Lần đầu tiên tôi nghĩ đến câu chuyện này là vào một ngày đông có tuyết rơi hai năm trước.
Khi đó tôi vừa mới nộp bản thảo “ Câu chuyện buồn về mối tình đơn phương”, giữa mùa đông lạnh giá, con phố quê nhà nhộn nhịp vô cùng, những chiếc đèn màu treo ven đường như bộ áo mới lộng lẫy trang hoàng cho thị trấn nhỏ phủ đầy tuyết trắng này.
Mặc chiếc áo phao dày, tôi đi trên phố, tâm trí vẫn còn đắm chìm trong câu chuyện vừa viết xong, chợt nhận ra rằng mình có thể dùng việc viết lách để lưu giữ những ký ức, biến câu chuyện này thành một cuốn tiểu thuyết xuất bản, quả thực là một duyên kỳ ngộ.
Tuổi trẻ vì không đủ can đảm, đến khi trưởng thành mới viết về những nuối tiếc.
Về đến nhà tôi mở Weibo, vừa hay thấy một người em độc giả chia sẻ với tôi một câu nói của Kinh Trúc Kiều.
“ Bạn lúc nào cũng chậm một nhịp, lại không thích thẳng thắn. Vậy nên bạn không đón chuyến xe đầu tiên, không cùng nhau ngắm biển, lệch thời điểm mới nói lời yêu.”
Như thể tâm sự bị chạm đến, tôi nhìn chằm chằm màn hình điện thoại rất lâu. Vì không đủ thẳng thắn, vì lúc nào cũng chậm một nhịp nên những lời yêu thương bị thời gian bỏ lỡ, khiến chúng ta không thể vừa cảm nhận tình yêu vừa nói ra yêu thương.
Khoảnh khắc ấy, tôi bỗng muốn viết một câu chuyện để diễn tả tâm trạng của mình lúc đó, thế là cuốn sách này—“Thanh Thanh” ra đời.
Trong lời tựa, tôi trích một câu hát trong bài “ Từ từ lạnh giá”.
“Tại sao người từng nồng nhiệt lại trở nên lạnh nhạt trước, còn người chậm nhiệt lại không thể dừng sôi sục.”
Người hướng nội, chậm nhiệt dường như dễ dàng được một người hướng ngoại, nhiệt tình mở lòng hơn.
Trong câu chuyện này, Thẩm Băng Thanh chủ động bước vào thế giới của Tạ Trạch Dương trước, sự tiếp cận nhiệt tình và chân thành của cô đã khiến hai con người vốn có tính cách trái ngược bắt đầu gặp gỡ và thu hút lẫn nhau.
Thẩm Băng Thanh là người đến gần trước nhưng cũng là người rời đi trước.
Tôi thường nghĩ, chưa chắc người từng nồng nhiệt lại sớm lạnh nhạt, cũng chưa chắc người chậm nhiệt lại dài lâu. Có lẽ sự hợp tan của một mối duyên phụ thuộc vào việc tình cảm giữa hai người có đồng điệu hay không.
Thẩm Băng Thanh sớm chọn cách buông bỏ và rời xa vì cô không cảm nhận được đầy đủ tình yêu từ đối phương. Còn Tạ Trạch Dương thì luôn yêu cô sâu đậm nhưng lại không thể kịp thời nói ra tình yêu ấy vào thời điểm thích hợp.
Nhìn từ góc độ khác, chẳng phải Thẩm Băng Thanh cũng chưa bao giờ nói ra tình cảm của mình sao?
Khoảng cách thời gian trong tình cảm không phải không thể lấp đầy, chỉ là duyên phận thường ưu ái người dũng cảm mà cả hai người họ lại đều là những kẻ nhút nhát.
Thế nên tình yêu dâng trào giữa họ đã bị sự rụt rè và do dự cản trở, trở thành bí mật mãi mãi chôn giấu trong mùa hè ấy.
Khi bánh xe thời gian quay, có người tiếp tục bước về phía trước, có người bị mắc kẹt ở mùa hè đó.
Giống như một câu hát khác trong bài “ Từ từ lạnh giá”—
“Người chậm lạnh, tự dằn vặt chính mình.”
Trong phần ngoại truyện “Tạ Trạch Dương”, tôi đã viết về một cuộc trò chuyện giữa Tạ Trạch Dương và Giang Manh.
Giang Manh nói với Tạ Trạch Dương rằng, cô giáo Lâm Nhứ đã từng nói với cô một câu: “Hãy dũng cảm thêm một chút, Manh Manh. Vì lòng dũng cảm có thời hạn.”
“Dũng cảm” là một “ưu đãi giới hạn của tuổi trẻ”, thời hạn chỉ vỏn vẹn vài năm ngắn ngủi.
Có lẽ chúng ta đều biết mình nên dũng cảm.
Vậy mà vẫn chọn lùi bước, do dự đến tận bây giờ, chỉ vì dũng cảm thật quá khó. Yêu thầm luôn là điều không thể nói ra, mà một khi nói ra rồi thì không còn là yêu thầm nữa.
Tại sao lại không nói ra được?
Bởi vì nó gắn liền với quá nhiều sự tự ti và e dè, những lo lắng và bất lực trong lòng chúng ta và còn có liên hệ với tính cách, trải nghiệm trưởng thành, môi trường sống của mỗi người.
Tôi đã từng viết bốn câu chuyện yêu thầm xảy ra tại trường Thực nghiệm, trong bốn câu chuyện ấy, có rất nhiều người trẻ không thể dũng cảm bày tỏ lòng mình.
Mỗi người đều có nỗi niềm riêng. Qua họ tôi nhìn thấy chính mình trong quá khứ và cũng tha thứ cho chính mình.
Tôi hiểu rằng dũng cảm thật quá khó, nhưng cũng hiểu rằng không đủ dũng cảm sẽ để lại bao nhiêu nuối tiếc.
Có lẽ chỉ cần thêm một chút dũng cảm thôi, câu nói “Tớ thích cậu” đã có thể đến được tai đối phương.
Hy vọng chúng ta đều có thể nắm bắt thời hạn của lòng dũng cảm, lấy hết can đảm để lật mở tấm vé đổi thưởng mang tên “ưu đãi tuổi trẻ” này.
Cuối cùng, tôi muốn nói lời cảm ơn chân thành đến các bạn độc giả đã luôn đồng hành cùng tôi. Cảm ơn các bạn đã ghé thăm góc nhỏ kín đáo trong tim tôi, nâng niu một bó ánh sáng le lói soi rọi nó, cũng soi rọi cả tôi.
Cuốn sách tiếp theo tôi sẽ viết về câu chuyện của Giang Manh và Hứa Trừng Quang.
Mong rằng chúng ta sẽ có duyên gặp lại trong câu chuyện tiếp theo.
Mạnh Chi Vãn.