Chương 35

Từ Tĩnh An nghe tới đây không khỏi nín thở, chẳng trách bây giờ hệ thống không thưởng nữa. Bây giờ không chuyển sang chính thức được, sau này càng khó. Nhân viên tạm thời nói đuổi là đuổi, tới lúc đó cô vẫn phải xuống nông thôn.

Ăn cơm xong, gói đồ ăn còn thừa lại bỏ vào trong túi sách. Trương Kiến Quân xách túi ra khỏi phòng bao về nhà.

Tiễn Trương Kiến Quân đi, Từ Tĩnh An quay người trở về dọn bàn. Nhân viên phục vụ là một nữ đồng chí, nhìn thấy Từ Tĩnh An mang bát đũa tới liền rất kinh ngạc.

“Đồng chí không cần làm, tôi làm được.”

“Có đáng gì đâu? Chuyện tiện tay thôi.”

Từ Tĩnh An cầm giẻ lau lau sạch bàn, quét sàn sạch sẽ. Dọn dẹp xong xuôi cũng chưa tới năm phút.

Nữ nhân viên phục vụ hơi ngại ngùng: “Đồng chí, cảm ơn cô.”

Từ Tĩnh An: “Thế này có gì? Mấy hôm nay tôi luôn tới tiệm các cô, không phải cũng thêm không ít phiền phức cho cô sao.”

Lúc dùng người, nói hay như hát, dùng xong quay người đi, trong lòng ai không tinh tường?

Bây giờ nhân viên không lưu động, quan hệ giữa người với người đều là cố định. Những nhân viên bán hàng, nhân viên phục vụ quán cơm đó luôn sẽ tiếp xúc được với mọi loại người.

Muốn dùng đôi ba lời ngon ngọt là có thể lừa phỉnh được những người này, quả thật là hàm hồ!

Nếu đã có qua lại, từ từ tiếp xúc, tự nhiên quan hệ cũng được thành lập.

Từ Tĩnh An ra khỏi quán ăn về ký túc xá. Đóng cửa kỹ, kéo rèm cửa sổ lại rồi vào không gian.

Tùy tiện nấu chút mì vắt ăn, tĩnh tâm nghĩ cách cho sau này. Cô biết chuyển sang chính thức không dễ, nhưng không ngờ sẽ khó như vậy. Thời gian trì hoãn quá lâu, lâu ắt sinh biến. Xem ra vẫn phải lựa chọn phương án thứ hai, tốc chiến tốc thắng.



Lúc này Hàn Nghĩa cũng đang cau có trong ký túc xá. Trước đây tâm trạng không tốt còn có thể hút điếu thuốc, bây giờ chỉ có thể chỉnh lý nội vụ lau cửa sổ, quét nhà, giặt quần áo…

Hết cách, anh ta nghèo – Hàn Nghĩa xuất thân nông thôn, từng nhậm chức trong quân đội. Sau khi bị thương chuyển sang công việc văn phòng. Tháng 10 năm ngoái chuyển ngành tới địa phương, làm chủ nhiệm bộ phận nhân sự của chính phủ thành phố.

Vợ và con vẫn ở chỗ ban đầu anh ta đi lính không theo tới. Không phải không muốn tới, bây giờ anh ta một mình cô đơn, cũng nhớ vợ con, nhưng thực sự gánh nặng gia đình quá lớn.

Cha mẹ ở quê không thể không lo, anh chị em đều đang đợi anh ta chống lưng. Cái khác không nói, cộng lại cũng hơn 20 đứa cháu trai, cháu gái, lúc chúng kết hôn, anh ta phải cho một phần tiền chứ.

Lúc đầu khi đi làm nhiệm vụ đã nói rồi, người còn sống phải chăm sóc người nhà của các chiến hữu hi sinh. Không thể nói rồi quên được.

Mỗi tháng Hàn Nghĩa đều gửi một nửa tiền lương đi. Vợ sinh cho anh ta bảy đứa con trai, cộng thêm nhân tình qua lại trong bộ đội, thường xuyên quyên góp, còn có thể dư được gì?

Năm 1960 xảy ra nạn đói, nơi bộ đội bọn họ đóng quân, người dân bản địa đều quỳ trước quân doanh xin miếng cơm ăn.

Quân nhân có thể làm thế nào? Chỉ có thể chia một phần lương thực của mình trong binh doanh cho người dân. Nếu không nhìn họ chết trước quân doanh sao? Khi đó mình đi lính cũng đói tới mốc meo.

Thư từ quê gửi tới bức nào cũng đầm đìa máu và nước mắt, gặp phải khó khăn, nhưng Hàn Nghĩa có thể làm thế nào?

Trong nhà nhờ phần lương của vợ anh ta, các con mới sống tiếp được. Ở trong nhà, lời của vợ anh ta nói còn quyền uy hơn anh ta!

Tới bây giờ, sau khi Hàn Nghĩa chuyển ngành tới đây, lương vẫn thấp hơn khi ở bộ đội. Anh ta cũng không biết cái gì là tiền tiết kiệm, anh ta là tháng nào hết tháng nấy!

Có đôi lúc Hàn Nghĩa không dám nghĩ nhiều, chỉ cần vừa nhắc tới hai chữ “sau này”, anh ta liền đau đầu.

Anh ta nghi ngờ lúc đầu khi mình bị thương chuyển sang công việc văn phòng, đạn không phải xuyên qua đùi mà là xuyên qua đầu.