Chương 71: Kinh thành loạn chiến

Đầu tháng hai năm 1665 Hiếu Trang dùng bản danh sách làm lý do hạ chỉ sai cha con Sách Ni đem ngự lâm binh tới tỉnh Tuyền Châu bắt Trịnh Chi Long giải về kinh thành.

Hiếu Trang sợ trên đường trở về kinh thành có trở ngại bèn phái thêm Khang Nạp, Mã Tề, Long Khoa Đa dẫn một toán ngự tiền thị vệ đi theo kèm giữ.

Trịnh Chi Long bị đưa về kinh thành giam vào công đường của hình bộ.

Tiếp theo đó là một đạo thánh chỉ hạ xuống, Hiếu Trang sai Lưu tướng quốc, Đổng trung đường, tuần phủ Phúc Kiến Đồng Quốc Khí dùng nghiêm hình thẩm vấn.

Trịnh Chi Long chịu không nổi trọng hình cuối cùng cũng nhận đã từng là đầu đảng của băng cướp biển Thập Bát Chi, lại nhận thêm tội lén lút liên lạc với Trịnh Thành Công.

Lưu tướng quốc bèn truyền cho quân lính cùm chân xích tay họ Trịnh, tống vào nhà lao, rồi đem hết bản khẩu cung tâu lên.

Tiêu Phong đến xem bản cung, thấy trong đó ghi lời khai của Trịnh Chi Long hoàn toàn phù hợp với những gì ghi trong bản danh sách.

Năm xưa Trịnh Chi Long là một viên tướng đã từng có công với triều Thanh vì đã từ bỏ nhà Minh để quy thuận nhà Thanh nên được phong là Tinh Kỳ Ni Cáp Phiên, rồi Đồng An Hầu.

Nhưng sau đó, khi đầu đảng của băng cướp biển Nhan Tư Tề chết, Trịnh Chi Long lấy lý do sức khỏe không tốt để từ quan, cho tập hợp các thủ lĩnh hải tặc khắp bốn phương lại thành lập tổ chức cướp biển vũ trang mang tên Thập Bát Chi, một lực lượng bao gồm mười tám tên cướp biển khét tiếng nhất thời bấy giờ.

Dưới sự chỉ đạo của Trịnh Chi Long tổ chức cướp biển này đã phát triển số lượng nhân sĩ trở thành một tập đoàn cướp biển hung bạo và lớn mạnh nhất ở tỉnh Phúc Kiến, hoành hành dọc ven biển miền nam và eo biển Đài Loan.

Tri huyện Đồng An phủ Tuyền Châu đương thời đã tìm đến tuần phủ Phúc Kiến kể tội ác của Trịnh Chi Long đối với trăm họ ở Tuyền Châu, không những gϊếŧ người mà còn chuyên việc cướp phá vô cùng tàn bạo.

Tuần phủ Phúc Kiến tìm cấp sự trung Nhan Kế Tổ bàn việc dâng tấu triệp cho Đa Nhĩ Cổn, trong tấu triệp viết rằng "tên cướp biển Trịnh Chi Long sinh trưởng tại Tuyền Châu, tụ tập bọn vong mạng có đến hàng vạn người, cướp bóc nhà nhà, làm cho dân tình cực kỳ căng thẳng, dẫn đến tình trạng dân chúng không sợ quan mà sợ cướp biển..."

Đa Nhĩ Cổn mang tấu triệp đi tìm Lâm Đan bày mưu và hợp quân với thủy binh của Lâm Đan vây bắt Trịnh Chi Long…

Tiêu Phong đọc xong bản cung triệu Lưu tướng quốc, Đổng trung đường, Đồng Quốc Khí vào bàn định mọi việc.

Họ Đồng tâu:

- Kẻ gian thần chuyên quyền đại nghịch như Trịnh Chi Long cần phải nghiêm hình trừng trị!

Cuối cùng hội nghị đại thần nghị chính vương quyết định nghị luận, ghép Trịnh Chi Long tội cầm đầu băng cướp biển Thập Bát Chi, kết thêm tội danh tư thông bên ngoài, đày cả nhà tử tội đến Ninh Cổ Tháp chờ xử tử.

Đạo thánh chỉ bản án vừa hạ xuống, Tô Khất tới ngay nha môn bộ hình cho lôi phạm nhân từ đại lao ra kiểm nghiệm lại xem có phải Trịnh Chi Long thật không rồi mới tuyên đọc thánh chỉ:

- Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết…

Trịnh Chi Long nghe Tô Khất đọc thánh chỉ xong ngước mặt lên trần nhà, không những không oán trách Thanh triều mà còn lạy tạ, mắt nhỏ lệ như mưa.

Cuối tháng hai năm 1665 Hiếu Trang hạ lệnh chém đầu Trịnh Chi Long cùng thân tộc tại Sài Thị ở kinh sư, sau đó đem đầu Trịnh Chi Long treo ở cửa khẩu Thiên Tân. Năm đó Trịnh Chi Long hưởng dương sáu mươi lăm tuổi.

Tô Khắc Táp Cáp tới Ngao tông phủ báo tin với Ngao Bái về cái chết của Trịnh Chi Long.

Ngao Bái qua nghe giật mình, đương nhiêu là hiểu âm mưu của Hiếu Trang.

Chỉ là bấy lâu Ngao Bái cảm nhận được Hiếu Trang rất có năng lực, lại không ngờ Hiếu Trang có năng lực đến chừng này.

Đầu tháng ba năm 1665 Trịnh Thành Công dẫn đại quân đi thuyền từ đảo Đài Loan xuôi theo khu vực ngoài khơi Đông Nam hướng đến Thiên Tân.

Trên đường tiến công, Trịnh Thành Công cho binh lính gióng trống trận ầm ĩ, âm thanh càng lúc càng mau, càng lúc càng lớn mạnh, nghe chẳng khác gì quỷ chú đòi mạng.

Thêm vào đó hôm đó bầu trời mây đen vần vũ, tiếng trống hòa tiếng sấm chớp nhanh rạch bầu trời ngang dọc thành nhiều mảnh. Trịnh Thành Công đứng trên đầu thuyền chỉ huy, biên chế binh lính thành hai thê đội, đích thân họ Trịnh chỉ huy thê đội thứ nhất với hơn ba vạn quân binh, một trăm hai mươi chiến thuyền tiến thẳng vào cửa khẩu Thiên Tân.

Số chiến thuyền còn lại đi xuống hướng nam tiến quân với tốc độ cực nhanh, vòng lên Thiên Tân để đánh bọc hậu.

Trịnh Thành Công nắm rất vững khí hậu, thời tiết và đường hàng hải nên quân đội hành quân rất thuận lợi.

Sau một ngày đêm thuyền đã đến nơi.

Cửa khẩu Thiên Tân rộng khoảng một dặm, đó là con đường hàng hải để đi vào các sông nội địa và cũng là cửa hải quan dùng để vận chuyển áp phiện. Tại phía nam cũng có một con đường hàng hải tương tự do một số quân sĩ của Ngao Bái đóng giữ.

Lúc bấy giờ tổng số quân trú đóng tại kinh thành chủ yếu đóng tại Thiên Tân, được lệnh của Ngao Bái đã đổ dồn đi tác chiến, bỏ lại kho thuốc với vài ngàn quân coi giữ.

Quân Ngao Bái cho rằng tại cửa hải quan phía nam đá ngầm rất nhiều, dẫn tới từ trước đã có thuyền chìm ở đó gây ách tắc việc qua lại của tàu chiến.

Hơn nữa đó là vùng nước nông, không thuận cho việc hành quân của binh lính thủy chiến của Trịnh Thành Công vì quân Trịnh không quen địa hình nơi đó.

Do vậy mà quân Ngao Bái lơ là canh phòng phía nam. Trịnh Thành Công nắm bắt được sơ hở này, lợi dụng nước triều buổi sớm đang dâng, nhờ Hà Bân làm hoa tiêu đưa chiến thuyền đi vòng qua pháo đài địch, nhanh chóng tiến vào nội hải, sau đó lập tức cho quân đổ bộ lên đất liền.

Theo như đã được phân công quân chủ lực của Trịnh Thành Công đổ bộ lên cảng, tiến thẳng đến lực lượng quân Ngao Bái mà đánh.

Một cánh quân khác của Trịnh Thành Công đánh từ hướng nam lên nhằm bảo đảm cho quân chủ lực đổ bộ an toàn.

Tiêu Phong cùng quân đoàn Chính Bạch Kỳ di chuyển dân chúng vùng ven biển vào nội địa trong khi Ngao Bái tăng cường quân số bảo vệ vùng ven biển.

Ngao Bái ra lệnh cho Tịnh Nam vương Cảnh Kế Mậu đưa quân đến bảo vệ kinh thành, đồng thời bổ nhiệm Lạc Thác làm An Nam tướng quân phụng mệnh đi đánh dẹp Trịnh Thành Công.

Lạc Thác dẫn quân đến Thiên Tân, từ xa đã thấy hướng đông nam đang giương cao một cây cờ soái màu đen, trên đề chữ Minh màu trắng, lệch về phía nam là một cây đại bạch kỳ khác thêu chữ Trịnh màu đỏ đang nhe nanh múa vuốt.

Cả hai cây cờ đều bay phần phật trong gió.

Hai cây đại kỳ này vượt lên tất cả những chiến kỳ khác chừng nửa trượng.

Trịnh Thành Công chỉ huy chiến hạm xông vào trận địa quân địch.

Binh lính của Trịnh Thành Công đổ bộ xuống đất liền hăng hái tác chiến, vừa chạy vừa nhất tề hét vang khiến cho quân sĩ giàu kinh nghiệm trận mạc của Lạc Thác cũng phải chấn động màng nhĩ.

Trên bình nguyên mênh mang bên ngoài kinh thành, tinh kỳ của Cảnh Kế Mậu cũng đã kéo tới nơi, rờm rợp như biển, tầng tầng binh mã sát khí ngút trời, cờ của quân đoàn Cảnh Kế Mậu là cờ hiệu rồng vàng thêu trên nền vải đỏ thẫm, diễu võ dương oai ở ba trượng trên cao.

Đôi bên giáp chiến, tình thế phức tạp không thể tả, bóng đao bóng kiếm, tiếng la tiếng hét vang trời nhấn chìm cả tiếng sấm.

Hai canh giờ sau, quân đội Trịnh Thành Công đã chia ra làm hai bộ phận từ sớm, thành công đột nhập từ cửa khẩu phía nam, trấn áp quân của Ngao Bái ở đó và hướng về kinh thành.

Quân đoàn này là do Trần Bàng chỉ huy.

Trước tình hình nguy cấp, quân trú phòng của Ngao Bái chỉ có thể cố thủ, lấy thân mình kết thành tường chắn, liều chết kháng cự, ngăn chặn địch nhân chọc qua lỗ hổng tràn vào như nước triều.

Ngao Bái ở trong phủ hay tin bèn phái bốn chiến hạm phản công vào bên sườn quân Trần Bàng.

Trần Bàng không chút e dè, cho quân chủ lực tổng tấn công quân Ngao Bái.

Trong trận đầu quân Trần Bàng bắn bị thương ba chiến hạm của Ngao Bái, chỉ có một chiếc chạy thoát.

Ngao Bái tăng cường thêm binh sĩ, sai Tổ Đại Thọ đưa đại quân đến để phản công chính diện, ngoài ra còn sai một ngàn kị binh vòng ra phía sau giáp công nhưng bị đại quân và kị binh của Trần Bàng đánh tan.

Nhân lúc binh mã của Ngao Bái đang chống trả đại binh đến từ hải đảo, Tô Khất và Cửu Dương dẫn người phóng hỏa kho thuốc phiện Thiên Tân, đốt hơn hai vạn thùng thuốc phiện của thương nhân Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Đức, Ba Lan.

Tân Nguyên dìu Hiếu Trang bước lên gác lâu trông ra ngoài cung, thấy ngoại thành ngùn ngụt khói cuộn, rừng rực lửa cháy, màu đen u ám tràn ngập khoảng không trải dài hàng chục dặm.

Để thi hành triệt để việc cấm nha phiến, Tiêu Phong và Sách Ngạch Đồ dẫn quân tới Thiểm Tây đốt bỏ kho thuốc thứ hai.

Hôm đó Thiểm Tây ủ dột dưới màn khói đen dày đặc, cả vùng đất đều vô quang hôn ám.

Tiêu Phong lại điều tra biết được nhà hút lớn nhất nằm ở đâu, liền sai Nhạc Chung Kỳ đem binh lính tới đóng cửa nhà hút, tịch thu được gần hai ngàn tẩu thuốc và hủy trên mười ngàn lạng thuốc phiện.

Thêm vào đó, Tiêu Phong viết cho lãnh sự Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Đức, Ba Lan một bức thư, buộc trong ba ngày phải tuyệt đối trình hết số lượng nha phiến mà thương nhân các nước vẫn còn tích trữ, trong thư chứa đầy hàm ý trách cứ bọn con buôn đã lợi dụng lòng nhân từ của triều đình cho họ làm ăn dễ dàng mà đầu độc dân.

Bọn con buôn ở các nhà hút dưới tay người Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Đức, Ba Lan không tuân lệnh.

Tiêu Phong kêu Triệu Phật Tiêu đem quân tới bức.

Số con buôn của người Pháp, Bồ Đào Nha, Đức, Ba Lan vì bảo toàn mạng sống, bất đắc dĩ phải nộp phân nửa số thùng thuốc dự trữ.

Tiêu Phong biết là chưa đủ số, tức khắc đuổi thương nhân các nước ra khỏi quan ải, chờ họ dời đi chỗ khác rồi mới bắt giam hết các người làm công, mấy ngày sau lại đem binh vây thương quán Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Đức, Ba Lan.

Lãnh sự của bốn nước Pháp, Bồ Đào Nha, Đức, Ba Lan muốn cho êm chuyện đành khuyên các thương nhân nộp toàn bộ số thuốc phiện, hết thảy được hơn ba mươi ngàn thùng, nặng tới một tấn, trị giá gần sáu ngàn vạn đồng bạc Âu kim.

Tiêu Phong tự tay xem xét từng thùng trước khi đốt bỏ hết và đổ xuống biển Hoa Đông, rồi viết cáo thị cảnh cáo thương nhân các nước biết nếu về sau thuyền buôn nào vào bến mà chở thuốc phiện thì hàng hóa bị sung công, người bị tội chết.

Thương nhân các nước Pháp, Bồ Đào Nha, Đức, Ba Lan đọc cáo thị, giận đến tím mặt nhưng tất cả đều tuân theo, ngoại trừ thương nhân Anh.

Chẳng những không đồng ý, không nộp ra số thuốc phiện mà vài ngày sau có một chiếc tàu Anh ghé Hương Cảng, nhóm thủy thủ người Anh lên bờ say rượu, cưỡиɠ ɧϊếp tập thể một dân nữ và bắn chết năm binh sĩ trong đoàn binh Chính Bạch Kỳ vì đã ra sức ngăn trở.

Tiêu Phong nghe tin, tức tối yêu cầu người Anh giao nạp nhóm thủy thủ nọ để xử tử vì nói là “sát nhân thì phải thường mạng…” Lãnh sự Anh không chịu, cử người mang tới phủ Viễn nộp năm mươi Anh bảng để đền bù năm mạng người.

Tiêu Phong ném số ngân lượng ra khỏi phủ, hạ lệnh cấm người Anh buôn bán trong nước, không cho tàu Anh nhập cảng nữa.

Anh quốc phản ứng lại.

Cuối đông năm 1665 ba trăm năm mươi chiến thuyền Anh chở hơn mười ngàn quân tới Áo Môn chuẩn bị khai chiến.

Lại nói tiếp trận đánh giữa Ngao Bái và Trịnh Thành Công.

Sau hai mươi ngày giao chiến quân của Ngao Bái vẫn cố thủ, không hề khuất phục.

Trịnh Thành Công bèn sử dụng chiến thuật vây hãm, cắt đứt toàn bộ chi viện ở các nơi dẫn đến Thiên Tân, đợi quân Ngao Bái ở Thiên Tân kiệt lực phải đầu hàng.

Quân Ngao Bái hết lương thực song vẫn không hàng, Trịnh Thành Công lập tức cho tập trung toàn bộ lực lượng tiến công không ngờ đến thời điểm khắc nghiệt nhất, lúc đang đánh nhau quyết liệt thì mây trời vần vũ, gió biển nổi lên, mưa trút xuống ào ào như thác, gió bão rất to khiến cho phân nửa số quân của Trịnh Thành Công không quen địa hình bị đánh bật trở ra ngoài khơi.

Còn lại Trịnh Thành Công và phân nửa số lượng quân sĩ, Ngao Bái bèn cử tướng Đạt Tố, tổng đốc Mân Triết Lý Soái Thái đưa quân xuất phát từ Chương Châu và Đông An mang quân tiến đánh.

Trịnh Thành Công cùng Trần Bàng, Chu Toàn Bân, Trần Huy, Hoàng Đình, Chu Thụy, Trần Nhiêu Sách chống trả.

Quân Ngao Bái đi từ Chương Châu đến thẳng Thiên Tân.

Hai bên lại giao chiến.

Quân Đạt Tố lặng lẽ bọc Trịnh Thành Công và một đoàn tướng sĩ vào giữa. Trịnh Thành Công thấy rõ tình hình rất khó khăn, không còn dễ dàng hành động như trước nữa.

Nhưng xưa nay họ Trịnh rất chiếu cố quân sĩ, lúc này binh lính biết gặp phải đại kình địch, trong lòng đều có ý lấy cái chết để bảo vệ Trịnh Thành Công thoát khỏi vòng vây.

Tướng của Trịnh Thành Công là Chu Thụy và Trần Nhiêu Sách bị tử trận.

Quân Ngao Bái ép sát, chiếm được chiến thuyền của Trần Huy buộc Trần Huy phải đốt cháy thuyền của mình. Lúc ấy số lương thực mang theo từ hải đảo ngày càng vơi đi, tình hình khó khăn đang ngày càng đè nặng.

Quân Trịnh đại bại, tuy nhiên Trịnh Thành Công vẫn bình tĩnh quyết đoán, quyết định ngay tối hôm đó phải lựa theo chiều gió để rút quân. Đông đảo các tướng sĩ đều thuận theo hướng gió thu quân lên thuyền lướt sóng trở về Đài Loan.

Cuối đông năm 1665 do sức lực cùng kiệt Trịnh Thành Công đành phải rút quân. Sự kiện này đánh dấu kết thúc phong trào phản Thanh phục Minh ở hải đảo.

Khi trở về Đài Loan, trong lòng Trịnh Thành Công vừa buồn vừa hận nên lâm bệnh nặng, không lâu sau qua đời, trước phút lâm chung đã gào lên “ta không còn mặt mũi nào nhìn tiên đế dưới suối vàng nữa” rồi lấy tay cào nát mặt mà chết.

Tuy Ngao Bái giành được chiến thắng trong trận đánh với Trịnh Thành Công nhưng phải đối đầu với chiến tranh nha phiến.

Nhưng trước khi chiến tranh nha phiến kịp xảy ra, Ngao Bái tập trung Tô Khắc Táp Cáp và Át Tất Long vào phủ bàn bạc.

Át Tất Long chủ kiến bảo Ngao Bái và Tô Khắc Táp Cáp cùng gã đưa ra một số ngân lượng rồi đem số ngân lượng khổng lồ đó dâng lên lãnh sự Anh, bồi thường số lượng nha phiến đã bị hủy trong kho thuốc Thiên Tân và Thiểm Tây, đồng thời cũng bồi thường tờ hợp đồng buôn bán giữa hai nước bị chấm dứt một cách đột ngột.

Đế quốc Anh đồng ý rút binh.

Tháng tư năm 1665 tất cả các tàu chiến của Anh rời hải phận.