Chương 14:

Dựa theo trí nhớ, Tô Mạt tìm được túi ẩn bên trong hòm da nguyên chủ đặt trên giường đất, mò được chìa khóa của hòm da.

Tô Mạt dùng khóa mở hòm da lớn trước, lấy hai cuốn sổ tiết kiệm nhét trong ngăn nhỏ ra. Đột nhiên cảm thấy hơi hồi hộp.

Thời khắc lịch sử tới rồi, các chị em!

Hai cuốn sổ tiết kiệm, một cuốn nhìn hơi cũ kỹ, chắc được làm bằng da trâu, nhìn vật liệu thô ráp bên ngoài có thể nhận ra được ngay. Mặt ngoài viết mấy chữ "Sổ tiết kiệm không kỳ hạn", ấn kèm hoa văn, phía dưới có một hàng chữ nhỏ đã hơi phai màu nên cô không thể nhìn rõ được đó là chữ gì.

Tô Mạt mở một cuốn ra xem trước, người đứng tên là Mạc Ngọc Dung, mẹ của nguyên chủ, bên dưới là con dấu của ngân hàng. Bên phải là dòng chữ viết tay, ghi chép ba lần gửi tiền tiết kiệm, bên dưới mỗi ghi chép đều có con dấu của nhân viên ghi chép sổ sách và nhân viên kiểm tra đối chiếu.

Tô Mạt nhìn thử, một lần gửi tiết kiệm vào tháng một năm 70, chỉ gửi 2000 tệ. Một lần gửi vào tháng mười năm 70, gửi 500 tệ. Lần cuối cùng cũng gửi 500 tệ, tổng cộng 3000 tệ.

Chắc hẳn đó là số tiền tích cóp bao năm của cha mẹ nguyên chủ. Ở thời đại 100 tệ đã rất lớn này thì đó là một khoảng tiền khổng lồ.

Tô Mạt mở cuốn sổ cũ kỹ ra, chủ nhà tên Tô Trọng Lê, là ông nội của nguyên chủ.

Phía bên phải ghi chép về khá nhiều về các khoản vào và chi ra. Cuốn sổ có vài trang, Tô Mạt lật xem thử, bắt đầu gửi vào năm 57, có lẽ là cổ tức do công ty hợp doanh chia cho sau khi trở thành tư bản, lần đầu gửi tiền tiết kiệm là hơn hai mươi nghìn tệ.

Vài năm sau chỉ ghi chép vào các khoản gửi vào, nhưng trong ba năm 60, 61, 62 lại có nhiều khoản chi lớn. Trong trí nhớ của nguyên chủ, đó là ba năm thiên tai, ông nội của nguyên chủ đã nhiều lần cậy nhờ quan hệ mua sắm rất nhiều lương thực ở nước ngoài để quyên góp cho những gia đình nghèo khó xung quanh.

Cũng do ba năm lao lực này đã khiến sức khỏe của Tô Trọng Lê ở năm 63 bệnh nặng không gượng nổi, vĩnh biệt cõi đời. Lúc tổ chức tang lễ cho Tô Trọng Lê, có rất nhiều ban lãnh đạo ở Thượng Hải tới viếng.

Ghi chép gửi vào tới tận năm 66, cổ tức trước ba năm đó đều bị Tô Trọng Lê rút hết, bên trong chỉ còn lại cổ tức sau ba năm thiên tai. Nhưng số tiền cũng lên tới tám mươi nghìn tệ.

Chỉ sợ tám mươi nghìn tệ ở thời đại này còn nhiều hơn cả tám mươi triệu đời sau.

Có tám mươi nghìn tệ là tiền vốn, lại còn ở thời đại có thể nhặt được tiền ở khắp nơi này, dù Dương Tố Vân có là heo cũng biết vung cánh bay.

Tô Mạt siết chặt nắm đấm, chút ấn tượng tốt về vai chính Dương Tố Vân đã bị đánh mất hoàn toàn.

Khi Dương Tố Vân đoạt được sổ tiết kiệm, bác trai của nguyên chủ chưa xảy ra chuyện gì. Cô ta không gửi lại khoản tiền tiết kiệm kếch xù cho người nhà của nguyên chủ, mà lại giấu nhẹm đi. Cứ cho rằng cô ta không có cách liên lạc với bác trai của nguyên chủ, nhưng cha của cô ta quen biết bác trai của nguyên chủ thì kiểu gì cũng có cách.

Đúng là gia đình giả nai có một không hai!

Đến lúc rồi!

Từ đây con đường trở nên tối tăm!

Xem sổ tiết kiệm xong, Tô Mạt bắt đầu kiểm kê lại tiền giấy và tài sản của nguyên chủ.

Tô Mạt lấy hết tiền giấy trong hòm ra, đếm một lúc có tổng cộng 1035 tệ 4 hào. Lẽ ra là có 1045 tệ 4 hào, nhưng lúc chữa bệnh đã tốn 10 tệ, à, còn nợ Lục Trường Chinh năm tệ nữa, vì thế chỉ còn có 1030 tệ 4 hào thôi.

Ở thời đại này, cô được coi là một phú bà rồi.

Còn phiếu thì có một xấp thật dày, đa dạng đủ mẫu, phiếu đổi ngoại tệ, phiếu công nghiệp, phiếu lương thực, phiếu thịt, phiếu dầu, phiếu rau, phiếu đường, phiếu vải, phiếu giày, phiếu vải bông... Đủ loại phiếu cái nào cũng có, thậm chí còn có phiếu sữa bột, phiếu đồng hồ đeo tay. Nhưng đa phần đều là loại dùng riêng ở Thượng Hải, rất ít loại thông dụng trên cả nước.

Sống trong thời đại làm gì cũng phải có phiếu như này, nếu không có phiếu thì có tiền cũng không có chỗ tiêu.

Đột nhiên Tô Mạt thấy hơi buồn, xem ra phải tới chợ đen mới dùng được số phiếu này.