Chương 32: Thu Hoạch Dê Núi 3

Trong núi càng lạnh hơn, vì nhiệt độ lại hạ xuống nên hôm nay không có ai lên núi cả.

Sở Thấm cảm thấy người dân trong thôn quá lười nhác.

Trời không mưa, không có tuyết rơi càng không có mưa đá, vậy mà bọn họ lại không làm việc chỉ biết rúc trong nhà chơi đùa.

Trời ơi! Bọn họ không cảm thấy nguy cơ à?

Trong núi này đâu có mãnh thú dị biến, đi một chuyến sẽ có xác suất thu hoạch các loại thịt và rễ sắn.

Đừng nghi ngờ, bởi vì lúc này cô đã gặp được rễ sắn. Đây là thứ tốt, có thể dùng để làm thuốc.

Người dân địa phương gọi là hồ man đằng. Có thể đào vào mùa xuân và thu đông. Nếu luộc thẳng lên thì không ngon, mà phải tách ra thành từng phần, có hàm lượng tinh bột rất cao.

Nếu đã gặp được thì không bỏ sót, bản tính thích được hời muốn có được nhiều hơn đã khắc sâu vào trong xương tủy của cô.

Rễ sắn này thật sự không có bao nhiêu, ước lượng tầm hơn sáu cân. Sở Thấm bỏ vào trong gùi trúc đeo trên lưng, tiếp tục đi tới nơi đã đặt bẫy.

Dọc đường đi cô vừa đi vừa nghỉ, tiếp tục đào mấy cây hành dại và tỏi dại.

Hai cây này đều là thứ tốt, mùi vị nồng hơn cây do nhà trồng, dùng để xào thịt hay chiên trứng đều rất ngon. Vả lại bọn chúng còn mọc thành một bụi lớn, tìm thấy một bụi có thể ăn được hai ba bữa.

Tiếp theo là nấm đá.



Bởi vì mấy ngày trước trời mưa, cỏ cây trong núi có khả năng tích trữ nước rất cao. Vài nơi vẫn còn ẩm ướt cộng thêm nhiệt độ thấp, nên nấm đá mọc lên cũng chẳng có gì lạ.

“Tốt quá đi!” Lúc Sở Thấm ngồi xổm xuống hái nấm đá thì tiếp tục cảm thán: “Nơi này thật sự rất tốt, nếu chịu khó một chút thì hoàn toàn không sợ chết đói.”

Lợi ích do trời mưa mang đến là cây tề thái cũng sinh sôi phát triển một cách lạ thường.

Hai mắt của Sở Thấm đã sáng rỡ.

Bây giờ trong nhà cô không thiếu thịt cũng như các loại rau như củ cải, mà chỉ thiếu mỗi rau xanh.

Cây tề thái có thể dùng để làm sủi cảo. Thịt heo mua về từ lần trước đi chợ vẫn chưa ăn hết đâu.

Sở Thấm bỗng hết thèm bánh củ cải mà chuyển sang thèm sủi cảo cây tề thái thịt heo.

Nhổ xong cây tề thái ở khu vực này, cô cũng không còn thừa thắng xông lên nữa. Cô vẫn biết mục tiêu của mình là gì, nên không cần phải nhặt hạt vừng mà ném quả dưa hấu.

“Không biết có động vật nào ở trong bẫy không.” Sở Thấm đã thấm mệt, nhặt một cây gỗ lên chống.

Tầm chín giờ cô đã đến nơi.

Vẫn là hồ nước đó, vì trời mưa nên hồ đầy nước, rõ ràng đã tràn lên bờ rồi.

Sở Thấm nóng lòng đi đến chỗ đặt bẫy xem thử.



Cái thứ này không có. Cái thứ hai vẫn không có. Cái thứ ba... thật sự đã có.

Mắt cô bỗng sáng rỡ: “Có dê thật này.”

Lúc đó Sở Thấm cảm thấy gần đây có dê núi nên mới đào bẫy ở giao lộ.

“Không biết nó đã chết chưa.” Sở Thấm tràn đầy sức sống, ngồi xổm xuống chọc cây gỗ vào con dê.

Dê núi không lớn, nhưng nhìn đã trưởng thành. Sở Thấm khá tiếc nuối: “Mấy ngày trước trời cứ mưa mãi, nên không đến kịp, chắc chắn dê đã sụt đi vài cân.”

Cô lại tùy ý đâm vào, con dê mà cô vốn cho rằng nó đã chết bỗng run rẩy co giật.

“Hả? Vẫn chưa chết ư?” Sở Thấm vội ngồi xuống, cúi người đến gần để sờ vào, quả nhiên trên người con dê vẫn còn ấm.

Vẫn chưa chết.

Đúng là trong họa có phúc. Mưa to mấy ngày khiến Sở Thấm không thể nào lên núi, nên không kịp thu hoạch dê núi. Nhưng có lẽ là do trời mưa nên dê mới chưa chết, có nguồn nước bảo đảm nó sẽ chết trong tay Sở Thấm.

“Lần này được ăn thịt dê tươi rồi.” Sở Thấm càng hưng phấn, dê gầy cũng không sao.

Cô lấy dây thừng ra, trói dê núi đã thoi thóp lại, rồi men theo đường núi kéo xuống chân núi.

Tốt quá đi! Lại là một ngày bội thu.