Những lời đồn đại về Quỳ Dạ Ngao quả không sai. Từ cốc chủ tỏa ra một nguồn nội lực mà một phàm nhân luyện công cả đời còn khó có thể tưởng tượng ra, chứ chưa nói đến chuyện luyện thành. Chưa cần phải cầm vũ khí lên, Thừa Lân đã biết sự khác biệt giữa hai người là quá xa. Thậm chí cho chàng mặc thiết giáp, mọc thêm hai tay, sử dụng thần khí đối đầu với Dạ Ngao dùng tay chiêu cũng chẳng thắng nổi.
Dạ Ngao cất tiếng nói, giọng hào sảng nhưng đầy nội lực, "Chào mừng các vị đến với Quỳ Trang sơn cốc. Ta đã sai tiểu đồng đun nước cho các vị tắm rồi. Giờ các vị vào tư phòng của ta ghi danh, để ta biết rõ các vị là người phương nào, cũng như thuận tiện sau này chia đồ ăn thức uống theo khẩu phần."
"Trong hang động mà cũng phân được phòng sao?" Thừa Lân nghĩ trong đầu nhưng không nói ra. Nhưng đi dần vào trong, chàng mới nhận ra rằng càng đi vào, hang động càng mở rộng ra. Ở phía trong ánh sáng không thể vào, nên trên vách động bốn bề đều thắp đuốc sáng quắc, từ dưới nhìn lên trần, từ trái nhìn sang phải đều cao vài trượng. Bên vách động có những gian lợp bằng tranh và gỗ, ngăn cách những chiếc phản kê gần nhau, tựa hồ như những gian phòng để mọi người ngủ nghỉ. Trong cùng hang động là một vách ngăn che kín phía trong, có cửa mở ra vào, khi bước vào thì không gian thoáng đãng, có các loại khí cụ đặt một góc, góc kia một kệ sách, góc nữa lại đôi ba mộc nhân, nhiều thứ đồ như vậy mà cũng không khiến căn phòng chật chội. Đây hẳn là tư phòng của Quỳ Dạ Ngao.
Giữa phòng có một chiếc ghế tràng kỷ làm từ tuyết mộc, trạm khắc long bàn hổ cứ (rồng nằm hổ ngồi) vô cùng tinh hoa. Chiếc ghế đó nặng phải tới vài trăm cân, nếu không phải họ Quỳ nhớ dăm ba người cùng khênh lên núi thì dễ thường vị cốc chủ này có sở thích trạm khắc khi nhàn hạ.
Quỳ Dạ Ngao ngồi xuống, chong đèn dầu lên, lật một quyển sổ ra rồi hỏi danh tính đầy đủ các vị mới đến.
Xong xuôi, Quỳ cốc chủ mời mọi người ra ngoài nghỉ ngơi, chỉ giữ lại Ô Di Hà và Hoàn Thừa Lân. "Hai người có lẽ là thủ lĩnh của nhóm người này?"
Ô Di Hà đáp, "Tại hạ là thủ lĩnh đoàn người, còn đây là ngũ đệ của tại hạ."
Dạ Ngao nhìn Thừa Lân rồi gật gù. "Cả hai người đều có tướng lãnh binh."
"Cốc chủ cứ quá lời," Hà đáp. "Quỳ cốc chủ uy vũ như thế này, sao không xuất sơn cứu rỗi bá tánh một phen?"
"Ta cả đời chỉ tu luyện võ học, một chữ binh pháp bẻ đôi ta cũng không biết, liệu có thể giúp được bao phần? Chiến trường ăn thua ở bày binh bố trận, chứ một sức ta cũng không thể cản được vạn quân."
Ô Di Hà vẫn muốn nói vài lời nữa để thuyết phục, nhưng Dạ Ngao chỉ đáp, "Nếu đại hiệp hay bất cứ vị đại hiệp nào khác muốn rời sơn cốc, chiến đấu vì tổ quốc, ta không hề cấm cản. Nhà của ta là ở đây, kẻ nào hung hăng tới ta sẽ đuổi đi, nhưng ta đã cho các vị nơi nương tựa, các vị đừng nhân tiện thuyết phục ta rời đi, thật không hay chút nào đâu."
Ô Di Hà không nói gì nữa. Quỳ Dạ Ngao phổ biến nội quy sơn cốc. Đơn giản mỗi người trong sơn cốc ngày nào còn ở đây thì sẽ tham gia vào sinh hoạt chung, săn bắn, hái lượm, chăn dắt, nuôi trồng ngũ cốc. Nếu còn ở lại sơn cốc thì không xuống núi, còn nếu xuống núi thì theo đường phía Tây đi xuống, không để lộ tung tích sơn cốc cho lũ giặc ngoài kia.
Khi hai người chuẩn bị rời đi, Hoàn Thừa Lân mới hỏi, "Cốc chủ không biết có nghe ngóng được thông tin gì về Lãnh binh châu đốc Hoàn Thừa Ngạn và gia quyến không?"
Dạ Ngao đáp, "Ta chưa nghe nói, nhưng những người ở đây có thể trả lời cho thiếu hiệp. Hoàn đại tướng với thiếu hiệp quan hệ như nào?"
"Người đó là cha tại hạ."
"Thảo nào; thảo nào." Dạ Ngao gật gù, rồi không nói gì nữa. Thừa Lân cũng không hiểu những lời vừa rồi của cốc chủ là có ý gì.
Bọn Hà, Lân tắm rửa rồi tụ tập trong một vách ngăn trong sơn cốc. Họ ăn một bữa tối ngon lành, đầy đủ mà lâu lắm rồi vẫn chưa được ăn. Ô Di Đạo liên tục tấm tắc khen tài nghệ của Từ Túc Anh, nói rằng bàn tay kì diệu của nữ nhân như một liều thần dược khiến hắn khỏe ra năm, bảy phần. Kì thực thì y sĩ nào đã thức tỉnh nội công tầng thứ ba đều có thể trị thương như Từ nương, chỉ là họ Từ quá xinh đẹp nên Ô Di Đạo một phen nhiều lời. Nếu là nam nhân thì hắn đã không đếm xỉa, thậm chí có khi còn mắng chửi khi được dặn là trong vài ngày tới không được đυ.ng tới rượu.
Bọn họ đang ăn tối thì nghe thấy tiếng nói chuyện từ vách ngăn đối diện. Bên đó có hai kẻ mặc thường phục, vừa nốc rượu vừa lèm bèm với nhau.
Kẻ thứ nhất nói, "Lúc thằng chó đẻ Hung Nô đó đυ.ng vào thê tử của ta, ngươi biết nó làm cái gì không? Nó xé toạc quần áo trên người thị ra! Ta chỉ hận lúc đó tay trói sau lưng, dao kề cổ, không thể làm gì, không ta đã băm vằm nó ra thành nghìn mảnh!"
Kẻ thứ hai đôi mắt long sòng sọc. "Giống dã thú! Bọn chúng gϊếŧ chết hài nhi của ta, xác con ta ta còn không được nhìn lần cuối! Bây giờ đây chỉ cần quan quân Kim quốc đi qua đây, bọn họ mà muốn đánh thì ta cũng tình nguyện tham gia. Nếu không trả được thù này thì sống trên đời làm gì nữa!"
Kẻ thứ nhất nước mắt lưng tròng, ứa gan ứa ruột đáp, "Phải chi điều đó là sự thực. Kim chủ đâu có muốn đánh. Nếu không phải vì địch tới quân ta đã hèn nhát vứt cả đao kiếm bỏ chạy, thì đâu có tới nỗi thê thảm thế này?"
Kẻ thứ hai thở dài đườn đượt. "Cứ tưởng tân Kim chủ lên ngôi sẽ khác. Nào ngờ chẳng khá hơn tiền chủ là bao. Không có ai dám đứng lên, nước sắp mất thật rồi."
Cổ Mạnh Ninh nghe được mới nói nhỏ với cả bọn, "Có vẻ ở đây nhiều người còn quyết tâm kháng Mông lắm. Chi bằng chúng ta dành vài ngày tới mỗi người vài lời thống thiết, thuyết phục bọn họ gia nhập chúng ta, cùng xuống núi sống mái với Hung Nô một phen."
"Vậy thì còn gì bằng!" Ô Di Đạo vỗ đùi bem bép.
Bữa tối xong xuôi, cả bọn ai nấy đều mệt nhoài, lăn ra ngủ. Hoàn Thừa Lân vừa lim dim ngủ, chợt thấy có ai khẽ lay vai của mình, mở mắt dậy thì mới thấy là Ô Di Hà.
Ô Di Hà nói, "Hoàn đệ, theo ta ra ngoài kia."
Lân hỏi, "Có chuyện gì vậy?"
Hà đáp, "Ta đã hứa sẽ giúp đệ trau dồi kiếm pháp, lời hứa đó ta không quên đâu."