Chương 14: Tiêu tiền

Kiến trúc của công xã Hoa Hòe này đẹp hơn thôn Đại Lý Tử nhiều, nơi ngã tư đường, đã có khoảng mười ngôi nhà to nhỏ ngay mặt tiền rồi.

Nhà lầu? Không có, chỉ có những ngôi nhà bằng gạch ngói, nhưng lại mười phần xa hoa.

Ngôi nhà gạch ngói năm gian lớn nhất kia có treo bảng hiệu với một hàng chữ trên đầu cửa “cửa hàng hợp tác xã công xã nhân dân Hoa Hòe”, đối diện lại treo bảng hiệu “công xã Hoa Hòe”, bên trái là cửa hàng thực phẩm hàng hóa các loại, xưởng ép dầu, cửa hàng lương khô, bên phải là bưu cục, chỗ quản lý lương thực, trạm thu mua.

Toàn bộ công xã như một chú chim sẻ, tuy nhỏ nhưng lại đầy đủ ngũ tạng.

Lý Tú Hồng lôi kéo Lý Tinh Tính đang mải nhìn đông ngó tây: “Tinh Tinh, chúng ta vào đây đi. Công xã Hoa Hòe này là công xã nhân dân lớn nhất toàn huyện, trông coi gần hai mươi đại đội sản xuất bên dưới, cho nên đồ vật ở cửa hàng hợp tác xã bán chạy vô cùng.”

Ấy thế mà, vào cửa, lại không thấy khách hàng nào, người bán hàng còn rảnh rỗi tới nỗi đang ngồi đan áo len.

Lý Tinh Tinh thấy được từng chồng vại tráng men, chậu tráng men, bát tráng men, lại được nhìn từng cuộn từng cuộn vải, thấy nhiều khăn mặt, lại thấy được thùng gỗ lọ thủy tinh xa lạ trên quầy.

“Muốn mua gì thì tự mình nhìn mà chọn.” Nữ bán hàng mặt tròn mắt to không ngẩng đầu mà nói.

Lý Tinh Tinh chê thái độ của bà ta không tốt, nhưng Lý Tú Hồng lại nhìn mãi cũng quen rồi: “Trước hết tôi muốn mua đồ dùng hàng ngày cho con gái, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, xà bông thơm, khăn mặt, giấy vệ sinh, kem bảo vệ da và dầu con sò.”

*Dầu con sò (Dầu nghêu) là một sản phẩm chăm sóc da ở Trung Quốc, được đặt tên như vậy vì nó có nhiều dầu và thường được bán bên trong vỏ sò.

Người bán hàng cuối cùng cũng ngẩng đầu lên, trên mặt cũng nở nụ cười: “Mỗi thứ lấy bao nhiêu?”

Lý Tinh Tinh vượt lên trước hỏi: “Giá cả thế nào ạ?”

“Bàn chải đánh răng Trường Mệnh một chiếc bảy xu, một hộp kem dưỡng trắng hoa cao sản xuất ở Thượng Hải giá năm đồng tám xu, lọ tách nhỏ một đồng, tự cầm bình đến chiết, dầu con sò lớn một đồng, hộp nhỏ tám xu, khăn lông lớn sáu đồng năm xu, giấy vệ sinh một cuộn một hào năm.”

Trí nhớ của người bán hàng không tốt lắm, đã bỏ sót xà bông thơm và kem đánh răng.

Lý Tinh Tinh ồ lên một tiếng: “Giá rẻ quá!”

Người bán hàng giật mình nhìn cô.

Giá rẻ? Cô ấy còn nói giá mấy thứ đồ này rẻ sao?

“Cô đúng là giàu nha!” Người bán hàng không đầu không đuôi thốt lên một câu: “Nông dân không quan tâm lắm đến vấn đề vệ sinh, cho nên rất ít khi đến mua những vật dụng vệ sinh cơ bản như thế này, lấy một lô hàng về phải bán rất lâu mới hết.”

Lý Tinh Tinh nhíu mày.

Không khó để lý giải hành động này của những người nông dân, cuộc sống hàng ngày trôi qua còn khó khăn, thì nào có tiền mà mua mấy thứ đồ dùng vệ sinh này chứ?

Không phải sao, nhà ông Lý ngay cả giấy vệ sinh còn không có, toàn là dùng vỏ bắp ngô để thay thế.

Chất lượng giấy vệ sinh bên trên kệ hàng rất đáng lo, còn kém hơn so với loại giấy vệ sinh bán buôn rẻ nhất trong siêu thị nhà cô.

Lý Tú Hồng lấy chiếc túi khăn tay ra: “Cho tôi một cái bàn chải đánh răng, một hộp kem đánh răng, một miếng xà bông thơm, một cái khăn lông to, một hộp kem dưỡng da, hai hộp dầu con sò lớn với hai cuộn giấy vệ sinh.”

Lý Tinh Tinh ghé người lên quầy: “Mẹ ơi, con muốn hai cái khăn mặt.”

Lau mặt với lau chân nên được sử dụng riêng.

“Được, vậy thì lấy hai cái đi!” Lý Tú Hồng cưng chiều đồng ý.

“Hai phiếu vải.”

Lý Tinh Tinh sửng sốt một chút: “Phiếu vải?”

“Tất nhiên, không có phiếu vải thì ai bán được khăn mặt cho cô chứ? Một cái khăn lông lớn thì phải tốn một phiếu vải đấy!”

Người bán hàng nhìn thấy Lý Tú Hồng đưa tới mười phiếu vải, đôi mắt khẽ động, cũng không vôi trả lại phiếu vải còn thừa: “Cô này, nếu chỉ mặc mỗi áo bông dễ bị dính bẩn lắm, mùa đông lại không dễ giặt, hay là mua cho con gái vài thước vải mày một cái áo khoác ngắn đi? Một thước vải kaki màu xanh lam chỉ cần sáu hào bảy xu thôi…”

Lý Tinh Tinh khoát tay nói: “Đừng, không cần đâu, con cũng còn áo choàng ngắn mà, ở trong rương ấy.”

Còn là vải nhung nữa đấy!

Ông ngoại còn tìm thợ may lão nghệ may cho cô mấy bộ quần áo, còn chưa mặc được mấy lần.

Ánh mắt Lý Tú Hồng lướt qua kệ hàng, cuối cùng rơi vào chỗ vải vóc đầy màu sắc: “Hay là mẹ mua cho con một cái khăn quàng cổ nhé?”

“Khăn quàng cổ? Con có mà, không cần mua.” Khăn quàng cổ của Lý Tinh Tinh còn là khăn lông cừu đấy, cô vội đổ đề tài: “Mẹ mua cho con hai cái cốc tráng men đi, một cái dùng để uống nước, một cái để đánh răng.”

“Được, mua!”