Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 169: Chiếc áo da rái cá

« Chương TrướcChương Tiếp »
Vì chính mắt mình đã nhìn thấy ma quỷ hiện hồn trong cung cấm, Tây thái hậu liền truyền lệnh tập hợp binh sư Lạt ma vào cung, lập đàn chay cúng giải. Thế là ngày đêm chiêng trống vang rền, nơi cung cấm yên tĩnh bỗng trở thành một ngôi chùa miếu. Chuẩn bị mãi mấy ngày gần xong, sư Lạt ma tâu lên Tây thái hậu viện bắt đầu bắt quỷ trừ tà.

Bắt quỷ trừ ma thực là cả một thoại kịch thú vị vốn đã từng có trong cung Ung Hoà. Chuyện xảy ra như thế này.

Dùng một tên Lạt ma nhỏ tuổi, cho mặc áo trắng, đầu đội mũ trắng, mặt bôi năm sắc nham nhở, rồi cho nằm nép tại một nơi kín đáo bí mật trong cung. Vị Đại Lạt ma tụng kinh làm phép ở trên đài, bỗng đèn đóm tắt ngủm, rồi một tiếng rống lên ghê rợn… Tên tiểu Lạt ma giả làm quỷ sống khi nãy tức tốc từ trong chỗ núp xông ra. Bọn Lạt ma khác đứng chực sẵn chung quanh, tay cầm lăm lăm những thanh tre dài, khi nghe Đại Lạt ma quát rầm mấy tiếng, lập tức xông tới gần tên tiểu Lạt ma, dùng thanh tre phang vào người, vào đầu tới tấp. Con ma (tức là tên tiểu Lạt ma cải trang bị đánh co cẳng chạy lung tung tìm cách trốn thoát, cả bọn Lạt Ma cứ thế đánh đuổi, ma chạy trước, sư chạy sau, gây thành một đám đông hỗn loạn hết sức tức cười. Ma cứ chạy mà sư cứ theo mãi ra khỏi cung môn, theo mãi đến khi không thấy nữa mới quay trở về. Ma đã chạy rồi, lúc đó ai cũng yên chí rằng không còn ma quỷ tà yêu gì nữa, đèn đuốc lại đốt lên sáng choang.

Nhưng lần bắt quỷ trừ ma này vì được tâu lên thái hậu biết trước, nên làm quỷ đều phải là bọn thái giám đảm trách.

Đến lúc đuổi quỷ, tất cả bọn cung nữ phì tần trong cung đều phải tham gia. Cô nào cô nấy đều cầm thanh tre, đứng chực sẵn để "lâm trận".

Từ trên đàn cao, vị Đại Lạt ma niệm thần chú, bắt ấn bắt quyết xong, miệng rống lên một tiếng lớn: "Đuổi quỷ".

Tức thì, bọn cung nữ tay múa chân nhảy xông tới đuổi đánh bọn thái giám giả làm lũ quỷ vừa từ trong các ngõ kẹt xông ra. Bọn quỷ bị đuổi đánh ôm đầu chạy tứ tung, nhảy qua tường, xuyên qua rãnh, luồn hết cung này chui sang điện nọ, chẳng một nơi nào là không băng qua, nhất là những nơi có ma quỷ hiện hồn trước đây.

Bọn thái giám giả làm quỷ chạy như điên, còn bọn cung nữ được đuổi đánh thì miệng cười như nắc nẻ, tay múa những thanh tre như múa gươm giáng thẳng cánh vào đầu mấy tên thái giám đôm đốp. Nhiều tên bị u đầu rát tai, hoặc tay chân rớm máu, chỉ trong nháy mắt quang cảnh đã trở thành hỗn độn tùm lum, y như một đám giặc.

Tây thái hậu, hoàng thượng và hoàng hậu, Cẩn phi hôm đó đều tới đàn chay xem đuổi quỷ bắt ma. Thấy quang cảnh hỗn độn như vậy, nín không được cũng phá lên cười ngặt nghẽo.

Bọn cung nữ đuổi lũ quỷ giả chạy một mạch tới mãi một cái ao nước đã chuẩn bị trước. Tới đây, lũ thái giám giả quỷ co cẳng nhảy ùm hết xuống, lấy hai tay vội vàng rửa mặt cho hết những mực phấn tô lên. Đến lúc này tức là đã coi như đuổi hết quỷ rồi vậy, quỷ nhảy xuống ao theo Long vương Hà bá mất tăm rồi.

Chuyện đuổi quỷ trừ tà nực cười như vậy đấy, thế mà cũng lạ, từ đó về sau quả nhiên được yên ổn, không còn thấy ma quái hiện hồn phá quấy, doạ nạt nữa. Bởi thế việc này dần dần trở thành một tập quán, cứ đến cái mùa ấy là trong cung lại tổ chức một buổi lễ cúng kiếng rồi bắt ma trừ tà ầm ỹ như vừa kể.

Ta hãy quay lại chuyện vua Quang Tự… Từ khi xa giá hồi loan về cung, Tây thái hậu nhìn Quang Tự hoàng đế như một cái đinh trong mắt. Bởi vì Quang Tự, khi dùng Khang Hữu Vy và Lương Khải Siêu để thi hành việc cải cách chế độ cũ của nhà Thanh đã quá mục nát, liền bị Tây thái hậu ngăn chặn, đồng thời bắt gọn cả bọn tân chính chư thần vào trong một mẻ lưới. Đó là cuộc chính biến Mậu Tuất (1898).

Dẹp xong, Tây thái hậu đích thân lâm triều buông rèm nghe chính. Đây là lần thứ ba Tây thái hậu quay lại nắm quyền chính và cũng là lần chót đưa nhà Thanh đến mạt vận, gây nên cuộc cách mạng năm Tân Hợi (1911).

Nhưng không ngờ sau đó, Tây thái hậu tin tưởng vào bọn đại thần gian ngoan như Đoan Vương, Cương Nghị, nhận lầm phải đường lối của bọn Nghĩa hoà đoàn khiến đến nỗi phải trốn chạy khổ sở. Trong cuộc trốn chạy ấy. Tây thái hậu phải tự nhận rằng mình đã chẳng làm gì hơn được Quang Tự hoàng đế nên đã đích thân thi hành tân chính để mong mang lại thái bình. Bởi thế, trong lòng bà, lúc nào cũng nơm nớp bực bội xấu hổ, và nhục nhã. Tất nhiên, tâm trạng ấy kéo dài sẽ đẩy thái hậu đến chỗ nghiệt ngã và hơn thế, thù hận Quang Tự hoàng đế.



Bà hạ lệnh cho bọn nội giám và thị vệ phải nghiêm phòng các cửa vào Doanh đài, nơi Quang Tự hoàng đế ở với người đẹp Cẩn phi. Sự nghiêm phòng gắt gao đến mức Quang Tự không khác chi kẻ bị giam cầm.

Đầu năm Canh Tý (1900), Tây thái hậu đặt đủ biện pháp để cô lập Doanh đài. Ở mặt trái Doanh đài, có một cái cầu, và một số thuyền bè túc trực tại hai bên bờ hồ. Chiếc cầu này xây bằng đá tảng, những lúc cần, có thể rút đoạn giữa cầu lên được để cắt lối đi. Ban ngày người ta buông cầu xuống để đi lại. Nhưng bây giờ, thái hậu đã lệnh rút cầu vĩnh viễn.

Thế là bất luận ngày hay đêm không còn ai có thể tự do ra vào Doanh đài nữa. Mỗi khi, mong ân được triệu bọn phi tần bắt buộc phải dùng thuyền nhỏ mới vào được. Hồi đó, bên cạnh Quang Tự hoàng đế, chỉ có vỏn vẹn Cẩn phi mà thôi. Bởi thế, những lúc đầu hôm sớm mai, bên hoa dưới nguyệt, Quang Tự hoàng đế đôi khi không khỏi thấy trơ trọi, cô đơn, tình thế của ông vua bị giam cầm, phế bỏ. Rồi ngài tưởng nhớ đến Trân phi, người đẹp lý tưởng của ngài mà lòng càng thêm ngao ngán, buồn bã. Bất giác ngài nấc lên thành tiếng.

Cẩn phi thấy vậy cũng chẳng ngăn được lệ sầu tuôn chảy. Hai người ôm nhau khóc lóc thảm thiết, thương mình và thương lẫn cho nhau.

Có một lần, giữa cơn mưa tuyết lạnh thấu xương, tuyết đóng trên đất bặng dầy tới năm thước, Tây thái hậu gọi một tên tiểu thái giám khâu một cái áo bằng da con rái cá rồi đem sang Doanh đài cho Quang Tự hoàng đế. Bà còn dặn thêm tên tiểu thái giám:

- Khi dâng chiếc áo cho hoàng thượng, ngươi tâu với ngài là vải do Lão Phật gia đích thân cho để cắt may vốn là vải bố, còn cúc áo thì bằng vàng. Cứ câu nói đó ngươi nói đi nói lại mãi chừng ba bốn lần, để xem hoàng thượng trả lời ra sao, rồi trở về bảo cho ta hay, nghe chưa?

Tên tiểu thái giám lãnh chỉ, dùng chiếc thuyền nhỏ bơi qua Doanh đài, dâng chiếc áo lên cho Quang Tự hoàng đế. Hắn y theo lời Tây thái hậu dặn, nhắc đi nhắc lại mãi câu nói trên.

Lúc đầu, Quang Tự hoàng đế tuy có nghe đấy nhưng cứ tảng lờ như không. Về sau, thấy tên tiểu thái giám cứ lải nhải mải, ngài không nhẫn nại được nữa, liền nổi khùng lên, quát:

- Ta biết rồi! Y chỉ của Thái hậu là bảo ta sau này chết bất đắc kỳ tử, có thế thôi. Hiện nay cái chết của ta chưa hợp thời Ta còn phải đợi ít lâu nữa chết mới hợp, nghe chưa? Thái hậu có ý mong cho ta chết đi, nhưng ta thấy cái chết của ta chưa có giá trị thì ta chưa chết. Ngươi về tâu với thái hậu đúng như lời ta vừa nói nghe chưa?

Tên tiểu thái giám thấy Quang Tự hoàng đế nổi cơn thịnh nộ, không dám nói năng gì thêm, vội hối hả quay về cung thái hậu. Cẩn phi lúc đó cũng có bên, biến sắc mặt, nói:

- Hoàng thượng nói vậy không sợ thái hậu giận sao?

Quang Tự bất giác nhếch mép cười ruồi đáp:

- Đã đến nước này, ta còn có sợ cái gì nữa chứ? Cùng lắm thì bà lão tàn ác cũng chỉ đối xử với ta như đối xử với bọn Túc Thuận mà thôi.

Cẩn phi nghe Quang Tự hoàng đế nói vậy, vội lấy mắt ra hiệu, nhưng đang lúc căm giận tràn hông, ngài đâu có còn giữ gìn ý tứ gì.

Sở dĩ có điều báo hiệu của Cẩn phi là vì hồi đó đã có con Hương Nhi tới đây để hầu hạ hoàng thượng. Cẩn phi biết đó là người của thái hậu cử đến dò xét. Và đó đâu phải là ả. Là hắn mới chính xác. Bởi hắn chính là Quản Cẩu An. Việc hắn hoá thành Hương Nhi cũng là cả một câu chuyện.



Như ta đã biết, Quản Cẩu An nhờ tên nội giám Lý Lục Lục tiến dẫn đã được thái hậu sung vào Như Ý quán rồi rất được Thái hậu sủng ái và tín cẩn. Ngay trước mặt bọn cung nữ và thái giám, mỗi khi gọi An vào yết kiến, bà đều gọi An là "con trai tao" (ngã nhi), có lúc bà lại gọi An là Hương Nhi.

Bởi thế tất cả cung nhân trong nội đều gọi hắn là Hương bối tử. An cũng có quyền hành khủng khϊếp chẳng thua gì Hương vương thuở nọ.

Đắc thế đắc thời như vậy Hương Nhi ra vào nơi cung cấm chẳng còn kiêng kỵ gì cả, lại chuyên làm tai mắt cho Tây thái hậu, do thám bất cứ hành động nào của kẻ khác, đem về mách với bà.

Hương Nhi làm cái việc do thám một cách vô cùng đắc lực nên bất cứ một chuyện gì dù nhỏ nhặt vụn vặt đến đâu, Tây thái hậu đều biết hết, Cẩn phi đã rõ Hương Nhi là ai, làm việc gì nên thấy Quang Tự chẳng giữ gìn ý tứ gì cả, thì hất hoảng lắm.

Một lát sau, quả nhiên những lời Quang Tự nói đến tai Tây thái hậu. Tức khắc bà hạ chỉ cấm tất cả các đại thần không được tới Doanh đài để vấn an hoàng thượng nữa.

Sở dĩ có thêm việc cấm chấp này là vì từ trước tới nay, suốt trong thời gian Quang Tự hoàng đế bị giam cầm tại Doanh đài, bọn đại thần còn có quyền ra vào để vấn an, hoặc là bọn cương thần (bọn quan lại trấn giữ nơi biên cương) được phép vào bệ kiến. Thực ra, Thái hậu đã muốn cấm chấp từ lâu rồi, khi có chuyện Sầm Huyên từ Tây An vào Doanh đài.

Sầm Xuân Huyên chính là người đem quân cần vương phò giá Tây thái hậu chạy trốn lên Tây An. Do đó bà mới tán dương Huyên là người trung nghĩa, và hứa thưởng tứ sau này.

Khi xa giá hồi loan về Bắc Kinh rồi, Tây thái hậu giữ lời hứa thăng ngay Sầm Xuân Huyên lên làm Tổng đốc Tứ Xuyên.

Khi ra đi nhậm chức Huyên có xin vào bệ kiến Quang Tự hoàng đế trong Doanh đài. Quang Tự vừa nhìn thấy Huyên bỗng nước mắt giàn giụa chảy ướt cả đôi gò má. Chính giữa lúc ngài định dốc bầu tâm sự với Huyên thì Quản Cẩu An đột nhiên từ ngoài bước vào. Ngài biến hẳn sắc mặt, không nói nữa.

Sầm Xuân Huyên biết có điều khó nói, bèn thừa cơ thỉnh an rồi lặng lẽ lui ra. Tuy chưa có gì lộ ra nhưng với thái độ khả nghi của Quang Tự hoàng đế cũng như Sầm Xuân Huyên, Quản Cẩu An vốn quỷ quyệt, xảo trá, làm sao mà chẳng nghi ngờ. Tức khắc, An quay về cung tâu với Tây thái hậu. Được tin này, Tây thái hậu thấy cần phải đề phòng gấp, bà tính hạ ngay một đạo chi dụ xuống để cấm chỉ không cho bọn đại thần vào bệ kiến hoàng thượng, nhưng lại thấy có điều bất tiện cho Quản Cẩu An, nên đành phải từ từ đợi thời. Và đến bây giờ, lệnh đã được ban ra.

Doanh đài, thực ra chỉ là cái tên tổng quát của một cái điện gọi là Hàm Nguyên điện mà thôi. Kích thước của Hàm nguyên điện vỏn vẹn có ba gian nhà trệt, mỗi gian rộng chỉ hơn một trượng. Lùi về phía sau, có một cái lầu nhỏ. Đấy là tất cả cái khung cảnh của Doanh đài, được dùng làm nơi giam cầm ông vua chót của nhà Thanh, sau mười mấy đời vua gốc Mãn Châu vào thống trị Trung Quốc.

Có một hôm trời đã về chiều, Quang Tự hoàng đế cùng Cẩn phi ngồi đối diện nhìn nhau mà bồi hồi thổn thức. Không ai nói với ai nhưng cả hai đều nhận biết cái buồn của nhau.

Cuối cùng Quang Tự hoàng đế gượng đứng dậy thả bộ lên lầu Ngài phóng tầm mắt ra xa, đứng bất động như pho tượng.

Bỗng ngài thở dài đánh trượt một tiếng, rồi lững thững nện những bước chân nặng nề trên thang lầu để đi xuống…
« Chương TrướcChương Tiếp »