"Sống với thằng Hai á? Với cái tính tình xấu xa, luôn lười biếng trốn việc của vợ thằng Hai, ông cho là nó sẽ bưng trà rót nước phụng dưỡng ông à? Mơ đẹp thật đấy!" Chu Ái Cúc nghĩ gì nói đó: "Bây giờ tôi vẫn còn làm việc được, tôi tự làm tự ăn. Nếu ngày nào đó tôi không động đậy được nữa... Thằng Tư, mẹ hỏi con, con có nguyện ý nuôi giống bà già vô dụng là mẹ không?"
Cố Vệ Cường cười đáp: "Mẹ, hay bây giờ mẹ đến sống cùng con luôn đi. An An với Tùng Tùng không có mẹ, chỉ có thể nhờ bà nội chỉ dạy nhiều hơn."
Cố An An và Cố Tùng Tùng cũng chạy đến ôm đùi Chu Ái Cúc, đồng thanh nói: "Bà, chúng cháu sẽ nuôi bà."
Lời này khiến lòng Chu Ái Cúc thoải mái, nhưng bà cụ vẫn khoát tay: "Nếu mẹ sống với thằng Tư không chừng người có tâm sẽ nghĩ là mẹ đây vẫn luôn lén trợ cấp cho nhà thằng Tư, cảm thấy mẹ đối xử bất công. Mẹ sống một mình cũng tốt, nếu các con có đứa nào rảnh, thì thường xuyên đến thăm mẹ là được."
Ba chữ "người có tâm" này đang ám chỉ ai? Tất nhiên là Vương Đại Anh.
Vương Đại Anh đứng một góc không dám hé răng, để mọi người tùy ý quan sát bà ta.
Cố Vệ Dân vẫn luôn không lên tiếng đột nhiên nói: "Nếu mẹ muốn sống một mình, vậy phần nhà chia cho con kia con sẽ không lấy nữa, để cho mẹ ở đi." Lý Nguyệt Nga ở phía sau nghe vậy thì véo thắt lưng của ông ta, ông ta quay đầu lại lườm một cái. Dù sao ông ta cũng là trụ cột trong nhà, Lý Nguyệt Nga không dám nói thêm gì nữa, chỉ ôm chặt đứa con trai trong lòng.
Trưởng lão trong tộc: "Không hối hận chứ?"
Cố Vệ Dân lắc đầu: "Cháu đã đi ở rể nhà khác, phần nhà này vốn nên thuộc về mẹ."
Trưởng lão trong tộc đứng dậy: "Được rồi, nếu tất cả mọi người đều đồng ý, vậy cứ chia như thế đi. Một chi này của Cố Căn Sinh, nhà ở chia làm bốn phần, thằng Ba Cố Vệ Dân tự nguyện từ bỏ, nên bốn người Chu Ái Cúc, Cố Vệ Quốc, Cố Vệ Phú, Cố Vệ Cường mỗi người sẽ được một gian. Về phần hai người già, Cố Căn Sinh đến sống cùng thằng Hai, Chu Ái Cúc ở một mình, sau này việc dưỡng lão của Chu Ái Cúc sẽ do thằng Tư Cố Vệ Cường phụ trách. Thân là con cái, hàng tháng mỗi đứa phải chu cấp cho cha mẹ năm đồng tiền."
"Nhà họ Cố còn năm mẫu đất sau núi nữa, mấy đứa xem phải chia thế nào?"
Cố Vệ Cường và Cố Vệ Dân đồng thời lắc đầu: "Chúng cháu không cần, chia cho anh cả đi." Anh cả ở đây tất nhiên là Cố Vệ Quốc.
Hai đứa em đều đã tỏ thái độ nên tất nhiên Cố Vệ Phú không thể tranh giành miếng đất kia với ông Cả được. Cho dù ông ta đoạt về tay đi nữa thì cũng chả có tác dụng gì. Vợ ông ta Vương Đại Anh hết ăn lại nằm, ba đứa con của ông ta cũng không có khiếu trồng trọt, mà ông ta lại bận rộn chức vụ đại đội trưởng, làm gì có thời gian mà trồng trọt?
Nên ông ta cũng tỏ thái độ: "Để cho anh Cả đi."
Cố Vệ Quốc cảm kích, rối rít cảm ơn ba đứa em trai. Nếu sau khi ở riêng, không có đất đai, ông ta lấy gì nuôi sống vợ mình và con trai? Khác với ba anh em, Cố Vệ Quốc là người nông dân đích thực, đã định sẵn đời này chỉ có thể kiếm ăn từ trong đất.
Trưởng lão trong tộc gật đầu, tiếp tục nói: "Trong nhà có bao nhiêu tiền tiết kiệm? Lấy ra chia luôn đi."
Tiền tiết kiệm trong nhà đều do Chu Ái Cúc bảo quản, bà vui vẻ chạy vào buồng trong lấy ra một cái bao bố, rồi đổ xuống mặt bàn, toàn đồng xu lẻ, tổng cộng cũng có khoảng hai trăm đồng.
Người mở miệng đầu tiên là ông nội Cố: "Sao lại ít thế này?"
Chu Ái Cúc cười lạnh. Bà cụ bình tĩnh lấy một cuốn sổ nhỏ từ bao bố ra, bắt đầu đọc: "Tính từ ba năm trở lại đây, năm kia đảo ngói nhà, tổng cộng hết một nghìn ba; Cố Thư đến thị trấn học, ba năm cấp hai lấy từ chỗ tôi bốn trăm đồng, năm ngoái vừa lên cấp ba, một năm tiêu hết hai trăm tám, nửa năm lưu ban lại tốn thêm một trăm hai, phí học thêm một trăm đồng. Em trai của vợ thằng Hai kết hôn, tiền mừng cưới mất hai mươi đồng; mẹ đẻ của vợ thằng Hai bị bệnh, trước sau tổng cộng cầm hết ba mươi đồng. Thằng Hai mời cấp trên ăn cơm, một lần lấy trên dưới mười đồng, tổng cộng tám lần, lại tính thêm quà lễ quà tết thì tất cả hết ba trăm đồng. Năm trước Cố Đan lên thị trấn học thợ mộc, phí sinh hoạt mỗi tháng năm đồng. Đầu năm nay Cố Song bị bệnh phải đến bệnh viện trên thị trấn, viện phí mất một trăm ba. Nhà chúng ta, phí sinh hoạt một ngày của mỗi người tiêu từ năm xu đến một đồng, một tháng mất cũng hơn hai mươi đồng, cái này là còn chưa tính tiền lương thực đâu đấy."