Lý Thanh Vận đã nhìn thấy thế giới ở đời sau, nên một dãy xã cung ứng vừa nhỏ vừa tồi tàn lọt vào mắt cũng không khiến cô thấy có gì lạ.
Cô làm bộ móc ra một xấp tiền phiếu từ trên người nhưng thực tế là lấy từ không gian ra, dựa theo danh sách mình liệt kê mà bắt đầu mua.
Trong không gian đã có lương thực, đến lúc đó cứ lấy ra là được. Cô chỉ mua hai mươi cân ngô không cần phiếu để mình nấu cháo ngô, hoặc là cháo gạo trộn ngô cũng rất tốt. Con người cũng phải ăn lương thực thô thích hợp, nhưng cao lương mà mọi người thường ăn thì cô lại không muốn, ăn thật sự thấy nghẹn họng.
Điều quan trọng nhất là thật sự rất rẻ, sau khi nhân viên bán hàng báo giá khiến cô cũng sợ ngây người, chỉ có chín phân tiền một cân, hai mươi cân cũng chỉ có một đồng tám hào.
Cầm một túi tro trắng, là một túi rất lớn, có lẽ quét dọn ba gian phòng cũng đủ dùng.
Đi tới quầy bán quần áo vớ giày, người phụ nữ trẻ tuổi cột bím tóc thấy cô lại đây, bèn nhiệt tình chào hỏi: “Chiêu Đệ, em đến rồi à, hôm nay mua gì thế?”
Người này miễn cưỡng xem như người bạn duy nhất mà nguyên chủ quen biết, mặc dù chỉ ở trên phương diện hợp tác làm ăn.
Cô cũng nhiệt tình gọi một tiếng: “Chị Thải Hà, hôm nay mua chút đồ cho con.”
Mua một ít kim chỉ, tuy rằng không biết làm quần áo, nhưng cũng khó tránh việc phải may may vá vá, với làm chút vật nhỏ gì đó.
Lại mua cho Đại Bảo hai đôi giày vải có đế, tối hôm qua đã dùng rơm rạ để đo độ dài của chân, cứ so theo đó mà mua là được. Hiện tại giày cỏ mà thằng bé đang mang là do ông nội thằng bé làm cho, sắp vào mùa thu trời trở lạnh, phải đổi sang giày vải.
Thật ra nguyên chủ cũng biết làm giày làm quần áo, nhưng cô lại không biết làm, chỉ có thể từ từ học theo trí nhớ của nguyên chủ, nên bây giờ vẫn phải mua thành phẩm cho đứa nhỏ mang trước. Cô cố ý chọn một cỡ lớn, như vậy có thể mang cả mùa. Trẻ con lớn lên nhanh, nếu to quá thì đệm thêm vào giày là được, chờ đi vừa lấy miếng đệm giày ra là thích hợp.
Cuối cùng chị Thải Hà còn giới thiệu cho cô mẫu vớ mới về, cô cũng mua cho Đại Bảo ba đôi, còn được khen là thật sự thương đứa nhỏ, làm người ta phải xấu hổ.
Bởi vì mua nhiều, Thải Hà còn làm chủ tặng một đôi găng tay nilon, vừa vặn thứ này cô cũng cần. Lúc làm việc nặng phải đeo găng tay dày để bảo vệ một chút, nếu không về sau tay sẽ không nhìn nổi nữa.
Tay của nguyên chủ được bảo vệ khá tốt, hai năm nay không làm việc, nên trên tay không có vết chai. Không thích ra ngoài, da vốn dĩ đã trắng, cho nên tay cũng mịn màng trắng nõn.
Bản thân cô cũng không cần mua cái gì, giày vải và giày bông mùa đông đều có hai ba đôi, vớ cũng đủ mang. Chỉ khổ cho Đại Bảo, mùa đông cũng không có giày ra ngoài, áo bông dày cũng không có. Trước kia hầu hết thời gian vào mùa đông đều trải qua trong nhà, năm nay cô sẽ không để thằng bé bị như vậy nữa.
Rời khỏi quầy quần áo, Thải Hà ra hiệu cho cô, cô gật gật đầu, hai người nở một nụ cười ngầm hiểu ý, rồi Lý Thanh Vận tiếp tục mua mua mua.
Dầu hỏa trong nhà không nhiều lắm, cũng phải mua một chút, nhưng cô quên mang theo bình đựng, may mắn chị gái ở quầy bách hóa cho cô “Mượn” một bình, cô mới thuận lợi lấy hai cân dầu hỏa.
Đương nhiên cô cũng thấu tình đạt lý mà lén cho chị gái hai phân tiền. Thời đại này buôn bán cá nhân sẽ bị phán là đầu cơ trục lợi, bị bắt đi diễu phố, nên tất cả mọi người đều rất cẩn thận.
Còn có đồ dùng sinh hoạt, kem đánh răng và bàn chải đánh răng. Cô mua bàn chải mới cho cả cô và Đại Bảo, tuy rằng cô có bàn chải đánh răng trong không gian, nhưng kiểu dáng không quá phù hợp với đặc trưng của thời đại này, cho nên vẫn phải cẩn thận cho thỏa đáng, dù sao cũng không đắt.