- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Cận Đại
- Thanh Mai Không Lấy Trúc Mã (1802)
- Quyển 6 - Chương 45: Kế sách của vợ chồng xã trưởng
Thanh Mai Không Lấy Trúc Mã (1802)
Quyển 6 - Chương 45: Kế sách của vợ chồng xã trưởng
Y theo lời hẹn, lão Sâm đến Thanh Mai lâu, nơi nổi tiếng có nhiều ca kỹ xinh đẹp để gặp Thập Quý. Hắn hẹn lão ở đây, hòng tránh sự nghi hoặc của nhiều người vì chẳng ai bàn chuyện công mà lại đến thanh lâu. Nguyên nhân còn lại, thiết nghĩ, do hắn quá đam mê tửu sắc.
Lúc lão Sâm bước vào phòng đã thấy Thập Quý ngồi ngửa ra sau, miệng hút thuốc phì phò, xung quanh có mấy cô kỹ nữ. Lão đắng hắng ho một tiếng, bấy giờ Quý mới bừng tỉnh dựng người dậy, nhìn phó xã trưởng xong lại ra dấu cho nhóm kỹ nữ rời đi.
Lão Sâm phủi nhẹ vạt áo, ngồi xuống phía đối diện của cái bàn gỗ thấp tè. Thập Quý dẹp bộ dạng ăn chơi đàm đúm qua một bên, trở nên tỉnh như sáo, đon đả rót rượu mời khách quý. Lão Sâm từ tốn uống cạn, tiếp đã nghe Quý dọ hỏi:
"Ngài đã nhận được món lễ mọn của tôi chưa?"
"Hỏi thừa, nếu không nhận được thì sao ta biết mà đến đây gặp ngươi."
"À vâng, ngài nói cũng đúng. Thế chẳng hay, ngài nghĩ gì về món lễ ấy?"
Lão Sâm khẽ liếc mắt, trông thấy vẻ mặt gian manh và thăm dò đầy ngụ ý đó, liền kín đáo cười khỉnh. Đã đưa tiền hối lộ mà còn làm bộ làm tịch, xem ra hắn vẫn muốn thám thỉnh thử thái độ của lão đây mà. Đúng là hắn khá khôn khéo.
"Ta cần biết rõ, ý ngươi muốn gì, từ đó mới nghĩ thử món lễ ấy là ít hay nhiều."
Hiểu lão Sâm cũng có ý bắt tay với mình, Quý cười thầm trong bụng, rồi bảo:
"Đó chỉ mới là lễ ra mắt thôi thưa ngài, sau này tôi sẽ còn tặng ngài nhiều hơn. Tôi biết ngài chẳng ưa gì nhà họ Triệu. Trước là Triệu xã trưởng, giờ lại đến Tưởng, hai cha con đó tranh nhau giành chức xã trưởng. Trong khi ngài xứng đáng hơn tên Tưởng trẻ người non dạ."
Lão Sâm thở dài: "Ngươi cứ vòng vo mãi, chung quy là muốn cùng ta đối phó với Tưởng chứ gì". Thập Quý vẫn giữ điệu bộ cười nham hiểm:
"Sao lại không nhỉ? Chúng ta có chung kẻ thù, chẳng lý gì lại không bắt tay nhau. Hiện tại như ngài thấy, tôi và các bá hộ đang chống đối chuyện trưng thu lương thực. Tuy bọn tôi người đông thế mạnh nhưng những việc không lường trước được vẫn có thể xảy ra vì tên Tưởng đâu phải dạng tầm thường, chưa kể nghe đâu hắn có qua lại với Đỗ tri huyện."
"Vậy ngươi muốn ta làm nội ứng cho ngươi à?"
"Tôi biết ngài nhanh nhạy mà. Tưởng chẳng hề nghi ngờ ngài, ngài lại thường xuyên cùng hắn xử lý công vụ, xem như nắm rõ tình hình nhất. Nếu tên Tưởng tìm ra kế sách gì đối phó chúng tôi thì ngài chỉ cần báo với tôi một tiếng."
"Chỉ cần thế thôi sao?" Lão Sâm nheo mắt.
Thập Quý rót rượu đầy cả hai ly, rồi đẩy nhẹ một ly về phía lão Sâm, nhoẻn cười:
"Trước mắt cần đối phó với việc trưng thu lương thực, sau đó mới tính đến chuyện lật đổ Tưởng. Tôi và ngài, nội ứng ngoài hợp, thể nào cũng bắt chết hắn. Đến lúc ngài lên làm xã trưởng, tôi củng cố thế lực bá hộ, khi đó hai ta tha hồ làm chủ xã Thổ."
Lão Sâm vuốt râu gật gù, cụng ly rượu với Quý xem như cuộc thương lượng hoàn tất. Tuy nhiên, trong lúc tên cường hào ngu ngốc ấy ngửa cổ uống cạn thì lão lại kín đáo nhếch môi. Kế sách này hay ho đó, nhưng còn có một kế khác tuyệt vời hơn nhiều.
Thập Quý thuộc dạng toan tính, duy cái đầu hắn cũng chỉ nghĩ được chừng ấy thôi. Hắn đâu ngờ, lão Sâm cáo già và quỷ quyệt hơn nhiều. Ngoài Tưởng ra, kẻ mà lão muốn diệt trừ tiếp theo chính là Thập Quý. Tên cường hào có quyền và tiền lớn nhất vùng, lão chả dại gì để hắn tồn tại cả, điều đó sẽ đe dọa đến cái chức xã trưởng của lão.
Thế lực bá hộ cần phải diệt trừ, đấy là điều sớm muộn. Thay vì trực tiếp nhúng tay vào thì lão để cho Tưởng và Quý tàn sát lẫn nhau còn mình làm ngư ông đắc lợi, vẹn đôi đường. Vì vậy trong cuộc chiến này, dù bên nào thua thì lão cũng là người thắng.
***
Trong khi lão Sâm và Thập Quý nhàn hạ uống rượu mừng ở Thanh Mai lâu thì Tưởng lại đi trước một bước.
Theo đối sách bàn bạc với Tằm, cậu đã mở một bữa cơm ngay trong vườn nhà họ Triệu. Trước đó, Tưởng tìm những văn kiện trước đây của cha, xem tên những bá hộ nào từng phạm tội hoặc là con cháu của họ đang chờ thụ án để mời đến dự tiệc.
Không cần nói cũng biết, những bá hộ này đã ngạc nhiên ra sao trước cái chuyện xã trưởng bày tiệc. Cả xã đang hạn hán, nhóm phu đào vẫn làm cực lực cùng các bao lương thực vơi dần, ấy vậy Tưởng lại làm một chuyện có phần xa hoa thế này. Đã thế còn yêu cầu đưa con đến dự.
Không khí ồn ào ngừng lại khi Tưởng xuất hiện. Những bá hộ ngồi dọc theo những bàn gỗ dài kê nối tiếp nhau, đưa mắt nhìn cậu ngồi vào chiếc bàn ngay giữa. Tiếp theo, Tưởng gọi người làm mang thức ăn và rượu lên cho khách. Chậm rãi, cậu cầm ly rượu đưa lên cao, mời các bá hộ cùng uống. Xong xuôi, cậu mới cất tiếng:
"Cảm ơn mọi người đã đến dùng bữa cơm trưa này."
Như chờ có thế, một bá hộ liền hỏi với giọng mỉa mai: "Chẳng hay vì sao xã trưởng lại có hứng thú bày tiệc thế này? Chúng tôi cứ tưởng hiện giờ ngài đang vất vả lo chuyện trưng thu lương thực chứ". Vài tiếng cười thầm vang khẽ nhưng Tưởng vẫn điềm nhiên đáp:
"Đúng là lúc này mà bày tiệc thì không hợp lẽ nhưng không làm thì e không hay. Bữa cơm này như để ăn mừng chuyện đào giếng đang diễn ra suôn sẻ, và cũng để cảm tạ các bá hộ đây sẽ trưng nộp lương thực cứu giúp người dân."
Bây giờ ngoài tiếng cười mỉa ra, những lời bàn khe khẽ cũng xuất hiện theo. Hẳn ai nấy đều nghĩ xã trưởng mắc bệnh hoang Tưởng khó chữa, cứ đinh ninh nghĩ rằng họ sẽ trưng nộp lương thực. Vậy lẽ nào bữa cơm này là để lấy lòng?
"Xã trưởng khiến chúng tôi lấy làm khó hiểu quá. Chẳng phải trước đó Thập Quý đã nói rõ, chúng tôi sẽ không nộp lương thực cho ngài rồi ư?" Bá hộ khác lãnh đạm nói. "Lương thực trong nhà còn rất ít, nếu trưng nộp..."
Tưởng tự dưng đứng dậy, hành động mau chóng như thể cắt ngang lời dối trá ấy.
"Được rồi, ta vốn biết rõ số lương thực các vị tích trữ. Nộp một phần nhỏ, làm gì có chuyện chết đói. Tóm lại, các vị không muốn từ bỏ lợi ích của mình thôi."
"Nếu xã trưởng muốn giáo huấn thì chúng tôi xin phép ra về."
Khi những bá hộ lần lượt đứng lên thì Tưởng lập tức nói thật rõ ràng: "Giả sử ta cho các vị một cái lợi lớn trong chuyện trưng thu lương thực thì sao?". Tất cả chợt ngừng lại, quay qua nhìn Tưởng hàm ý muốn hỏi điều đó nghĩa là gì.
"Giải thích cụ thể, nếu đồng ý nộp lương thực thì ta sẽ cho mỗi người một cái lợi."
Những bá hộ nhìn nhau. Gì đây? Giờ xã trưởng mang chuyện công ra đổi chác ư? Im lặng chốc lát, một bá hộ liền hỏi, cái lợi này là gì? Tiền hay quyền lực? Hai thứ đó, họ không thiếu.
"Cả hai đều không phải." Tưởng mỉm cười, "đó là xóa tội cho các vị hoặc con cái của các vị."
Lông mày ai nấy đều dãn ra bởi chưa hiểu rõ cái được gọi là "xóa tội" ấy. Tưởng chẳng nói gì, chỉ quay qua nhìn về phía nhà lớn. Rất nhanh, Tằm xuất hiện ngay cửa, trên tay bê theo một chồng giấy bước ra ngoài và tiến đến bên bàn. Sau khi chờ vợ đặt xuống hết, bấy giờ Tưởng mới nhẹ nhàng đặt tay lên chồng giấy, gõ đều:
"Đây là văn kiện kể tội những bá hộ có mặt tại đây, trước là do cha ta giữ và bây giờ đến lượt ta chấp hành xử. Trong này, các vị đều phạm tội ít nhất một lần, kể cả con của các vị."
Những bá hộ mau chóng nhìn nhau, nửa lo lắng nửa khó hiểu. Lắng nghe âm thanh xào xáo của họ, Tưởng cười nhẹ đồng thời cầm lên một văn kiện, đọc to. Là về chuyện con trai của bá hộ Miêu trốn đi sai đinh (lính), cả con trai bá hộ Ất dám đào ngũ, hay bá hộ Liêu phạm tội vu khống người khác, rồi còn bá hộ Sáng bắt bớ người vô cớ. Đa số đều là những tội không nhỏ.
Nghe Tưởng đọc văn kiện về tội của mình mà những bá hộ lấm lét nhìn nhau, mặt xanh mày xám hết cả. Tức thì, một bá hộ lập tức lên tiếng:
"Rốt cuộc, ngài muốn gì?"
Tưởng ngừng lại, quan sát hết lượt dáng vẻ lo lắng của những bá hộ, rành rọt:
"Ta không định xử tội các vị tại đây đâu, mà là muốn để các vị lấy công chuộc tội."
"Ý ngài phải chăng muốn bảo, chỉ cần chúng tôi trưng nộp lương thực thì sẽ được xóa tội?"
"Đáng ra việc này là không thể nhưng đây là cách duy nhất để cứu vãn tình hình hạn hán hiện tại. Ta biết rõ thế lực cũng như phe cánh của các vị, vì vậy chẳng thể đối đầu cũng như không muốn tạo sự thù địch. Nhưng các vị lại không muốn trưng nộp lương thực nên ta đành dùng đến đối sách hai bên cùng có lợi này."
"Liệu ngài đủ sức xóa tội cho chúng tôi?"
"Trong đây có một số tội mà ta vẫn đủ quyền hành để không truy cứu, còn lại các tội trốn lính, đào ngũ thì ta sẽ trình lên triều đình xin miễn tội hoặc không thì chí ít cũng sẽ phạt nhẹ. Thể nào, cái lợi này ta cho các vị không nhỏ chứ?"
Ai nấy đều trầm tư nghĩ ngợi. Đúng là không ngờ Tưởng lại đem chuyện xử tội ra mà làm "khế ước" trao đổi. Dù tiền nhiều đến mấy, họ vẫn phải bị xử phạt với tội mình gây ra.
Trông vẻ lưỡng lự từ mọi người, Tằm mới theo đà lấn tới, khi nhẹ nhàng khuyên:
"Chỉ cần nộp lương thực là các vị đã được xóa tội. Lý nào các vị muốn bị phạt, và để con trai mình đi lưu đày hoặc bị nhốt vào ngục tối ư? Bên nào lợi, bên nào hại, ắt các vị hiểu rõ."
Câu nói khéo léo lẫn đúng lúc của Tằm trở nên hữu hiệu, khiến sự kiên quyết trong lòng những bá hộ đã bị đánh sập. Chưa kể, vài người còn nghe con trai van nài cha hãy cứu giúp. Họ biết, nếu đồng ý trưng nộp lương thực thì có nghĩa sẽ chống lại lệnh của Thập Quý. Nhưng một bên là người ngoài, một bên là bản thân mình và con cái, họ hiểu rõ cái nào quan trọng hơn.
Cuối cùng, kết quả ngả ngũ khi những bá hộ này đồng ý nộp lương thực.
- 🏠 Home
- Ngôn Tình
- Cận Đại
- Thanh Mai Không Lấy Trúc Mã (1802)
- Quyển 6 - Chương 45: Kế sách của vợ chồng xã trưởng