Chương 68

Quây là tiếng lóng trong nghề, chỉ hiện tượng rất thường gặp khi bước vào khu vực chịu sự ảnh hưởng của thánh địa vùi thây: bị triệt đường ra.

Hai gã điểm chỉ đỏ đã quay lại chỗ đáng nhẽ là nơi neo thuyền, nhưng giờ chỉ thấy một vùng nước mênh mông và bóng con thuyền của bà Diêu dừng giữa dòng. Mặc dù trong lòng có phỏng đoán, bọn gã vẫn không cam tâm mà nhảy xuống bơi thử, nhưng bơi bao xa cũng chẳng thể tiếp cận gần hơn. Lúc này bọn gã đành phải chấp nhận sự thật: bị quây rồi.

Theo những nhà hành hương có học thức đi trước, quây hoạt động theo một cơ chế không thể lý giải bằng khoa học, nên đếch ai thèm lý giải nữa mà chỉ tìm cách phá thôi.

Phá quây có nhiều hướng, do quây tự phá hoặc do người trong quây phá.

Hướng thứ nhất có thể hiểu theo hai trường hợp hoặc tất cả đi sâu vào thánh địa, bị quây ở chỗ thứ hai, chỗ thứ nhất sẽ tự phá để đợi con mồi tiếp theo sập bẫy. Hoặc dân hành hương bên trong chết hết, quây cũng tự phá.

Hướng thứ hai thì mất thời gian hơn, nhiều dân hành hương non trẻ mới vào nghề thường chọn làm theo, rốt cuộc đều phải quay lại hướng thứ nhất hết lượt.

Bà Diêu không tính đến tình huống bị quây, bởi cũng như lỗ chó, quây trước giờ chỉ xảy ra trong thánh địa, chứ không phải ngoài rìa như thế này.

Bà Diêu liếc bốn dân làng đang thoi thóp, lại ngửa đầu xem Bạch Lang đứng sừng sững trên cái cây cao nhất nhìn xuống chúng sinh, chẳng ai biết anh ta trèo lên lúc nào. Sau bà nói:

“Người phụ nữ sẽ chết vào tối nay, đến lúc đó quan sát dị tượng rồi tính tiếp.”

Nửa đêm hôm đấy chẳng cần ai đánh thức Nam cũng phải bật dậy bởi tiếng cồng tiếng trống inh ỏi như cả buôn làng mở hội đánh rầm rầm bên tai nó. Khi mọi người lén lút bước xuống nhà sàn, dị tượng mà bà Diêu dự đoán đã xảy ra.

Người phụ nữ già tưởng chết đến nơi đang nhảy múa dưới ánh trăng. Tay bà đánh trống, chân bà dậm nhịp, miệng bà ca hát, cuồng nhiệt như U20.

Sương ngày càng đậm đặc, dần dần tiếng nhạc của bà lão không còn cô đơn. m thanh cồng chiêng hòa cùng bà ngày càng nhiều, như có hàng trăm, hàng nghìn người Cổ Cồng đang hát. Nam bắt đầu khó chịu bứt rứt, ruột gan nôn nao. Nó nhìn sang bên cạnh thấy mấy người phụ nữ thậm chí đổ máu cam, đàn ông con trai thì biểu hiện như bị trĩ. Nó lại ngửa đầu xem, Bạch Lang ngồi xuống hết sức ung dung, anh ta chẳng khác gì vị khán giả duy nhất trong rạp hát đêm nay.

Khi sương mù đặc đến nỗi che khuất hoàn toàn vách núi và màng nhĩ của Nam đã muốn rách tới nơi, bà lão mới bắt đầu vừa đi vừa múa di chuyển về hướng nghĩa trang tổ tiên. Buổi hòa nhạc cõi âm cũng dần đến hồi kết.



Hai gã sinh đôi và Hai Tý định đuổi theo nhưng Bạch Lang đã từ trên cây cao nhảy xuống ngăn cản bọn họ. Anh ta nhìn bà Diêu, mặc dù chẳng biết bịt cái khăn đen trong trời tối như này anh ta có nhìn được thật không, lắc đầu. Bà Diêu rất tin tưởng phán đoán của Bạch Lang nên lập tức ra lệnh:

“Phía trước có nguy hiểm, quay lại sáng mai tính.”

Sáng hôm sau Hai Tý đi tới nghĩa trang kiểm tra, nhưng quan tài có cả trăm nghìn cái, biết kiểm tra từ cái nào? Hắn đang định đi về thì phát hiện Bạch Lang cũng tới, anh ta tay không trèo vách đá, thoăn thoắt như khỉ núi vậy.

“Có gì lạ không?” Hắn thuận miệng hỏi với lên, cũng không định đợi câu trả lời. Bởi vì từ lần đầu gặp Bạch Lang tới giờ hắn chưa từng thấy anh ta nói nửa từ, ngay cả khi đối diện bà Diêu anh cũng luôn giữ thái độ di thế độc lập-

“Khoan!” Tôi giơ tay dừng lời kể của hai người anh em.

“Sao cảm giác văn vẻ mấy người đặc biệt lai láng khi nhắc đến cậu sói trắng đấy nhỉ?”

“Có sao?” Hai miệng một lời, chớp mắt ngây thơ nhìn tôi.

Tôi hận sắt không thành thép lắc tay chấn chỉnh bọn họ:

“Có, rõ rành rành ra! Cái gì mà khán giả trong rạp hát, không thấy cậu ta đứng mỏi nên chuyển ngồi sao? Gì mà di thế độc lập? Tôi thấy có khi cậu ta không biết nói-”

Hai Tý và Nam đồng thời mím môi ra dấu cho tôi nhìn đằng sau.

Tôi hoạt động cần cổ từ từ quay đầu, vừa thấy người đến liền khẽ khàng mỉm cười:

“Không biết nói tiếng Việt, phải không?”

Lạy trời là thế!