Chương 5: Triệu Hổ Bà

Gió xuân ở thành Tứ Cửu không nhỏ, chạng vạng gió lại càng lớn, không ít người vẫn còn mặc áo bông mùa đông, trên đường người đi lại vội vã.

Trần Thanh Dư mặc một chiếc áo bông cũ vá chằng vá đυ.p, cũng không biết đã bao nhiêu năm, bông vón cục, chẳng dày hơn áo đơn là bao, gió thổi luồn vào trong áo bông, lạnh thấu xương.

Mỗi tay cô dắt một đứa trẻ, hai đứa nhỏ cũng không mặc dày hơn cô là bao, trên má còn mang theo sắc đỏ vì nứt nẻ đặc trưng của mùa đông, co rúm người, rụt cổ rụt vai đi theo mẹ về nhà, ánh mắt sợ hãi bất lực.

Hai đứa còn rất nhỏ, nhưng Trần Thanh Dư hiện giờ gầy yếu như một người bằng giấy, một cơn gió cũng có thể thổi bay cô, đi đường còn lảo đảo, có muốn bế đứa nhỏ cũng là hữu tâm vô lực.

Cũng may hai đứa nhỏ không ầm ĩ đòi bế, hai đứa nhỏ mới chỉ ba tuổi bị mẹ dắt bộ về nhà cũng không kêu mệt.

Ba mẹ con nhà này nhìn không khác gì dân chạy nạn.

Vương Mỹ Lan đi cùng bọn họ, ôm tay an ủi cả một đường: "Vợ Tuấn Văn à, cô nên nghĩ thoáng ra. Cô xem hai đứa còn nhỏ đã hiểu chuyện như vậy, ngoan ngoãn như vậy, sao cô có thể bỏ rơi chúng?"

Chị ấy nói tiếp: "Mẹ chồng cô chẳng tốt lành gì, nếu thật sự không thể sống cùng nữa thì cô tới hội liên hiệp phụ nữ hỏi thử xem, dù sao cũng sẽ có đường sống."

Chị ấy thở dài một tiếng nói tiếp: "Chồng cô đã mất, nhà máy cũng phải cho một lời chứ. Dù sao cũng không thể để người ta hy sinh vì việc nghĩa một cách vô ích như vậy được? Nếu không vì bắt trộm thì cậu ấy đã chẳng bị chém? Lại nói, cô cũng phải coi kỹ công việc của chồng cô đấy. Đây là đồ chồng cô để lại, cũng không thể cho không con cháu bên nhà mẹ đẻ của mẹ chồng cô được..."

Vương Mỹ Lan cằn nhằn nói mãi không ngừng, nhưng quả thực là một người tốt bụng.

Chị ấy nói gần nói xa, cũng đều là những chuyện lo lắng cho cô.



Trần Thanh Dư nghe câu được câu mất, cũng nhớ lại "chuyện cũ" của mình.

Cô biết, lo lắng của Vương Mỹ Lan về cô là rất có lý, bà mẹ chồng kia của cô không phải người dễ đối phó.

Bà ta đã từng ăn vạ, đánh nhau, chửi bới, nổi tiếng khắp mấy ngõ nhỏ xung quanh vì sự chanh chua đanh đá của mình, ngay cả chó gặp được ven đường cũng phải đá một cái, được mọi người gọi với biệt danh "Triệu hổ bà"

Bà già này không chỉ ác với người ngoài, mà ngay cả người trong nhà cũng không hề nương tay.

Đặc biệt là cô con dâu không hợp ý bà ta.

Giờ cô chỉ cần xắn tay áo lên cũng có thể nhìn thấy những dấu xanh tím do bà ta véo để lại.

Cô còn biết, tâm nguyện lớn nhất của bà già này chính là khiến con trai ly hôn với con dâu "sao chổi", sau đó lại cưới một cô gái tân về, sinh một thằng cháu trai trắng trẻo, làm lại từ đầu.

Cho dù, dù Trần Thanh Dư sinh được long phượng thai thì bà già đó cũng chẳng liếc mắt, không hề quan tâm, không nhận người thân.

Bởi vì bà ta nghĩ rằng, sau này bà ta sẽ có cháu trai khác, đứa này không quan trọng.

Trần Thanh Dư nhớ lại những chuyện này, chỉ cảm thấy huyệt Thái Dương giật giật.

Cô chưa từng thấy bà già nào vừa cay nghiệt vừa ác độc lại không phân rõ phải trái như vậy.