Ba Tư Hãn thấy con gái ông đã bước vào trong nhà rồi mới đem tất cả những tiền nhân hậu quả giữa con gái ông và Ốc Tế Cách kể ra một lượt. Ông Ba Nhan thà không nghe còn đỡ. sau khi vỡ lẽ liền nổi xung lên, chỉ mặt Ba Tư Hãn chửi lớn:
- Lão già hồ đồ kia, con gái mi ở nhà tằng tịu với trai, thế mà mi còn cho nó hại con tao!
Ba Tư Hãn đâu phải người chịu để cho kẻ khác mắng nhiếc, bởi vậy ông cũng quát trả lại. Thế là hai bên ông sui cùng nổi điên, chửi rủa om cả phòng khách. Họ đều là người ở bên quan ngoại nên tính tình rất hung bạo, nóng nảy, một lời không hợp tức thì tuốt đao để tương kiến ngay. Và lập tức cả hai đều đã làm vậy. Bọn thị vệ đứng hai bên hành lang nghe trong phòng khách náo loạn, vội chạy vào khuyên can rồi đưa Ba Tư Hãn ra bên ngoài. Trong nhà bà phúc tấn vợ ông Ba Nhan cũng chạy tới khuyên can chồng.
Từ hôm đó, hai vợ chồng Ba Nhan sống cuộc sống âm thầm đau khổ, đôi mắt lúc nào cũng đẫm lệ, cõi lòng nhàu nát như dưa. Tâm trạng thê thảm đó khiến ông Ba Nhan không chịu nổi nữa. Qua ngày thứ bẩy, ông mặc đủ nhung trang, lên giáo trường hạ lệnh cho quân sĩ toàn thành Chương Kim phải tề tập nghe lệnh. Ông đứng bên trướng đài, đem việc Ốc Tế Cách âm mưu gϊếŧ hại Ngoã Ngạch như thế nào, người Kiến Châu vệ khinh khi người Đổng Ngạc bộ ra sao nói cho toàn quân được rõ.
Ông nói lúc lâm ly, lúc cảm khái hùng hồn, khiến cho ai nấy tóc dựng đứng, mắt trợn tròn xoe. Sau khi thuyết phục ba quân ông thao điểm trận đồ, huy động mã bộ quân sĩ, mãi tối mới căng lều an nghỉ. Đêm hôm đó ông không về nhà, nằm một mình trong trướng, đèn đuốc thắp sáng trưng. Tiếng tù và thổi u u từng chập đến nhức óc. Ông nhớ tới đứa con cưng bị chết thảm thương, thêm căm hận, lòng như có lửa đốt…
Giữa lúc ông đang khắc khoải với bầu tâm sự não nề ấy thì tên thị vệ tiến vào bẩm báo:
- Bên ngoài có Phụng Cát Đại Hãn và Sách Tràng A bộ chủ lại yết kiến.
Ông nghe tên hai người này bỗng giật nảy mình. Phung Cát Đại Hãn vốn là một vị quốc vương hạng nhất nhì nơi quan ngoại. Hùng binh dưới quyền chỉ huy của ông có tới vạn người, hơn mười toà thành có tiếng tăm đều nghe theo lệnh ông. Vậy mà đêm nay đích thân ông lại đến Đổng Ngạc bộ thì nhất định là có chuyện gì quan trọng lắm.
Nghĩ vậy. Ba Nhan vội chạy ra đón khách. Ra đến cống ông thấy bọn Phụng Cát Đại Hãn đã có tới hai, ba ngàn người cắm lều trại ngổn ngang. Đại Hãn cưỡi trên lưng ngựa, trông thấy Ba Nhan, vội nhảy xuống, vẻ mặt tươi cười. Hai ông tay bắt mặt mừng dắt nhau tiến vào trong trưởng. Sách Tràng A bộ chủ cũng theo vào. Ba người ngồi xuống ghế. Ba Nhan truyền lệnh bày tiệc.
Một lúc sau, bàn tiệc đã dọn xong. Ông Ba Nhan chường cho Phụng Cát Đại Hãn ngồi vào ngôi giữa. Còn Sách Tràng A bộ chủ ở ngôi khách. Rượu được ba tuần, Đại Hãn mới lên tiếng.
- Nghe tin túc hạ cùng với cháu ruột của quan đô đốc Kiến Châu vệ kết mối thâm cừu, hai bên cùng điều động binh mã để chém gϊếŧ lẫn nhau. Tại hạ đêm nay đến đây với mục đích giảng hoà đôi bên, như thế nên chăng?
Đại Hãn nói tới đây ngừng lại. Ba Nhan lòng đầy oán hận song chỉ còn biết im lặng cúi đầu chờ…
Đại Hãn lại nói tiếp:
- Cậu con trai của túc hạ bị chín tên cường đạo gϊếŧ chết. Trong số chín tên đó có một tên là Ốc Tế Cách. Túc hạ nên nhớ rằng cái tên Ốc Tế Cách này không giống cháu ruột quan đô đốc được. Ốc Tế Cách cháu ruột quan đô đốc đường đường là một trang nam nhi anh hùng, há chịu làm một kẻ đạo tặc có hành vi đê tiện được sao? Quan đô đốc Giác Xương An chỉ vì hoà khí của đôi nhà quan thiết nên mới có ý mời tại hạ đến đây để giảng hoà đôi bên. Hiện nay Ốc Tế Cách tự thân đem trâu dê vàng lụa đến đợi lệnh ngoài viên môn, nếu túc hạ vui lòng thì tại hạ sẽ cho gọi nó vào đây, một là tạ tội cùng túc hạ, hai là quỳ gối lạy túc hạ, nguyện làm con nuôi cho túc hạ hết cảnh cô đơn tịch mịch. Trái lại, nếu túc hạ không chịu, tại hạ có đem sẵn đây bốn năm ngàn quân tinh nhuệ, hễ thấy kẻ nào động thủ trước thì tại hạ sẽ đánh kẻ đó ngay…
Phụng Cát Đại Hãn nói tới đó bỗng sa sầm nét mặt. Ba Nhan vốn từ lâu sợ thế lực của Đại Hãn nên chẳng tiện nói. Tuy nhiên, khi sực nhớ tới thù con bị gϊếŧ, ông lại thấy chẳng có cái lý gì giảng hoà cả. Ông tiến thoái lưỡng nan, thành thử do dự trầm ngâm, chẳng nói được nên lời.
Bỗng một hồi chiêng trống nổi lên rầm rĩ bên ngoài. Rồi tin tức dồn dập đưa vào:
- Công tử Ốc Tế Cách thân tự tới khao quân, hiện đang ở ngoài cửa doanh đợi lệnh bộ chủ.
Ba Nhan liếc nhìn Phụng Cát Đại Hãn đang sa sầm nét mặt, còn Sách Tràng A bộ chủ thì mắt tròn xoe nhìn chòng chọc vào mạt ông lộ vẻ hưng ác đáng sợ. Ông bối rối, không biết hành động ra sao. Rồi một tên thị vệ bước ra, cất tiếng:
- Xin mời công tử Ốc Tế Cách vào doanh.
Một lát sau, công tử họ Ốc cất cao bước, tiến thẳng vào.
Khi thấy Ba Nhan, chàng vội bước lên vài bước, làm lễ xong lại lui xuống đứng ra một bên, thái độ hết sức cung kính. Lúc Ốc Tế Cách vừa mới bước vào, ông Ba Nhan lấy làm căm hận lắm. Nhưng khi nhìn kỹ lại thì thấy chàng là một trang thiếu niên khôi ngô anh tuấn, phong tư tài mạo tuyệt vời, chẳng khác gì cây ngọc, cành vàng, ông tự nhiên mềm lòng, đổi sầu làm vui, mặt bỗng tươi cười như quên hết mọi sầu não bấy lâu. Lại nữa, Ốc Tế Cách đứng hầu bên cạnh cứ luôn mồm xưng tụng một cha nuôi, hai cha nuôi, khiến nỗi oán cừu chất chứa trong lòng ông bỗng như biến mất tự hồi nào.
Ngoài cửa doanh cỗ bàn bày la liệt, vàng bạc lụa vải chất từng mâm từng khay để khao thưởng quân sĩ. Đám quân sĩ được một bữa no say, mặt tươi như hoa nở, miệng cười như nắc nẻ. Họ đồng thanh hô vang:
- Đa tạ công tử Ốc Tế Cách! Đa tạ công tử!
Bên trong trướng, yến tiệc lại bày thêm. Ốc Tế Cách thân tự nâng chén mời. Ba Nhan tuổi đã lớn, tính thích rượu, lại thấy trang thiếu niên anh tuấn đứng cạnh, luôn luôn rót vào tai ông những lời thân mật êm dịu nên càng uống dữ, đến say khướt. Đêm đó, ba người ở lại trong trướng nghỉ ngơi.
Sáng hôm sau, ông Ba Nhan đưa mọi người vào thành, thẳng đến phủ bộ chủ. Ông còn đem Ốc Tế Cách vào nội viện bái kiến phúc tấn, rồi kể cho bà nghe chuyện nhận Ốc Tế Cách làm con nuôi. Bà phúc tấn thấy chàng thiếu niên họ Ốc khôi ngô quyền quý thì trong lòng mừng rỡ khôn xiết. Dưới gối bà hiện đang lạnh lùng hiu quạnh, cho nên có một người con nuôi như Ốc Tế Cách thì còn gì sung sướиɠ vui vẻ cho bằng. Bà bèn lưu chàng ở lại trong phủ, ngày ngày mặc sức chuyện trò.
Nàng dâu của hai ông bà Ba Nhan từ khi trong nhà có Ốc Tế Cách, tự nhiên thấy tiêu tan hết mọi ưu phiền. Nàng là một Văn Quân goá bụa còn chàng cũng vốn một Lưu Lang đã một lần xa cách tình thương, hai người lúc đó tha hồ mà thề non hẹn bể.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tầy gang. Vừa mới đó mà Ốc Tế Cách đã ở lại trong phủ đến mười ngày rồi. Hôm trước, khi ra đi, chàng có đem theo một ngàn binh sĩ, đóng tại ngoại thành. Bọn quân sĩ thấy chủ trướng vào thành đã lâu mà chẳng trở lại, cho rằng đã bị Ba Nhan âm mưu hãm hại, bèn đánh trống khua chiêng, bồ vây tứ phía, miệng hô lớn:
- Trả lại chủ trướng cho bọn ta! Trả lại chủ trướng cho bọn ta!
Binh sĩ giữ thành thấy vậy vội chạy vào bẩm báo. Khi đó, chính là lúc Ốc Tế Cách đang cùng người yêu vui đùa trong hoa viên, khó mà xa nhau nửa bước. Họ muốn sống bên nhau vĩnh viễn, liền bàn nhau đặt ra một kế sách. Rồi một hôm, Ốc Tế Cách nói với ông Ba Nhan:
- Đổng Ngạc bộ kiến với Kiến Châu vệ vốn cùng nhau một tổ sinh ra, nhưng hiện chia làm mười hai xứ ở rải rác khắp nơi. Giá thử có một đạo quân từ đâu tới xâm phạm cõi bờ, e rằng khó bề cứu ứng. Chi bằng đôi nhà hợp lại làm một, cùng ở một nơi. Hiện nay Kiến Châu vệ binh hùng tướng mạnh, nếu lão nhân gia vui lòng tới đó cư trú, ắt nhàn hạ yên vui hơn. Huống hồ ở nơi đấy lại có thúc thúc của Can nhi (con nuôi) bảo hộ thì lão nhân gia có còn gì phải lo ngại nữa!
Ốc Tế Cách trình bày xong. Ba Nhan bùi tai bèn đem vợ con theo Ốc Tế Cách vào ở trong thành Kiến Châu vệ.
Thế là đô đốc Giác Xương An Kiến Châu vệ chẳng mất một tên quân, mũi giáo mà được tất cả thành trì của Đổng Ngạc bộ. Chàng họ Ốc cũng về ở với ông bà Ba Nhan một chỗ.
Nhưng về sau thấy ở vậy không tiện, chàng bèn chọn một nơi hợp ý nhất tại Đổng Ngạc bộ để ở riêng với người yêu cho tự do hơn.
Từ đó hai chú cháu Ốc Tế Cách uy danh ngày một lớn, thành trì chiếm được cũng ngày một nhiều. Sách Tràng A bộ chủ ở kế cận thấy vậy lòng thắc thỏm chẳng yên. Ông rất sợ người Kiến Châu xâm phạm dần địa giới xứ ông, bèn cho con trai là Ngô Thái sang bên nhà sui gia là Cáp Đạt Cát Hãn Vương Thái mượn năm ngàn quân để gìn giữ thành trì khắp nơi. Ông cũng dặn dò mọi người là cố giữ bờ cõi chứ không nên đi xâm phạm xứ khác.
Cổ ngữ có câu: "Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng". Đó là trường hợp của mấy bộ lạc này. Họ muốn yên thân, nhưng người Kiến Châu vệ đâu có để cho họ yên. Đô đốc Giác Xương Lê có năm người con trai chẳng khác gì đàn cọp dữ. Họ mang quân đi tới đâu là phá thành cướp đất tới đó, bao nhiêu thôn xóm đã bị đốt, bao nhiêu phố phường đã bị đánh. Người con cả tên gọi Lễ Đôn Ba Đồ Lỗ, người thứ nhì gọi Ngạch Nhĩ Cổn, người thứ ba gọi Giới Kham, người thứ tư Tháp Khắc Thế và người thứ năm gọi Tháp Khắc Thiên Cổ. Trong số năm người này Lễ Đôn là xuất chúng nhất. Đôn một người một ngựa, qua lại muôn quân ngàn ngựa như vào chỗ không người.
Hồi đó, bọn năm anh em nhà này kéo nhau đánh thẳng tới Tô Khắc Tô Hữ Hà bộ, thu phục tất cả thành trì. Bộ này có một thành tên gọi là Đồ Luân thành, chỉ vì không chịu đầu hàng, bọn họ liền gϊếŧ sạch. Các bộ lạc miền Mãn Châu nghe tin này, ai ai cũng bay hồn bạt vía.
Vương Thái thấy nguy bèn sai người sang triều cống Minh triều, lại cáo thêm việc người Kiến Châu vệ hoành hành bất pháp. Lịch hoàng đế nhà Minh nghĩ ngay một kế "dĩ độc trị độc" để kiềm chế bớt sự cuồng ngạo của người Kiến Châu vệ.
Sau khi tra cứu, biết tổ phụ của Vương Thái xưa là Tốc Hắc Thắc, đã từng được Minh triều phong hiệu, nhà vua bèn phong Thái làm quan hữu đô đốc Cáp Đạt bộ. Ngài còn dặn bảo Kinh lược sử Liêu Đông phái binh đưa Thái về bộ. Được Minh triều vinh sủng, Thái đâm ra cương ngạnh. Bộ lạc các miền lân cận về đầu hàng ngày một đông. Thái đứng giữa ngầm đem toàn lực để chống người Kiến Châu vệ và Mông Cổ, không muốn để cho họ xâm phạm bờ côi của Minh triều.
Đô đốc Kiến Châu vệ Giác Xương Lê đích thân đem quân tới áp chiến, bị Thái đánh cho một trận tơi bời. Người Kiến Châu vệ từ đó hận Thái đến cốt tuỷ. Hồi ấy, miền Kiến Châu có một viên kiện tướng tên gọi Vương Cảo. Dưới trướng Cảo có một đại đội hổ binh leo núi như cọp, vượt sông như rái cá.
Quân của Cảo đi tới đâu cũng không cần giao chiến, chỉ doạ nạt là đủ để địch thủ xin hàng. Suốt giải Ngũ Hành về mặt đông, nơi nào cũng bị Cảo thu phục cả. Do đó đô đốc Giác Xương Lê đối với Cảo cũng có biệt nhãn. Hai người thường bày tiệc trong phủ, nhậu nhẹt say sưa với nhau.
Một hôm, miền Mãn Châu có hội Lễ mẫu. Đền mẫu các nơi đều có lên đồng hầu bóng, quang cảnh rất là náo nhiệt. Nhà nào nhà nấy đều làm cỗ đãi khách. Hôm đó, không cần nói ai cũng biết, trong phủ đô đốc khách khứa đông như kiến, rượu thịt chất như rừng.
Vương Cảo được coi là thượng khách. Cảo đem con trai theo, cùng vào dự tiệc. Người con cả tên gọi A Thái, năm đó mười tám tuổi, mặt mày bảnh bao chẳng thua gì Ốc Tế Cách. Tiệc vào đã được nửa cuộc. Bỗng phi tử của đô đốc Giác Xương Lê xuất hiện, sai người ban phát cho bọn con cháu trong họ những cái túi sặc sỡ. A Thái cũng được một cái. Khi tiệc tan,, theo lễ thì mọi người phải tạ thưởng. A Thái theo mọi người mà vào. Tiệc lớn nên phúc tấn của bốn vị bối lặc đều có đem theo con gái tới dự. Trong số năm phúc tấn chi có bà Tháp Khắc Thế, tên gọi Hỉ Tháp Thích, là xinh đẹp hơn cả. Bà này nói cười duyên dáng. Trong căn phòng rộng, người ta chỉ nghe có tiếng nói của bà. Vừa nhìn thấy A Thái, bà liền nắm lấy tay chàng mà nói:
- Úi chà! Thằng bé đẹp thực!
Vừa nói, bà vừa đẩy A Thái lại trước mặt phi tử của đô đốc Giác Xương Lê. Bà phi này nhìn chằm chặp vào A Thái từ đẩu đến chân khiến Thái mắc cỡ, đôi má đỏ như gấc chín.
Bà Hỉ Tháp Thích cùng với bà Nạp Thích, vợ lẽ của bối lặc Tháp Khắc Thế, thấy vậy vỗ tay cười như nắc nẻ. Chung quanh còn có cả phúc tấn của bối lặc Lễ Đôn cùng các cô nàng mới xuân xanh đôi tám, cũng xúm lại nghe. Bà phi tử cười nói:
- Người ta vốn con nhà gia giáo, chứ có đâu có ranh mãnh, tai quái như bọn con gái chúng mày. Chúng mày phải có lễ độ mới được. Chúng mày chẳng thấy đôi má người ta đỏ ửng lên như thế kia sao? Thật dễ thương đấy chứ?
Bà Nạp Thích cũng lên tiếng hoạ theo:
- Này bà! Ngày đêm bà thường phàn nàn không tìm thấy một chú rể tài mạo song toàn. Hôm nay, chắc bà đã vừa ý với cậu này rồi chứ? Thiết tưởng bọn ta không nên để lỡ dịp.
- Hãy giữ cậu ta lại trong phủ rồi gả con gái cho có phải không?
Lời bà Nạp Thích làm cho bà phi tử sực tỉnh. Bà liền nói:
- Tốt lắm! Ta đem con cháu lớn mà gả cho cậu ta thì còn gì xứng đôi vừa lứa hơn nữa chứ!
Con cháu lớn chính là cô con gái đầu của bối lặc Lễ Đôn. Cô này khuôn mặt trái xoan, cười nói có duyên, mắt bồ câu, mày lá liễu, thân hình yểu điệu, tính nết đoan trang, tuy chưa phải nghiêng nước nghiêng thành nhưng cũng có thể liệt vào hàng sắc nước hương trời.
Bà phúc tấn Lễ Đôn nghe xong liền tiếp lời:
- Bà nói thì hẳn là tốt rồi. Con mắt của bà thì nhầm làm sao được chứ!
Giữa lúc các bà đang cao hứng nói cười thì đô đốc Giác Xương Lê từ ngoài bước vào. Ông thường liên lạc mật thiết với Vương Cảo đã từ lâu cho nên khi nghe chuyện gả bán vừa rồi thì khen lấy khen để, vỗ tay vào đùi. Thực ra thi vợ chồng bà Lễ Đôn muốn cho con gái lấy chồng xa, nhưng vì cha mẹ đã có ý đứng làm chú hôn trong việc này thì còn làm sao dám chống đối.
Chẳng bao lâu, phủ đô đốc lại một phen tưng bừng náo nhiệt. Người ta rầm rộ tổ chức lễ cưới. Chương Kinh, Kiến Châu, từ các nơi thuộc hạ đều đem lễ vật lại mừng: bộ lạc Tô Khác Tô Hữ, bộ lạc Vân Hà, bộ lạc Vương Giáp, bộ lạc Triết Trần, bộ lạc Nạp ân, bộ lạc áp Lục Giang, bộ lạc Ngột Tập, bộ lạc Ngoã Nhĩ Khách, bộ lạc Khố Nhĩ Cáp, bộ lạc Ngư Thích, bộ lạc Diệp Hách, tất cả các bộ chủ có tên tuổi khắp Mãn Châu đểu tới đông đủ. Đô đốc Giác Xương Lê sai người nhất nhất khoản đãi niềm nở, trọng thể. Thật là một cuộc vui hiếm có xưa nay ở đất Mãn Châu này.
Sau khi A Thái lấy được cô cháu của đô đốc vệ Kiến Châu, hai vợ chồng ăn ở với nhau rất là hoà thuận, mặn nồng. Vợ
Thái người vừa đẹp mà tính nết lại hiền hậu. Nhạc gia đối với Thái cũng rất tử tế. Bởi vậy đã có người đùa bảo Thái có số may "chuột sa chĩnh gạo". Vợ thái còn lưu ý cả tới tương lai của chồng nên nàng có lần ngầm xin ông nội giúp đỡ cho chồng mình. Đô đốc Giác Xương Lê nể lời cô cháu gái bèn phong cho A Thái chức Chương Kinh, trấn đóng tại thành Cổ Tượng.
Vợ Thái hí hửng chạy về cho chồng hay và giục chồng đáo nhiệm. Nào ngờ Thái mắc phải cái tật mê luyến vợ con. Vợ Thái bao lần khuyên nhủ rút cục Thái vẫn ỳ ra không đi. Vợ Thái bực mình lắm, bèn đem rửa sạch son phấn dồi mặt, cỏi bỏ hết áo sang quần đẹp, rồi mặc bộ quần áo cũ rách, hết sức tiều tuỵ. Nàng lại còn quỳ xuống trước mặt chồng, khóc thút thít mãi không thôi, Thái vội đỡ vợ đứng dậy, bất giác lệ cũng từ từ rơi trên má.