Chương 2: Kiều Đại Ni

Lại ngồi trên sườn núi thêm một lúc, Kiều Đại Ni mới lảo đảo đứng dậy. Sắc mặt cô tái nhợt, má hóp lại, hốc mắt sưng đỏ, đôi mắt vô thần, chết lặng. Cô rất gầy, như thể chỉ một trận gió là cũng có thể thổi bay. Mặc dù ở thời đại này nhà nhà đều không đủ ăn, ai ai cũng gầy gò, nhưng cũng chẳng có ai gầy đến mức như Kiều Đại Ni cả, thoạt nhìn cả người cũng chỉ còn da bọc xương.

Kể từ khi chồng cô xảy ra chuyện tới nay, cả ngày Kiều Đại Ni đều như người mất hồn, mỗi ngày đều đau khổ dày vò, chút thịt nuôi được trên người cô mấy năm nay cũng đều mất sạch. Khuôn mặt lúc nào cũng khổ sở, người cũng chỉ mới 24 tuổi mà trông già hơn cả chục tuổi.

Kiều Đại Ni chưa từng đi học, cũng không có văn hoá, cô chỉ là một người phụ nữ nông thôn lương thiện. Trước khi lấy chồng thì nghe lời ba mẹ, sau khi lấy chồng thì nghe lời chồng. Bây giờ chồng cô đã mất, cả người cô như thể mất đi xương sống vậy.

Cô rất muốn cứ thế mà đi theo chồng mình luôn, nhưng cô cũng là mẹ, mà làm mẹ thì phải trở nên mạnh mẽ hơn. Mấy đứa nhỏ đã mất ba rồi, không thể lại mất thêm mẹ nữa. Vừa nhớ tới hai đứa con của mình, đôi mắt chết lặng của Kiều Đại Ni lại sáng lên một chút.

Kiều Đại Ni nhặt chiếc giỏ tre trên mặt đất lên, lại đào thêm một ít rau rừng. Rau tể thái và bồ công anh trên núi mùa này rất non, chỉ chốc lát cô đã có thể đào được một giỏ rồi. Sau đó, cô chậm rãi đi xuống núi.

Cao Gia Pha nằm ở phía nam, bốn phía đều được bao quanh bởi núi non, có ruộng nước và cả ruộng cạn. Trước đây nơi này gọi là thôn Cao Gia Pha, bây giờ thì đã đổi thành đại đội Cao Gia Pha rồi, một đại đội lại được chia thành bảy phân đội. Đại đội này cũng được coi là một đại đội chủ chốt trong công xã, trong đội cũng có rất nhiều người.

Cuối thôn có một con sông lớn chảy qua, nước sông dồi dào, chỉ cần không có thiên tai thì đất đai ở đây rất màu mỡ. Tuy là ở nông thôn nhưng chỉ cần siêng năng chăm chỉ, cho dù không thể mỗi ngày đều ăn cơm gạo, nhưng chắc chắn sẽ không đến mức đói bụng.

Mấy năm trước, khi mùa màng thất bát, nghe nói những nơi khác đều có người chết đói cả, nơi này tuy rằng cũng là ăn không đủ no, nhưng cũng không có người chết đói.

Hai năm qua cuộc sống đã khấm khá hơn, Kiều Đại Ni và Cao Thiết Trụ cũng là người cần mẫn, cũng kiếm được không ít công điểm, nhà lại chỉ có hai đứa con, vốn dĩ cũng được coi là một trong những nhà tương đối khá giả trong đại đội. Ai ngờ đâu, chỉ một hồi tai hoạ, lại khiến cả nhà thành hộ khó khăn.

Con sống ở cuối thôn cũng chia nhánh rồi chảy vào trong thôn, rất thuận tiện cho mọi người giặt giũ, rửa rau. Trong thôn cũng có giếng nước, nhà ai cần dùng nước thì ra đó gánh nước về nhà.

Kiều Đại Ni đi đến bên bờ sông, tìm một phiến đá khá bằng phẳng rồi bắt đầu rửa rau rừng. Người dân ở đây rửa rau hay giặt giũ thì đều ra bờ sông cả, rất tiện lợi. Sau khi rửa rau ở sông rồi, người nào kỹ tính hơn thì khi về nhà sẽ rửa lại một lần nữa bằng nước giếng, còn người qua loa thì cứ thế trực tiếp cho vào nồi thôi, dù sao nước sông nhìn qua cũng sạch sẽ.

Nhìn mặt trời, đã giữa trưa rồi. Kiều Đại Ni cầm giỏ rau lên rồi đi bộ về nhà. Nhà cô ở gần đầu thôn, dọc đường cô cũng gặp phải không ít xã viên mới tan làm, trên vai bọn họ còn đang vác cuốc hay cõng quai gánh.

Đều là người trong cùng một thôn, hiện tại cũng đều làm việc trong cùng một đại đội, hầu hết người dân trong thôn đều tốt bụng, khi nhìn thấy Kiều Đại Ni, bọn họ không khỏi quan tâm cô vài câu.

Kiều Đại Ni không nói gì, chỉ cong môi cười cười với bọn họ rồi xách giỏ đi thẳng về nhà nấu cơm.

Đến trước cổng nhà, Kiều Đại Ni đẩy cổng ra. Nhà cô nằm ở ven đường, cách cổng thôn chỉ bốn, năm trăm mét. Đầu thôn cũng chỉ có vài gia đình sinh sống, trong số đó có nhà chị Vương hàng xóm.