- 🏠 Home
- Đô Thị
- Xã Hội
- Thằng Dím
- Chương 8: Dím thay đổi …?
Thằng Dím
Chương 8: Dím thay đổi …?
Thằng Dím – Tác Giả Trường Lê.
Chap 8 : Dím Thay Đổi …?
Đúng là ông Kha luôn có suy nghĩ như vậy , tình cảm của một người cha dành cho đứa con điên dại vô cùng to lớn . Chẳng ai trách được ông Kha bởi những lời có phần cay độc đó bởi lẽ ai trong hoàn cảnh ấy cũng sẽ nghĩ như vậy . Mồ côi cha ăn cơm với cá , mồ côi mẹ liếm lá dọc đường . Dím đã… mất mẹ từ nhỏ rồi trở thành người điên bao năm qua , nếu không may ông Kha cũng theo người vợ quá cố cuộc đời Dím sẽ còn thống khổ hơn gấp trăm lần. Ai lo cho Dím từng bữa cơm , rồi đau ốm , bệnh tật khi mà Dím vốn dĩ đã không được bình thường .
Một gia đình càng đi sâu vào bên trong chỉ càng thấy một màu đen tối . Ngay cả người ngoài như tôi khi biết được mọi chuyện cũng thấy nghẹn lời . Cảm giác bất lực khi mình không thể giúp được gì khi đã biết tất cả .Tôi đặt bát cơm xuống vì không thể nuốt được tiếp , bà thấy vậy lo lắng :
— Thằng này ốm thật rồi , ăn có bát cơm mà mãi không hết….Hay gọi người tiêm cho một mũi nhé.
Tôi nhìn bà mỉm cười , bà vẫn như vậy , nhớ ngày nhỏ ở cùng với ông bà , hễ cứ cảm sốt một tí là lại gọi bà Thảo y sĩ đến nhà tiêm . Mà ngày đó tôi sợ tiêm lắm , bởi bà Thảo có cái kim tiêm bằng thủy tinh to vật vã , nhìn cái mũi kim tiêm dài ngoằng sáng loáng tôi chỉ muỗn bĩnh ra quần. Mãi mãi sau này lớn lên thì tôi mới biết cái bơm kim tiêm đó là dùng để tiêm cho lợn , bà Thảo ngày đó cũng có thể gọi nôm na là bác sỹ thú y , kiêm tiêm luôn cho cả người . Bà vác theo cái kim tiêm lợn đó là để dọa con nít như tụi tui ra điều :
— Còn khóc là tao dùng cái kim to này đấy , không khóc thì bà dùng kim bé thôi.
Vầng , nhớ lại thôi mà cũng nhói cả bắp tay….Nhưng mỗi khi tiêm xong bà đều cho hai cái kẹo bạc hà . Cầm kẹo trên tay mà không dám khóc , phải đợi bà Thảo xách túi ra về mới dám chảy nước mắt vì thật sự bà Thảo tiêm đau lắm. Tuy nhiên bà Thảo cũng đã mất lâu rồi….Tôi hỏi bà :
— Ngày xưa thì còn gọi được bà Thảo chứ bây giờ gọi được ai hả bà..?
Bà trả lời :
— Ngay đầu đường có nhà cô Loan bán thuốc, cô ấy là dược sỹ hay bác sỹ gì ấy…Nhưng ốm đau gì mà gọi là cô ấy cũng đến nhà khám cho .
Tôi vội đáp :
— Thôi cháu không ốm đâu mà tiêm , sáng đi cháu có ăn bánh mỳ rồi nên giờ ngang dạ .
Lúc này bà mới sực nhớ ra một chuyện :
— À mà cháu có biết bố mẹ đi đâu không..? Sáng thấy đi sớm lắm cũng dặn bà là không ăn cơm nhà…Mà còn bảo có khi về trên kia luôn , về chơi mới được có mấy ngày mà cứ như ma đuổi.
Tất nhiên là tôi biết vì tối qua sau khi ăn uống xong thì mẹ tôi có nói qua với tôi một chuyện. Đó là đang tìm mối cho tôi đi sang bên nước ngoài du học, gọi là du học cho oai chứ thực ra là sang đó đi làm . Tôi cũng đồng ý , vậy nên sáng nay chắc mẹ tôi quay về để lo liệu vài thứ . Trước khi đi mẹ tôi cũng dặn là tôi ở lại đây chơi với ông bà một hai hôm nữa rồi về để đi làm thủ tục . Mẹ còn dặn đừng kể với ông vì sợ ông chửi , ông tôi không thích con cháu đi xa. Ông luôn nói :
— Ở nhà làm có chết đói đâu mà phải đi tít đâu đâu làm gì.
Tôi trả lời bà :
— Mẹ cháu chắc về nhà rồi bà ạ….Cháu ở đây hai hôm nữa rồi cũng về thôi , chắc mối lái người ta gọi lên làm giấy tờ . Làm xong chắc hết hè bà ạ…
Bà thở dài :
— Vẫn cố đi nước ngoài đấy hả cháu , ừ thôi thì bố mẹ mày quyết như nào ông bà cũng không tham gia được . Chẳng biết chúng mày cứ đi thế này , lúc về còn được nhìn thấy ông bà không nữa cơ….Mang tiếng nhà đông con , đông cháu mà thui thủi quanh đi quẩn lại chỉ có hai ông bà già , với cậu mày…Mà nó cũng có ở đây đâu.
Tôi cũng chỉ biết an ủi động viên bà rằng sang kia được thì sẽ gọi điện về nói chuyện với ông bà liên tục . Cuối cùng tôi cũng chỉ còn ở đây hai ngày nữa , lần về quê này tuy ngắn nhưng giúp tôi nhận ra nhiều giá trị tinh thần vô cùng thiêng liêng . Giúp cho tôi cảm nhận được cuộc sống xung quanh mình một cách rõ nét , chân thực đến mức phũ phàng .
Một gia đình bất hạnh , một kẻ điên dại , một người đàn ông lớn tuổi gồng gánh trên vai bao đau đớn , dằn vặt đến bây giờ vẫn chưa tìm được lối thoát . Câu chuyện về Dím được chính người cha là ông Kha kể lại khiến cho tôi cảm thấy xót xa cho một kiếp người . Tối ngày hôm ấy tôi không ngủ được , vắt tay nằm suy nghĩ tôi liên tưởng đến từng chi tiết trong câu chuyện đời của ông Kha . Trong đầu tôi đặt ra câu hỏi : “ Nếu như hôm đó ông Kha không uống rượu..? “
Đúng vậy , nếu như vậy thì mọi chuyện đã không xảy ra thương tâm như thế….Nhưng rồi tôi chợt nhận ra , chắc chắn câu hỏi này không chỉ riêng tôi nghĩ . Người nghĩ nhiều nhất đến nó chính là ông Kha , lỗi không phải do ông nhưng vô hình chung ông lại nghĩ vợ ông vì ông mà chết , con ông vì ông mà điên….Ông Kha là một ông già khốn khổ . Cuộc sống này không có khái niệm “ nếu như “ , những quyết định của chúng ta trong quá khứ nó giống như một mũi tên bắn đi không thể nào quay lại . Nó chỉ khác biệt khi mũi tên đó trúng đích hoặc trượt đích mà thôi . Chẳng ai có thể bào chữa cho những quyết định hay những việc đã xảy ra , chúng ta chỉ có thể ngậm ngùi chấp nhận và nói đó chính là Số Phận.
Ông Kha với gương mặt khắc khổ, đôi mắt có phần hơi dữ nhưng rất biết quan tâm người khác đó đã chấp nhận Số Phận của chính mình . Cuộc đời ông đã được sống trong hạnh phúc rồi cũng chính cuộc đời đã cho ông nếm đủ mọi đắng cay , uất hận . Có lẽ sẽ chẳng bao giờ tôi gặp được một người “ điên “ có bản lĩnh và nghị lực sống như ông Kha . Tôi ngủ thiếp đi trong mớ suy nghĩ rối như tơ vò ấy , để rồi ngày cuối cùng tôi ở lại quê nhà ông bà . Biết rằng sau này có khi phải lâu lắm nữa tôi mới có dịp về đây . Tôi đi bộ lang thang khắp những nơi mà ngày bé mình hay chơi đùa , cái chợ cũ giờ đây đã được quy hoạch lại khá khang trang , sạch sẽ với nhưng gian hàng được xây gạch đàng hoàng , con sông với cái lạch nước chảy êm ái khi cửa cống vẫn chưa được mở lên , lúc này hãy còn sớm , trời hôm nay nắng không gay gắt như mọi khi. Tôi bước lên sân đình , nơi mà ngày nhỏ tôi cùng đám bạn hay búng bi , đập ảnh .
Trước mắt tôi là đám nhóc đang đào đào hai cái lỗ nhỏ tí , chúng căn khoảng cách sao cho phù hợp rồi đào . Mấy thằng khác thì tay cầm cả cái chai nửa lít bên trong đựng những viên bi đủ màu sắc . Đi chân đất, quần áo lấm lem , đào lỗ xong chúng phủi tay luôn vào quần rồi bắt đầu cuộc chơi giống như tôi mấy năm về trước . Chỗ tôi ở bây giờ trẻ con không còn chơi những trò này nữa , chúng ra net chơi máy vi tính. Chỉ có về quê tôi mới thấy được những hình ảnh đầy kỷ niệm ngày xưa . Nhìn đám nhóc chơi máu trẻ trâu trong người tôi cũng nổi lên , tôi tiến lại hỏi :
— Đứa nào có bi bán cho anh 10 nghìn anh chơi với được không..?
Bọn nhóc tỏ ra e dè bởi một ông cao lớn lại đòi chơi trò trẻ con, tôi phải thuyết phục là muốn chơi thật mãi sau một thằng nó mới chịu đi lấy cái chai đựng bi rồi bảo tôi :
— 10 nghìn 20 viên .
Nó đổ chai bi ra nền sân bằng đất rồi lựa lựa những viên xấu xấu đưa cho tôi , trong khi đó những viên lạ mắt , những viên bi nhỏ hơn bình thường thì nó giữ lại. Tôi hỏi thì nó bảo đấy là viên bi cái của nó , không bán….Cũng nhiều năm rồi tôi mới được thấy những viên bi đủ màu sắc như thế này . Tôi chọn một viên có bảy màu rồi nói :
— Cho anh lấy viên này , thì 10 nghìn anh chỉ lấy 10 viên thôi.
Thằng nhóc đồng ý luôn , cầm số bi trong tay tôi cũng lao vào chơi mà quên mất rằng năm nay mình đã hơn 20 tuổi . Bọn nhóc chơi siêu lắm , lắm quả xa ơi xa mà nó bắn vẫn trúng . Chẳng mấy chốc mà 10 viên bi của tôi đã bị chúng nó ăn dỗ hết , chỉ còn duy nhất viên bi cái là viên bảy màu . Đám nhóc nhìn tôi đúng hiệu con gà , chúng chỉ trỏ bảo nhau ra gạ tôi mua tiếp . Ván cuối cùng , khi tôi búng viên bi đi ra xa một đoạn thì tôi thấy Dím cũng đang bước lên sân đình . Một lần nữa viên bi bảy màu lại lăn lăn về phía Dím , khác với ngày xưa đám nhóc không giống như bọn tôi hô hào nhau bỏ chạy . Vừa thấy Dím chúng lại reo hò :
— Ông Dím , ông Dím kìa tụi bay ơi…..
Hôm nay Dím khác hẳn mọi hôm , quần áo mới , có lẽ hôm qua tắm mưa xong ông Kha đã thay quần áo cho Dím , nhưng vẫn là phong cách mùa hè mặc áo bông . Tóc vẫn dài nhưng thay vào đó là bộ râu đã được cạo sạch . Cạo râu , thay quần áo sạch sẽ hơn nhìn Dím đúng thật rất hiền lành . Có vẻ như Dím đã quen với bọn nhóc nên thấy chúng reo hò Dím cũng cười ngây dại rồi ú ớ không ai hiểu câu gì. Dím cúi xuống nhặt lấy viên bi bảy màu rồi cũng lại chìa tay ra phía tôi như ngày tôi còn bé :
— Ưm…ưm…..uề….uề…..
Ký ức như ùa về , tôi khi đó chỉ là một thằng nhóc nhỏ con , còn Dím lúc này đã gọn gàng không còn đáng sợ như ngày xưa nữa. Không , thực ra bao năm qua Dím vẫn vậy , vẫn luôn hiền lành như thế….Chỉ có chúng tôi ngày xưa là tự tạo cho Dím cái vẻ ngoài đầy sợ hãi mà thôi . Tôi tiến lại chỗ Dím , tôi xòe tay ra nhận lấy viên bi bảy màu mà Dím đã giúp tôi nhặt lên :
— Cảm ơn anh Dím nhé….
Đúng vậy , lẽ ra lời cảm ơn này tôi phải nói với Dím nhiều năm về trước . Một thằng nhóc nói :
— Ông Dím hay lên đây ngồi xem bọn em bắn bi , mà lắm lúc có thằng nào lỡ tay bắn đi xa quá là ông ấy cũng đi tìm giúp tụi em . Tìm thấy là ông ấy đem trả lại đúng thằng vừa bị mất .
Tôi hỏi :
— Tụi em không sợ Dím à..?
Cả lũ cười to :
— Ha ha ha , sợ gì cơ….Chúng em nhiều hôm còn đá bóng ở đây….Ông Dím còn về nhà lấy nước cho tụi em uống đó. Chỉ cần đưa tay lên miệng làm bộ uống nước là ông ấy về lấy nước ngay….Tuy ông ấy bẩn với hôi nhưng cũng chỉ ngồi xem bọn em chơi chứ có làm gì ai đâu mà sợ .
Không biết Dím nghe có hiểu đám nhóc đang nói về mình hay không nhưng Dím cười ngây ngô rồi hoa tay múa chân ra hiệu điều gì đó. Tôi không hiểu, đám nhóc cũng không hiểu , nhưng tôi biết sau khi trả lại viên bi cho tôi thì Dím rất vui . Một niềm vui giống như tôi làm được điều gì giúp đỡ người khác . Tôi hỏi bọn nhóc :
— Ở đây có quán kem nào không nhỉ..?
Một đứa trả lời :
— Có , có anh ạ….Ngay kia một đoạn có quán bà Tiên bán kem , kem gì cũng có.
— Vậy cả đám , cả Dím…..đi ăn kem , anh đãi .
Đám nhóc ồ lên sung sướng , chúng nó giơ tay lên hô hào : Đi thôi, đi thôi…..Dím cũng bắt chước y chang bọn nhóc . Cả lũ ùa vào quán kem trong cái nhìn đầy ái ngại của bà Tiên chủ quán . Cái nhìn nghi ngờ của bả chỉ biến mất sau khi tôi rút tiền ra trả . Chúng tôi cũng chẳng thèm ngồi ở quán bà ấy , tôi bảo bọn nhóc lấy túi bóng đựng kem lại rồi tất cả kéo nhau quay trở lại sân đình vừa mát lại vừa thoáng .
Sân đình trở nên ầm ỹ , tràn ngập tiếng cười khi bọn nhóc nhìn Dím ăn kem , lem nhem hết cả ra mặt. Mùa hè của tôi cũng kết thúc như vậy , một mùa hè ở quê tuy ngắn ngủi nhưng lại cho tôi những kỷ niệm đáng nhớ vô cùng . Sau khi hoàn thành mọi thủ tục , tôi đi nước ngoài ba năm , trong thời gian đó công việc bận bịu do phải vừa học vừa làm. Lời hứa gọi điện về cho ông bà thường xuyên tôi cũng không thực hiện được……Cuộc sống cơm áo, gạo tiền nơi đất khách cũng khiến tôi không còn nhớ đến câu chuyện về anh Dím , tất cả chỉ còn là quá khứ .
Dím giờ này ra sao…? Câu hỏi tôi buột miệng nói ra trong bữa cơm cũng tại nhà ông bà nhưng là của ba năm sau , cái ngày mà tôi về nước . Nhà ông bà tôi lúc này đã có thêm cậu Toàn , vợ cậu Toàn và con của cậu Toàn . Cậu tôi cưới mợ sau khi tôi đi nước ngoài , mợ tôi cũng giống cậu , đứa bé gái tầm 15 tuổi kia là con của mợ , và cậu tôi cũng gọi nó là con . Trong bữa cơm chắc có lẽ con bé nó lười rửa tay nên cậu tôi mắng nó bẩn. Tôi mới buột miệng :
— Cho mày lấy anh Dím nhé…
Cậu Toàn ngạc nhiên :
— Vẫn nhớ được Dím cơ à..? Mà Dím giờ khác rồi nhé…
Tôi ngạc nhiên , chẳng cần lục lọi trí nhớ những thứ về Dím ngay lập tức hiện rõ trong đầu tôi như một phản xạ tự nhiên , tôi hỏi :
— Dím giờ này ra sao hả cậu..?
———————————
Hết nợ ngày hôm nay , post xong đi làm bát phở vì mất điện..!! Số khổ vc..!!
- 🏠 Home
- Đô Thị
- Xã Hội
- Thằng Dím
- Chương 8: Dím thay đổi …?