có điều, chẳng ai cho cô cơ hội.

Cho dù cô có thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Nga, có đọc thuộc lòng thơ của Shakespeare, có tự học được vi phân và tích phân đi chăng nữa thì cũng chẳng có ai đề cử cô vào đại học. Mà nếu người ta biết được cô đọc sách của Shakespeare, kiểu gì cô cũng bị coi là phần tử lạc hậu điển hình cho xem.

Phí Nghê đọc báo thấy có một cô gái đã kiên trì chăm sóc một công nhân trẻ cùng phân xưởng chẳng may bị tàn tật trong suốt hai năm ròng rã. Cô ấy được phân xưởng bình bầu tiên tiến, giành được tư cách nhận đề cử vào đại học.

Phí Nghê chẳng phải là người cao thượng gì cho cam, nhưng nếu có thể vào được đại học, cô sẵn sàng tận tâm tận lực, bỏ sức bỏ của ra chăm sóc một người xa lạ.

Cô đã chán ngán việc phải cắm mặt may mũ mỗi ngày, đó không phải là cuộc sống mà cô mong muốn.

Phí Nghê nhớ tới Phương Mục Dương, người cũng vừa được bình bầu tiên tiến cách đây không lâu. Cô quyết định đi bệnh viện thăm cậu bạn học cũ của mình.

Cái thời bọn họ vẫn còn học chung một lớp, Phí Nghê không hề ưa con người này. Trong số đám học sinh ở trường, cậu ta kỳ thực là người có ý thức bình đẳng nhất. Những đứa trẻ khác vẫn hay cười nhạo con cái gia đình công nhân không được dạy dỗ tử tế, bảo Phương Mục Dương đừng chơi chung với bọn chúng, song cậu ta lại chẳng để những lời ấy vào tai. Cậu ta nói ông cố ngoại của mình trước kia cũng nhặt ve chai, chính là giai cấp vô sản điển hình, giờ cậu ta có thể khinh thường ai được cơ chứ? Phương Mục Dương lúc nào cũng coi bản thân là chắt của người nhặt ve chai, cho nên người ta thường vô tình bỏ qua chức nghiệp của cha mẹ cậu ta. Trên thực tế, ông ngoại cậu ta từng là nhà tư bản lớn, còn ông nội lại là nhà nho nổi danh. Nhìn chung năm đời trước nhà cậu ta đều là những tên tuổi lẫy lừng, có đưa vào sách giáo khoa cũng chẳng có ai phản đối.