Thầy thuốc Hồ thở dài, nói:
“Gương mặt của cháu quá xinh đẹp, đây là chuyện tốt, nhưng đôi khi nó cũng là một chuyện xấu. Chỉ sợ Ngũ Kiến Thiết không buông bỏ được, cứ quấn lấy cháu không buông, như vậy sẽ rất phiền toái.”
“Người như Ngũ Kiến Thiết, được gả cho cậu ta đúng là một chuyện nở mày nở mặt. Nhưng khi thật sự gả qua đó, cuộc sống chưa chắc đã tốt đẹp hơn hiện giờ. Nếu có thể tìm được một mối hôn sự thích hợp, đối phương có phẩm chất tốt, tuổi cũng xêm xêm cháu, lại không sợ Ngũ Kiến Thiết, như vậy là tốt nhất.”
“Dựa vào điều kiện của cháu, từ từ tìm cũng chưa chắc là tìm không ra. Nhưng lúc này thời gian lại quá cấp bách, tìm trong một chốc một lát e cũng không phải là chuyện dễ dàng. Sợ nhất là vội vàng gả chồng, né được hố lửa này, lại rơi xuống hố lửa khác.”
Trần Ngưng cũng không nghĩ tới chuyện sẽ gả chồng nhanh như vậy, cô vốn muốn tìm một cơ hội để học y, còn những vấn đề khác thì sẽ từ từ cân nhắc sau.
Cô bèn hít sâu một hơi, nói:
“Ngoài việc phải gả chồng ra thì không còn cách nào nữa ạ?”
Thầy thuốc Hồ cười châm chọc một cái, nói:
“Bé con, cháu đúng là chưa trải sự đời. Nếu tên họ Ngũ kia chủ động buông tay thì còn dễ nói, ông chỉ sợ cậu ta sống chết muốn có được cháu. Loại người như cậu ta quả thật có rất nhiều cách để ép cháu đi vào khuôn khổ. Trong thôn không có ai dám dây vào cậu ta, cậu Ba của cháu cũng không bảo vệ nổi cháu đâu. Không còn cách nào, thật sự là không còn cách nào khác.”
Nói đến đây, ông bèn lấy ra một điếu thuốc lá, rầu rĩ hút một ngụm.
Trong lòng thầy thuốc Hồ cũng không hề dễ chịu một chút nào, ông đã theo nghề y nửa đời người, cũng chưa gặp được ai đủ tư cách để làm học trò của mình. Khó khăn lắm mới tìm được một học trò không chỉ có thiên phú cực cao, lại còn có lòng nhiệt thành với nghề, nhưng tại sao lại gặp phải loại chuyện này chứ?
Vừa rồi nếu không phải ông đuổi người đi, tên họ Ngũ kia còn không định đi đâu.
Nếu cứ tiếp tục như vậy, e rằng anh ta sẽ dùng tới chiêu cưỡng ép phụ nữ mất…
Từ xưa đến nay trong kinh kịch cũng không thiếu mấy phân cảnh như vậy, nhưng đôi khi cuộc sống còn khoa trương và phi lý hơn cả những phân cảnh trong kinh kịch!
Thầy thuốc Hồ nghĩ đến đây, trong miệng bèn nhả ra một làn sương khói, rầu rĩ chửi thầm một câu.
Đầu óc của ông cũng không nhàn rỗi, trong đầu liên tục hiện lên hình ảnh những người mà ông đã từng chữa trị khắp làng trên xóm dưới, chẳng qua nghĩ tới nghĩ lui cùng không tìm ra được người thích hợp.
Trần Ngưng cũng không quấy rầy thầy thuốc Hồ, cô vào nhà bắt mạch cho người bệnh.
Thấy người bệnh tạm thời vẫn chưa bị tiêu chảy, cô bèn lấy một chiếc ghế dài, đặt ở dưới bóng cây trước cửa để thầy thuốc Hồ ngồi.
Hai người lại chờ đợi trong chốc lát, bèn thấy Chúc Lục đỡ người bệnh đi nhà xí, rồi rất nhanh cả hai đã đi ra ngoài.
Sự đau đớn trên khuôn mặt người phụ nữ đã giảm đi không ít, thầy thuốc Hồ lập tức kêu Trần Ngưng đi sắc bát thuốc thứ hai.
Vốn dĩ mấy chuyện như vậy nên để cho người nhà của người bệnh làm, nhưng ông muốn biết thêm về trình độ của Trần Ngưng. Thế nên không chỉ kêu cô đi sắc thuốc, còn cố tình không nhắc tới sự khác nhau giữa bát thuốc thứ nhất và bát thuốc thứ hai.
Nhưng Trần Ngưng lại chủ động hỏi ông:
“Thầy ơi, bát thuốc thứ hai không cần bỏ muối Glauber* đâu nhỉ? Dù sao người bệnh cũng đã đi ngoài rồi.”
(Muối Glauber có tác dụng thanh nhiệt nhuận tràng, thanh nhiệt tiêu sưng,…)