"Phó khoa trưởng, anh đường đường là khoa trưởng khoa bán hàng của một xưởng may lớn, lại đi lừa gạt người dân như vậy sao?". Thanh Bình sa sầm mặt,đánh đòn phủ đầu.
Thái độ Phó khoa trưởng cũng chẳng tốt đẹp gì: "Cô nói vậy là có ý gì?"
Thanh Bình ném bộ quần áo trong tay xuống đất. "Tự mình xem đi! Chất lượng thế này sao?"
Hai bộ quần áo trên đất đều bị mốc meo.
"Xưởng lớn như vậy lại bán loại hàng này cho chúng tôi sao?". Thanh Bình phẫn nộ. "Có phải thấy chúng tôi là nông dân, tưởng chúng tôi chưa từng trải sự đời, dễ lừa gạt?"
"Không có! Làm gì có chuyện đó…". Hàng mốc meo bày ra trước mắt, Phó khoa trưởng cũng không còn tự tin như ban đầu.
"Anh chính là thấy chúng tôi là người nhà quê, lại toàn là phụ nữ, mới bắt nạt chúng tôi! Tự mình xem đi, đây đều là quần áo mấy năm trước rồi!". Thanh Bình mắng, còn cố ý đỏ hoe mắt.
Đỗ Căn: ??? Phụ nữ? Thế còn tôi là cái gì?
Phó khoa trưởng bị Thanh Bình truy hỏi như vậy cũng có chút ngượng ngùng, đành phải nói: "Vị nữ đồng chí này, mọi người muốn mua quần áo mùa thu đông, hàng năm nay chúng tôi còn chưa sản xuất xong, chỉ có hàng năm ngoái thôi."
"Đây không phải hàng năm ngoái!". Thanh Bình khẳng định.
"Vậy mọi người còn muốn mua nữa không? Hay là đợi hàng mới?". Phó khoa trưởng đành hỏi.
"Đợi hàng mới chúng tôi không kịp mất!". Thanh Bình giả vờ đắn đo hồi lâu, cuối cùng cô nghiến răng nghiến lợi: "Chúng tôi vẫn mua, nhưng mà giá cả anh phải giảm cho chúng tôi!"
Phó khoa trưởng suy nghĩ một lúc, xua tay. "Không thành vấn đề."
Cuối cùng, Thanh Bình mua được với mức giá thấp đến khó tin, áo khoác dạ mùa đông chỉ có một đồng một cái, những loại khác còn rẻ hơn nữa.
Thanh Bình lấy đủ loại, tổng cộng 500 cái.
Lúc này, vấn đề vận chuyển lại nảy sinh.
Phó khoa trưởng tốt bụng làm đến cùng, đồng ý cho họ mang 100 cái về trước, số còn lại ông ấy sẽ tìm xe chở đến huyện cho họ.
Lâm Thanh Bình vui mừng khôn xiết, cảm ơn Phó khoa trưởng.
Phó khoa trưởng cười khổ. "Không phải sợ cô lại nói tôi bắt nạt nữ đồng chí sao?"
Đỗ Căn: ??? Tôi to xác thế này đứng đây chẳng lẽ không ai thấy sao!
100 cái quần áo, 4 người cùng vác cũng không phải chuyện khó khăn gì.
Nói gì thì nói, Đỗ Căn tuy lười biếng trong chuyện đồng áng nhưng đi theo Thanh Bình mua quần áo lại rất tích cực, một mình anh ấy đã vác được rất nhiều.
Bốn người cộng thêm 100 cái quần áo, hết chuyển xe này đến xe khác. Lúc đến thị trấn họ mượn một chiếc xe đẩy, thay phiên nhau đẩy về thôn Cố Gia trong tiếng than thở không ngớt của Cố Hữu Liên. Về đến nhà họ Cố, hầu hết nhà trong thôn đều đã tắt đèn đi ngủ.
Bố mẹ chồng cũng vậy.
Nghe thấy tiếng động, hai người khoác áo ra ngoài, nhìn thấy đống quần áo ngổn ngang thì giật mình kinh hãi.
Cố Hữu Liên bèn kéo Lưu Phân vào nhà nói chuyện.
Trước mặt Lâm Thanh Bình, cô ấy không dám nói, hơn nữa Đỗ Căn cũng rất ủng hộ chuyện này, cô ấy không dám cãi lời chồng. Về đến nhà, Cố Hữu Liên liền kể lể chuyện Lâm Thanh Bình tiêu hết sạch tiền mua 500 cái quần áo.
Lưu Phân nghe xong liền sụp đổ.
"Mẹ, Quân Thành bị cái gì che mắt rồi? Đưa hết tiền cho vợ giữ, nó lại hoang phí như vậy! Đây đâu phải kiểu sống qua ngày!". Cố Hữu Liên càng nghĩ càng tức, lại khóc lóc om sòm.
Lưu Phân tức giận, xông ra ngoài, nhìn thấy Thanh Bình và em gái còn có Đỗ Căn đang canh đống quần áo. Bà liền vớ lấy cái kéo xông vào.
Bà thật sự hận! Tiền mồ hôi nước mắt của con trai cứ thế bị con đàn phá của này tiêu sạch. Sống đến ngần này tuổi, bà chưa từng thấy ai tiêu tiền hoang phí như vậy!
Lưu Phân cầm kéo định cắt quần áo, Lâm Thanh Bình hoảng hốt kêu lên: "Mẹ, mẹ làm gì vậy?". Lưu Phân mới sực tỉnh, nếu cắt một nhát này xuống, không những tiền mất tật mang mà quần áo cũng hỏng mất!
Nhưng mà, nhà nông như họ, cần nhiều quần áo như vậy để làm gì!
Lưu Phân tuyệt vọng, ngồi bệt xuống đất gào khóc, khóc lóc tổ tông nhà họ Cố: "Sau này xuống suối vàng, tôi biết ăn nói thế nào với ông bà nó đây! Sao lại rước về cái đứa con dâu phá hoại như vậy chứ! Quân Thành ơi, con có mắt như mù, bị cái gì che mắt rồi!"