Chương 27: C27: Cái Phòng Tự Học

Một tuần trước khi thi giữa kì II, cô giáo chủ nhiệm có nhắc đến một vấn đề vô cùng quan trọng. Đó là 5 người đứng nhất toàn trường sẽ được hưởng riêng một phòng tự học trong trường, có điều hoà các thứ đầy đủ, cũng không bắt buộc phải lên lớp nghe giảng. Ái Lạp khi ấy đang ngủ cũng phải tỉnh lại từ trong mơ. Giờ ra chơi, nó ngồi ở ghế đá dưới sân trường, quyết tâm đập bàn hét lớn:

- Tao nhất định sẽ lọt top 5!

Bảo và An nhìn nhau, liếc xuống phiếu kiểm tra anh 6 điểm đỏ chói của Ái Lạp, mặt kiểu: Gió ở đâu tới nhiều vậy? Rét quá!

Trí vô cùng tán dương ý trí và nghị lực của Ái Lạp. Ngược lại Quỳnh Giao ấp úng khó mở lời, thử khuyên:

- Ái Lạp à, muốn lọt top thì điểm anh phải trên 8, mà đợt thi này trường sẽ trông gắt hơn....

Lần này đến lượt tầm mắt của Ái Lạp chuyển tới tờ phiếu anh của bản thân. Nó ho nhẹ, không biết xấu hổ xoay ngược tờ giấy, thế là số 6 biến thành số 9 đẹp đẽ. Ái Lạp dương dương tự đắc, hất đầu lí luận:

- Học giỏi hay không là tuỳ vào cách nhìn nhận mỗi người. Tao.... Ay da, sao mày đánh tao?!

Bảo lạnh lùng thu tay lại, mặc cho Ái Lạp vẫn còn xoa cái trán đáng thương của mình. Cậu lắc đầu, làm ra vẻ lần này trời mới có thể vứt phao vào cho Ái Lạp, nghiêm túc nhắc nhở:

- Cố văn và toán đi, đừng có mơ mấy thứ hão huyền.

Ái Lạp buồn bực khỏi nói, tờ phiếu anh càng ngày càng trở nên trướng mắt với nó. Ái Lạp thở dài, nghĩ đến phòng riêng điều hoà riêng, lại không phải lên lớp mấy môn phụ, thấy bất lực khôn cùng. Nhưng vào lúc đó tay Ái Lạp lại bị một người nắm lấy. Con bé ngẩn người ngước lên nhìn, bắt gặp Cường với nụ cười ẩn ý trên môi, thoáng chốc ngờ ngợ.

- Tiếng mẹ đẻ của tôi là tiếng Anh, tôi có thể phụ đạo cho cậu.

Có lẽ do phong thái phóng khoáng của người nước ngoài, Cường thản nhiên đan tay mình vào tay Ái Lạp, nghịch nghịch làm Ái Lạp rợn hết cả người. Trí huýt một hơi sáo dài, âm thầm đánh giá sắc mặt của Bảo, hạnh phúc chờ trò vui. Quả nhiên, Bảo lập tức dùng sách đập vào tay Ái Lạp khiến nó đau quá rụt tay, mỉm cười nói với giọng điệu u ám:

- Chuyện học hành của Ái Lạp trước giờ là do tôi quản, cũng không dám làm phiền đến cậu.

Bảo nhướng mày với An, bà chị hiểu ý, lập tức lôi từ trong túi ra tờ giấy ướt, lặng lẽ lau tay cho Ái Lạp dưới bàn. Ái Lạp đần mặt ngồi giữa Bảo và An, đáy lòng dâng lên cảm giác buồn phiền vì hai đứa kia lại sắp gây chuyện.

- Cậu quản? Rồi thành tích Ái Lạp có lên không? Hay vẫn thế?

Cường không vừa, nét cười trào phúng trên mặt cậu ta toát ra vẻ gì đó yêu mị khác thường. Cũng chẳng biết ban đầu ai là người đã gán cho Cường cái danh vô cảm, trông cái mặt cậu ta bây giờ xem, cứ như con nít vui vẻ vì giành được kẹo người khác vậy.

Nếu Ái Lạp không lầm, hình như người đó là cô chủ nhiệm. Ngay từ lần đầu tiếp xúc Ái Lạp đã biết Cường thuộc mẫu người kiệm lời, song mức độ kiệm lời ấy luôn đạt đến level max khi ở trên lớp. Câu hỏi của giáo viên đôi khi cậu còn chẳng thèm đáp, huống hồ việc giao lưu làm thân với bạn học. Cường cứ như cái biển báo cấm lại gần, hận mọi người không thể tránh xa cậu càng nhiều càng tốt.

Tuy nhiên mỗi khi ở gần Ái Lạp, Cường luôn tỏ ra thân thiện, nụ cười mỉm thường xuyên xuất hiện trên khuôn mặt đẹp đến xuất sắc kia. Mặc dù vẫn kiệm lời như vậy, nhưng mỗi câu cậu nói ra đều là trí mạng, đâm chọc người ta thủng lỗ chỗ, mà đối tượng phải hứng thường xuyên nhất chính là Bảo.

- Lên hay không lên cậu biết được chắc? Đầu có kiến thức là được rồi, thành tích cũng chỉ là thứ đánh giá khách quan mà thôi.

Xong rồi, bầu không khí lúc này đã trở nên rét lạnh đến tệ hại, dù rằng trời đã vào xuân và ấm áp hơn, nhưng đám Ái Lạp vẫn không thể ngừng đổ mồ hôi lạnh. Long tranh hổ đấu, không hiểu Bảo và Cường là hai loại khắc tinh gì, cứ gặp mặt nhau liền tiền trảm hậu tấu, hận không thể đập chết đối phương rồi hốt xác bỏ xuống cống ngay tắp lự. Ái Lạp phát sợ với cái kiểu mặt tươi cười lòng phóng dao của mấy người này. Con bé lia mắt sang người có IQ 160 đang ngúng nguẩy hút nước xem kịch, a lên một tiếng:

- Không phải Trí có IQ cao lắm à? Ông nghĩ cách thông não tôi mấy cái này đi?

Lời vừa dứt, ánh mắt hết thảy mọi người quanh bàn đều đổ dồn về phía đàn em Trí đáng thương. Sự hưởng thụ trên khuôn mặt Trí nhanh chóng biến mất, thay vào đó là vẻ cười không nổi. Anh thầm nghĩ quả này xong rồi, đại tỷ ném ngọn lửa lớn về phía này, cũng không lo anh sẽ chết cháy. Trí mếu máo:

- Đại tỷ, luật nhân quả không chừa một ai.... Tỷ mẹ nó ác lắm!

- Nói nhiều thế nhỉ, tôi bảo ông giảng thì ông cứ giảng, ai làm gì được ông?

Vâng, không ai làm gì em. Tỷ xem xem có phải em sắp bị hai người kia mang ra rắc hành nướng vỉ rồi không?

Trí đáng thương cầu cứu An, âm thầm ra hiệu sẽ trả ơn sau. An gật đầu quay sang kéo tay Ái Lạp, khéo léo ngồi xích gần nó, thử đề nghị:

- Chị học cũng được mà, sao em không nhờ chị? Em không tin tưởng trình độ sư phạm của chị à?

Thành tích học tập của An đúng là không tệ, không quá khoa trương cầu kì nhưng đủ để người ta đánh giá ở loại giỏi và chăm. Ái Lạp cân nhắc vài giây, nhẹ nhàng bỏ miếng bim bim vào mồm, nói:

- Tôi tất nhiên tin tưởng trình độ sư phạm của chị. Nhưng chị nên học cho bản thân đi, chị không phù hợp với tôi đâu.

Lời qua tiếng lại, cuối cùng vấn đề bé xíu như con kiến bị nâng lên tầm cỡ quốc gia, làm cho năm người ngồi quanh bàn cãi nhau ầm trời. Quỳnh Giao tự nhận bản thân là em gái rụt rè bé nhỏ, lời nói không chắc có địch được với mấy vị mồm to ở đây hay không. Tuy nhiên con bé vừa mới mở miệng, tất cả đều im bặt:

- Sao không học nhóm?

***

Cái phòng tự học ấy cũng không phải chỉ có mình Ái Lạp nhắm đến.

Vy được mệnh danh là soái tỷ của khối 9, nếu dùng hai chữ để nói về cô thì chính xác là "ba tốt". Mặt đẹp, học giỏi, còn có người yêu đẹp trai, từng ấy thứ thôi cũng đủ làm bao nhiêu người trong cái trường này hâm mộ muốn chết rồi. Vy có một cô bạn rất thân, là chị sao đỏ lớp 9B đã bị Bảo đạp cho nôn ra mật xanh mật vàng ở canteen, chuyện ấy đến nay Vy vẫn còn nhớ kĩ trong đầu.

Cái phòng tự học kia chia thành năm gian nhỏ, mỗi gian rộng đủ trải một cái nệm cho bốn người nằm. Phòng còn có điều hoà, bàn học gắn tường, tủ lạnh chung, có cả nhà vệ sinh phòng tắm chung, việc nó trở thành nơi lí tưởng để tụ tập tám chuyện thật sự rất hiển nhiên.

- Vy à, mày học giỏi thế nhất định sẽ tranh được cái phòng tự học kia thôi.

Vy liếc Trinh đang thở dài, hiểu rằng cô bạn đang muốn cái phòng ấy lắm bèn dừng bút, làm bộ thờ ơ hỏi:

- Tao muốn trốn tiết thì làm gì có ai cản nổi, cần cái phòng ấy làm gì. Nếu tao có lọt top, phiền mày dùng hộ.

- Thật sao? Thế cũng được hả?

Nét mặt Trinh sáng rỡ, hưng phấn khiến giọng hơi lớn hơn bình thường. Vy hừ nhẹ hất tóc, tiếp tục xoay bút nghĩ bài tập trong sách:

- Sao không được? Phòng tao, tao cho ai dùng thì người đấy dùng. Đứa nào dám làm gì?

- Oaaaa, Vy tuyệt quá điiii!

- Cút ra, người yêu bố ghen bây giờ!

***

- Ngọc Anh học chăm thế? Muốn lấy cái phòng tự học hả?

Nim hỏi, nghiêng đầu ngó qua đống toán lằng nhằng trong vở Ngọc Anh nhưng xem không hiểu. Lần trước Ngọc Anh đã đứng thứ 5 khối rồi, lần này cạnh tranh trên quy mô toàn trường, cần phải cố gắng nhiều hơn.

- Ừ, cái phòng đấy có nhà tắm, mùa hè nóng quá mà học thể dục có thể vào đấy tắm rửa.

- Ôi, đến lúc đấy cho Nim tắm với nhé?

Ngọc Anh gật đầu làm mái tóc xoăn tít gọn gàng trên đầu cũng đung đưa theo. Cô bé tự nhủ bản thân giỏi nhất môn anh, văn cũng tạm được, toán thì cố gắng giải nhiều bài một chút chắc sẽ ổn thôi.

Lân ngồi bàn dưới vô tình nghe được cuộc hội thoại của hai bạn nữ, đầu nhảy ra vài ý nghĩ. Cậu tính toán lần trước mình đứng top 2 khối, mà cậu thì không cần cái phòng ấy lắm. Nếu lần này ăn may lọt top 5 toàn trường thì Lân sẽ nhượng quyền sử dụng cho Ngọc Anh vậy. Dù sao đó là động lực để người ta học hành, còn cậu không có cái phòng ấy cũng chẳng chết.

***

Tối nay là tối thứ 6, sau khi mọi người ăn cơm xong xuôi, Vinh nổi hứng muốn làm bánh ngọt. Ái Lạp nghe xong mừng phát điên, rồi tự dưng nó nhớ ra điều gì, kiêng kị nói:

- Nghe người ta bảo trước kì thi không được ăn trứng, sợ bị điểm 0. Trong bánh kem có trứng, thôi tao không ăn đâu!

Vinh bỗng dưng bật cười thành tiếng, cậu chĩa ánh mắt khinh bỉ về phía Ái Lạp, thờ ơ phát biểu:

- Nuốt thêm cái đũa vào không phải sẽ thành 10 sao?

- Mi đi mà nuốt ấy!

Ái Lạp tức giận nhăn mặt, ngửi mùi bánh thơm phức mà lòng khóc ra máu. Cùng lúc đó ngoài cửa vang lên tiếng chuông, bác giúp việc vội chạy ra mở, tiếp đến là hàng loạt tiếng chào ầm ĩ khắp phòng:

- Cháu chào bác, chúng cháu đến học nhóm với Ái Lạp ạ!

- Cháu chào bác.

- Cháu chào bác, làm phiền cả nhà rồi ạ!

Ái Lạp dắt mọi người đi lên phòng, chắc vì tiếng động quá lớn nên mẹ Ái Lạp phải ngó đầu ra ngoài xem. Bà tia một lượt trước những khuôn mặt xa lạ, đoạn dừng lại ở Cường. Bà che miệng, thổn thức kêu lên:

- Ôi, thằng bé kia đẹp trai quá!

- Đâu? Ồ, đúng là đẹp trai thật, hơn cả Bảo ấy nhỉ?

Ông Trịnh cũng thò đầu ra khỏi cửa châm chọc góp vui. Sắc mặt Bảo không được tốt lắm, âm thầm xoay mặt chiến tranh ngầm với ông Trịnh. Bảo không phải hạng người thích ăn bánh phỉnh hay muốn được khen đẹp trai, nhưng nhìn thái độ bà Trịnh thì có vẻ như đang đánh giá mối quan hệ giữa Ái Lạp với Cường khiến Bảo rất khó ở.

Đám nhanh mồm nhanh miệng lập tức ríu rít chào hai bác. Mẹ Trịnh cười cười, trông qua hai cánh tay Ái Lạp bị hai người khác nhau kéo lấy, tủm tỉm nhắc khéo:

- Kéo nhẹ thôi hai đứa ơi, muốn chia đôi Ái Lạp nhà bác ra hay sao?

Bảo nghe xong có chút giật, nhưng cũng không chịu thả ra. Cường nghe nửa hiểu nửa không, dù sao mặt cậu ta vốn rất dày, vẫn hiên ngang nắm lấy cổ tay Ái Lạp. Ông Trịnh không nói hai lời trực tiếp tiến tới giật cô con gái quý hoá ra khỏi mấy cậu trai. Bế Ái Lạp trên tay, ông trừng mắt:

- Đẹp trai thì được, chai mặt thì không tốt.

Lục tục mãi mới ổn định được trong phòng riêng của Ái Lạp. Lần này tới lượt Vinh, Ái Lạp mới lôi sách vở ra thì cậu bước vào. Tay Vinh cầm khay bánh ngọt lớn, cậu nhíu mày trước khuôn mặt xa lạ của Cường, theo thói quen chen vào giữa Ái Lạp và Bảo để ngồi.

- Này em trai, em nên chen vào phía bên kia chị em thì hơn. Cái anh nước ngoài kia phóng khoáng vô cùng, không biết cái gì gọi là nam nữ thụ thụ bất thân đâu!

Trí tỏm miếng bánh ngọt vào mồm tốt bụng nhắc nhở, Vinh lần nữa đứng dậy đổi chỗ. Cuối cùng vì mục đích ban đầu, Ái Lạp chỉ huy Vinh ngồi một bên, Trí ngồi một bên xung quanh mình, Bảo và Cường bị đẩy ra tít xa.

Ái Lạp lần này thật sự quyết tâm so với mấy lần trước, mà cách giảng của Trí cũng phù hợp với Ái Lạp hơn Bảo nhiều. Đối với mỗi câu hỏi của Ái Lạp, Bảo thường lôi công thức trong sách ra mà quát: "Tiếng Anh đẻ ra người ta đã quy định nó như thế rồi! Mày than vãn cái gì, mày sửa được thứ đã ghi trong sách giáo khoa sao?" Còn Trí, cách giảng của anh chính xác là cách giảng của những người không bao giờ tập trung học hành, may mắn thay, Ái Lạp thuộc một trong số đó.

- Action, trọng âm 1, vì sao?

Bảo nghe Ái Lạp hỏi mà ngứa hết cả tai, câu chửi "nó sinh ra đã vậy rồi" nhịn lại ở đầu lưỡi, cố xem xem Trí đáp thế nào với mấy câu kiểu này.

- Thì nghe thuận tai thôi. Tỷ thấy đọc "ách sừn" hay "ạch sứnnnn" hay hơn?

- Cũng đúng nhỉ?

- Đúng quá chứ còn gì nữa! Từ từ này suy ra, tất cả những từ có đuôi "tion" trọng âm rơi vào âm tiết ngay trước nó. Ví dụ "revolution" thì trọng âm rơi vào "lu".

- Ohhhh.....

Bảo câm lặng, hết nói nổi.

- Tại sao "go" chia cột 2 là "went", cột 3 là "gone", mà "cut" vẫn giữ nguyên?

Lại một câu hỏi hết sức vớ vẩn. Nó đẻ ra đã như vậy rồi có được hay không? Không chỉ Bảo, mà tất cả mọi người ở đây đều âm thầm nghĩ thế. Song đối với Trí và Ái Lạp, mọi sự đều có cách giải thích khác.

- Tỷ cứ coi "cut" như một vật thể sống đi. Hễ có ai muốn chia nó sang cột 2 hoặc 3, nó đều nói: Cút! Thế là không có ai dám chia nó cả.

- Ố, thật là logic quá đi Trí ơi! Thiên tài!

- Chuyện, em tỷ mà lị!

- Thế còn "read"?

- "Read" thì em không biết nó nói câu gì, nhưng cũng phải có lí do người ta mới không dám chia nó đúng không? Thôi thì cứ coi như đây là một trong những điều bí ẩn mà nhân loại chưa khám phá ra. Bao giờ em tìm được đáp án, em sẽ báo cho tỷ.

Người tung kẻ hứng, thế mà cuối cùng Trí trả lời được hết đống câu hỏi của Ái Lạp thật, trả lời đến mức Ái Lạp tâm phục khẩu phục, trong đầu văng vẳng mấy chữ "mọi sự đều có nguyên do của nó hết". Cuối cùng vì lẽ đó, Ái Lạp ngoan ngoãn im lặng, không hỏi "tại sao" nữa.

***