Chương 18

Lúc Phương Mục Dương ra cửa, có một gia đình đang làm tương cà chua ngoài hành lang. Cà chua mùa hè chẳng đáng mấy xu, nhưng tới mùa đông đã thành của ngon vật lạ, mùa đông phương bắc rau dưa nghèo nàn đến mức đáng thương. Vậy nên nhiều người vẫn thường tranh thủ dịp hè mà mua thật nhiều cà chua, rửa sạch, xắt hạt lựu, chưng lên thành tương rồi rót vào chai thủy tinh, dùng nút bấc đậy chặt lại, tới mùa đông mang ra dùng. Những chiếc chai kia đã được khử trùng bằng nước sôi, giờ phút này đựng toàn tương cà chua, bày đầy trên mặt bàn bếp. Còn có người đang rán cá lù đù vàng nhỏ, mùi cá xộc thẳng vào mũi mọi người.

Chiều tối gió thổi vi vu, ve kêu râm ran. Tầng một có hộ gia đình bày bàn ăn dưới tán cây, cả nhà quây quần bên nhau, một ông bác đã đứng tuổi đang lấy đũa chấm vào bia rồi đưa đến miệng thằng cu bên cạnh.

Phương Mục Dương đứng trước cổng một hồi lâu rồi mới giơ máy chụp ảnh. Một phút sau đó, khi khuôn mặt một cô gái xuất hiện ở trên máy ảnh, anh mới chụp được vài tấm.

Phí Nghê đạp xe luôn ngồi cách yên một khoảng. Gió chiều lọt vào phía sau cổ áo của cô, khiến cho chiếc sơmi trắng phồng lên. Hôm nay cô mặc áo sơmi ngắn tay cùng với quần túi hộp(*), trang phục điển hình của nữ công nhân trong nhà xưởng. Dưới chân cô mang một đôi giày thể thao màu trắng, rất rất trắng, không phải trắng kiểu giày mới mà là trắng bợt kiểu đã bị cọ quá nhiều.

(*) Quần túi hộp: Loại quần ống rộng với nhiều túi vuông để tiện đựng các dụng cụ lao động, phổ biến trước năm 1980.

Phí Nghê dừng xe, vừa ngẩng đầu lên đã trông thấy Phương Mục Dương. Anh cũng mặc một chiếc áo sơmi trắng, hai cúc trên cùng để mở, ống tay áo dài được xắn lên tới khuỷu tay. Thông thường những người xắn tay áo như vậy hay có một chiếc đồng hồ thép đi kèm, hiệu Thượng Hải. Nhưng Phương Mục Dương không có đồng hồ, anh chỉ có đôi cánh tay rắn chắc đang cầm máy ảnh cùng một nụ cười hướng về phía cô, một nụ cười chông chênh giữa tử tế và vô lại. Phí Nghê cũng cười với Phương Mục Dương, chiếc máy trong tay anh đã bắt kịp khoảnh khắc ấy. Cô cúi đầu khóa xe, trên ghi đông có một chiếc túi lưới lủng lẳng, trong túi là quả dưa hấu mà Phí Nghê vừa mua về.

Phương Mục Dương bước đến gần Phí Nghê, từng nét mặt của Phí Nghê lại càng rõ hơn trong tầm mắt anh.

Anh móc một tờ giấy từ túi quần ra đưa cô: “Hoa hải đường của cô nở đẹp lắm, lúc đấy không có máy ảnh nên tôi vẽ cho cô xem.”

Phương Mục Dương vốn vẽ bằng bút chì, nhưng sau đó có một người anh từng họa nhờ anh tô thêm ít màu, còn cố ý mua màu vẽ cho anh, vậy nên khóm hải đường này cũng được điểm thêm màu sắc.



Phí Nghê nhìn bức vẽ của Phương Mục Dương, có thể đoán được tiết trời trong lúc anh vẽ cũng như cách anh tưới cây, bởi vì trên những lá hải đường này có lấm tấm vài giọt nước, trông như có thể trượt xuống bất cứ lúc nào. Phí Nghê bảo Phương Mục Dương khi tưới hoa, nước không nên rơi khỏi hoa mới đúng.

“Sao cô biết thế?”

“Bức tranh của cậu nói cho tôi biết. Mấy năm nay cậu vẫn không ngừng vẽ tranh đúng không?”

Phí Nghê vẫn nhớ có một năm Phương Mục Dương thi vẽ được giải thưởng lớn, bà ngoại anh còn mời bạn học đến nhà liên hoan. Phương Mục Dương vẫn luôn nhận mình là cháu chắt người nhặt ve chai, nhưng khi tới nhà bà ngoại anh rồi, Phí Nghê mới biết một phần hiện thực có khi khác biệt một trời một vực so với hiện thực chân chính. Bà ngoại Phương Mục Dương sống một mình trong một căn nhà nhỏ kiểu Tây, các con trai bà đều định cư ở nước ngoài, còn con gái ruột duy nhất – cũng chính là mẹ của Phương Mục Dương – vẫn luôn canh cánh chuyện bà là nhà tư sản sống bằng thu nhập cố định chứ không tham gia lao động sản xuất, vậy nên thường ngày hiếm khi qua lại.

Phương Mục Dương trưởng thành dưới lá cờ đỏ, anh chào đời cũng vào lúc giới tư bản đã trở nên ôn hòa hơn trước, ít nhất ngoài mặt là thế. Anh chưa từng tận mắt chứng kiến giai cấp tư bản áp bức bóc lột quần chúng nhân dân, đương nhiên chẳng thể sinh lòng căm thù sâu sắc. Những người tư bản trong mắt Phương Mục Dương luôn là đối tượng có thể đoàn kết, thế nên anh vẫn thường xuyên sang chơi nhà bà ngoại mình.

Thời đại thay đổi, nhà bà ngoại Phương Mục Dương cũng đã tiết kiệm hơn xưa, tuy nhiên loại tiết kiệm ấy chẳng qua chỉ là cho thợ làm vườn nghỉ việc và để người ở trong nhà kiêm luôn công việc coi sóc vườn tược. Hoa hồng trong vườn vẫn nở rộ, xe vẫn là xe là của Đức, loại cà phê vẫn không đổi, đĩa nhạc vẫn phát những bài ca mới nhất, toàn bộ nhà cửa cũng vẫn bố trí y nguyên. Điểm thay đổi duy nhất chính là, bên cạnh những bức danh họa của Tề Bạch Thạch, trên tường hiện đã có thêm mấy bức vẽ nguệch ngoạc của cháu trai bà.

Sau này bà ngoại của Phương Mục Dương qua đời, nhà để lại cho anh, thế nhưng bà mất còn chưa đầy tuần thì mẹ của Phương Mục Dương đã quyên góp luôn căn nhà, hiện giờ chủ nhà là ai bọn họ cũng chẳng biết nữa. Năm ngoái Phí Nghê từng một lần đạp xe qua khoảnh sân đó. Cô liếc mắt vào trong nhà, chẳng thấy hoa hồng cùng ong mật đậu trên hoa dưa leo đâu, nơi ấy đã biến thành một phong cảnh rất đỗi xa lạ.

“Trước kia tôi cũng từng vẽ tranh à?”